Thời gian qua thông tin thay đổi thông tin căn cước để chuẩn hóa mã số thuế cá nhân được rất nhiều người quan tâm. sau đây là hướng dẫn thực hiện chuẩn hóa mã số thuế vào định danh do Tổng cục Thuế quy định.
1. Tại sao phải chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân?
Căn cứ Mục 4 Chỉ thị 18/CT-TTg năm 2023 Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trong việc hoàn thiện việc sửa đổi chính sách, pháp luật chuyên ngành thuộc chức năng, nhiệm vụ bảo đảm mục tiêu chung phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh mạng, an ninh tiền tệ, trong đó nghiên cứu sử dụng định danh xác thực điện tử trong các giao dịch TMĐT.
- Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch chi tiết về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện chuyển đổi sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế 2019.
+ Đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được cấp 01 mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt quá trình hoạt động từ khi đăng ký thuế cho đến khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế. Người nộp thuế có chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị phụ thuộc trực tiếp thực hiện nghĩa vụ thuế thì được cấp mã số thuế phụ thuộc.
+ Cá nhân được cấp 01 mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt cuộc đời của cá nhân đó. Người phụ thuộc của cá nhân được cấp mã số thuế để giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân. Mã số thuế cấp cho người phụ thuộc đồng thời là mã số thuế của cá nhân khi người phụ thuộc phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
+ Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khấu trừ, nộp thuế thay được cấp mã số thuế nộp thay để thực hiện khai thuế, nộp thuế thay cho người nộp thuế.
+ Mã số thuế đã cấp không được sử dụng lại để cấp cho người nộp thuế khác.
+ Mã số thuế của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác sau khi chuyển đổi loại hình, bán, tặng, cho, thừa kế được giữ nguyên.
+ Mã số thuế cấp cho hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là mã số thuế cấp cho cá nhân người đại diện hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Do đó, trong thời gian sắp tới Bộ Công an sẽ đẩy mạnh phối hợp để chuẩn hóa mã số thuế cá nhân bằng số định danh trên Căn cước. Qua đó, công dân được chuẩn hóa mã số thuế trên Căn cước sẽ gắn liền với người này suốt đời.
2. Cách thay đổi thông tin căn cước để chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân
Theo đó, hướng dẫn 02 hình thức thực hiện rà soát chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân, người phụ thuộc tại đơn vị:
Cách thứ 1: kê khai theo phương thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Bước 1: Truy cập vào website thuế điện tử qua link sau: https://thuedientu.gdt.gov.vn/
Bước 2: Chọn mục Cá nhân ở bên góc phải màn hình chính;
Bước 3: Tiến hành đăng nhập tài khoản;
Bước 4: Chọn Đăng ký thuế/Thay đổi thông tin
Bước 5: Tại mục Giấy tờ của cá nhân, chọn Thay đổi thông tin;
Bước 6: Thực hiện cập nhật các thông tin để chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân như: Số CMND/CCCD, Ngày tháng năm sinh, Họ và tên;
Bước 7: Chọn Tiếp tục, nhập mã OTP được gửi về số điện thoại đăng ký để hoàn thành cập nhật.
Cách thứ 2: Thông qua tổ chức chi trả thu nhập hoặc cá nhân có thể kê khai thay đổi thông tin đăng ký thuế tại cơ quan thuế nơi cá nhân đăng ký hộ khẩu thường trú/ tạm trú.
+ Đơn vị thu thập thông tin đầy đủ của cá nhân/ người phụ thuộc (NPT) có thay đổi bằng tải mẫu 08-MST kèm CCCD gắn chip (bản photo) và tải mẫu 20/ĐK-NPT (Ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ Tài chính) và cập nhật đầy đủ cho nhân viên theo file hướng dẫn đính kèm;
+ Đơn vị tự rà soát dữ liệu của đơn vị trên trang
https://thuedientu.gdt.gov.vn sau đó chọn mục “Chuẩn hóa dữ liệu MST cá nhân”, đơn vị tải tất cả những file dữ liệu (nếu có) để kiểm tra và cập nhật qua chữ ký số của đơn vị.
3. Người dân có thể sử dụng mã số thuế vào những việc gì?
Công dân có thể sử dụng mã số thuế vào một số giao dịch, thủ tục được quy định tại Điều 35 Luật Quản lý thuế 2019 cụ thể như:
- Người nộp thuế phải ghi mã số thuế được cấp vào hóa đơn, chứng từ, tài liệu khi thực hiện các giao dịch kinh doanh; mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; khai thuế, nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, đăng ký tờ khai hải quan và thực hiện các giao dịch về thuế khác đối với tất cả các nghĩa vụ phải nộp ngân sách nhà nước, kể cả trường hợp người nộp thuế hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nhiều địa bàn khác nhau.
- Người nộp thuế phải cung cấp mã số thuế cho cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc ghi mã số thuế trên hồ sơ khi thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông với cơ quan quản lý thuế.
- Cơ quan quản lý thuế, Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại phối hợp thu ngân sách nhà nước, tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thuế sử dụng mã số thuế của người nộp thuế trong quản lý thuế và thu thuế vào ngân sách nhà nước.
- Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác phải ghi mã số thuế trong hồ sơ mở tài khoản và các chứng từ giao dịch qua tài khoản của người nộp thuế.
- Tổ chức, cá nhân khác trong việc tham gia quản lý thuế sử dụng mã số thuế đã được cấp của người nộp thuế khi cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế.
- Khi bên Việt Nam chi trả tiền cho tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuyên biên giới dựa trên nền tảng trung gian kỹ thuật số không hiện diện tại Việt Nam thì phải sử dụng mã số thuế đã cấp cho tổ chức, cá nhân này để khấu trừ, nộp thay.
- Khi mã số định danh cá nhân được cấp cho toàn bộ dân cư thì sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế.
Sau khi được chuẩn hóa mã số thuế cá nhân vào căn cước công dân có thể thực hiện được các giao dịch nêu trên, việc này giúp cơ quan thuế đồng bộ dữ liệu, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.