Từ trước đến giờ, việc lái xe không đứng tên mình không phải là điều hiếm hoi, bởi lẽ nhiều gia đình 4,5 người nhưng chỉ có 1,2 chiếc xe máy để chạy chung, hay mua những xe cũ nhưng chưa sang tên,... Vậy các trường hợp này, lái xe đứng tên người khác khi tham gia giao thông có vi phạm pháp luật hay không?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư 58/2020/TT-BCA ngày 16/6/2020 của Bộ Công an:
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe thì tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng, được phân bổ, thừa kế xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục cấp đăng ký, biển số.
Trường hợp không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) trong thời hạn 30 ngày, thì chủ xe sẽ bị phạt như sau:
- Đối với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô:
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức (căn cứ tại điểm a khoản 4 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
- Đối với xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô:
Phạt tiền từ 02-04 triệu đồng với cá nhân, từ 04-08 triệu đồng với tổ chức (căn cứ tại điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Ngoài ra, theo khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe chỉ bị xử phạt nếu bị phát hiện trong 02 trường hợp:
(1) Thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông;
(2) Qua công tác đăng ký xe.
Do đó, trong trường hợp thông thường, điều khiển xe đứng tên người khác tham gia giao thông mà xuất trình được đầy đủ giấy tờ theo quy định bao gồm:
- Giấy đăng ký xe;
- Giấy phép lái xe;
- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với ô tô) thì sẽ không bị xử phạt.