Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Đây là nghĩa vụ của mọi công dân khi đã đủ tuổi quy định trừ các trường hợp luật quy định khác. Vậy nên, nghĩa vụ này cũng không ngoại lệ đối với người lao động (NLĐ).
Cụ thể, pháp luật quy định như thế nào về chế độ được hưởng của NLĐ đang làm việc ở các tổ chức, doanh nghiệp trong thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự? Cho NLĐ nghỉ việc trong thời gian tham gia NVQS có đúng luật? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
Nghĩa vụ quân sự là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.
NLĐ đang đi làm có phải đi nghĩa vụ quân sự không?
Theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, tại Điều 30 có ghi rằng, công dân đủ 18 tuổi đến 25 tuổi sẽ phải thực hiện đi Nghĩa Vụ Quân Sự. Đối với sinh viên đang theo học chính quy tại các trường Đại học hay Cao Đẳng thì có thể tạm hoãn đến năm 27 tuổi.
Đối với người đang có hợp đồng lao động thì vẫn có thể được xét tạm hoãn hoặc miễn nghĩa vụ quân sự nếu thuộc vào các diện sau:
- Người lao động là lao động duy nhất trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân bị mất khả năng lao động hoặc thân nhân chưa đến tuổi lao động.
- Người lao động là lao động duy nhất trong gia đình bị thiệt hại nặng nề về tài sản và người trong các thiên tai, tai nạn, dịch bệnh nguy hiểm. Điều này phải được xác nhận bởi Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Có xác nhận chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ. Bản xác nhận này phải được Hội Đồng khám sức khỏe Nghĩa Vụ cấp.
- Lao động thuộc diện di dân, giãn dân đến các xã đặc biệt khó khăn theo các dự án về kinh tế – xã hội của Nhà Nước, có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên cấp.
- Người lao động là cán bộ, viên chức, công chức, thanh niên xung phong được lệnh điều động đến công tác tại các vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
- Người lao động có anh chị em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ hoặc là hạ sĩ quan, chiến sĩ Công An Nhân Dân.
- Người lao động là con của liệt sĩ hoặc thương binh hạng 1.
Trừ những trường hợp trên đây thì những người vẫn nằm trong độ tuổi quy định định đề phải chấp hành thực hiện lệnh gọi nghĩa vụ quân sự.
Đồng thời, khoản 2 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 cũng nêu rõ:
Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định.
Theo đó, nghĩa vụ nói chung và nghĩa vụ quân sự nói riêng là việc cá nhân trong độ tuổi phải phục vụ trong quân đội khi được gọi nhập ngũ, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tôn giáo, học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú…
Vậy nên, NLĐ đang làm việc cho các tổ chức, doanh nghiệp khi có lệnh gọi nhập ngũ mà không thuộc các trường hợp miễn giảm thì phải nghiêm chỉnh tuân thủ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015.
Những chế độ NLĐ được hưởng trong thời gian tham gia NVQS là gì?
Căn cứ theo Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 quy định đối tượng Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự thuộc một trong các trường hợp được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Bên cạnh đó, trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác (khoản 2 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019)
Ngoài ra, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Như vậy, theo trường hợp trên thì hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động sẽ được đương nhiên tạm hoãn thực hiện mà không phụ thuộc vào ý chí của người sử dụng lao động.
Hết thời hạn tạm hoãn thì của người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc. Việc giải quyết hậu quả của việc tạm hoãn được quy định tại Điều 31 BLLĐ 2019.
Đồng thời, theo điểm đ khoản 3 Điều 50 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định như sau:
Trước khi nhập ngũ đang làm việc tại tổ chức kinh tế thi khi xuất ngũ tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm và tiền lương, tiền công trước khi nhập ngũ; trường hợp tổ chức kinh tế đã chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản thì việc giải quyết chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ được thực hiện như đối với người lao động của tổ chức kinh tế đó theo quy định của pháp luật;
Ngoài ra, người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương. Cụ thể:
Căn cứ theo khoản 2 Điều 102 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
“Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.
Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.”
Xử phạt vi phạm
Như đã phân tích, khi người lao động đi nghĩa vụ quân sự, các bên được quyền tạm hoãn hợp đồng lao động. Sau khi người lao động xuất ngũ, người sử dụng lao động phải nhận lại và bố trí công việc để người đó tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Nếu không thực hiện đúng quy định, người sử dụng lao động sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Phạt tiền từ 03-07 triệu đồng đối với người sử dụng lao động thực hiện hành vi Không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Theo đó, người sử dụng lao động là cá nhân sẽ bị phạt từ 03 - 07 triệu đồng, trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức sẽ bị phạt từ 06 - 14 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022).
Ngoài ra, người sử dụng lao động còn buộc phải nhận người lao động trở lại làm việc, đồng thời phải trả lương trong những ngày không nhận người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (theo điểm b khoản 5 Điều 11 Nghị định 12/2022).
Những quyền lợi khi NLĐ xuất ngũ
Hơn nữa, theo Điều 7 Nghị định 27/2016/NĐ-CP, hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ được hưởng các quyền lợi gồm:
- Trợ cấp xuất ngũ một lần;
- Trợ cấp thêm khi kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ;
- Trợ cấp tạo việc làm;
- Chế độ Bảo hiểm xã hội.
Cụ thể:
Trợ cấp xuất ngũ một lần
Khoản 1 Điều 7 Nghị định 27/2016/NĐ-CP nêu rõ, cứ mỗi năm phục vụ trong Quân đội được trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở theo quy định tại thời điểm xuất ngũ. Cụ thể:
Trợ cấp xuất ngũ một lần = Số năm phục vụ tại ngũ x 02 tháng tiền lương cơ sở
Theo đó, trường hợp có tháng lẻ được tính như sau:
- Dưới 01 tháng không được hưởng trợ cấp xuất ngũ;
- Từ đủ 01 - đủ 06 tháng: Trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương cơ sở;
- Từ trên 06 tháng - 12 tháng: Trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở.
Từ ngày 01/7/2023 mức tiền lương cơ sở chính thức tăng lên 1,8 triệu đồng (mức lương cơ sở hiện đang áp dụng là 1,49 triệu đồng). Vậy nên, hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ sau thời điểm 01/7/2023 cũng sẽ được tăng mức trợ cấp xuất ngũ một lần.
Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ có thời gian nhập ngũ đủ 24 tháng, trợ cấp xuất ngũ một lần như sau:
Xuất ngũ trước 01/7/2023: 2 x 2 x 1,49 triệu đồng = 5.96 triệu đồng
Xuất ngũ sau 01/7/2023: 2 x 2 x 1,8 triệu đồng = 7,2 triệu đồng
Như vậy, có thể thấy binh sĩ, hạ sĩ quan xuất ngũ vào thời điểm sau khi đã tăng mức lương cơ sở sẽ được hưởng trợ cấp xuất ngũ một lần đến 7,2 triệu đồng, cao hơn 1,24 triệu đồng so với trước đó.
Trợ cấp thêm khi kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ
Theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 27/2016/NĐ-CP:
- Hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ đủ 30 tháng khi xuất ngũ được trợ cấp thêm 02 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng;
- Nếu xuất ngũ trước thời hạn 30 tháng thì thời gian phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 25 - dưới 30 tháng được trợ cấp thêm 01 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng.
Như vậy, ngoài khoản trợ cấp bằng ít nhất 02 lần mức lương cơ sở, hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ năm có thời gian kéo dài thời gian phục vụ được hưởng thêm một khoản trợ cấp.
Trợ cấp tạo việc làm
Căn cứ tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 27/2016/NĐ-CP, hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự khi xuất ngũ được trợ cấp tạo việc làm bằng 06 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm xuất ngũ.
Theo đó, từ 01/7/2023 tăng mức trợ cấp tạo việc làm như sau:
- Xuất ngũ trước 01/7/2023: 6 x 1,49 triệu đồng = 8.94 triệu đồng.
- Xuất ngũ sau 01/7/2023: 6 x 1,8 triệu đồng = 10,8 triệu đồng.
Bảo hiểm xã hội một lần
Theo điểm d khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn được hưởng BHXH một lần khi xuất ngũ nếu có nhu cầu.
Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, mỗi năm được 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Trong đó:
- Nếu sau khi xuất ngũ mà được thanh toán tiền BHXH một lần thì khoảng thời gian đó không được cộng vào thời gian tham gia BHXH.
- Nếu xuất ngũ mà không hưởng trợ cấp BHXH một lần thì thời gian đóng BHXH được cộng nối thời gian công tác có đóng BHXH sau này để làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH theo quy định.