Chính sách mới >> Tài chính 28/03/2014 10:12 AM

Những thay đổi về cơ chế phân loại tài sản có, trích lập dự phòng rủi ro

28/03/2014 10:12 AM

Ngày 18/3/2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 09/TT-NHNN (Thông tư 09) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/TT-NHNN (Thông tư 02) ngày 21/01/2013 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư 09 giữ nguyên thời điểm có hiệu lực của Thông tư 02 là 01/6/2014, đồng thời đã điều chỉnh một số quy định của Thông tư 02, nhằm tạo ra cơ chế phân loại tài sản có, trích lập, sử dụng rủi ro phù hợp hơn với điều kiện thực tế của nền kinh tế. Các thay đổi chủ yếu của cơ chế phân loại tài sản có, trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 09 tập trung vào những nội dung sau đây:

1. Về việc điều chỉnh cơ chế cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780

Đây là nội dung có nhiều thay đổi cơ bản nhất của Thông tư 09. Cụ thể:

Thứ nhất, Thông tư 09  đã chấm dứt hiệu lực của Quyết định 780/QĐ-NHNN  ngày 23/4/2012 của Thống đốc NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ (Quyết định 780) và Chỉ thị số 04/CT-NHNN  ngày 17/9/2013 của Thống đốc NHNN về việc phân loại nợ (Chỉ thị 04) đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xử lý nợ xấu kể từ ngày 20/3/2014.

Thứ hai, Thông tư 09  bổ sung cơ chế cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ mới thay thế cho quy định tại Quyết định 780  Chỉ thị 04. Cơ chế mới sẽ được thực hiện từ ngày 20/3/2014 đến hết ngày 31/3/2015.

Thứ ba, Thông tư 09  quy định chặt chẽ hơn về điều kiện thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Theo đó, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại trước khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: (i) Khoản nợ mà việc cấp tín dụng không vi phạm các quy định của phápluật; (ii) Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ phù hợp với mục đích của dự án vay vốn trong hợp đồng tín dụng; (iii) Khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích; (iv) Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chỉ được thực hiện khi khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay trong phạm vi thời hạn cho vay hoặc không có khả năng trả nợ hết nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, có phương án trả nợ mới khả thi, phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; (v) Khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đáp ứng được quy định của NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bao gồm cả tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn trong trường hợp cơ cấu lại khoản nợ ngắn hạn để thành khoản nợ trung hạn, dài hạn.

Thông tư 09  cũng quy định TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ phải đảm bảo thực hiện các yêu cầu sau: (i) TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã ban hành quy định nội bộ về kiểm soát, giám sát đối với việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống, có cơ chế kiểm soát nội bộ đối với việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đảm bảo kiểm tra, giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng; (ii) TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải kiểm soát nội dung, lý do cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với từng khoản nợ; (iii) TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động, tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo đúng quy định; (iv) Với một khoản nợ, việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 09  chỉ được thực hiện một lần; (v) TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thường xuyên rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng sau khi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Khoản nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhưng khách hàng vẫn không trả được nợ khi đến hạn theo thời hạn cơ cấu lại thì TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được tiếp tục giữ nguyên nhóm nợ và thực hiện phân loại khoản nợ đó vào nhóm nợ tương ứng theo quy định tại Thông tư 02.

2. Về việc phân loại đối với các khoản nợ vi phạm pháp luật, nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra

Về xác định nợ vi phạm pháp luật, Thông tư 09  đã sửa đổi, bổ sung quy định về xác định khoản nợ vi phạm pháp luật theo quy định tại Thông tư 02. Theo đó, nợ vi phạm pháp luật quy định tại Thông tư 02 bao gồm: (i) Khoản nợ vi phạm quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5, 6 Điều 126 Luật các TCTD 2010; (ii) Khoản nợ vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 127 Luật các TCTD 2010; (iii) Khoản nợ vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 5 Điều 128 Luật các TCTD 2010.

Về xử lý đối với nợ vi phạm pháp luật, nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, Thông tư 09  yêu cầu TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: (i) Phải ra quyết định thu hồi phần dư nợ theo kết luận thanh tra; (ii) Phải ra ngay quyết định thu hồi phần dư nợ vi phạm pháp luật tại thời điểm phát hiện vi phạm; (iii) Đối với các khoản nợ vi phạm pháp luật và các khoản nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và trong thời gian chưa thu hồi được theo quyết định thu hồi, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định tại Thông tư 02.

Về phân loại nợ đối với nợ vi phạm pháp luật, nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, Thông tư 09 quy định các khoản nợ vi phạm pháp luật, nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra tối thiểu phải được phân loại vào nhóm 3 và tùy theo thời gian quá hạn kể từ thời điểm ra quyết định thu hồi nợ hoặc phải thu hồi theo kết luận thanh tra, các khoản nợ này sẽ được phân loại vào các nhóm 4 hoặc nhóm 5.

Để bảo đảm tính chính xác của việc phân loại nợ đối với các khoản nợ vi phạm pháp luật, nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, Thông tư 09 cũng bổ sung quy định yêu cầu TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện phân loại khoản nợ vi phạm pháp luật, nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao nhất trong trường hợp những khoản nợ này có thể được phân loại vào các nhóm nợ có mức độ rủi ro khác nhau.

3. Về định giá tài sản bảo đảm

Thông tư 09 quy định, việc định giá để xác định giá trị của tài sản bảo đảm được khấu trừ khi tính toán số tiền trích lập dự phòng cụ thể phải do tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật thực hiện trong hai trường hợp sau đây: (i) Tài sản bảo đảm có giá trị từ 50 tỷ đồng trở lên đối với khoản nợ của khách hàng là người có liên quan của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định tại Điều 127 Luật các TCTD 2010; (ii) Tài sản bảo đảm có giá trị từ 200 tỷ đồng trở lên.

Thông tư 09 quy định rõ, việc thực hiện định giá qua tổ chức có chức năng thẩm định giá định giá nêu trên chỉ bắt buộc áp dụng đối với tài sản bảo đảm không phải là vàng miếng, trái phiếu chính phủ, chứng khoán do doanh nghiệp phát hành.

Thông tư 09 cũng quy định, kết quả định giá tài sản bảo đảm của tổ chức có chức năng thẩm định giá có giá trị sử dụng tối đa 12 tháng kể từ ngày tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật ký văn bản định giá. Trường hợp tổ chức có chức năng thẩm định giá không đủ khả năng định giá hoặc không có tổ chức có chức năng thẩm định giá định giá các tài sản bảo đảm nêu trên, thì TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện định giá theo quy định nội bộ.

Ngoài ra, Thông tư 09 quy định, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ban hành quy định nội bộ về việc tự đánh giá tài sản bảo đảm, bao gồm nguyên tắc định kỳ, phương pháp, quy trình và trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc định giá tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật để đảm bảo giá trị tài sản bảo đảm phù hợp với giá trị thị trường khi tính số tiền trích lập dự phòng cụ thể của các khoản nợ theo quy định tại Thông tư 02.

4. Về việc sử dụng kết quả của CIC để phân loại tài sản có

Thông tư 09 đã lùi thời hạn yêu cầu TCTD phải thực hiện điều chỉnh kết quả phân loại nợ theo kết quả phân loại nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) từ ngày 01/6/2014 như yêu cầu tại Thông tư 02  sang ngày 01/01/2015. Tuy nhiên, trong thời gian chưa phải áp dụng, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vẫn phải tự phân loại nợ và gửi kết quả cho CIC để tổng hợp và giám sát.

5. Về loại tài sản có phải thực hiện phân loại, trích lập dự phòng rủi ro

Thông tư 09 bổ sung quy định xác định rõ việc trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt do Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành để mua nợ xấu của TCTD không thực hiện phân loại, trích lập, sử dụng rủi ro theo quy định tại Thông tư 02, mà sẽ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 19/TT-NHNN ngày 06/9/2013 quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC.

Thái Sơn - PC

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,802

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn