Chính sách mới >> Tài chính 26/08/2016 08:39 AM

Phải có trách nhiệm với tiền thuế của dân

26/08/2016 08:39 AM

Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) niên độ 2014 cho thấy, tình trạng lập dự toán không đầy đủ, danh mục dự án đề xuất bố trí vốn không sát với thực tế nên phải điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch vốn vẫn tiếp tục tái lặp.

Trong dự toán chi đầu tư phát triển, vẫn còn tình trạng danh mục dự án đề xuất bố trí vốn không sát thực tế nên phải điều chỉnh vốn. Ảnh: Lê Tiên

Chi không đúng chế độ xảy ra phổ biến

Tổng KTNN, ông Hồ Đức Phớc cho biết, ngay từ khâu lập dự toán trên cơ sở số thu ước thực hiện năm 2013, một số bộ, ngành, địa phương xây dựng dự toán thấp so với khả năng thực hiện; lập dự toán không đầy đủ, không bao quát hết nguồn thu. Một số địa phương được kiểm toán lập dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, tiền sử dụng đất) không đảm bảo mức phấn đấu tăng bình quân khoảng 12-13%, dự toán thu xuất - nhập khẩu không đảm bảo tăng 8-9% so với ước thực hiện năm 2013.

Vẫn theo ông Phớc, trong dự toán chi đầu tư phát triển, vẫn còn tình trạng lập dự toán không đầy đủ, danh mục dự án đề xuất bố trí vốn không sát thực tế nên phải điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch vốn. “Đáng chú ý, qua rà soát việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2014 cho thấy, bố trí ngân sách trung ương vượt tỷ lệ hỗ trợ cho một số dự án gần 220 tỷ đồng, không đúng đối tượng hoặc vượt tỷ lệ quy định tại một số chương trình hơn 264 tỷ đồng; phê duyệt cơ cấu ngân sách trung ương trong tổng mức đầu tư vượt tỷ lệ hỗ trợ quy định trên 241 tỷ đồng; nhiều dự án thông tin chưa đầy đủ và còn sai lệch. Việc bố trí, phân chia vốn ngân sách trung ương đối ứng cho một số dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA vượt tỷ lệ quy định 216,6 tỷ đồng” - ông Phớc nhấn mạnh.

Về dự toán chi thường xuyên, ông Phớc cho biết, năm 2014 (và cả năm 2015) vẫn lặp lại các sai sót đã được KTNN phát hiện trong những năm vừa qua như lập dự toán cao hơn khả năng ngân sách hoặc số kiểm tra của Bộ Tài chính; lập dự toán chưa đầy đủ căn cứ và không sát thực tế; giao dự toán chậm, điều chỉnh, bổ sung nhiều lần trong năm; tính thiếu số từ tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương.

“Hầu hết các bộ, ngành, địa phương được kiểm toán đều còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, vượt dự toán được duyệt. 16/50 địa phương được kiểm toán còn sử dụng nguồn dự phòng cho một số nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách. Một số địa phương hụt thu ngân sách cấp tỉnh hoặc ngân sách cấp huyện nhưng không thực hiện rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định; tình trạng sử dụng sai nguồn kinh phí xảy ra ở nhiều địa phương được kiểm toán” - ông Phớc cho biết thêm.

Rút kinh nghiệm đến bao giờ?

Bình luận về quyết toán NSNN năm 2014, nhắc lại lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nhậm chức: “Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội”, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Ngô Văn Minh bày tỏ sự bức xúc khi KTNN chỉ ra khá nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng, chi tiêu NSNN. “Những ai, những cơ quan nào phải chịu trách nhiệm đối với dự án đầu tư bằng nguồn vốn có nguồn gốc từ NSNN bị chậm tiến độ, phải tăng tổng mức đầu tư? Cần phải có người chịu trách nhiệm cụ thể về việc xây ký túc xá không có người ở, chợ không có người họp, trường nghề không có người học, bệnh viện không có bệnh nhân... Phải làm rõ vấn đề này, vì đây là kỷ luật, kỷ cương tài chính, phải xử lý nghiêm chứ không thể rút kinh nghiệm, rút kinh nghiệm bao nhiêu lần rồi còn rút kinh nghiệm đến bao giờ nữa?” - ông Minh bức xúc.

Đề cập đến vấn đề một số bộ, ngành, địa phương xây dựng dự toán thấp so với khả năng thực hiện, ông Minh cho rằng, hiện vẫn còn tình trạng cứ đến tháng 8, tháng 9 hằng năm, lãnh đạo các địa phương kéo ra Trung ương bảo vệ dự toán thu NSNN năm sau và đưa ra vô vàn lý do để nhận mức dự toán thấp hơn so với khả năng có thể thực hiện được. Nhưng về đến tỉnh thì “ép” các cấp, các ngành phải thu cao hơn dự toán vì thu vượt dự toán đều có thưởng vượt thu theo quy định của Luật NSNN. “Chỉ khổ cho những địa phương nghèo, địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, có muốn cũng không lấy gì thu đủ, chứ nói gì đến vượt thu để được thưởng” - ông Minh nêu lên thực trạng bất cập.

Từ thực tế ở địa phương, Chủ tịch HĐND TP.HCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ, có những khoản thu phát sinh không thể tính hết được; đồng thời có những khoản chi phát sinh không thể không chi, nên mới có tình trạng dự toán thu, chi không sát thực tế.

Việc chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, theo ông Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, có 2 nguyên nhân là tiêu chuẩn, định mức quá lỗi thời, không phù hợp và cố tình chi sai tiêu chuẩn, định mức. Vì vậy, ông Ngân cho rằng, để chấn chỉnh tình trạng này, một mặt phải thắt chặt quản lý, sử dụng tài chính công, mặt khác, Bộ Tài chính phải rà soát lại định mức, tiêu chuẩn đưa ra mức phù hợp với thực tế.

Để chấn chỉnh tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, một mặt phải thắt chặt quản lý, sử dụng tài chính công, mặt khác, Bộ Tài chính phải rà soát lại định mức, tiêu chuẩn đưa ra mức phù hợp với thực tế.

Phạm Tất Đính

Theo Báo Đấu thầu

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,937

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn