Bộ luật dân sự 2015 đã được ban hành, thay thế Bộ luật dân sự 2005 và sẽ sớm có hiệu lực trong thời gian tới; đồng thời Luật nhà ở 2014 đã bắt đầu có hiệu lự từ tháng 7/2015. Theo đó, những quy định về Hợp đông thuê nhà đã không còn được quy định thành một mục riêng mà được gộp chung vào mục Hợp đồng thuê tài sản cũng như dẫn chiếu về các Luật chuyên ngành phù hợp.
Trong thời điểm sắp tới, khi thuê nhà, có một số quy định các bạn cần lưu ý khi ký kết như sau:
1. Hình thức của Hợp đồng thuê nhà:
Hợp đồng thuê nhà ở phải được lập thành văn bản và phải tuân theo mẫu quy định tại Điều 492 Bộ luật dân sự 2005 .
Đến Bộ luật dân sự 2015 đã bỏ quy định về Hợp đồng cho thuê nhà và thay thế bằng một dẫn chiếu về Điểu 121, Luật nhà ở 2014:
Hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản
Tuy nhiên, Hợp đồng thuê nhà cũng là một trong những hợp đồng thuê bất động sản, nếu bạn ký hợp đồng với một cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản thì sẽ phải chịu sự điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản.
Trong trường hợp này, bạn phải áp dụng theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 16/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng, nếu không sẽ vi phạm về hình thức của hợp đồng và có thể bị vô hiệu hợp đồng.
(Điểm a, khoản 1, mục II Công văn 1436/BXD-QLN năm 2015 thực hiện Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 do Bộ Xây dựng ban hành)
2. Công chứng, chứng thực:
Quy định tại Điều 492 Bộ luật dân sự 2005, nếu thời hạn thuê từ sáu tháng trở lên thì hợp đồng thuê nhà phải có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Tuy nhiên, đến ngày 10/12/2010, Nghị quyết 52/NQ-CP của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp đã có sự điều chỉnh nêu rõ tại điểm a khoản 28 Mục III trong Phụ lục đính kèm như sau:
Bãi bỏ quy định bắt buộc công chứng một số hợp đồng, trong đó có hợp đồng thuê nhà ở.
Từ đó đề ra các phương án, sửa đổi các dự thảo luật cho phù hợp.
Và đến nay, Luật nhà ở 2014 và Bộ luật dân sự 2015 đã kế thừa và chính thức điều chỉnh cụ thể khi loại bỏ điều khoản về công chức, chứng thực này đối với Hợp đồng thuê nhà thời hạn thuê từ sáu tháng trở lên.
Tuy nhiên, công chứng hợp đồng thuê nhà sẽ đảm bảo giá trị pháp lý tốt hơn cho các bên, nên vẫn luôn được cơ quan chức năng khuyến khích thực hiện, hạn chế tranh chấp xảy ra.
3. Kiểm tra nhà ở và các các nội dung quan trọng trong hợp đồng:
3.1. Điều kiện nhà ở cho thuê:
- Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn;
- Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền.
- Nhà ở cho thuê phải bảo đảm chất lượng, an toàn cho bên thuê nhà ở, có đầy đủ hệ thống điện, cấp, thoát nước, bảo đảm vệ sinh môi trường.
3.2. Đơn vị thanh toán:
Căn cứ Khoản 13, Điều 1 Quy định hạn chế sử dụng ngoại hối tại Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối năm 2013 thì:
Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Do đó, trong hợp đồng thuê nhà, đơn vị thanh toán phải bằng tiền đồng Việt Nam, nếu không có thể xem là vô hiệu.
Trong thực tế khi đưa ra xét xử, đến thời điểm này, nếu trong hợp đồng các bên thỏa thuận lấy ngoại hối làm đơn vị thanh toán hoặc đơn giá để quy đổi, nhưng thực tế thanh toán bằng tiền Việt thì giao dịch đó cũng không vô hiệu mà được cho thời gian để sửa đổi Hợp đồng.
Điểm b, khoản 3, mục I Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27-5-2003 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC quy định:
b. Nếu trong nội dung của hợp đồng kinh tế các bên có thoả thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ trong khi đó một hoặc các bên không được phép thanh toán bằng ngoại tệ, nhưng sau đó các bên có thoả thuận thanh toán bằng Đồng Việt Nam hoặc trong nội dung của hợp đồng kinh tế các bên thoả thuận sử dụng ngoại tệ làm đồng tiền định giá (để bảo đảm ổn định giá trị của hợp đồng) nhưng việc thanh toán là bằng Đồng Việt Nam, thì hợp đồng kinh tế không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh HĐKT và do đó không bị coi là vô hiệu toàn bộ.
Tuy nhiên, từ ngày 01/7/2016, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định: "Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực." Do đó, Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27-5-2003 hướng dẫn Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế cũng sẽ chính thức hết hiệu lực từ 01/7/2016. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, mời bạn xem các bài thảo luận dưới đây.
Bài viết là quá trình tổng hợp thông tin các thắc mắc của Dân Luật và cũng như nghiên cứu VBQPPL.