Chính sách mới >> Quốc tế 12/03/2017 16:51 PM

Pháp có khả năng rời EU?

12/03/2017 16:51 PM

Dẫu khả năng này là "khó hình dung được như thế" nhưng hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đánh giá rằng nguy cơ này "đang gia tăng”.

Một thiếu nữ Pháp - Ảnh: AFP

Pháp và Đức là hai quốc gia hiện đang đóng vai trò thủ lĩnh trong việc duy trì đoàn kết của Liên minh châu Âu (EU) và cố gắng giữ EU đi đúng co đường đã vạch ra sau khi Anh tuyên bố rời khỏi khối.

Tuy nhiên những diễn biến chính trị, xã hội gần đây trong EU khiến không ít lần có những đánh giá về khả năng EU tan rã dần với sự ra đi của một số quốc gia thành viên.

Theo đánh giá của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's công bố ngày 11-3, mặc dù nguy cơ Pháp rời khỏi EU và khu vực đồng Euro (được gọi là Frexit), sau cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống diễn ra trong năm nay là "không cao", nhưng nguy cơ này "đang gia tăng”.

Hãng Moody's của Mỹ nhấn mạnh rằng giả thuyết về Frexit "ít có thể xảy ra", tuy nhiên, những gì diễn ra thời gian qua ở một số quốc gia (như Anh, Mỹ...) đã chứng minh rằng nhiều "vụ việc bất ngờ" có thể xảy ra thông qua các sự kiện chính trị, đặc biệt là các cuộc trưng cầu dân ý.

Tuy nhiên, Moody's cũng cho biết sẽ tiến hành một phân tích mới nhằm đánh giá về tình hình nước Pháp và các triển vọng liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống và bầu cử Quốc hội sẽ được tổ chức tại nước này trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6.

Theo Moody's, trừ phi có một sự thay đổi mục tiêu đột ngột, nếu không, các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên sắp tới sẽ chỉ tập trung vào các vấn đề tăng trưởng kinh tế và sử dụng ngân sách, chứ không đề cập đến vấn đề Frexit.

Trong các cuộc thăm dò trước đây, bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) - người chủ trương đưa nước Pháp rời EU - liên tục dẫn đầu. Kết quả đó đã khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng và thậm chí Tổng thống François Hollande phải lên tiếng cảnh báo gần đây.

"Có nguy cơ ứng cử viên Marine Le Pen sẽ giành chiến thắng... Đảng cực hữu chưa bao giờ nhận được tỷ lệ ủng hộ cao như vậy trong 30 năm qua, nhưng nước Pháp sẽ không bỏ cuộc"

Tổng thống François Hollande lên tiếng cảnh báo vào ngày 6-3 tại Điện Versailles (Pháp)

Ứng viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen đạt được ủng hộ cao hơn từ khi xảy ra khủng hoảng di cư ở châu Âu và ông Donald Trump thắng cử ở Mỹ - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, gần đây, ứng cử viên Le Pen đã bị lãnh đạo của phong trào "En Marche!" (Tiến bước) là cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron - người theo chủ trương gắn bó với EU - bám đuổi sát nút. Vì thế, mối lo ngại trên tạm thời lắng xuống.

Ứng cử viên Marine Le Pen từng nhiều lần tuyên bố nếu đắc cử Tổng thống, bà sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc Pháp rời bỏ "con tàu đang đắm" EU.

Gần đây, bà Le Pen - con gái của nhà sáng lập đảng FN Jean-Marie Le Pen - giành được sự ủng hộ cao hơn nhờ chương trình tranh cử theo đường lối dân túy, phản đối tình trạng nhập cư tràn lan, yêu cầu trục xuất người nhập cư trái phép, nêu cao chủ nghĩa biệt lập, đi ngược lại toàn cầu hóa...

Đường lối của bà được cho là sẽ mang đến nhiều rủi ro cho nước Pháp và EU. Và dẫu nhiều nhà phân tích cho rằng khả năng bà thắng cử không cao và nỗi lo bị "thổi phồng" nhưng không ít người vẫn lo lắng sau trường hợp thắng cử của tỉ phú Donald Trump ở Mỹ.

Theo các cuộc thăm dò dư luận mới đây, ứng cử viên Marine Le Pen dự kiến sẽ dẫn đầu tại vòng 1 bầu cử tổng thống Pháp vào ngày 23-4, nhưng ở vòng 2 diễn ra vào ngày 7-5, bà Le Pen nhiều khả năng sẽ thất bại trước một trong 2 đối thủ tiềm năng là Emmanuel Macron​ hoặc François Fillon.

 

HOÀNG DUY LONG

Theo Tuổi trẻ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,625

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn