DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

BCT: Yêu cầu website, sàn thương mại điện tử gỡ bỏ sản phẩm pháo hoa Z121

Tết Nguyên đán 2023 đang cận kề, nhiều người dân phản ánh về tình trạng “khan hiếm” và “thổi giá bán” các sản phẩm pháo hoa không nổ tại một số website, sàn thương mại điện tử. 

Cảnh báo về việc mua pháo hoa trực tuyến, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) khẳng định pháo hoa là sản phẩm kinh doanh có điều kiện và yêu cầu các website, sàn thương mại điện tử gỡ bỏ sản phẩm pháp hoa Z121 của Công ty TNHH một thành viên Hóa chất 21 (Nhà máy Z121).

Người dân được sử dụng pháo gì trong ngày Tết?

Những ngày vừa qua, việc được hay không sử dụng pháo hoa ngày Tết, cũng được phổ biến rộng rãi đến người dân.

Cụ thể, pháo hoa được phép sử dụng trong những dịp cá nhân là loại pháo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Còn loại pháo hoa nổ là loại pháo mà người dân không được phép tự ý sử dụng. Pháo hoa nổ được xếp vào nhóm pháo nổ và nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tự ý sử dụng. Việc sử dụng pháo hoa nổ do cơ quan có thẩm quyền quyết định trong những trường hợp đặc biệt. Xem thêm tại đây.

Ngoài ra, pháo hoa là sản phẩm kinh doanh có điều kiện. Việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh pháo hoa tại Việt Nam phải tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật. 

Chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường (theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 14 Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27 /11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo).

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, hiện nay chỉ có 2 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được cấp phép kinh doanh sản phẩm pháo hoa, gồm: Nhà máy Z121 và Tổng công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng (Tổng công ty GAET).

Người tiêu dùng có thể tham khảo bảng giá niêm yết sản phẩm pháo hoa của Nhà máy Z121 áp dụng thống nhất tại các cửa hàng trên toàn quốc.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề nghị người dân khi phát hiện các hoạt động kinh doanh, mua bán pháo hoa tại các địa điểm ngoài phạm vi các cửa hàng được công bố của Nhà máy Z121 và Tổng công ty GAET; kinh doanh pháo hoa trên môi trường mạng cần kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Xử phạt hành vi vi phạm về mua bán pháo hoa trái luật

Xử phạt hành chính

Căn cứ tại điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về Vi phạm quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm:

Phạt tiền từ 02-05 triệu đồng đối với hành vi Chiếm đoạt, trao đổi, mua, bán, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo;

Theo đó, trong trường hợp mua bán pháo hoa trái phép nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 02-05 triệu đối với cá nhân vi phạm.

Đồng thời, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm 

Lưu ý, mức xử phạt nêu trên chỉ áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt gấp đôi.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Xét thêm căn cứ tại khoản 1 Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015 và khoản 2 Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015 (một số khoản được sửa đổi bởi khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định mua bán pháo hoa trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm cho đến bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm tùy vào từng trường hợp.

Người dân sử dụng nguồn pháo hoa trái phép bị xử lý như thế nào?

Căn cứ tại điểm i khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm:

- Phạt tiền từ 05-10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép;

Theo đó, người dân sử dụng pháo hoa trái phép sẽ bị phạt tiền từ 05-10 triệu đồng.

Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Lưu ý: Mức phạt trên là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân.

  •  230
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…