Chính sách mới >> Tài chính 12/01/2013 16:17 PM

“Ngân hàng Nhà nước không “siết” vàng trang sức!”

12/01/2013 16:17 PM

Ngày 10/1/2013, toàn bộ hệ thống kinh doanh vàng miếng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP chính thức hoạt động. Liên quan đến sự kiện này, mấy ngày qua, dư luận rộ lên thông tin sau khi “siết” vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước sẽ “siết” nốt vàng trang sức mỹ nghệ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, Ngân hàng Nhà nước “không bao giờ “siết” vàng trang sức, mỹ nghệ!”.

Theo Nghị định 24 thì việc kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ phải đăng ký dưới hình thức doanh nghiệp

Thưa ông, tình hình giao dịch vàng miếng trên thị trường đang diễn ra như thế nào?

Trong ngày 10/1/2013, toàn bộ hoạt động giao dịch mua bán vàng miếng theo Nghị định 24 tại hệ thống kinh doanh của 22 ngân hàng thương mại và 16 doanh nghiệp diễn ra theo đúng dự liệu của Ngân hàng Nhà nước. Các nhu cầu mua, bán vàng miếng của người dân và doanh nghiệp đều được đáp ứng đầy đủ, thông suốt.

Ở các đầu mối lớn buôn bán vàng như SJC, PNJ..., trong buổi sáng cầu mua thấp, cung nhiều nên giá xuống nhưng đến đầu giờ chiều, giá hồi phục một chút. Xét tổng thể thị trường, không có tình trạng ách tắc mua bán.

Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là hệ thống kinh doanh vàng miếng mới phải phục vụ tốt mọi nhu cầu mua bán vàng miếng của người dân; nhu cầu mua, bán phải được đáp ứng kịp thời. Điều này cũng có lợi cho người dân khi mua bán vàng ở những địa điểm tin cậy và được pháp luật bảo vệ.

Thiết lập hệ thống kinh doanh mới chỉ trong một thời gian rất ngắn, các ông đã lường hết những trục trặc sẽ phát sinh trong thời gian tới?


Để thiết lập được mạng lưới kinh doanh tổng thể cho vàng miếng với gần 2.500 điểm trong một thời gian rất ngắn là sự nỗ lực rất lớn của Ngân hàng Nhà nước cùng 22 ngân hàng thương mại và 16 doanh nghiệp kinh doanh vàng. Chúng tôi đã chỉ đạo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các địa phương kết hợp với các đơn vị được phép kinh doanh lựa chọn địa điểm, trang bị công nghệ, đào tạo chuyên môn, tuyển lựa nhân lực...

Nói chung là việc triển khai ở các thành phố lớn thì đơn giản nhưng ở 7 tỉnh miền núi phía Bắc lại khó khăn hơn và Ngân hàng Nhà nước phải tận dụng mạng lưới của các ngân hàng thương mại nhà nước để triển khai.

Cũng như trước đây khi Ngân hàng Nhà nước tổ chức lại thị  trường ngoại tệ, cũng phải mất tới hai năm “tập dượt” thì thị trường ngoại tệ liên ngân hàng mới vận hành được như ngày nay. Vì  thế, chúng tôi cần phải theo dõi, thăm dò thêm tình hình và chỉnh sửa lại một số điểm để hệ thống giao dịch có thể thông suốt hoàn toàn.

Giả định rằng, trong vài ngày tới, người dân kêu  không biết mua bán ở đâu” thì Ngân hàng Nhà nước sẽ làm gì?


Toàn bộ địa điểm mạng lưới kinh doanh vàng miếng đã được Ngân hàng Nhà nước cập nhật đến tất cả chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại 63 tỉnh, thành phố và các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp trong diện được kinh doanh. Nhưng quan trọng nhất, là các đơn vị mua bán phải tự truyền thông cho người dân biết địa điểm mua bán để họ tiện giao dịch. Nếu có ai đó la lên “không biết mua, bán vàng ở đâu” thì đã có Ngân hàng Nhà nước chi nhánh địa phương và các đơn vị kinh doanh tại đó giải quyết.

Theo ông, cơ chế kinh doanh mới sẽ có  tác động như thế nào đến giá vàng trong nước?


Thông thường trong giao dịch hàng hóa nói chung, mạng lưới kinh doanh phân phối cũng có tác động ít nhiều đến giá mua bán nhưng với vàng miếng thì qua khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi thấy không ai có khả năng tự định giá được, kể cả SJC vốn là doanh nghiệp nắm giữ thương hiệu này. Mạng lưới mua bán mới nhưng giá vàng vẫn được xác định theo quan hệ cung - cầu trên thị trường.

Nhưng, cũng cần hiểu là việc thiết lập hệ thống kinh doanh vàng mới không gắn liền với bình ổn giá vàng hoặc bám sát giá vàng thế giới. Muốn giá vàng trong và ngoài nước gần nhau thì chỉ có Ngân hàng Nhà nước tham gia thị trường với vai trò kiến tạo và người mua bán cuối cùng. Đây là vấn đề lớn và chưa thể giải quyết ngay vì Ngân hàng Nhà nước còn phải cân đối với nhiều vấn đề khác như ổn định hệ thống, ổn định tỷ giá...

Tại hội nghị ngành ngân hàng vừa qua, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải tham gia thị trường vàng miếng với vai trò người mua bán cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước đã có sự chuẩn bị như thế nào?

Thiết lập hệ thống kinh doanh vàng miếng chỉ  là bước đi tiếp theo của lộ trình triển khai Nghị định 24. Trong năm nay và các năm sau, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức, sắp xếp chặt chẽ thị trường vàng; chuyển hóa toàn bộ quan hệ huy động và cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua bán vàng.

Khi thị trường vàng miếng hoạt động ổn định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia thị trường với vai trò là người kiến tạo và mua bán cuối cùng trên thị trường. Điều này sẽ giúp cho sự lưu thông thị trường tốt hơn để từ đó, mới tính toán tiếp đến việc tăng dự trữ ngoại hối bằng vàng.

Với vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước cũng ứng xử như đối với ngoại tệ. Một thời gian dài, tỷ giá bất ổn là vì người dân nắm giữ nhiều, một số thì gửi ngân hàng lấy lãi, một số thì cất giữ ở nhà. Đến khi Ngân hàng Nhà nước làm cho người dân thấy nắm giữ VND có lợi hơn thì họ đã bán rất nhiều ngoại tệ cho ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước đã mua lại số ngoại tệ này.

Mấy ngày qua, dư luận rộ lên thông tin sau khi “siết” vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước sẽ “siết” nốt vàng trang sức mỹ nghệ. Ông nói gì về vấn đề này?


Ngân hàng Nhà nước khẳng định, không bao giờ “siết” vàng trang sức, mỹ nghệ!

Theo Nghị định 24 thì khi kinh doanh loại hàng hóa này, phải đăng ký dưới hình thức doanh nghiệp. Điều này là cần thiết vì: khi mua bán, doanh nghiệp phải xuất hóa đơn, chứng minh nguồn gốc. Nhờ đó, nhà nước thu được thuế, người dân không mua phải loại hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Ở nước ngoài, mua một cái vòng, nhẫn, đều có số sê ri, địa điểm sản xuất, ngày mua bán... Quy định như vậy sẽ tạo ra môi trường kinh doanh tốt để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp ở nhiều thành phân tham gia, kể cả đầu tư nước ngoài. Đây là điểm hỗ trợ tích cực của Nghị định 24 đối với vàng trang sức mỹ nghệ, chứ không phải “siết” như một số người vẫn nghĩ.

Nguyễn Hoài

Theo VnEconomy

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,884

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn