DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng người khác thì nên làm gì?

Avatar

 

Có nhiều trường hợp trong lúc chuyển tiền, chủ tài khoản chuyển nhầm vào tài khoản ngân hàng người khác. Như vậy, trong trường hợp này, chủ tài khoản nên làm gì để tránh mất tiền oan?

Chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng người khác thì nên làm gì?

1) Nếu biết thông tin của người được chuyển nhầm

Theo Điều 579 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ hoàn trả như sau:

 - Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; 

- Người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật làm cho người khác bị thiệt hại thì phải hoàn trả khoản lợi đó cho người bị thiệt hại.

Đồng thời, Điều 580 Bộ luật dân sự 2015 quy định về tài sản hoàn trả như sau:

- Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản mà không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã thu được.

- Trường hợp tài sản hoàn trả là vật đặc định thì phải hoàn trả đúng vật đó; nếu vật đặc định đó bị mất hoặc hư hỏng thì phải đền bù bằng tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Trường hợp tài sản hoàn trả là vật cùng loại, nhưng bị mất hoặc hư hỏng thì phải trả vật cùng loại hoặc đền bù bằng tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả khoản lợi về tài sản đó cho người bị thiệt hại bằng hiện vật hoặc bằng tiền.

Như vậy:

- Nếu biết thông tin của người mà mình chuyển nhầm, đầu tiên chủ tài khoản nên liên hệ với người đó để được họ hoàn trả lại. Sợ các vấn đề pháp lý về sau, hai bên có thể viết Giấy biên nhận tiền, ký tên hai bên và người làm chứng về sự việc có trả tiền như trên. Mẫu giấy: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/04/mau-giay-bien-nhan-tien.docx

Hiện nay pháp luật không quy định bắt buộc phải công chứng, chứng thực. Vì vậy, Giấy biên nhận tiền không cần công chứng, chứng thực vẫn có giá trị pháp lý nếu được xác lập hợp pháp.

Trường hợp ở xa, không thể ký Giấy biên nhận tiền thì chủ tài khoản liên hệ Ngân hàng để nhờ Ngân hàng hỗ trợ.

- Nếu người nhận số tiền chuyển khoản nhầm không chịu hoàn trả thì chủ tài khoản có quyền khởi kiện ra TAND cấp có thẩm quyền hoặc trình báo cơ quan Công an để được giải quyết.

2) Nếu không biết thông tin của người được chuyển nhầm

Nếu không biết thông tin của người được chuyển nhầm, chủ tài khoản cần liên hệ ngay đến ngân hàng để được hỗ trợ:

Trường hợp người nhận chuyển nhầm chưa sử dụng đến số tiền đó

Ngân hàng dựa trên thông tin, chứng từ mà người chuyển khoản nhầm tiền cung cấp để phong tỏa khoản tiền trong tài khoản của người nhận và hoàn trả lại cho người chuyển khoản nhầm.

Trường hợp người nhận chuyển nhầm đã sử dụng số tiền đó

Ngân hàng yêu cầu bên nhận tiền chuyển nhầm hoàn trả lại số tiền đó cho người chuyển nhầm (cho họ một khoảng thời gian nhất định). 

Nếu người nhận tiền chuyển nhầm không chịu hoàn trả thì Ngân hàng hướng dẫn chủ tài khoản trình tự, thủ tục để khởi kiện bên nhận tiền nhầm ra Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền để đòi lại tiền; hoặc trình báo cơ quan công an để được giải quyết.

Nếu người nhận chuyển nhầm đã giao tiền cho bên thứ ba thì có đòi được không?

Theo Điều 582 Bộ luật dân sự 2015 quy định quyền yêu cầu người thứ ba hoàn trả như sau:

Trường hợp người chiếm hữu, người sử dụng tài sản mà không có căn cứ pháp luật đã giao tài sản cho người thứ ba thì khi bị chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản yêu cầu hoàn trả, người thứ ba có nghĩa vụ hoàn trả tài sản đó, trừ trường hợp Bộ luật dân sự 2015 có quy định khác; nếu tài sản đó đã được trả bằng tiền hoặc có đền bù thì người thứ ba có quyền yêu cầu người đã giao tài sản cho mình bồi thường thiệt hại.

Như vậy, nếu tiền đã được giao cho bên thứ ba thì chủ tài khoản có quyền yêu cầu bên thứ ba trả lại số tiền đã chuyển nhầm đó.

Người chiếm giữ số tiền chuyển nhầm không trả lại bị xử lý thế nào?

Chiếm giữ tài sản là gì?

Hiện nay chưa có quy định cụ thể khái niệm chiếm giữ tài sản. Tuy nhiên, theo thực tế xét xử thì chiếm giữ tài sản là hành vi cố tình không trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp của tài sản hoặc không giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền khi tài sản bị giao nhầm hoặc do mình tìm được.

Như đã phân tích ở trên, người nhận chuyển nhầm có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền chuyển khoản nhầm theo quy định pháp luật. Người có hành vi chiếm giữ tài sản trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015.

Xử lý hành chính người nhận chuyển nhầm không trả lại

Theo điểm đ Khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác.

Đồng thời, người chiếm giữ còn chịu hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

- Hình thức xử phạt bổ sung:

+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

+ Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

+ Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm.

Xử lý hình sự người nhận chuyển nhầm không trả lại

Theo quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội chiếm giữ trái phép tài sản như sau:

- Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá:

+ Từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

+ Dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa 

Bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

- Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, nếu nhận được khoản tiền dưới 10 triệu đồng thì người chiếm giữ sẽ bị xử phạt hành chính 3-5 triệu đồng và các hình thức bổ sung, khắc phục hậu quả. Nếu số tiền từ 10 triệu đồng trở lên hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa thì bị phạt từ 10-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm.

Xem thêm: 

14 ngân hàng quan trọng năm 2024 được NHNN phê duyệt

Có được vay ngân hàng để mua vàng không?

  •  20008
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…