Công dân khi bị kết án phạt tù chắc chắn sẽ bị tước hoặc hạn chế một số quyền công dân. Trường hợp chủ sở hữu doanh nghiệp bị phạt tù khi đang doanh nghiệp đang hoạt động phải giải quyết như thế nào?
Bộ luật hình sự 2015 và Luật doanh nghiệp 2014 đã có quy định khá rõ ràng về trường hợp này, cụ thể như sau:
Tại Điều 44 Bộ luật hình sự 2015 quy định
“1. Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật này quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:
a) Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;
b) Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
2. Thời hạn tước một số quyền công dân là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.”
Có thể hiểu, công dân dù bị kết án tù cũng chỉ bị hạn chế một số quyền công dân, cụ thể là quyền ứng cử đại biểu, quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân; không bị hạn chế quyền điều hành, quản lý doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 77 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về thực hiện quyền của chủ sở hữu công ty trong một vài trường hợp đặc biệt, cụ thể đối với Trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân bị tạm giam, bị kết án tù hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề theo quy định của pháp luật, thành viên đó ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty.
Như vậy, đối với trường hợp chủ sở hữu công ty phải thi hành án tù thì trong thời hạn thi hành án phạt tù có thể tạm dừng hoạt động của công ty, đợi đến khi thi hành xong bản án có thể quay trở lại điều hành công ty một cách bình thường hoặc có thể ủy quyền cho một người khác quản lý trong thời gian trên.