DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Bộ Công an cảnh báo người dân thận trọng trước khi ký hợp đồng “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch”

Avatar

 

Dạo thời gian gần đây, liên quan đến việc mua dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” của người dân nhận nhiều phản ánh có dấu hiệu của lừa đảo , lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết của khách hàng để trục lợi. Theo đó, Bộ Công an đã cảnh báo đến người dân cần thận trọng trước khi ký kết hợp đồng “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” này.

Hoạt động mua bán “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” (Timeshare) đã xuất hiện từ lâu và phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, gần đây mô hình này được triển khai khá phổ biến tại Việt Nam.

Bộ Công an cho biết, mô hình “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” là mô hình du lịch cung cấp dịch vụ mua trước quyền nghỉ dưỡng tại một hoặc một số khách sạn, khu resort trong khoảng thời gian nhất định (thường là 07 ngày/1 năm) theo mùa hoặc liên tục trong nhiều năm liền tùy theo thỏa thuận ký kết giữa các bên.

Mô hình này được triển khai tại Việt Nam và thu hút sự quan tâm của dư luận, thậm chí được giới thiệu như một giải pháp kích cầu du lịch với các ưu điểm so với du lịch thông thường, như: Chi phí tiết kiệm hơn, chỉ vài trăm nghìn đồng/đêm nghỉ tại khách sạn cao cấp bất kỳ trong hệ thống bất động sản doanh nghiệp, tiết kiệm 70% so với việc mua kỳ nghỉ thông thường; các dịch vụ tiện nghi được cung cấp nhiều hơn và hoàn toàn miễn phí; khách hàng có toàn quyền sử dụng và quyết định đối với gói lưu trú mình đang sở hữu, bao gồm trao đổi, mua bán, cho thuê… khi không có nhu cầu sử dụng, coi đây là một kênh đầu tư sinh lợi nhuận. 

Thời điểm hiện tại đang là cao điểm mùa du lịch hè, nhu cầu nghỉ dưỡng, nghỉ mát của người dân tăng cao, một số doanh nghiệp, chủ đầu tư, tư vấn viên bán sản phẩm dịch vụ chủ động gọi điện thoại thông báo chương trình “tri ân khách hàng”, với những lời mời chào hấp dẫn, đưa ra chính sách khuyến mãi, chiết khấu hấp dẫn, tặng voucher ưu đãi… để lôi kéo người dân tham gia. Ngay khi tư vấn thành công, họ đưa hợp đồng cho khách hàng ký trong khoảng thời gian nhanh chóng.

Trong khi hợp đồng với số lượng lớn trang giấy A4 nên nhiều người không đọc kỹ hoặc không hiểu rõ, ký các điều khoản không rõ ràng, trong hợp đồng “cài” nhiều điều khoản bảo vệ lợi ích đơn phương cho bên cung cấp dịch vụ, gây bất lợi cho khách hàng… gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác định dấu hiệu tội phạm và bảo vệ nạn nhân khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại.

Thời gian qua, cơ quan Công an nhận được nhiều đơn của người dân khiếu nại, tố giác một số công ty kinh doanh “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” về việc tham gia hợp đồng chia sẻ kỳ nghỉ nhưng không được hưởng đúng quyền lợi như bên cung cấp dịch vụ đã cam kết hoặc quảng cáo, phát sinh thêm nhiều chi phí; khách hàng không thể bán lại cho người khác cũng như không thể đòi lại được tiền… 

Trước đó, ngày 6/6, Tổng cục Du lịch ban hành văn bản về việc tuyên truyền để người dân tìm hiểu thông tin trước khi giao kết hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ”.

Hầu hết các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ hiện nay đều là hợp đồng có thời hạn dài. Bên cạnh khoản phí cố định ngay từ đầu, người tiêu dùng sẽ còn phải đóng thêm nhiều khoản phí khác phát sinh. Các khoản chi phí này có thể chỉ được quy định trong hợp đồng, không có trong thông tin quảng cáo, chào bán và có thể không được quy định một cách rõ ràng, đầy đủ.

Bộ công an khuyến cáo đến người dân

Trước tình hình trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân: 

Nâng cao cảnh giác với hoạt động “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch”, tìm hiểu kỹ về tư cách pháp lý và khả năng cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp trước khi mua gói dịch vụ “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch”.  

Nghiên cứu kỹ hợp đồng trước khi ký kết, đặc biệt chú ý đến các điều khoản liên quan đến quyền lợi của khách hàng, trách nhiệm của doanh nghiệp, giá trị hợp đồng và các loại chi phí liên quan, cũng như điều khoản chấm dứt hợp đồng và xử lý vi phạm. 

Người dân cần kịp thời phản ánh, tố giác đến cơ quan Công an các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân lợi dụng hoạt động “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. 

Đề nghị cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước, tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Tham khảo:

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Truy cứu TNHS tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Theo đó, căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015  được sửa đổi bởi điểm a, c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về mức phạt cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể:

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2-50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

Mức phạt cao nhất của tội này có thể bị phạt tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác bị xử phạt hành chính như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:

Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;

- Công nhiên chiếm đoạt tài sản;

- Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

- Không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản;

- Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Mức phạt cao nhất cho Hành vi này có thể đến 05 triệu đồng.

Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung:

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

- Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính.

Biện pháp khắc phục hậu quả đối với tội này là:

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;

- Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép;

- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

  •  2046
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…