Vàng là một kim loại quý có giá trị lưu trữ cao nên nhiều người mua vàng không chỉ để làm trang sức mà để “làm của”. Vậy, nếu không có vốn thì có được vay ngân hàng để mua vàng không? Pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào?
Có được vay ngân hàng để mua vàng không?
Theo quy định tại Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN quy định về những nhu cầu vốn mà tổ chức tín dụng không được cho vay bao gồm:
- Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư.
- Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư và các giao dịch, hành vi khác mà pháp luật cấm.
- Để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư.
- Để mua vàng miếng.
- Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
- Để trả nợ khoản vay nước ngoài (không bao gồm khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm), khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
+ Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;
+ Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
- Để gửi tiền.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì vay ngân hàng để mua vàng miếng là vi phạm pháp luật. Còn đối với việc vay ngân hàng để mua vàng trang sức thì hiện hay pháp luật không cấm. Theo đó ngoại trừ mua vàng miếng, khách hàng vẫn có thể vay ngân hàng để mua các loại vàng khác.
Làm sao để biết người đi vay có vay ngân hàng để mua vàng miếng không?
Theo Khoản 16 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 thì cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.
Theo Điều 94 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 thì xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay bao gồm những nội dung sau:
- Tổ chức tín dụng phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi, khả năng tài chính của mình, mục đích sử dụng vốn hợp pháp, biện pháp bảo đảm tiền vay trước khi quyết định cấp tín dụng.
- Tổ chức tín dụng phải tổ chức xét duyệt cấp tín dụng theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cấp tín dụng.
- Tổ chức tín dụng có quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng.
- Tổ chức tín dụng có quyền yêu cầu khách hàng vay báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích vay vốn.
Như vậy, trước khi thực hiện hoạt động cho vay, ngân hàng phải yêu cầu khách hàng vay vốn nêu mục đích sử dụng vốn, nếu hợp pháp thì mới được cho vay. Vì vậy, nếu phát hiện khách hàng vay vốn để mua vàng miếng thì ngân hàng sẽ không được phép cho vay.
Ngân hàng vẫn cho vay để mua vàng miếng thì bị xử lý thế nào?
Nghĩa vụ kiểm tra, giám sát khách hàng sử dụng vốn vay
Theo Điều 24 Thông tư 39/2016/TT-NHNN được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN quy định:
- Khách hàng có trách nhiệm sử dụng vốn vay và trả nợ theo nội dung thỏa thuận; báo cáo và cung cấp tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn vay theo yêu cầu của tổ chức tín dụng
- Tổ chức tín dụng có quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng theo quy định của pháp luật và quy trình nội bộ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 22 Thông tư 39/2016/TT-NHNN
Theo đó, ngân hàng phải có nghĩa vụ kiểm tra, giám sát khách hàng có sử dụng vốn vay đúng pháp luật hay không.
Nếu đã cho vay mà phát hiện khách hàng vay vốn dùng không đúng mục đích hợp pháp trước đó theo thoả thuận mà để mua vàng miếng thì sẽ xử lý phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 25 Thông tư 39/2016/TT-NHNN.
Vậy nếu ngân hàng không kiểm tra, giám sát khách hàng thì sao?
Theo đó, tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định 88/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 143/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Không kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng theo quy định của pháp luật;
- Vi phạm quy định về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.
Như vậy, ngân hàng không kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng dẫn đến trường hợp khách hàng vay vốn để mua vàng miếng thì ngân hàng có thể bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Xem thêm: