Bộ Tư pháp: Phát hiện 30 văn bản trái pháp luật

18/10/2016 08:30 AM

Quá trình thẩm định các văn bản pháp luật, Bộ Tư pháp phát hiện có 30 văn bản trái pháp luật về nội dung thẩm quyền.

Sáng 17/10, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thường kỳ thông tin về kết quả công tác tư pháp quý III và một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016. Theo ông Đỗ Đức Hiển, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết, trong quý III/2016, các Bộ đã trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến 13 dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội và 1 đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, trong đó có 3 luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo.

Toàn cảnh buổi họp báo

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành được 64 văn bản, quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực.

Bộ Tư pháp đã thẩm định 65 văn bản quy phạm pháp luật và 28 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, trả lời, góp ý 277 văn bản. Bộ cũng đã kiểm tra 715 văn bản gồm 79 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ, 636 văn bản địa phương. Kết quả bước đầu phát hiện 30 văn bản trái pháp luật, về nội dung thẩm quyền. Trên cơ sở kết luận đó, Bộ Tư pháp đã xử lý được 7 văn bản, 7 văn bản khác đã có hướng xử lý và 16 văn bản đang được tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về 30 văn bản trái pháp luật gồm những văn bản nào, bà Vũ Thị  Hòe, Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp cho biết, việc công bố các danh mục văn bản có dấu hiệu vi phạm Bộ đã kiểm tra theo quy trình, trình tự kiểm tra văn bản của nghị định số 34.  Đối với 30 văn bản vi phạm, Bộ  đang xem xét để trong thời gian tới sẽ công bố công khai trên trang cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

Trong công tác hộ tịch, quốc tịch, nhận con nuôi, lý lịch tư pháp bồi thường nhà nước, theo người phát ngôn Bộ Tư pháp, trong quý III Bộ Tư pháp đã chỉnh lý hoàn thiện phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân cho trẻ em để tiến hành mở rộng phạm vi thí điểm thêm 13 tỉnh thành phố. Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã trình Chủ tịch nước giải quyết 1509 hồ sơ xin thôi Quốc tịch Việt Nam, 6 hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam và trả lời 1497 trường hợp tra cứu, xác minh quốc tịch.

Về công tác bồi thường nhà nước, trong năm 2016, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý, giải quyết tổng số 105 vụ việc. Đã ban hành quyết định giải quyết bồi thường và có hiệu lực pháp luật đối với 44/105 vụ việc, đạt tỷ lệ 41,9 % với số tiền nhà nước phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường  đã có hiệu lực pháp luật là 26 tỷ 351 triệu, 209 nghìn đồng.  Hiện vẫn còn 61 vụ việc đang tiếp tục giải quyết.

Cũng tại cuộc họp, nhiều phóng viên đặt câu hỏi về  mức bồi thường của ông Huỳnh Văn Nén lại chỉ còn 2,6 tỉ đồng (trước đó là gần 10 tỷ), ông Nguyễn Việt Hưng, Phó Cục trưởng Cục bồi thường Nhà nước (Bộ Tư Pháp), cho biết cơ quan này đã phối hợp với TANDTC đôn đốc TAND tỉnh Bình Thuận giải quyết theo đúng luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước.

Ông Hưng cho rằng, trong quy định về thiệt hại, bồi thường thì những thiệt hại mà ông Nén được bồi thường cũng rất hạn chế do cách tính thiệt hại thu nhập như của ông Nén, mức bồi thường rất thấp, chi phí thăm nuôi, kêu oan theo luật hiện tại chưa có quy định. Thu nhập bị mất trong thời gian ngồi trong tù rất là khó giải quyết vì ông Nén có thu nhập không ổn định.

Đỗ Việt

Theo Báo Công lý

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,555

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]