DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Làm visa mất bao lâu? Hồ sơ xin visa cho NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam gồm gì?

Avatar

 

Visa hay còn gọi là thị thực là loại giấy tờ do cơ quan có quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Mam. Vậy làm visa mất bao lâu? Hồ sơ bao gồm những gì? Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cần những điều kiện gì?

Hướng dẫn thủ tục cấp visa cho người nước ngoài tại Việt Nam

(1) Trình tự thực hiện:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật.

Bước 2: Nộp hồ sơ:

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ tại một trong hai trụ sở làm việc của Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an:

+ 44-46 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội.

+ 333-335-337 Nguyễn Trãi, Q.1, TP Hồ Chí Minh.

- Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ:
+ Nếu đầy đủ, hợp lệ, thì nhận hồ sơ, in và trao giấy biên nhận, hẹn ngày trả kết quả.
+ Nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn người nộp bổ sung hồ sơ cho đầy đủ.
Thời gian nộp hồ sơ: từ thứ 2 đến sáng thứ 7 hàng tuần (trừ ngày tết, ngày lễ).  

Bước 3: Nhận kết quả:
- Người đến nhận kết quả đưa giấy biên nhận, chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc hộ chiếu cho cán bộ trả kết quả kiểm tra, đối chiếu, nếu có kết quả thì yêu cầu người đến nhận kết quả nộp lệ phí và ký nhận.
- Thời gian: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ ngày tết, ngày lễ). 

(2) Cách thức thực hiện: Trực tiếp tại trụ sở làm việc của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.

(3) Thành phần số lượng hồ sơ:

- Thành phần hồ sơ: Tờ khai đề nghị cấp, bổ sung, sửa đổi thị thực và gia hạn tạm trú  (mẫu NA5).
- Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ.

(4) Thời hạn giải quyết: Không quá 05 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ.

(5) Đối tượng thực hiện: Cơ quan, tổ chức và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

(6) Cơ quan thực hiện: Cục quản lý xuất nhập cảnh

(7) Phí:        

- Thị thực có giá trị một lần: 25USD/chiếc.

- Thị thực có giá trị nhiều lần:

+ Loại có giá trị không quá 03 tháng: 50 USD/chiếc.

+ Loại có giá trị trên 03 tháng đến 06 tháng: 95 USD/chiếc.

+ Loại có giá trị trên 06 tháng đến 12 tháng: 135 USD/chiếc.

+ Loại có giá trị trên 12 tháng đến 02 năm: 145 USD/chiếc.

+ Loại có giá trị trên 02 năm đến 05 năm: 155 USD/chiếc.

+ Thị thực cấp cho người dưới 14 tuổi (không phân biệt thời hạn): 25 USD/chiếc.

- Chuyển ngang giá trị thị thực, thời hạn tạm trú còn giá trị từ hộ chiếu cũ sang hộ chiếu mới hoặc chuyển ngang giá trị thị thực, thời hạn tạm trú còn giá trị từ thị thực rời cũ (đã hết chỗ đóng dấu: kiểm chứng nhập cảnh, kiểm chứng xuất cảnh, chứng nhận tạm trú, gia hạn tạm trú) sang thị thực rời mới: 5 USD/chiếc.

(8) Yêu cầu, điều kiện thực hiện:

- Cơ quan, tổ chức đề nghị cấp, bổ sung, sửa đổi thị thực, gia hạn tạm trú cho người nước ngoài, người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài đã có hồ sơ chứng minh tư cách pháp nhân tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.

- Người nước ngoài, người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài có hộ chiếu hợp lệ, có thị thực (trừ trường hợp miễn thị thực), chứng nhận tạm trú do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp, đang cư trú tại Việt Nam và không thuộc diện "chưa được nhập cảnh Việt Nam" hoặc không thuộc diện “tạm hoãn xuất cảnh”. 

- Công dân Việt Nam đề nghị cấp, bổ sung, sửa đổi thị thực, gia hạn tạm trú cho người nước ngoài, người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài phải là người có quan hệ cha, mẹ, vợ, chồng, con với người nước ngoài, người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài (xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ).

Visa cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là loại visa dài hạn được Chính Phủ Việt Nam cấp cho người nước ngoài với mục đích lao động và được áp dụng cho người có đủ điều kiện kiện về giấy phép lao động hoặc đủ điều kiện làm việc theo quy định của Luật lao động Việt Nam.

Điều kiện được cấp visa lao động được quy định như thế nào?

Hiện nay, trong các văn bản pháp luật không có thuật ngữ visa lao động, tuy nhiên theo khoản 16 Điều 8 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 được sửa đổi bởi điểm e, điểm g khoản 3 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh ,cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019 thì ta có thể hiểu visa lao động là thị thực với ký hiệu LĐ1, LĐ2.

Theo Điều 10 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 được bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh ,cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019 có quy định chi tiết về điều kiện cấp thị thực như sau:

- Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

- Có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh, trừ trường hợp quy định tại Điều 16a, Điều 16b và khoản 3 Điều 17 của Luật này.

- Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật này.

- Người nước ngoài vào lao động phải có giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật lao động;

- Thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài có hộ chiếu và không thuộc diện quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 8 của Luật này.

Thủ tục cấp visa cho NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Theo quy định tại Điều 16 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 được bổ sung bởi khoản 8 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019 và quy định tại Điều 3 Thông tư 31/2015/TT-BCA thì thủ tục xin cấp visa lao động như sau:

Bước 1: Trước khi làm thủ tục mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thì cơ quan, tổ chức, cá nhân mời bảo lãnh phải gửi văn bản thông báo kèm theo hồ sơ cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

Việc thông báo chỉ thực hiện một lần, khi có sự thay đổi nội dung trong hồ sơ phải thông báo bổ sung.

Bước 2: Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài trực tiếp gửi văn bản đề nghị cấp thị thực tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

- Cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài được lựa chọn gửi văn bản đề nghị cấp thị thực cho người nước ngoài và nhận kết quả trả lời qua giao dịch điện tử tại Cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh nếu đủ điều kiện quy định của pháp luật.

Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị cấp thị thực, Cục Quản lý xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết, trả lời cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài.

Bước 4: Sau khi nhận được văn bản trả lời của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam thông báo cho người nước ngoài để làm thủ tục nhận thị thực tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài.

Hồ sơ xin cấp visa lao động bao gồm những gì?

Theo khoản 2 Điều 16 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 có quy định chi tiết những hồ sơ để gửi thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh bao gồm:

- Văn bản thông báo về việc bảo lãnh cấp thị thực vào Việt Nam;

- Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

- Văn bản giới thiệu con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền của tổ chức

Theo Điều 12, Điều 17 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 được bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 uật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019Thông tư 04/2015/TT-BCA có quy định hồ sơ đề nghị cấp thị thực cho người lao động nước ngoài đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh, bao gồm những giấy tờ sau:

- Tờ khai đề nghị cấp thị thực Việt Nam;

- Bản sao có chứng thực giấy phép lao động hoặc giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã được cấp;

- Các giấy tờ chứng minh nếu thuộc một trong các đối tượng được miễn thị thực sau đây:

+ Theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

+ Sử dụng thẻ thường trú, thẻ tạm trú theo quy định pháp luật của Việt Nam.

+ Vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

+ Có quyết định đơn phương miễn thị thực của Việt Nam.

+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và người nước ngoài là vợ, chồng, con của họ; người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam được miễn thị thực theo quy định của Chính phủ.

+ Vào khu kinh tế ven biển do Chính phủ quyết định khi đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

  •  4486
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…