DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Lãi chậm trả tiền trong án lệ năm 2016

Avatar

 

Mình tình cờ thấy bài viết này khá hay, nên chia sẻ để các bạn có thêm kiến thức pháp lý liên quan đến vấn đề lãi suất.

Tóm tắt mấy vấn đề chính trước khi các bạn đọc bài viết phân tích của PGS.TS. Đỗ Văn Đại – Trưởng Khoa Luật Dân sự - Trường Đại học Luật TP.HCM

Thứ nhất, tiền lãi do chậm thanh toán = lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường = mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của ít nhất 03 Ngân hàng tại địa phương tại thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm), trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Có thể lấy trung bình của nhiều hơn 3 ngân hàng, có thể là trung bình của các ngân hàng tại địa phương bên bị đơn, nguyên đơn. Trường hợp không xác định rõ địa phương nào thì lấy địa phương nơi Tòa án đang giải quyết vụ việc.

Thứ hai, không được tính lãi suất trên khoản phạt vi phạm hợp đồng.

Thứ ba, thời điểm xác định mức lãi suất là tại thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm)

Trong 10 án lệ được công bố, có án lệ liên quan đến lãi do chậm thanh toán (chậm trả) một khoản tiền. Đó là Án lệ số 08/2016/AL (được xây dựng trên cơ sở Quyết định giám đốc thẩm số 12/2013/KDTM-GĐT ngày 16-5-2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) và án lệ số 09/2016/AL (được xây dựng trên cơ sở Quyết định giám đốc thẩm số 07/2013/KDTM-GĐT ngày 15-3-2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).

Xoay quanh hai án lệ này, chúng ta có một số câu hỏi đáng lưu ý sau: Thứ nhất, khoản tiền nào có thể làm phát sinh lãi chậm trả? Thứ hai, thời gian tính lãi chậm trả là bao lâu? Thứ ba, mức lãi để tính lãi chậm trả là bao nhiêu?

I- Về khoản tiền làm phát sinh lãi chậm trả

1) Khoản tiền được án lệ cho phát sinh lãi chậm trả

* Tiền hoàn trả từ hợp đồng vay

Hiện nay, chúng ta có hai loại vay là vay tín dụng[1] và vay dân sự thông thường[2]. Cả hai loại vay này đều làm phát sinh nghĩa vụ hoàn trả tài sản vay (thông thường là một khoản tiền) và trong trường hợp bên vay không hoàn trả tài sản vay đúng thời hạn thì bên vay phải chịu lãi chậm trả.

Trong Án lệ số 08/2016/AL, Nội dung án lệ được lựa chọn đã khẳng định: “…Đối với các khoản tiền vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo hợp đồng tín dụng tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán…”.

Nội dung trên cho thấy, việc chậm trả khoản tiền vay tín dụng làm phát sinh lãi chậm trả và điều này cũng hoàn toàn đúng với các khoản vay dân sự thông thường.

* Tiền hoàn trả do không thực hiện đúng hợp đồng

Theo Điều 306 Luật Thương mại năm 2005: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Quy định trên đề cập tới lãi chậm trả và có phạm vi điều chỉnh là “chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác” đối với những quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại. Thực tế thường xuyên gặp trường hợp bên bán nhận tiền nhưng không giao tài sản (hàng hóa) đúng hợp đồng (như không giao, không giao đủ hay giao nhưng không đảm bảo chất lượng) và phải hoàn trả khoản tiền đã nhận. Câu hỏi đặt ra là, khoản tiền này (bên nhận phải hoàn trả) có làm phát sinh lãi chậm trả không? Hiện nay, văn bản chưa thực sự rõ về nội dung này nhưng Án lệ số 09/2016/AL đã có câu trả lời. Cụ thể, nội dung của Án lệ vừa nêu đã khẳng định: “Đối với số tiền ứng trước mà không nhận được hàng của 4 hợp đồng kinh tế, Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định chính xác số tiền và buộc Công ty Hưng Yên phải trả lại cho Công ty Việt Ý là đúng. Tuy nhiên, khi tính tiền lãi do chậm thanh toán số tiền nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm mặc dù áp dụng Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 nhưng không lấy mức lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm) để tính, mà lại áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm xét xử sơ thẩm theo yêu cầu của nguyên đơn để áp dụng mức lãi quá hạn (là 10,5%/năm) là không đúng. Trong trường hợp này, Tòa án cần lấy mức lãi suất quá hạn trung bình của ít nhất ba ngân hàng tại địa phương…”. Nội dung vừa nêu cho thấy, lãi chậm trả được áp dụng cho cả việc bên bán hoàn trả tiền hàng do bên mua không nhận được hàng như hợp đồng và việc tính lãi được áp dụng trên cơ sở Điều 306 Luật Thương mại. 

Nội dung Án lệ nêu trên là thuyết phục. Về phạm vi áp dụng, Án lệ trên được hình thành trên cơ sở hợp đồng kinh tế nhưng hướng giải quyết tương tự cần được vận dụng cho hợp đồng không phải là hợp đồng kinh tế như hợp đồng dân sự trên cơ sở khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán Toa án nhân dân tối cao, theo đó: “Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau…”. Án lệ này được hình thành trên cơ sở bên bán hoàn trả tiền ứng trước khi bên mua không nhận được hàng đúng như hợp đồng và hướng giải quyết tương tự cần được vận dụng cho cả trường hợp hủy bỏ hợp đồng do có vi phạm, vì trong trường hợp này, cũng tồn tại nghĩa vụ hoàn trả (theo BLDS[3] cũng như Luật Thương mại[4], bên nhận tiền phải hoàn trả tiền đã nhận khi hợp đồng bị hủy bỏ) và đã có quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán (được trình bày ở phần sau) theo hướng này[5] (tại Pháp thì cũng có Tòa án theo hướng vừa nêu như Tòa Phúc thẩm Metz năm 2011[6]). Khi hợp đồng bị vô hiệu, bên nhận tiền cũng phải hoàn trả khoản tiền đã nhận và Tòa án nước ta theo hướng bên hoàn trả cũng phải chịu lãi trên khoản tiền đã nhận như trường hợp của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương[7] và chúng ta nên duy trì hướng này để có sự thống nhất với Án lệ số 09/2016/AL được phân tích. Để cho thấy tính thuyết phục của hướng vừa nêu, chúng tôi xin lưu ý, thêm rằng thực tiễn xét xử của Pháp cũng có Tòa án theo hướng vừa nêu như Tòa phúc thẩm Toulouse trong một bản án năm 2014[8] và Pháp mới sửa đổi pháp luật về nghĩa vụ dân sự cũng đã có quy định theo hướng bên hoàn trả một khoản tiền do hợp đồng vô hiệu, hợp đồng bị hủy bỏ hay vì lý do khác phải trả lãi chậm trả bên cạnh việc hoàn trả khoản tiền: Theo Điều 1352-6 BLDS Pháp sửa đổi năm 2016, “Việc hoàn trả một khoản tiền bao gồm lãi theo pháp luật” và quy định này “đươc áp dụng cho tất cả những trường hợp triệt tiêu hợp đồng dù việc triệt tiêu này mang tính hồi tố hay không hồi tố như vô hiệu, hủy bỏ hợp đồng hay hợp đồng thất hiệu”[9].

2) Khoản tiền không được án lệ cho phát sinh lãi chậm trả

* Tiền phạt vi phạm hợp đồng

 Pháp luật hiện hành của chúng ta ghi nhận cơ chế phạt vi phạm hợp đồng. Cụ thể, theo Điều 300 Luật Thương mại cũng như Điều 422 BLDS 2005 (Điều 418 BLDS 2015), “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận” vả “Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm”. Với quy định trên, phạt vi phạm hợp đồng được thể hiện bằng việc bên vi phạm trả cho bên bị vi phạm một khoản tiền và câu hỏi đặt ra là ngoài khoản tiền phạt thì bên vi phạm có phải chịu lãi chậm trả không? Câu trả lời đã có trong Án lệ số 09/2016/AL với nội dung: “Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng của Công ty Việt Ý là có căn cứ tuy nhiên lại tính lãi trên số tiền phạt vi phạm hợp đồng là không đúng”. Như vậy, Án lệ số 09/2016/AL đã theo hướng tiền phạt vi phạm hợp đồng không làm phát sinh lãi.

* Tiền bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng

Khi một chủ thể vi phạm gây thiệt hại như vi phạm nghĩa vụ hợp đồng gây thiệt hại thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại này được ghi nhận tại Khoản 1 Điều 302 trong Luật Thương mại theo đó: “Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm”. BLDS 2005 cũng ghi nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại ở Điều 302 và tiếp theo. Ngày nay, BLDS 2015 khẳng định tại Điều 13 và Điều 360 rằng “Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”“Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

Thông thường việc bồi thường thiệt hại được tiến hành bằng việc trả một khoản tiền và câu hỏi đặt ra là khoản tiền bồi thường này có làm phát sinh lãi không? Nói cách khác, bên cạnh việc trả khoản tiền bồi thường thiệt hại, bên phải bồi thường thiệt hại có phải chịu lãi chậm trả không? Trong Án lệ số 09/2016/AL, chúng ta đã có câu trả lời. Cụ thể, trong nội dung án lệ, chúng ta thấy nêu “Tòa án cấp sơ thẩm còn tính cả tiền lãi của khoản tiền bồi thường thiệt hại là không đúng với quy định tại Điều 302 Luật Thương mại năm 2005”.

* Tiền lãi chưa thanh toán

Có thể các bên thỏa thuận về lãi đối với một khoản tiền (như bên vay phải trả tiền lãi hàng tháng hay bên mua phải trả lãi hàng tháng trong trường hợp chậm trả tiền mua) và người có nghĩa vụ chậm trả lãi (bên cạnh việc chậm trả gốc). Ở đây, tiền lãi chưa trả (chưa được thanh toán) có làm phát sinh lãi không? Câu trả lời đã có trong Nội dung án lệ của Án lệ số 08/2016/AL. Cụ thể, trong Nội dung án lệ, chúng ta thấy nêu "Đối với các khoản tiền vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo hợp đồng tín dụng tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán”. Với nội dung án lệ vừa nêu, lãi chậm trả chỉ được tính trên “số tiền nợ gốc chưa thanh toán” mà không tính trên khoản lãi chưa thanh toán. Hướng này loại trừ khả năng lãi mẹ đẻ lãi con.

Tuy nhiên, đối với hợp đồng vay, BLDS 2015 đã có sự thay đổi về chủ đề này. Cụ thể, theo khoản 5 Điều 466 BLDS 2015: “Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này; b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Quy định này cho phép áp dụng lãi trên khoản lãi chưa thanh toán[10] nên đối với trường hợp thuộc phạm vi áp dụng của điều khoản trên của BLDS 2015 thì Án lệ số 08/2016/AL không có giá trị trên cơ sở quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị quyết số 03/2015 NQ-HĐTP, theo đó: “Trường hợp do có sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ”.

II- Mức lãi để tính lãi chậm trả và thời gian chịu lãi chậm trả

1) Mức lãi để tính lãi chậm trả

* Cách thức xác định mức lãi theo quy định

Pháp luật dự liệu mức lãi trong trường hợp chậm trả mà không có thỏa thuận về mức lãi. Theo khoản 2 Điều 305 BLDS 2005: “Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán...”. BLDS 2015 đã có sự thay đổi với quy định tại khoản 2 Điều 357 rằng: “Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này”. Trong khi đó khoản 2 Điều 468 BLDS 2015 khẳng định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”, tức bằng 10%/năm của khoản tiền vay. Về phía mình, Luật Thương mại theo hướng khác tại Điều 306 đã nêu trên là mức lãi bằng “lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán”

Với BLDS 2015, việc xác định mức lãi theo quy định (không có thỏa thuận) tương đối dễ nhưng mức lãi theo Luật Thương mại lại còn khá chung chung. Ở đây, “tiêu chí xác định mức lãi suất chậm trả trong Luật Thương mại không rõ ràng. Chúng ta không biết cần phải lấy lãi trung bình của bao nhiêu ngân hàng và trong phạm vi lãnh thổ nào (xã, phường hay quận huyện hay tỉnh, thành phố?). Chúng ta cũng không biết phải lấy lãi suất của ngân hàng nào để tính lãi trung bình. Vì sự không rõ ràng này nên thực tế cho thấy, việc áp dụng quy định của Luật Thương mại không có sự thống nhất giữa các Tòa án”[11]. Về chủ đề này, Án lệ số 09/2016/AL đã cụ thể mức lãi trên với nội dung: “Tòa án cần lấy mức lãi suất quá hạn trung bình của ít nhất ba ngân hàng tại địa phương (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam...) để tính lại tiền lãi do chậm thanh toán cho đúng quy định của pháp luật”.

Nội dung án lệ trên theo hướng cần lấy mức lãi trung bình “của ít nhất ba ngân hàng” nên chúng ta có thể lấy mức lãi trung bình của 3 hay nhiều hơn 3 ngân hàng như lấy lãi trung bình của 5, 6 hay 7 ngân hàng: Án lệ trên chỉ đưa ra con số tối thiểu chứ không ấn định con số tối đa nên nếu nguyên đơn đưa ra 3 ngân hàng khác với 3 ngân hàng của bị đơn thì cơ quan tài phán hoàn toàn có thể lấy mức trung bình của cả 6 ngân hàng này. Vẫn theo nội dung án lệ nêu trên, chúng ta lấy mức lãi trung bình của ít nhất 3 ngân hàng “tại địa phương” nhưng không rõ là địa phương nào. Ở đây, chúng ta không lấy địa phương của nguyên đơn hay của bị đơn mà nên lấy địa phương nơi Tòa án đang giải quyết vụ việc (đối với Trọng tài thì tại địa điểm Trọng tài giải quyết tranh chấp như chúng tôi vẫn làm trong khuôn khổ của VIAC). 

* Thời điểm xác định mức lãi theo quy định

Phần trên cho thấy cách thức xác định mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường nhưng mức lãi trên thị trường thay đổi theo thời gian nên câu hỏi đặt ra là xác định mức lãi trên ở thời điểm nào? Theo Điều 306 Luật Thương mại 2005, mức lãi này là mức lãi “tại thời điểm thanh toán”. Quy định tương tự cũng tồn tại trong BLDS 2005, vì khoản 2 Điều 305 BLDS 2005 quy định: “Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán”. Việc xác định mức lại “tại thời điểm thanh toán” vẫn được duy trì trong BLDS 2015. Tuy nhiên, đây là công việc bất khả thi vì, khi giải quyết tranh chấp, Tòa án cũng như Trọng tài không thể biết chính xác thời điểm nào người có nghĩa vụ thanh toán. Thực tế, thời điểm thanh toán diễn ra sau thời điểm Tòa án hay Trọng tài ra quyết định. Điều đó có nghĩa là, thời điểm thanh toán là thời điểm trong tương lai, nên tại thời điểm giải quyết tranh chấp thì cơ quan tài phán không thể biết mức lãi trong tương lai như thế nào? 

Về chủ đề nêu trên, Án lệ số 09/2016/AL đã theo hướng “Tòa án cấp sơ thẩm mặc dù áp dụng Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 nhưng không lấy mức lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm) để tính, mà lại áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm xét xử sơ thẩm theo yêu cầu của nguyên đơn để áp dụng mức lãi quá hạn (là 10,5%/năm) là không đúng”. Với nội dung vừa nêu, chúng ta hiểu rằng, “không lấy mức lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm) để tính (…) là không đúng” nên để “đúng” thì phải lấy mức lãi suất tại “thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm)”. Hướng như nêu trên của Án lệ là chấp nhận được (nếu bỏ từ “sơ thẩm” thì sẽ thuyết phục hơn để cho phép lấy mức lãi ở thời điểm phúc thẩm nếu có sự thay đổi). Bởi lẽ, hướng như văn bản là bất khả thi như đã trành bày (vì lý do này mà BLDS 2015 đã thay đổi theo hướng ấn định mức lãi cố định nên dù thời điểm thanh toán là thời điểm nào thì cũng áp dụng một mức lãi[12]). 

* Mức lãi trước và sau xét xử

Trong vụ việc tạo thành Án lệ số 08/2016/AL, sau khi xét xử thì Tòa án địa phương theo hướng áp dụng lãi suất cơ bản, trong khi đó dường như trước thời điểm xét xử lại là mức lãi khác.  

Nội dung Án lệ số 08/2016/AL, chúng ta thấy nêu: “Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm quyết định: “Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án còn phải trả lãi đối với số tiền chậm thi hành án theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm thi hành án” cũng là không đúng. Đối với các khoản tiền vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo hợp đồng tín dụng tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này”. Hướng như nội dung án lệ trên là thuyết phục. Bởi lẽ, “quyết định của cơ quan tài phán không “xây dựng” một mức lãi suất mới mà chỉ có vai trò “xác nhận” và “duy trì” mức lãi suất đã tồn tại”[13]. Nói cách khác, Tòa án chỉ có vai trò xác nhận một hoàn cảnh đang tồn tại nhưng có tranh chấp chứ không có vai trò chuyển hóa một quan hệ đã tồn tại trước khi xét xử thành một quan hệ khác sau khi xét xử. Do đó, cần duy trì một mức lãi trước khi xét xử cho cả giai đoạn sau khi xét xử. 

* Mức lãi theo thỏa thuận

Theo khoản 5 Điều 474 BLDS 2005: “Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”. Quy định trên bàn về lãi quá hạn của hợp đồng vay có lãi và theo hướng mức lãi áp dụng là “lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ” mà không cho biết các bên được thỏa thuận về mức lãi trong trường hợp chậm trả hay không? Về chủ đề này, Án lệ số 08/2016/AL theo hướng: “Đối với các khoản tiền vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo hợp đồng tín dụng tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này”.  

Ở nội dung trên, Án lệ số 08/2016/AL đã theo hướng chấp nhận mức lãi theo thỏa thuận (không nhất thiết là bằng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố). Hướng này tương thích với sửa đổi trong BLDS 2015. Điểm b khoản 5 Điều 466 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, các bên không hoàn toàn được tự do ấn định mức lãi và mức lãi suất trần cho vay cần được áp dụng để hạn chế việc một bên (thế mạnh) lạm dụng tự do hợp đồng để áp đặt cho bên kia mức lãi quá cao.  

* Quyền định đoạt của người có quyền 

Trong nghĩa vụ trả tiền (hay hoàn trả tiền), người có quyền có được định đoạt mức lãi suất mà bên có nghĩa vụ phải gánh chịu không? Nếu người có quyền yêu cầu mức lãi cao hơn mức quy định hay mức đã thỏa thuận hợp pháp, yêu cầu này không được chấp nhận vì ảnh hưởng tiêu cực tới quyền lợi của người có nghĩa vụ. Nếu người có quyền yêu cầu mức thấp hơn mức quy định hay mức đã thỏa thuận hợp pháp thì yêu cầu này có được chấp nhận không? Trên cơ sở quyền tự định đoạt, chúng ta cần chấp nhận yêu cầu như vậy, vì chúng ta tôn trọng sự định đoạt của bên có quyền và yêu cầu này có lợi hơn cho bên có nghĩa vụ. Tuy nhiên, trong Án lệ số 09/2016/AL, chúng ta thấy có nội dung có thể dẫn tới cách xử lý khác. 

Cụ thể, trong phần Nội dung án lệ nêu: “Tòa án cấp sơ thẩm mặc dù áp dụng Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 nhưng không lấy mức lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm) để tính, mà lại áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm xét xử sơ thẩm theo yêu cầu của nguyên đơn để áp dụng mức lãi quá hạn (là 10,5%/năm) là không đúng”. Ở đây, chúng ta nên hiểu Án lệ trên chỉ muốn gửi một thông điệp rằng một khi đã áp dụng Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 thì không thể tự động áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Tuy nhiên, nếu người có quyền yêu cầu mức lãi suất này và có cơ sở xác định mức lãi suất cơ bản thấp hơn lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường thì chúng ta chấp nhận mức lãi mà người có quyền (nguyên đơn) yêu cầu.  

2) Thời gian chịu lãi chậm trả 

* Thời điểm bắt đầu chịu lãi 

 Để biết được mức lãi chậm trả, chúng ta phải biết được thời điểm mà khoản tiền được tính lãi chậm trả làm phát sinh lãi. Nếu các bên có thỏa thuận về thời điểm phải trả một khoản tiền thì thời điểm này được sử dụng để tính ngày bắt đầu chịu lãi chậm trả. Khó khăn phát sinh khi các bên không có thỏa thuận về thời điểm này như trường hợp hoàn trả tiền (do không giao hàng, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu…) đã nêu ở trên. Trong nội dung án lệ về hoàn trả tiền nêu trên, chúng ta mới chỉ biết là khoản tiền này làm phát sinh lãi, nhưng chưa cho biết thời điểm nào là thời điểm bắt đầu tính lãi. Đối với những trường hợp thuộc phạm vi của Án lệ số 09/2016/AL, chúng ta nên theo hướng thời điểm bắt đầu chịu lãi chậm trả là thời điểm người phải hoàn trả nhận được khoản tiền.  

Thực tế, đã có quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo hướng trên. Cụ thể, trong một quyết định năm 2014, Hội đồng Thẩm phán đã xét rằng “Công ty Vinashin đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận mới nên dẫn đến việc thỏa thuận mới về hợp đồng chuyển nhượng không thực hiện được. Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy hợp đồng, buộc bà Dậu trả lại cho Công ty Vinashin 45.000.000.000 đồng là có căn cứ, nhưng không tuyên buộc Công ty Vinashin giao trả lại cho bà Dậu 18.448 cổ phiếu đã nhận; đồng thời, không đánh giá đúng lỗi của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng mà cho rằng chỉ một mình Công ty Vinashin có lỗi là không đúng, ở đây, cả bà Dậu và Công ty Vinashin đều có lỗi, nhưng .lỗi chính thuộc về bà Dậu như đã nêu ở trên. Công ty Vinashin đã chuyển cho bà Dậu nhiều lần với tổng số tiền 45.000.000.000 đồng, bà Dậu đã sử dụng 45.000.000.000 đồng này của Công ty Vinashin từ năm 2007 đến nay. Khi giải quyết lại vụ án, ngoài việc buộc bà Dậu có trách nhiệm hoàn trả lại cho Công ty Vinashin 45.000.000.000 đồng tiền đã nhận theo hợp đồng và phụ lục hợp đồng, còn cần phải buộc bà Dậu có trách nhiệm thanh toán tiền lãi của số tiền đã nhận, kể từ ngày nhận tiền (vào các ngày 25/10/2007, 30/11/2007, 21/5/2008, 28/5/2008 và 30/5/2008)”[14] (nếu điều kiện cho phép, Tòa án nhân dân tối cao cũng nên án lệ hóa quyết định này liên quan đến thời điểm bắt đầu tính lãi chậm trả khoản tiền phải hoàn trả).  

* Thời điểm cuối cùng chịu lãi 

Ở đây, Nội dung án lệ của Án lệ số 08/2016/AL đã khẳng định “Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm quyết định: “Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án còn phải trả lãi đối với số tiền chậm thi hành án theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm thi hành án” cũng là không đúng. Đối với các khoản tiền vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo hợp đồng tín dụng tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này”. Như vậy, không có giai đoạn khoản tiền chậm trả không làm phát sinh lãi và thời điểm kết thúc tính lãi là “khi thanh toán xong”.  

Án lệ 08/2016/AL được hình thành trên cơ sở tranh chấp về vay tín dụng nhưng không có lý do gì mà không áp dụng tương tự cho vay không tín dụng (vay dân sự) và cũng không có lý do gì mà không áp dụng tương tự cho chậm trả một khoản tiền không là tiền vay như trường hợp chậm trả tiền mua tài sản (mua hàng hóa), chậm trả tiền dịch vụ, chậm trả tiền thuê, chậm trả tiền lương… Thực tế, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có quyết định theo hướng vừa nêu. Chẳng hạn, trong một quyết định năm 2013, sau khi khẳng định “Tòa án cấp sơ thẩm lại buộc Công ty Nhà nhựa phải chịu lãi do chậm thanh toán đối với số tiền 6.166.600.000 đồng kể từ ngày 01/7/2004 đến thời điểm xét xử sơ thẩm lần đầu ngày 23/02/2005 với mức lãi suất 1,5%/tháng là không đúng. Còn Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ ngày Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định công bố mức lãi suất cơ bản để xác định ngày đương sự thanh toán và mức lãi suất áp dụng để buộc Công ty Nhà nhựa phải chịu lãi do chậm thanh toán đối với số tiền 6.166.600.000 đồng kể từ ngày 01/7/2004 đến thời điểm xét xử sơ thẩm lần 3 ngày 07/01/2009 cũng là không đúng pháp luật, gây thiệt hại cho Công ty Nhà nhựa”, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xét rằng “khi giải quyết lại vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm cần căn cứ vào các ngày Công ty Nhà nhựa thanh toán tiền cho Công ty Tiến Đạt (trực tiếp hay thông qua Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Long An) như đã nêu trên để xác định thời điểm và số tiền mà Công ty Nhà nhựa đã thanh toán cho Công ty Tiến Đạt. Trên cơ sở đó Tòa án căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 313 Bộ luật Dân sự năm 1995 buộc Công ty Nhà nhựa phải thanh toán tiền lãi kể từ ngày 01/7/2004 đối với số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chậm trả tại các thời điểm thanh toán”[15]. Ở đây, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo hướng tính lãi đối với khoản tiền không xuất phát từ hợp đồng vay tín dụng đến thời điểm xét xử sơ thẩm là sai mà phải tính lãi “tương ứng với thời gian chậm trả tại các thời điểm thanh toán” (Hội đồng Thẩm phán có dựa vào khoản 2 Điều 313 BLDS 1995 nhưng nội dung này tương tự như các quy định nêu trên của BLDS 2005, BLDS 2015 hay của Luật Thương mại liên quan đến thời gian chịu lãi chậm trả vì điều khoản này trong BLDS 1995 cũng quy định “Trong trường hợp người có nghĩa vụ chậm trả tiền, thì người đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng nhà nước quy định tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”).  

Hướng nêu trên trong Án lệ số 08/2016/AL và trong quyết định giám đốc thẩm năm 2013 nêu trên[16] là thuyết phục. Bởi lẽ, Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng xác định ngày cuối cùng để tính lãi là “ngày thanh toán” (Điều 9.508). Tương tự, theo Điều 7.4.9 Bộ nguyên tắc Unidroit, trong trường hợp không được thanh toán một khoản tiền đến hạn, bên có quyền được quyền yêu cầu bên kia khoản tiền lãi cho khoản tiền “cho đến ngày thanh toán”. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng nội dung án lệ trên không phải là sự bổ sung quy định trong Luật. Bởi lẽ, các quy định trong BLDS cũng như trong Luật Thương mại đều không có việc gián đoạn trong việc tính lãi. Cụ thể, BLDS theo hướng lãi chậm trả phải “tương ứng với thời gian chậm trả”, tức là chừng nào chưa trả, chưa thanh toán khoản tiền cần trả thì chừng đó vẫn phải chịu lãi chậm trả. Điều 306 Luật Thương mại cũng có quy định tương tự khi khẳng định lãi chậm trả “tương ứng với thời gian chậm trả”. Trong quá trình giải quyết tranh chấp tại VIAC, chúng tôi cũng đã theo hướng không có sự gián đoạn ngay cả đối với khoản tiền không xuất phát từ hợp đồng vay tín dụng. Chẳng hạn, trong một Phán quyết năm 2013, chúng tôi đã xét rằng “Với nội dung bên bị vi phạm được yêu cầu lãi chậm trả cho khoảng thời gian “tương ứng với thời gian chậm trả”, Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 cho thấy, chừng nào nghĩa vụ thanh toán chưa được thực hiện thì lãi chậm trả vẫn phát sinh”. Tương tự như vậy trong một Phán quyết năm 2015: Ở đây, chúng tôi đã xét rằng “Với quy định trên, chừng nào Bị đơn chưa thanh toán tiền gốc thì bị đơn phải chịu lãi, từ thời điểm phải thanh toán đến khi thanh toán xong”. Nhìn từ thực trạng xét xử tại Tòa án hiện nay, Án lệ trên thực tế là cần thiết để thiết lập lại trật tự đã có trong Luật (BLDS và Luật Thương mại). 

[1] Khoản 16 Điều 4 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 quy định “Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi”.

[2] Điều 471 BLDS 2005 (Điều 463 BLDS 2015) quy định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

[3] Khoản 3 Điều 425 BLDS 2005 quy định: “Khi hợp đồng bị huỷ bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền”. Quy định tương tự cũng được duy trì trong BLDS 2015 tại khoản 2 Điều 427 với nội dung: “Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản. Việc hoàn trả được thực hiện bằng hiện vật. Trường hợp không hoàn trả được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để hoàn trả. Trường hợp các bên cùng có nghĩa vụ hoàn trả thì việc hoàn trả phải được thực hiện cùng một thời điểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

[4] Khoản 2 Điều 314 Luật Thương mại về hậu quả pháp lý của việc huỷ bỏ hợp đồng quy định: “Các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng; nếu các bên đều có nghĩa vụ hoàn trả thì nghĩa vụ của họ phải được thực hiện đồng thời; trường hợp không thể hoàn trả bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền”.

[5] Xem Quyết định số 04/2014/KDTM-GĐT ngày 17-4-2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[6] Cụ thể, sau khi hủy bỏ hợp đồng mua bán được xác lập năm 2004 xuất phát từ lỗi của bên bán, Tòa phúc thẩm này đã theo hướng buộc bên bán phải “hoàn trả cho vợ chồng ông D khoản tiền ứng trước là 2800 euros, cùng với lãi theo mức lãi suất luật định được tính từ ngày 11/11/2004” (CA Metz ngày 18-10-2011, 09/00565).

[7] Chẳng hạn, theo Bản án số 166/2016/DSST ngày 12-08-2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương, “giấy xác nhận tạm ứng ngày 12/02/2015 là giấy giao tiền thực hiện hợp đồng chứ không phải là tiền đặt cọc. Việc bà Diễm từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự theo thảo thuận đã ký kết là do lỗi của bà Diễm làm cho hợp đồng vô hiệu, nên bà Diễm phải trả lại số tiền cho ông Hải và phải chịu bồi thường thiệt hại cho ông Hải theo Điều 137 BLDS 2005. Vì yêu cầu khởi kiện của ông Hải là tranh chấp hợp đồng đặt cọc không có cơ sở cho nên trong trường hợp này bà Diễm phải hoàn trả số tiền đã nhận và phải thanh toán tiền lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước quy định đối với số tiền đã nhận của ông Hải”.

[8] Liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng sản nghiệp được xác lập ngày 15/4/2011 mà Tòa án đã tuyên bố vô hiệu, Tòa phúc thẩm Tououse đã theo hướng “buộc ông D hoàn trả cho bà F khoản tiền 29.000 euros cùng với lãi suất theo quy định kể từ ngày 15/4/2011” (CA Toulouse ngày 25-6-2014, 12/04904).

[9] Seube Jean-Baptiste, Le juge et les restitutions, Revue des contrats  01 juin 2016  n°2.

[10] Về chủ đề này, xem Đỗ Văn Đại (chủ biên), Bình luận khoa học những điểm mới BLDS 2015, Nxb. Hồng Đức-Hội luật gia Việt Nam 2016 (xuất bản lần thứ hai), phần số 382.

[11] Đỗ Văn Đại, Luật hợp đồng Việt Nam-Bản án và bình luận bản án, Tập 2 (2014), Nxb. CTQG, (tái bản lần thứ tư), Bản án số 120-122 (phần bình luận số 17 và 18).

[12] Theo khoản 2 Điều 357 và Điều 468 BLDS 2015, mức lãi bằng 10%/năm của khoản tiền chậm trả.

[13] Đỗ Văn Đại, Luật hợp đồng Việt Nam-Bản án và bình luận bản án, Tập 2 (2014), Nxb. CTQG, (tái bản lần thứ tư), Bản án số 120-122 (phần bình luận số 19).

[14] Quyết định số 04/2014/KDTM-GĐT ngày 17-4-2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[15] Quyết định số 15/2013/KDTM-GĐ ngày 10-6-2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[16] Thực ra, cũng có Tòa án địa phương tính lãi liên tục (không có giãn đoạn) đối với nghĩa vụ trả tiền không là tiền vay: Xem Đỗ Văn Đại, Luật hợp đồng Việt Nam-Bản án và bình luận bản án, Tập 2 (2014), Nxb. CTQG, (tái bản lần thứ tư), Bản án số 120-122 (phần bình luận số 11).

  •  6566
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…