Nếu là người ưa thích lướt news feed, xem video trên facebook hay tiktok,...chắc hẳn dạo gần đây, chúng ta quá quen với việc các clip nhạy cảm xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội gây ảnh hưởng không nhỏ đến người dùng. Các đoạn clip này được cho là ăn cắp hình ảnh của các bạn trẻ trên các trang mạng xã hội, rồi kèm tiêu đề nhạy cảm, gắn link dẫn đến những trang web đen nhằm trục lợi.
Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng xấu đến sự lành mạnh của văn hóa xã hội, đồng thời xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. Vậy hình phạt nào dành cho các đối tượng ăn cắp hình ảnh của người khác kèm với các nội dung đồi trụy, nhạy cảm?
Thủ đoạn của hành vi vi phạm
Tình trạng ăn cắp hình ảnh của các đối tượng này nhắm vào các bạn trẻ, hot trên các trang mạng xã hội. Chúng đăng tải những hình ảnh, clip đó lên và kèm theo tiêu đề nhạy cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và gợi ý đi đến đường link của web đen mà chúng đã dẫn sẵn.
Hành vi vi phạm này không phải lần đầu xuất hiện trên mạng xã hội, tuy nhiên dạo gần đây, tần suất xuất hiện ngày càng cao và tràn lan, khiến người dùng cảm thấy khó chịu. Đặc biệt hơn là đối tượng trẻ em sử dụng mạng xã hội giờ phổ biến hơn rất nhiều, hành vi này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các em khi các em chưa đầy đủ được nhận thức để chủ động né tránh các tin tiêu cực đó.
Trước hết, cần khẳng định rằng, các hành vi ăn cắp hình ảnh, clip của người khác đăng lên mạng xã hội không xin phép là vi phạm pháp luật, nghiêm trọng hơn là việc xuyên tạc, xúc phạm danh dự nhân phẩm khi kèm tiêu đề nhạy cảm và truyền bá văn hóa phẩm đổi trụy. Theo đó, hành vi này rất nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến sự lành mạnh của văn hóa xã hội, đồng thời xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
Do đó, tùy thuộc vào mức độ vi phạm cũng như hậu quả xảy ra mà đối tượng có hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm dân sự, nặng hơn có thể là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chế tài đối với hành vi sử dụng hình ảnh của người khác khi chưa xin phép và truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy
Xử phạt vi phạm hành chính
(1) Sử dụng hình ảnh của người khác khi chưa xin phép
Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về quyền cá nhân đối với hình ảnh như sau:
Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Theo đó, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân mà không xin phép sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 8 Nghị định 119/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm i khoản 10 Điều 2 Nghị định 14/2022/NĐ-CP, việc đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác” sẽ bị xử phạt từ 05-10 triệu đồng. Ngoài ra, còn phải khắc phục hậu quả, buộc cải chính, xin lỗi.
(2) Xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác trên không gian mạng
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng thì Nhà nước nghiêm cấm việc lợi dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm vào mục đích tuyên truyền, kích động dâm ô, đồi trụy, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
(3) Truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy
Người vi phạm bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm b, khoản 1, Ðiều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xuý các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Mức phạt trên là áp dụng đối với tổ chức. Trường hợp cá nhân vi phạm, mức phạt bằng 1/2 đối với tổ chức.
Hoặc người này sẽ phải chịu xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP Điều 102 quy định: Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Chịu trách nhiệm dân sự
Theo Điều 32, Điều 34 và Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín và quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình:
Đây là hành vi sử dụng hình ảnh của người khác mà không được sự đồng ý, cho phép của bạn, nên người này đã vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh của bạn theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trong mọi trường hợp việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Nhà nước nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Người nào xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại theo quy định Bộ luật Dân sự.
Do đó bạn có thể nộp đơn khởi kiện lên tòa án có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo trình tự thủ tục quy định tại Điều 189, 190,191 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể yêu câu người này bồi thường thiệt hại về tinh thần cho bạn, theo đó, mức yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần bao gồm các chi phí để khắc phục, thu hồi các ấn phẩm gây hại. Bên cạnh các chi phí đó, người bị hại có quyền yêu cầu bù đắp tổn thất tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại, mức yêu cầu này do các bên thỏa thuận nhưng không quá 10 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định theo Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015:
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Nếu hành vi của người này xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của bạn thì người đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Mức phạt cao nhất cho tội này là bị phạt tù lên đến 05 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm.
Ngoài ra, việc người này gắn link những trang web đen trên các hình ảnh của người khác còn bị khởi tố hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy:
Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Theo đó, người truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Tùy theo mức độ nghiêm trọng do hành vi này gây ra mà người làm ra, phát tán các hình ảnh nhạy cảm này có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.