Hiện nay, các tỉnh thành miền trung đang phải trải qua một trong những cơn bão mạnh nhất từ trước tới nay theo đánh giá của Cục khí tượng thủy văn. Vào tình hình này nhiều cá nhân, hộ gia đình trọng diện có nguy cơ bão mạnh phải sơ tán, nhiều hoạt động phải tạm ngưng, trong tình thế này lương thực, thực phẩm là yếu phẩm rất quan trọng.
Tuy nhiên, theo nhiều ghi nhận của người dân và phóng viên tại nơi đây giá cả hàng hóa tăng đột biến, đặc biệt là rau củ và các mặt hàng nông sản. Việc này có thể ảnh hưởng một phần do nguồn cung lương thực đang bị hạn chế ra vào các tỉnh thành miền trung, một phần do tình hình sản xuất bị đình trệ. Mặc dù thế, không ít nơi ghi nhận số lượng nông sản vẫn còn rất nhiều nhưng các thương gia cố tình nâng giá cao trong tình hình khó khăn này.
Nông sản là dịch vụ thiết yếu
Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh.
- Thực phẩm tươi sống, gồm thịt (các sản phẩm từ thịt), thủy sản (các sản phẩm từ thủy sản), rau, củ, quả (các sản phẩm từ rau, củ, quả), trái cây, trứng (các sản phẩm từ trứng)…
- Hàng công nghệ phẩm: bánh kẹo, muối, bột nêm, gia vị, nước mắm, đường, dầu thực vật. Sữa các loại, mì gói. Nước uống, nước ngọt đóng chai, lon, thùng…
- Lương thực: gạo, vừng, đậu, ngô, khoai, sắn; bột, tinh bột (các sản phẩm từ bột, tinh bột)…
Dù là trong tình hình dịch bệnh, thiên tai, hay chiến tranh thì hàng hóa thiết yếu vẫn luôn được ưu tiên hoạt động để cung cấp người dân đầy đủ lương thực.
Các hành vi bị nghiêm cấm về giá bán
Giá bán hàng hóa là một trong những chính sách điều tiết thị trường rất khó vì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, dù vậy những yếu tố tác động đến giá hàng hóa không đến một cách tự nhiên sẽ bị cấm theo khoản 2 Điều 10 Luật Giá 2012. Theo đó, nghiêm cấm tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vi phạm các hành vi về giá bán hàng hóa trong thời điểm nhạy cảm để trục lợi bao gồm:
Bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ nhằm gây hoang mang cho người dân để ra sức tích trữ lương thực.
Gian lận về giá bằng cách cố ý thay đổi các nội dung đã cam kết mà không thông báo trước với khách hàng về thời gian, địa điểm, điều kiện mua, bán, chất lượng hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ.
Lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Các hành vi chuyển giá, thông đồng về giá dưới mọi hình thức để trục lợi.
Các mức xử lý hành vi trục lợi nhờ thiên tai
Tùy vào mức độ thiệt hại và tác động ảnh hưởng xấu đến thị trường hàng hóa mà cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét và ra quyết định xử lý như sau:
(1) Xử phạt hành chính
Phạt 20 triệu đồng - 30 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Bên cạnh đó, buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý (Điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP).
(2) Xử lý hình sự
Hành vi lợi dụng tình hình thiên tai, dịch bệnh, xã hội bất ổn mà thực hiện việc nâng giá sản phẩm quá mức gây ảnh hưởng xấu cho nền kinh tế đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì được xem là tội đầu cơ theo Điều 196 Bộ luật Hình sự 2015 quy định các khung hình phạt như sau:
Khung thứ nhất, phạt 30 triệu đồng - 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm.
Đối với người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Hàng hóa trị giá từ 500 triệu đồng - dưới 1.5 tỷ đồng.
- Thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng - dưới 500 triệu đồng.
Khung thứ hai, phạt 300 triệu đồng - 1.5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 03 năm - 07 năm:
- Có tổ chức.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
- Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức.
- Hàng hóa trị giá từ 1.5 tỷ đồng - dưới 3.000.000.000 đồng.
- Thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng - dưới 01 tỷ đồng.
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Khung thứ ba, phạt 1.5 tỷ đồng - 05 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 07 năm - 15 năm:
- Hàng hóa trị giá 03 tỷ đồng trở lên.
- Thu lợi bất chính 01 tỷ đồng trở lên.
- Tái phạm nguy hiểm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm - 05 năm.
Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:
- Phạm tội thuộc khung thứ nhất, phạt tiền 300 triệu đồng - 01 tỷ đồng.
- Phạm tội thuộc khung thứ hai, phạt tiền 01 tỷ đồng đến 04 tỷ đồng.
- Phạm tội thuộc khung thứ hai, phạt tiền 04 tỷ đồng - 09 tỷ đồng.
- Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng - 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm - 03 năm.
Như vậy, hành vi cố tình nâng giá hàng hóa trong tình hình xã hội có nhiều khó khăn là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Đặc biệt là hàng nông sản vì rất cần trong tình hình này. Theo đó, người nào có hành vi đầu cơ tích trữ sẽ bị phạt tiền đến 30 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt nặng nhất là 15 năm tù