DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Hoạt động lấn biển là gì? Tổ chức, cá nhân có được tự ý lấn biển không?

Avatar

 

Hoạt động lấn biển đang ngày càng trở nên phổ biến. Vậy hoạt động lấn biển là gì? Tổ chức, cá nhân có được tự ý lấn biển không? Diện tích đất lấn biển có được cấp sổ đỏ không?

(1) Hoạt động lấn biển là gì?

Theo quy định tại khoản 30 Điều 3 Luật Đất đai 2024, lấn biển là việc mở rộng diện tích đất trong phạm vi từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm về phía biển thuộc vùng biển Việt Nam.

Theo đó, có thể hiểu hoạt động lấn biển là các hoạt động như san lấp, bồi đắp để tạo ra đất mới trên vùng biển, nhằm mục đích mở rộng diện tích đất liền, phục vụ cho các hoạt động kinh tế - xã hội.

Mục đích của hoạt động lấn biển nhằm mở rộng diện tích đất, tạo ra quỹ đất mới để xây dựng các khu đô thị mới, cảng biển, khu công nghiệp...đáp ứng nhu cầu về đất đai cho các hoạt động xây dựng đô thị, công nghiệp và du lịch. Ngoài ra, một tác dụng khác của hoạt động lấn biển đó là có thể phòng chống được tác động của thiên tai khi tạo ra các rào chắn bảo vệ bờ biển, làm giảm thiểu tác động của sóng biển, bão lụt.

Tuy nhiên, nếu lạm dụng việc lấn biển vô tội vạ cũng sẽ mang đến những kết quả đảo chiều, gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường như làm thay đổi dòng chảy, gây xói mòn bờ biển, ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển, làm giảm đa dạng sinh học và gây ô nhiễm môi trường nước biển.

Do đó, việc lấn biển phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật, dưới sự quản lý của Nhà nước để tránh việc gây ra những hậu quả khôn lường.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 190 Luật Đất đai 2024, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ thực hiện các hoạt động lấn biển; Nhà nước có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện hoạt động lấn biển theo quy định của pháp luật.

(2) Tổ chức, cá nhân có được tự ý lấn biển không?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 190 Luật Đất đai 2024, tổ chức, cá nhân khi tổ chức hoạt động lấn biển phải tuân thủ theo các nguyên tắc của hoạt động lấn biển như sau:

- Bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển; phù hợp với quy định của luật khác có liên quan và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên

- Dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, đa dạng sinh học, các yếu tố tự nhiên, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng

- Phù hợp với quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch đô thị

- Khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển; bảo đảm hài hòa lợi ích của tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động lấn biển và tổ chức, cá nhân khác có liên quan; bảo đảm quyền tiếp cận với biển của người dân, cộng đồng

- Hoạt động lấn biển phải được lập thành dự án đầu tư hoặc hạng mục của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật

Bên cạnh đó, hoạt động lấn biển mà có phần diện tích thuộc một trong các khu vực sau đây chỉ được thực hiện khi được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư:

- Khu vực bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được công nhận theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa

- Di sản thiên nhiên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường

- Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, vùng đất ngập nước quan trọng đã được công bố theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, pháp luật về lâm nghiệp

- Khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo quy định của pháp luật về thủy sản

- Khu vực cảng biển, vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, luồng hàng hải, vùng nước để xây công trình phụ trợ khác theo quy định của pháp luật về hàng hải

- Cửa sông và các khu vực đã được quy hoạch, sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh

Như vậy, tổ chức, cá nhân tuy được Nhà nước khuyến khích tổ chức hoạt động lấn biển nhưng vẫn phải tuân theo các quy định của pháp luật, không được tự ý lấn biển.

Khu vực biển được xác định để thực hiện hoạt động lấn biển trong quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư thì việc quản lý, sử dụng khu vực biển để thực hiện hoạt động lấn biển như đối với đất đai trên đất liền.

(3) Đất hình thành từ hoạt động lấn biển có được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không?

Liên quan đến vấn đề này, khoản 2 Điều 10 Nghị định 42/2024/NĐ-CP quy định như sau:

Đối với phần diện tích đất hình thành từ hoạt động lấn biển, chủ đầu tư dự án đầu tư lấn biển hoặc dự án đầu tư có hạng mục lấn biển đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai và có thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành lấn biển theo quy định tại Điều 8 Nghị định 42/2024/NĐ-CP thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Như vậy, diện tích đất hình thành từ việc lấn biển được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất khi đáp ứng được 02 yêu cầu là đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai và có thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành lấn biển.

  •  273
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…