Giấy mời là gì? Giấy triệu tập là gì? Sự khác nhau giữa 2 loại giấy này là gì? Nhận được giấy nào thì có quyền vắng mặt? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này cho người dân nắm rõ.
(1) Giấy triệu tập là gì?
Theo quy định tại Thông tư 01/2006/TT-BCA(C11), giấy triệu tập là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự nên chỉ Cơ quan điều tra hoặc Cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới được sử dụng.
Trong đó, việc sử dụng giấy triệu tập phải đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định.
Ngoài ra, giấy triệu tập bị can tại ngoại; giấy triệu tập hoặc giấy mời người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đến Cơ quan điều tra để làm việc chỉ có giá trị làm việc trong một lần.
Xem và tải Mẫu Giấy triệu tập theo Thông tư 119/2021/TT-BCA
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/16/trieu-tap.doc
Mẫu Giấy triệu tập bị can
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/16/trieu-tap-bi-can.doc
(2) Ai sẽ được gửi giấy triệu tập?
Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (sửa đổi 2021), giấy triệu tập có thể gửi đến cho các đối tượng:
- Bị can: Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
- Bị cáo: Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án.
- Bị hại: Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
- Nguyên đơn dân sự: Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
- Bị đơn dân sự: Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
- Người làm chứng: Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
- Người giám định: Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
- Người định giá tài sản: Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
- Người phiên dịch, dịch thuật: Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
- Người bào chữa: Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án.
Giấy mời làm việc là giấy gì?
Giấy mời làm việc là văn bản được dùng để gửi tới cá nhân, cơ quan, tổ chức trong trường hợp cần khai thác thông tin, nhằm trao đổi, giải quyết công việc cụ thể.
Xem và tải Mẫu Giấy mời theo Thông tư 119/2021/TT-BCA
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/16/giay-moi.doc
Hiện, không có điều luật nào quy định bắt buộc người dân phải chấp hành giấy mời của cơ quan công an vì các lý do không liên quan đến một vụ án đã được khởi tố.
Sự khác nhau giữa Giấy mời và Giấy triệu tập?
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể nào đề cập đến việc cá nhân, cơ quan, tổ chức nhận được Giấy mời làm việc có bắt buộc phải có mặt hay không.
Có thể hiểu, giấy mời là loại giấy được sử dụng trong những trường hợp cơ quan điều tra, tòa án… mời những người có liên quan hoặc biết về vụ việc/vụ án đến làm việc nhằm thu thập thông tin, làm rõ những nội dung có liên quan đến vụ việc/vụ án.
Vì thế, Giấy mời không có giá trị bắt buộc công dân chấp hành, người được mời có quyền lựa chọn giữa đến và không đến. Không đến làm việc theo giấy mời không phải là hành vi vi phạm pháp luật.
Tóm lại, sự khác biệt của 2 loại giấy này là khi người dân nhận được Giấy mời làm việc thì có thể đến hoặc không (không bắt buộc), tuy nhiên đối với Giấy triệu tập thì người bị triệu tập cần phải có mặt đầy đủ theo nội dung của giấy.
Nhận được giấy triệu tập nhưng vắng mặt sẽ bị gì?
Trường hợp công dân được gửi giấy triệu tập được nêu ở trên nhưng không có mặt theo nội dung, yêu cầu trong văn bản thì có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (sửa đổi 2021), cụ thể:
- Bị can, Bị cáo: Có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
(Điểm a khoản 3 Điều 60 và Điểm a khoản 3 Điều 61 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (sửa đổi 2021))
- Bị hại: Trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải.
(Theo điểm a khoản 4 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (sửa đổi 2021))
- Người làm chứng: Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải.
(Theo điểm a khoản 4 Điều 66 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (sửa đổi 2021)).
Như vậy, Giấy mời và Giấy triệu tập khác nhau ở tính bắt buộc hoặc không đối với người nhận. Mọi người dân cần nắm rõ bản chất để thực hiện đúng quy định pháp luật, trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý như nêu trên.