Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020.
Theo đó, quy định xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông tham gia giao thông mà có nồng độ cồn trong người (dù nhiều hay ít).
Quy định này làm nhiều người lo ngại, trong trường hợp ăn trái cây, uống một số loại nước ép có thể lên men và đo ra kết quả có nồng độ cồn thì sẽ bị phạt.
Tuy nhiên, mọi người đừng quá lo lắng quá nhiều về điều đó; bởi lẽ Nghị định 100/2019/NĐ-CP căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ 2008 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019), nên chỉ khi nào nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông là từ rượu, bia thì mới bị xử phạt, còn trường hợp nồng độ cồn do trái cây sinh ra thì không bị xử phạt.
Thực tế, nồng độ cồn do trái cây sinh ra rất thấp và sẽ chuyển hóa hết rất nhanh.
Đồng thời, theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, trong quá trình thông tin, giáo dục, tuyên truyền thực hiện Luật, Bộ y tế sẽ phổ biến những vấn đề về mặt khoa học để lực lượng chức năng nắm được với những trường hợp có nồng độ cồn trong hơi thở rất nhỏ, gần như không đáng kể thì đó không phải là đối tượng để xử phạt.
Bà Trần Thị Trang, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Y tế (Nguồn Internet)
Bởi vậy, nếu sự thật là bạn không uống rượu, bia mà chỉ ăn trái cây dẫn đến lên men tạo ra nồng độ cồn trong cơ thể thì bạn nói sự thật đó với các đồng chí Cảnh sát giao thông, khi ấy các đồng chí ấy sẽ không phạt bạn (bởi lẽ, họ đã được tập huấn, và được Bộ Y tế tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể về vấn đề này).