Cán bộ công chức - Ảnh minh họa
Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức được Chính phủ ban hành ngày 18/9/2020 bãi bỏ Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011. Trong nghị định này có thêm nhiều điểm mới phù hợp với quy định của Luật Cán bộ, công chức sửa đổi. Một trong những thay đổi quan trọng đó là thay đổi về thời hạn xử lý kỷ luật công chức.
Thời hạn xử lý kỷ luật công chức được hiểu là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Căn cứ vào khái niệm này, nếu qua thời hạn xử lý kỷ luật do pháp luật quy định, công chức sẽ không bị xử lý kỷ luật.
Căn cứ quy định mới tại Khoản 1, Điều 5 Nghị định 112/2020/NĐ-CP thì thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức thực hiện theo Điều 80 Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Cụ thể như sau:
- Thời hạn xử lý kỷ luật công chức không quá 90 ngày (quy định cũ là không quá 02 tháng);
- Nếu vụ việc có liên quan đến nhiều người, có tang vật, có phương tiện cần giám định hoặc có tình tiết phức tạp khác cần thời gian để làm rõ thêm thì có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày (quy định cũ là không quá 04 tháng).
Đồng thời, tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định 112 cũng bổ sung khoảng thời gian không được tính là thời hạn xử lý kỷ luật bao gồm:
- Thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự;
- Thời gian thực hiện khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án về quyết định xử lý kỷ luật cho đến khi ra quyết định xử lý kỷ luật thay thế theo quyết định của cấp có thẩm quyền
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/9/2020.