Kết hôn là một bước ngoặt, là một sự kiện quan trọng trong đời. Tuy vậy, vẫn có nhiều vấn đề xoay quanh chủ đề trên mà làm không ít người phải băn khoăn. Cụ thể, nhiều bạn nữ thắc mắc “Liệu kết hôn rồi có buộc nhập hộ khẩu vào nhà chồng hay không?” Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
Đa số, khi đăng ký kết hôn, vợ và chồng thường sẽ thực hiện thủ tục để nhập khẩu vào chung với nhau.
Tuy nhiên, pháp luật hiện nay quy định như thế nào về nhập khẩu chung khi kết hôn?
Kết hôn rồi có bắt buộc nhập hộ khẩu vào nhà chồng không?
Sau khi hai người nam, nữ xác lập quan hệ vợ, chồng thì phải thực hiện quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng. Một trong số đó là nghĩa vụ sống chung với nhau. Cụ thể, khoản 2 Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 nêu rõ:
Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.
Căn cứ tại Điều 20 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:
Việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính.
Đồng thời tại Điều 43 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nơi cư trú của vợ, chồng như sau:
- Nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ, chồng thường xuyên chung sống.
- Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau nếu có thỏa thuận.
Điều 14 của Luật Cư trú 2020 quy định về nơi cư trú của vợ, chồng như sau:
- Nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ, chồng thường xuyên chung sống;
- Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.
Dựa vào những căn cứ trên có thể thấy việc lựa chọn nơi cư trú của vợ, chồng theo thỏa thuận của vợ chồng, pháp luật không có quy định bắt buộc vợ phải nhập khẩu vào nhà chồng.
Tóm lại, nếu không nhập khẩu cho vợ về nhà chồng thì cũng không bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Về nhà chồng ở không đăng ký tạm trú có bị phạt không?
Căn cứ theo Điều 27 Luật Cư trú 2020 về điều kiện đăng ký tạm trú như sau:
- Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
- Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần
Ngoài ra còn quy định những địa điểm mà công dân không được đăng ký tạm trú mới tại Điều 23 Luật Cư trú 2020
Như vậy, việc đăng ký hộ khẩu về nhà chồng sau khi vợ chồng đã đăng ký kết hôn không phải là quy định bắt buộc theo quy định pháp luật, Tuy nhiên, bạn đã kết hôn và ở với nhà chồng từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú theo quy định.
Xử phạt hành vi không thực hiện đúng quy định việc đăng ký tạm trú
Việc đăng ký tạm trú là nghĩa vụ của công dân. Do đó, nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trong thời hạn quy định (30 ngày kể từ ngày đến sinh sống tại nơi ở trọ) thì có thể bị phạt, như sau:
Căn cứ tại Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định:
Hành vi vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;
- Không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;
- Không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, xác nhận thông tin về cư trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó, khi về ở nhà chồng mà từ 30 ngày trở lên thì có thể bị phạt đến 01 triệu động.
Ngoài ra, nếu đã cư trú tại chỗ ở hợp pháp mới , đủ điều kiện đăng ký cư trú nhưng không thực hiện thủ tục thay đổi nơi đăng ký cư trú thì sẽ bị phạt từ 01-02 triệu đồng theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.