Cơ quan trung tâm truyền thông của Anh (GCHQ) đã bí mật theo dõi các đường cáp quang của thế giới và sử dụng các chương trình để trích xuất những thông tin cá nhân nhạy cảm và chia sẻ với đối tác người Mỹ, cơ quan An ninh quốc gia (NSA)
Quy mô to lớn của cuộc thu thập này thể hiện ở tên của 2 bộ phận cơ bản cấu thành chương trình: Làm chủ Internet (MTI) và Lợi dụng lỗ hổng Internet toàn cầu (GCE), với mục đích nhắm đến các hoạt động online và điện thoại nhiều nhất có thể. Tất cả việc thu thập này đều được tiến hành một cách bí mật.
Để có thể theo dõi được một lượng lớn thông tin như vậy, GCHQ đã gắn thiết bị nghe lén vào các đường cáp quang và lưu trữ trong 30 ngày để phân tích. Chương trình đó mang mật danh Tempora, đã được tiến hành khoảng hơn 18 tháng.
GCHQ và NSA có thể tiếp cận và nghiên cứu thông tin của một lượng lớn người vô tội cũng như người bị tình nghi.
Các thông tin này bao gồm lịch sử duyệt web, lịch sử điện thoại, nội dung email, các bài viết trên facebook- những thông tin mà luật chỉ cho phép được thu thập đối với các đối tượng bị tình nghi
Sự tồn tại của chương trình này đã được thể hiện trong tập tài liệu mới nhất mà Edward Snowden gửi cho The Guardian. Người này cũng chính là người đã hé lộ thông tin về vụ bê bối nghe lén của NSA - Mỹ.
Snowden đang thực hiện một kế hoạch hé lộ cái mà anh gọi là "chương trình theo dõi đáng ngờ lớn nhất lịch sử nhân loại"
"Đó không chỉ là vấn đề ở Mỹ. Anh cũng đóng góp một phần rất lớn trong chương trình này", "Họ (GCHQ) còn tệ hơn cả Mỹ nữa", Snowden cho biết
Tuy nhiên, vào ngày thứ 6, một nguồn tin đã tranh cãi rằng việc thu thập thông tin là hợp pháp, và nó đã cung cấp bằng chứng thiết thực nhằm phát hiện và ngăn ngừa các tội phạm nghiêm trọng.
Tham vọng của chương trình: Làm chủ mạng Internet
Lượng thông tin bị thu thập khổng lồ
Nước Anh có khả năng đã gắn thiết bị theo dõi vào các đường cáp truyền tải viễn thông toàn cầu, khiến GCHQ có sức mạnh vượt trội trong tình báo
Các quan chức của Anh cũng cho rằng GCHQ có thể đã "tạo ra một lượng lớn metadata hơn cả NSA" (metadata là dữ liệu đặc tả thông tin như thời gian, địa điểm, người dùng, lưu lượng... mà không bao gồm nội dung - ND)
Đến tháng 5 năm ngoái đã có 300 chuyên viên của GCHQ và 250 của NSA để phân tích luồng dữ liệu này.
Tài liệu cho thấy năm vừa qua GCHQ đã xử lý 600 triệu cuộc gọi mỗi ngày, theo dõi hơn 200 đường cáp quang và có thể xử lý dữ liệu 46 đường trong cùng 1 lúc.
Mỗi đường cáp bị theo dõi có tốc độ truyền tải 10 gigabit/s, vì vậy theo lý thuyết một ngày có khoảng 21 petabyte dữ liệu bị theo dõi, tương đương với việc truyền tải toàn bộ nội dung của của Thư viện nước Anh 192 lần trong một ngày.
Quy mô của chương trình này ngày càng tăng khi ngày càng có nhiều đường cáp bị theo dõi, và các trung tâm nghiên cứu dữ liệu tại Anh và nước ngoài ngày càng mở rộng với mục tiêu có thể xử lý hàng ngàn gigabit dữ liệu cùng lúc.
Cùng với đó, bộ nhớ của Tempora cho phép không chỉ theo dõi thời gian thực dữ liệu mà còn có thể lưu trữ nội dung trao đổi tới 3 ngày, metadata của dữ liệu trao đổi tới 30 ngày.
Với hơn 2 tỷ người dùng internet trên thế giới, chương trình Tempora giống như một cửa sổ xuất hiện mỗi ngày và hút toàn bộ nội dung liên lạc của họ hàng ngày.
Cùng lúc đó, chương trình của NSA với tên Prism là một cửa sổ thứ 2 thu thập dữ liệu nội bộ từ các công ty cung cấp dịch vụ internet trên toàn thế giới.
Việc gắn thiết bị nghe lén hàng loạt của GCHQ đã được tiến hành trong 5 năm qua bằng cách can thiệp vào các đường cáp quốc tế chạy ngang qua Anh, mang dữ liệu từ Bắc Mỹ sang Tây Âu.
Cơ sở pháp lý cho việc theo dõi này vẫn còn là một dấu hỏi lớn
Mặc dù khác với NSA, GCHQ đã chuẩn bị sẵn cho mình một bộ khung pháp lý, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu GCHQ có đang vượt quá thẩm quyền hay không.
Một đạo luật năm 2000 cho phép cơ quan này tiến hành theo dõi một số đối tượng nhất định trên cơ sở đã được bộ trưởng ký.
Thượng nghị viện cũng đã thông qua đạo luật Ripa cho phép GCHQ thu thập thông tin, nhưng nó đã được ký từ 13 năm trước, khi mà quy mô thu thập chưa thể lường trước là khổng lồ như hiện nay.
Các thông tin được thu thập gồm các nhóm như lừa đảo, buôn bán thuốc phiện, khủng bố; nhưng tiêu chí xác định vẫn còn là điều bí mật mà công chúng không hay biết. Việc thanh tra hoạt động cũng được tiến hành nội bộ.
Lượng người bị theo dõi là một con số không thể xác định nổi, các luật sư của GCHQ cho biết.
Trong lịch sử trước đây, Anh cũng đã từng bị phát hiện theo dõi các liên lạc trên toàn thế giới qua vệ thinh và sóng ngắn, nhưng quy mô nhỏ hơn rất nhiều
Đình Phước
Theo The Guardian