Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều cá nhân, tổ chức giả mạo cơ quan chức năng, văn phòng luật hứa hẹn giúp đỡ nạn nhân lấy lại tiền khi bị lừa đảo.
Tuy nhiên, đây thực chất là thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt thêm tiền của nạn nhân. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về thủ đoạn lừa đảo mới đầy tinh vi này.
Thông thường các đối tượng sẽ lợi dụng vào tâm lý hoang mang, lo sợ và bối rối của nạn nhân khi bị mất tiền để tiến hành thao túng, dụ dỗ, an ủi các nạn nhân tin tưởng vào mình sẽ giúp họ lấy lại được khoản tiền bị mất mà lừa tiền thêm một lần nữa.
- Để gây dựng niềm tin,những kẻ gian sẽ xây dựng thêm các trang web, nhóm zalo, telegram, facebook và chạy quảng cáo trên không gian mạng.
- Bên cạnh đó,các đối tượng sử dụng công nghệ Al giả mạo thành luật sư, nhân viên tư vấn luật, nhân viên ngân hàng an ủi và tư vấn cho nạn nhân, hứa hẹn sẽ giúp nạn nhân lấy lại tiền.
- Đối tượng sẽ tiếp cận đến những nạn nhân có tâm lý yếu, dễ bị dụ dỗ và thao túng họ thanh toán nhiều loại phí như phí giao dịch, phí luật sư, hay các loại phí khác, những phí này được gọi là phí dịch vụ điều tra giúp lấy lại tiền bị lừa đảo.
- Sau khi nạn nhân chuyển tiền phí đầu tiên, họ có thể bị thuyết phục chuyển thêm tiền với hy vọng lấy lại số đã mất. Không chỉ chiếm đoạt tiền, những kẻ lừa đảo cũng thu thập thông tin cá nhân quan trọng của nạn nhân như thông tin tài khoản ngân hàng, tên tuổi, số chứng minh nhân dân, số điện thoại, email,... làm cơ sở để tiếp tục các vụ lừa đảo sau này
Chính vì vậy, khi đối mặt với những thủ đoạn tinh vi này, người dân cần đề cao cảnh giác, kiểm tra thông tin website, lịch sử làm việc của người đang giao dịch, không tự ý chuyển tiền .
Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Xem thêm bài viết: Mẫu đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
Xem và tải mẫu đơn tố cáo tại đây:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/mau-don-to-cao.doc
(2) Lừa đảo chiếm đoạt tiền của người khác qua mạng sẽ bị xử phạt thế nào?
Hành vi giả mạo cơ quan, tổ chức hứa hẹn giúp đỡ nạn nhân lấy lại tiền khi bị lừa đảo là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định.
Xử phạt hành chính
Theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính như sau như sau:
Người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng và áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Hành vi lừa đảo qua mạng thực chất là hành vi sử dụng thủ đoạn gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác nên người có hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
Theo đó, căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về mức phạt cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể:
Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 02-50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
Mức phạt cao nhất của tội này có thể bị phạt tù chung thân.
Hình phạt bổ sung
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015
- Bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng
- Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01- 05 năm
- Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ mà hành vi lừa đảo qua mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các khung hình phạt khác nhau.
Kết luận
Tóm lại, hành vi các cá nhân, tổ chức giả mạo thông tin để “hỗ trợ” giúp người dân lấy lại tiền bị lừa đảo qua mạng là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Tùy theo tính chất, mức độ phạm tội mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xem thêm bài viết: Mẫu đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
Xem và tải mẫu đơn tố cáo tại đây:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/mau-don-to-cao.doc