1. Tự gây thiệt hại để nhận bảo hiểm bị phạt đến 100 triệu đồng
Ngày 10/5/2018, Nghị định 48/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 98/2013/NĐ-CP về xử phạt VPHC trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số chính thức có hiệu lực thi hành.
Theo đó, phạt tiền từ 90 triệu đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm như:
- Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp có quy định khác;
- Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;
- Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin:
+ Trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
+ Để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra.
Những hành vi trên bị xử phạt khi số tiền chiếm đoạt dưới 20 triệu đồng hoặc gây thiệt hại dưới 50 triệu đồng hoặc chưa đến mức truy cứu TNHS.
2. Tẩy xóa chứng từ kế toán bị phạt đến 05 triệu đồng
Nội dung này được quy định tại Nghị định 41/2018/NĐ-CP về xử phạt VPHC trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập có hiệu lực từ ngày 01/5/2018.
Theo đó, nếu cá nhân có một trong các hành vi sau thì sẽ bị phạt tiền từ 03 triệu đến 05 triệu đồng:
- Tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán (quy định hiện hành chỉ phạt tối đa 01 triệu đồng);
- Mẫu chứng từ kế toán không có đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định;
- Ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ, mực phai màu hoặc bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn;
- Chứng từ chi tiền không ký theo từng liên.
3. Quy định mới về điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp
Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có hiệu lực từ ngày 02/5/2018.
Theo đó, tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) phải đáp ứng những điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định này, đơn cử như sau:
- Là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định và chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC;
- Vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên;
- Có mẫu hợp đồng tham gia BHĐC, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy định;
- Có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia BHĐC, trang thông tin điện tử cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động BHĐC;
- Có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết vướng mắc, khiếu nại của người tham gia BHĐC…
4. 06 trường hợp không được tham gia định giá tài sản trong TTHS
Nội dung nổi bật này được quy định tại Nghị định 30/2018/NĐ-CP về thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự có hiệu lực từ ngày 01/5/2018.
Theo đó, người thuộc một trong các trường hợp sau thì không được tham gia định giá tài sản:
- Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;
- Đã tham gia định giá hoặc định giá lại tài sản đang được trưng cầu định giá;
- Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó;
- Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó;
- Có căn cứ rõ ràng để chứng minh người đó không vô tư trong khi thực hiện định giá;
- Người đang trong thời gian thi hành kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.
5. Nghị định 25/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 60/2014/NĐ-CP về hoạt động in có hiệu lực từ ngày 01/5/2018.
6. Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/5/2018.
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY