Trong các vụ hỏa hoạn, chúng ta thường được thấy các chiến sĩ PCCC sử dụng dây thừng trèo lên để cứu các nạn nhân. Vậy dây thừng đó có phải là loại dây thừng bình thường không?
(1) Dây cứu nạn, cứu hộ trong PCCC
Trong công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC, các chiến sĩ PCCC sử dụng dây để leo lên các tòa và giải cứu nạn nhân. Việc sử dụng dây để cứu nạn, cứu hộ mang tính chất liên quan đến sinh mạng con người và sự an toàn của người sử dụng dây. Do đó việc sản xuất dây cứu nạn, cứu hộ phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt, được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi đưa vào sử dụng.
Như vậy, sợi dây mà các chiến sĩ PCCC sử dụng không phải là dây thừng bình thường mà có tên gọi là dây cứu nạn, cứu hộ có độ co giãn thấp và có hẳn một tiêu chuẩn quy định các yêu cầu về thiết kế, kỹ thuật, tính năng và thử nghiệm đối với dây cứu nạn, cứu hộ có độ giãn thấp cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Theo Tiêu chuẩn TCVN 13927 : 2023 quy định, dây cứu nạn, cứu hộ (Life safety rope) là loại dây cấu tạo từ các sợi liên kết với nhau để hỗ trợ tải truyền lực từ điểm gốc đến một điểm được ứng dụng, dây được dùng trong công tác đào tạo, huấn luyện, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Dây cứu nạn, cứu hộ được chia làm hai loại:
- Dây cứu nạn, cứu hộ kỹ thuật (Technical-use life safety rope) là loại dây có đường kính từ 9,5mm đến dưới 12mm và phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng theo mục 4.2.1 TCVN 13927 : 2023
- Dây cứu nạn, cứu hộ đa dụng (General-use life safety rope) là loại dây có đường kính từ 11mm đến16mm và phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng theo mục 4.2.2 TCVN 13927 : 2023.
Các loại dây cứu nạn, cứu hộ phải có độ giãn dài lớn hơn 6% và nhỏ hơn 10% ở 10% của độ bền kéo đứt tối thiểu.
(2) Dây cứu nạn, cứu hộ trong PCCC có độ bền kéo đứt và độ giãn như thế nào?
Trong mục 4 TCVN 13927 : 2023 quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với dây cứu nạn, cứu hộ dùng cho lực lượng PCCC và hoạt động cứu nạn, cứu hộ có quy định chi tiết về độ bền và độ kéo giãn của dây cứu nạn, cứu hộ như sau:
Đối với dây cứu nạn, cứu hộ kỹ thuật
- Độ bền kéo đứt và độ giãn của dây cứu nạn, cứu hộ kỹ thuật phải được kiểm tra thử nghiệm theo quy định tại 5.3 và có độ bền kéo dứt tối thiểu không nhỏ hom 20 kN, độ giãn dài tối thiểu của dây nằm trong khoảng từ 1% đến dưới 10% ở 10% độ bền kéo đứt.
- Dây cứu nạn, cứu hộ kỹ thuật phải được xác định đường kính theo quy định tại 5.3 và phải có đường kính trong khoảng từ 9,5 mm đến dưới 11 mm. Bảo đảm đường kính tính toán của tất cả các dây cứu nạn, cứu hộ phải được làm tròn đến 0,5 mm.
Đối với dây cứu nạn, cứu hộ đa dụng
- Độ bền kéo đứt và độ giãn của dây cứu nạn, cứu hộ đa dụng phải được kiểm tra thử nghiệm theo quy định tại 5.3 và phải có độ bền kéo đứt tối thiểu không nhỏ hơn 40 kN, độ giãn dài tối thiểu của dây nằm trong khoảng từ 1% đến dưới 10% ở 10% độ bền kéo đứt.
- Dây cứu nạn, cứu hộ đa dụng phải được xác định đường kính theo quy định tại 5.2 và phải có đường kính trong khoảng từ 11 mm đến 16 mm. Bảo đảm đường kính tính toán của tất cả các dây cứu nạn, cứu hộ phải được làm tròn đến 0,5 mm.
Độ bền kéo đứt tối thiểu của dây cứu nạn, cứu hộ phải bằng hoặc lớn hơn độ bền kéo đứt tối thiểu được liệt kê trong bảng sau:
Đường kính dây cứu nạn, cứu hộ, mm |
Độ bền kẻo đứt tối thiểu, kN |
9,5 |
20,0 |
11,0 |
26,7 |
12,5 |
40,0 |
16,0 |
55,6 |
Bên cạnh đó, sợi dùng để tạo ra dây cứu nạn cứu hộ cũng phải tuân theo các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt như sau:
- Dây cứu nạn, cứu hộ phải được làm bằng sợi nguyên sinh.
- Các phần tử chịu tải chính của dây cứu nạn, cứu hộ phải được cấu tạo bằng sợi mới, chưa qua sử dụng và liền mạch.
- Sợi được sử dụng cho tất cả các dây cứu nạn, cứu hộ phải được thử nghiệm về độ nóng chảy theo quy định tại ASTM E794 và phải có nhiệt độ nóng chảy không nhỏ hơn 204°C.
Sau khi sợi dây được tạo ra đạt các yêu cầu về kỹ thuật, nhà sản xuất phải thực hiện việc kiểm tra lại sản phẩm trước khi bán ra thị trường. Ngoài ra, việc bao gói và ghi nhãn cho sản phẩm dây cứu nạn, cứu hộ cũng được quy định chi tiết trong TCVN 13927 : 2023.
(3) Cách ghi nhãn cho sản phẩm dây cứu nạn, cứu hộ
Mục 6 TCVN 13927 : 2023 quy định cách ghi nhãn cho dây cứu nạn, cứu hộ. Theo đó, dây cứu nạn, cứu hộ được ghi nhãn theo quy định hiện hành, có đủ các thông số kỹ thuật theo yêu cầu tại tiêu chuẩn này và tối thiểu phải có các thông tin như dưới đây và phải gắn nhãn có các nội dung này vào vị trí dễ nhìn và không dễ bị tẩy xoá trên bao bì hoặc nhãn:
- Tên sản phẩm và tên loại( Dây cứu nạn, cứu hộ kỹ thuật/Dây cứu nạn, cứu hộ đa dụng)
- Ngày sản xuất và mã số sản xuất.
- Tên và địa chỉ của nhà sản xuất (hoặc thương hiệu) và số điện thoại; tên và địa chỉ của nhà nhập khẩu (đối với sản phẩm nhập khẩu).
- Độ bền kéo đứt tối thiểu, tính bằng kilo newton
- Đường kính dây, tính bằng milimet
- Loại sợi cấu tạo
- Chú ý khi lắp đặt và sử dụng.
- Các vấn đề liên quan đến chứng nhận chất lượng (thời gian bảo hành, chi tiết bảo hành…)
Dây cứu nạn, cứu hộ hiện nay được bán rất nhiều trên thị trường với đủ loại giá từ đắt đến rẻ. Tuy nhiên, khi lựa chọn dây để sử dụng trong công tác cứu nạn, cứu hộ thì nên chú trọng đến chất lượng sản phẩm và các thông số kỹ thuật của sợi dây hơn giá thành.
Lựa chọn loại dây có chất lượng tốt sẽ giúp người sử dụng và người được cứu bảo đảm an toàn, không xảy ra các trường hợp đáng tiếc do sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân kém chất lượng.