Học Cao đẳng, Trung cấp Luật có thể trở thành thẩm phán?
Đối với người học Luật, chức vụ Thẩm phán là một mơ ước lớn lao. Ở Việt Nam, ngoài hệ đào tạo Đại học, chúng ta còn có Cao đẳng và Trung cấp, như vậy người học luật ở các hệ Cao đẳng và Trung cấp ngành Luật có thể trở thành Thẩm phán hay không?
Tiêu chuẩn thẩm phán
Tiêu chuẩn Thẩm phán ở Việt Nam được quy định tại Điều 67 Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014:
“Điều 67. Tiêu chuẩn Thẩm phán
1. Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực.
2. Có trình độ cử nhân luật trở lên.
3. Đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử.
4. Có thời gian làm công tác thực tiễn pháp luật.
5. Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.”
Như vậy, một trong những yêu cầu cơ bản của chức vụ thẩm phán là phải có bằng Cử nhân Luật trở lên.
Học cao đẳng, trung cấp có thể trở thành thẩm phán?
Quy định về bằng cấp của hệ đào tạo Cao đẳng, Trung cấp được quy định tại Luật giáo dục nghề nghiệp 2014 như sau:
“Sinh viên học hết chương trình đào tạo trình độ cao đẳng theo niên chế có đủ điều kiện thì được dự thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp, nếu đạt yêu cầu hoặc sinh viên học theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ nếu tích lũy đủ số mô-đun, tín chỉ theo quy định thì được hiệu trưởng trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký đào tạo trình độ cao đẳng xét công nhận tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng và công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành.”
Theo đó, chỉ có một số ngành nghề có đào tạo thực hành mới cấp danh hiệu cử nhân thực hành cho người học cao đẳng, trong đó không có ngành luật.
Điều này có nghĩa, chỉ học Cao đẳng, Trung cấp thì sẽ không thể đủ tiêu chuẩn trở thành thẩm phán, nếu muốn thăng tiến đến chức vụ này, bạn cần có ít nhất là bằng cử nhân.
Hiện nay, một số trường đại học có đào tạo liên thông hoặc các văn bằng ngoài chính quy, tạo điều kiện cho người đã có bằng cao đẳng, trung cấp được tiếp tục học để lấy bằng cử nhân ngành luật.
Quy chế đào tạo liên thông giữa các trường cao đẳng, trung cấp và đại học thực hiện theo Quyết định 18/2017/QĐ-TTg, trong đó những điều kiện để một cơ sở giáo dục đại học được tuyển sinh đào tạo liên thông là:
- Cơ sở giáo dục đại học đã có quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học hình thức chính quy;
- Cơ sở giáo dục đại học đã và đang tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ đại học theo tín chỉ được ít nhất 03 (ba) khóa liên tục khi quyết định thực hiện tuyển sinh đào tạo liên thông hình thức chính quy.
Đối với đào tạo liên thông khối ngành nghệ thuật, cơ sở giáo dục đại học đã và đang tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ đại học theo tín chỉ hoặc niên chế hình thức chính quy được ít nhất 03 (ba) khóa liên tục khi quyết định thực hiện tuyển sinh đào tạo liên thông hình thức chính quy.
Đối với đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe, cơ sở giáo dục đại học phải bảo đảm thêm điều kiện có ít nhất một khóa sinh viên trình độ đại học hình thức chính quy đã tốt nghiệp.
Như vậy, người học cao đẳng, trung cấp ngành luật chỉ có thể trở thành thẩm phán khi có bằng cử nhân, họ có thể đăng ký học liên thông hoặc đăng ký thi lại đại học để có được tấm bằng này.