Khi nào một người bị truy nã? Nếu bắt được người bị truy nã có được thưởng tiền hay không? Đây là thắc mắc của một số người dân, liệu có giống như những phim kiếm hiệp nếu bắt được đối tượng bị truy nã sẽ được thưởng trăm lượng vàng, ngàn lượng vàng? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
Truy nã được quy định như thế nào?
Truy nã là việc cơ quan điều tra ra quyết định để truy tìm tung tích của người vi phạm pháp luật hình sự (đã có hoặc chưa có bản án xét xử của tòa án) khi người đó bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu.
Truy nã tội phạm là hoạt động tố tụng hình sự – nghiệp vụ của lực lượng công an nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nhằm phát hiện, tìm kiếm, bắt giữ người có hành vi phạm tội đang lẩn trốn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phạt tù hoặc tử hình.
Căn cứ nào để quyết định truy nã?
Cơ quan có thẩm quyền chỉ được ra quyết định truy nã khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Đối tượng bị áp dụng: Truy nã có thể được áp dụng với một trong các đối tượng: Bị can, bị cáo; người bị kết án trục xuất, người chấp hành án trục xuất; người bị kết án phạt tù; người bị kết án tử hình; người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu.
- Có đủ căn cứ xác định đối tượng trên đã bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu và đã tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt nhưng không có kết quả;
- Đã xác định chính xác lý lịch, các đặc điểm để nhận dạng đối tượng bỏ trốn.
Trong đó, theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC, các đối tượng sau đây nếu bỏ trốn thì sẽ bị truy nã:
- Bị can, bị cáo
- Người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất
- Người bị kết án phạt tù, tử hình
- Người đang, tạm đình chỉ hoặc hoãn chấp hành án phạt tù
Khi đó, theo Điều 112 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bất cứ ai cũng có quyền bắt và giải ngay người đang bị truy nã đến cơ quan công an, Viện kiểm sát, ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và báo ngay hoặc giải ngay người bị truy nã đến cơ quan có thẩm quyền.
Bắt được người bị truy nã có được thưởng tiền không?
Hiện nay, theo pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể cho việc hứa thưởng với những người dân phối hợp vây bắt đối tượng phạm nhân trốn thoát.
Tuy nhiên, trước đây thì Bộ Công an có đề xuất thưởng 5 triệu đồng cho cá nhân và nhiều nhất là 20 triệu đồng cho tổ chức có thành tích trong công tác phòng, chống tội phạm, gia đình và người trực tiếp tham gia phòng, chống tội phạm bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hay tài sản và các đơn vị liên quan đến hoạt động phòng, chống tội phạm ở trung ương và địa phương.
Khoản tiền thưởng này sẽ được trích từ quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách cho người bắt tội phạm bị truy nã.
Mặc dù khi dự thảo này được đề xuất có rất nhiều người đồng tình ủng hộ, nhưng bên cạnh vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều cho rằng mức thưởng này còn chưa phù hợp vì hành vi của những kẻ phạm tội rất hung hãn có thể gây ra những rủi ro không đáng có cho người dân.
Khi bắt được người bị truy nã, người dân cần làm gì?
Căn cứ theo Điều 112 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015,, quy định về việc bắt người đang bị truy nã như sau:
Đối với người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Khi bắt người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.
Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Như vậy, theo quy định nêu trên, khi người dân bắt được người đang bị truy nã thì có thể giải ngay đến những cơ quan sau đây:
- Cơ quan Công an nơi gần nhất;
- Viện kiểm sát nơi gần nhất;
- Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.
Khi tiếp nhận người đang bị truy nã thì các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.