Trong năm nay 2015, Quyết định 33/2004/QĐ-BGTVT quy định về vận tải hàng hóa đường thủy nội địa sẽ hết hiệu lực. Thay vào đó là Thông tư quy định về vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa.
So với Quyết định 33, Thông tư này quy định thêm việc cấp giấy phép cho phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB vận tải trên tuyến ven biển, dự liệu thêm các trường hợp phát sinh khi thanh toán trong quá trình vận tải biển và hướng dẫn giải quyết tranh chấp bồi thường cho trường hợp lỗi của người kinh doanh vận tải và trường hợp bất khả kháng.
Dưới đây là hướng dẫn về việc cấp Giấy phép và quy định về việc thanh toán trong quá trình vận tải.
Thứ nhất, về việc cấp giấy phép vận tải ven biển
Cần phải chuẩn bị đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép vận tải ven biển cho phương tiện theo mẫu.
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa phù hợp theo phân cấp tàu.
- Bản sao Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB, còn hiệu lực.
- Bản sao Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho người thứ ba còn hiệu lực.
- Bản sao văn bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền viên điều khiển phương tiện thủy mang cấp VR-SB và các loại chứng chỉ khác theo quy định pháp luật.
- Bản sao đăng ký kinh doanh ngành nghề vận tải thủy nội địa.
Có thể nộp trực tiếp hay gửi qua đường bưu điện hay hình thức phù hợp khác đến cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép.
Trình tự giải quyết
- Trường hợp hồ sơ nộp trực tiếp, nếu hồ sơ đầy đủ thì cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả theo thời hạn quy định; nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trả lại ngay và hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại hồ sơ.
- Trường hợp hồ sơ nhận qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời gian 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền có văn bản gửi tổ chức, cá nhân yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép vận tải ven biển theo mẫu cho tổ chức, cá nhân.
Trường hợp không cấp Giấy phép phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép
- Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ cấp Giấy phép cho các phương tiện do Bộ GTVT công bố.
- Sở Giao thông vận tải cấp tỉnh sẽ cấp Giấy phép cho các phương tiện do địa phương công bố.
Thời hạn Giấy phép tối đa là 12 tháng
Hết hạn, giấy phép hỏng, mất giấy phép sẽ tiến hành thủ tục cấp Giấy phép như quy định trên.
Cơ quan có thẩm quyền cấp có quyền thu hồi nếu phương tiện không thực hiện đúng quy định của Giấy phép.
Thứ hai, về quy định thanh toán trong quá trình vận tải
Chủ yếu do thỏa thuận giữa người thuê vận tải và người kinh doanh vận tải, nếu không có thỏa thuận thì phải thực hiện theo quy định sau:
- Người thuê vận tải phải thanh toán cước vận tải, chi phí phát sinh tại cảng, bến thủy nội địa nơi phương tiện nhận hàng trước khi chở hàng đi.
- Khi nhận hàng, người nhận hàng phải thanh toán cho người vận chuyển tiền cước vận chuyển thu thiếu, các chi phí phát sinh dọc đường hoặc tại cảng, bến thủy nội địa đến trả hàng hóa, nếu các khoản tiền đó chưa được thanh toán trước.
Trong trường hợp người thuê vận tải người nhận hàng không thanh toán đúng quy định trên:
- Người kinh doanh vận tải có quyền từ chối trả hàng và có quyền lưu giữ hàng hóa lại cho đến khi người thuê vận tải hoàn thành việc thanh toán.
- Người thuê vận tải, người nhận hàng phải trả tiền bảo quản, tiền đọng hàng trên phương tiện và các khoản chi phí phát sinh khác đối với hàng hóa do việc chậm thanh toán gây nên.
Xem chi tiết dự thảo Thông tư tại đây.