Cán bộ, công chức thuộc trường hợp nào thì được điều động làm việc ở cơ quan, tổ chức khác? Chính sách, chế độ lương thưởng sẽ giải quyết như thế nào? Nếu không chấp hành thì có bị kỷ luật không? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
(1) Trường hợp nào được điều động công chức cấp huyện về xã?
Căn cứ khoản 10 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008 giải thích về điều động cán bộ như sau:
Điều động là việc cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển từ cơ quan, tổ chức, đơn vị này đến làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác
Đồng thời, tại Điều 26 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về điều động công chức:
Việc điều động công chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
- Theo yêu cầu nhiệm vụ cụ thể;
- Theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức trong cơ quan, tổ chức và giữa các cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
- Chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của Đảng và pháp luật.
Thẩm quyền điều động công chức: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức được phân công, phân cấp quản lý công chức quyết định việc điều động công chức thuộc thẩm quyền quản lý hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật.
Trình tự, thủ tục điều động công chức:
- Căn cứ quy hoạch, nhu cầu công tác và năng lực, sở trường của công chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức được phân công, phân cấp quản lý công chức xây dựng kế hoạch, biện pháp điều động công chức thuộc phạm vi quản lý, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện;
- Lập danh sách công chức cần điều động;
- Biện pháp thực hiện cụ thể đối với từng trường hợp;
- Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì thực hiện trình tự, thủ tục điều động như trường hợp bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý từ nguồn nhân sự nơi khác quy định tại khoản 3 Điều 46 Nghị định 138/2020/NĐ-CP.
Lưu ý: Trước khi quyết định điều động công chức, người đứng đầu cơ quan được phân công, phân cấp quản lý công chức cần gặp gỡ công chức nêu rõ mục đích, sự cần thiết của việc điều động để nghe công chức đề xuất ý kiến trước khi quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
(2) Công chức không chấp hành quyết định điều đồng thì bị áp dụng hình thức kỷ luật gì?
Căn cứ Điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định như sau: Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng đối với trường hợp không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cấp có thẩm quyền; không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng; gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Như vậy, công chức không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cấp có thẩm quyền mà không có lý do chính đáng gây ra hậu quả ít nghiệp trọng thì bị áp dụng hình thức kỷ luật là khiển trách.
Ngoài ra trường hợp hành vi này của công chức gây hậu quả nghiêm trọng hơn thì còn có thể bị kỷ luật với các mức cảnh cáo, hạ bậc lương hay là buộc thôi việc.
Xem thêm một số trường hợp chưa được phép điều động công chức tại Điều 4 Quyết định 436/QĐ-KTNN năm 2014.
(3) Xếp lương đối với cán bộ, công chức được điều động về xã như thế nào?
Trường hợp cán bộ, công chức làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị từ cấp huyện trở lên được điều động, luân chuyển, biệt phái về làm cán bộ, công chức cấp xã thì tiếp tục được thực hiện việc xếp lương, nâng bậc lương và phụ cấp thâm niên vượt khung theo quy định của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Căn cứ tại khoản 4 Điều 61 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định cán bộ, công chức cấp xã bao gồm cả cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã; Nghị định 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức đã quy định cụ thể các trường hợp điều động, biệt phái, luân chuyển công chức đến vị trí công tác khác (Điều 26, Điều 27, Điều 55).
Trên cơ sở đó, căn cứ nhu cầu sử dụng cán bộ, công chức của địa phương và các điều kiện theo quy định của pháp luật, cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc điều động, biệt phái, tiếp nhận công chức đang làm việc tại huyện (trong đó có huyện ủy) làm công chức cấp xã.
Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà việc thực hiện chế độ, chính sách và xếp lương của công chức cấp xã áp dụng theo quy định của pháp luật cho phù hợp.
Theo đó, trường hợp công chức được điều động, biệt phái thì chế độ, chính sách thực hiện theo Điều 28 Nghị định 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ; trường hợp công chức được tiếp nhận thì việc xếp lương thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 33/2023/NĐ-CP, cụ thể:
Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được điều động đến vị trí công tác khác mà phụ cấp chức vụ mới thấp hơn phụ cấp chức vụ hiện đang đảm nhiệm thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ trong thời gian 06 tháng; Trường hợp công chức được biệt phái đến làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Cán bộ, công chức cấp xã tốt nghiệp trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP được thực hiện xếp lương như công chức hành chính có cùng trình độ đào tạo quy định tại bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Như vậy, cán bộ, công chức đang công tác ở huyện được điều động về xã thì thực hiện xếp lương như công chức xã có cùng trình độ theo phân tích trên.