1. Danh mục mới 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
Ngày 22/11/2016, Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư 2014. Theo đó:
- Bãi bỏ nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và ban hành Danh mục mới chỉ gồm 243 ngành, nghề thay vì 268 ngành, nghề như tại Luật Đầu tư 2014.
- Từ 01/7/2017, bổ sung ngành, nghề kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị và ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
- Bổ sung "kinh doanh pháo nổ" vào ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh đó, tên một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện cũng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn.
Luật sửa đổi, bổ sung bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.
2. Quy định đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu
Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2016 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2017.
Theo đó, quy định cụ thể các loại tài sản phải bán thông qua đấu giá, đơn cử như:
- Tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.
- Tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
- Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
Đặc biệt để tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu, Luật đã bổ sung quy định về việc đấu giá tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Luật cũng quy định chứng chỉ hành nghề đấu giá cấp theo Nghị định 17/2010/NĐ-CP tiếp tục có giá trị sử dụng, nghiêm cấm việc cho mượn, sử dụng chứng chỉ của người khác.
3. Quyền tự do tín ngưỡng của người nước ngoài tại Việt Nam
Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã được Quốc hội khóa XIV thông qua và sẽ chính thức áp dụng từ ngày 01/01/2018.
Theo đó, quy định cụ thể về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam như sau:
- Được sinh hoạt tôn giáo, tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo.
- Được sử dụng địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo tập trung.
- Được mời chức sắc, chức việc, nhà tu hành là người Việt Nam thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo; mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài giảng đạo;
- Được vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo của tổ chức tôn giáo ở Việt Nam.
- Được mang theo xuất bản phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, Luật còn công nhận tư cách pháp nhân phi thương mại của tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo trực thuộc.
Ngoài ra, một văn bản khác cũng không kém phần quan trọng đó là Thông tư 176/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 10/2014/TT-BTC hướng dẫn xử phạt hành chính về hóa đơn.
Theo đó, nội dung cơ bản của Thông tư này là điều chỉnh mức phạt vi phạm hành chính về hóa đơn tại Thông tư số 10 để phù hợp và thống nhất với Nghị định 49/2016/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/8/2016.
Thông tư 176/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/12/2016.