Chính sách mới >> Quốc tế 13/06/2016 08:31 AM

Trường Sa không yên tĩnh

13/06/2016 08:31 AM

Những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6.2016, phía Trung Quốc không chỉ gấp rút bồi đắp, xây dựng trái phép trên các bãi đá đã cưỡng chiếm của VN từ 1988 - 1989, mà họ còn tăng cường đẩy đuổi, ngăn cản, gây khó cho dễ hoạt động đánh bắt hải sản bình thường của ngư dân VN trên vùng biển Trường Sa.

Coi thường họng súng

Ông Trần Quang Phố (43 tuổi, ở xã Long Hải, Phú Quý, Bình Thuận) là thuyền trưởng tàu BTh-96689.TS đã có thâm niên hơn 20 năm đánh bắt hải sản tại ngư trường Trường Sa. Trưa 31.5.2016, tôi vừa trèo lên tàu cá BTh-96689.TS đang neo tại điểm đảo Đá Đông A đã thấy ông Phố lắc đầu: “Sáng hôm qua, anh em bị xuồng cao tốc đuổi bắt gần 1 tiếng đồng hồ, may mà nhanh trí vòng tránh”.

Ông Phố kể lúc 13 giờ 30 ngày 30.5, tàu chạy từ đảo Phan Vinh sang đảo Đá Đông A ngang qua đá Châu Viên (bãi đá của VN bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ ngày 28.2.1988 và phía Trung Quốc đang tập trung bồi đắp thành đảo nhân tạo, xây dựng thành căn cứ quân sự có quy mô và tầm quan trọng nhất trong số 7 bãi đá mà họ cưỡng chiếm của VN, tại Trường Sa).

Khi cách Châu Viên khoảng 10 hải lý (18,5 km), các thuyền viên trên tàu phát hiện 1 xuồng cao tốc chở lính Trung Quốc chạy từ Châu Viên ra áp sát tàu cá BTh-96689.TS ở khoảng cách gần nhất là 3 - 4 m. Xuồng thuộc loại cao su chạy tốc độ rất cao, phía sau lái có treo cờ Trung Quốc và hệ thống đèn ưu tiên nhấp nháy xanh đỏ, còi xua đuổi cùng loa phóng thanh công suất lớn. Trên xuồng có 7 binh lính Trung Quốc đội mũ sắt, mặc quần áo rằn ri và choàng ra ngoài là áo phao màu đỏ. Trong đó, 1 người đứng mũi xuồng quay phim chụp hình, 4 người ngồi trên ghế khoang trước tay lăm lăm súng quân dụng, phía sau vị trí lái là 1 người điều khiển xuồng và 1 người chỉ huy luôn tay bấm tổ hợp bộ đàm...

Rành rẽ do đã có thời gian đi nghĩa vụ quân sự, ngư dân Nguyễn Hữu Xạo (Long Hải, Phú Quý, Bình Thuận) thuật lại: Ban đầu họ quát trên loa phóng thanh ý như yêu cầu dừng tàu để kiểm tra, nhưng anh em không biết tiếng Trung Quốc vẫn lái tàu theo hành trình, họ mới áp sát tàu chỉ cách 3 - 4 m hoa chân múa tay bắt dừng và tốp 4 binh lính ngồi khoang trên chĩa súng AK sang tàu đe dọa, chúng tôi mới hiểu ý định của họ. Lúc này các thuyền viên đứng ngồi trên boong lùi hết vào trong khoang, chui xuống hầm để thuyền trưởng điều khiển tàu chạy hết tốc lực về đảo Đá Đông A của VN.

Sau gần 1 tiếng đồng hồ chĩa súng đe dọa, chạy xung quanh tàu cá VN tìm cách áp mạn nhảy lên và hò hét, hú còi trấn áp, xuồng cao tốc Trung Quốc đành “bỏ mồi” khi tàu BTh-96689.TS chạy vào gần đảo Đá Đông A (điểm đảo chìm có bộ đội của Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân chốt giữ)... “Cách nơi bộ đội Hải quân VN đóng quân khoảng 4 hải lý (7,4 km), họ mới quay lại. Lúc đó là 14 giờ 15”, thuyền trưởng Phố thở dài.

Ngồi nói chuyện với tôi, ngư dân Trần Quang Tài (19 tuổi, ở Long Hải, Phú Quý, Bình Thuận) cho biết thêm đây không phải lần đầu tiên tàu BTh-96689.TS bị tàu xuồng Trung Quốc đuổi bắt, đe dọa. Ngay trước sự việc ngày 30.5.2016 khoảng 1 tuần, tàu chạy từ đảo Đá Đông A sang Phan Vinh cũng bị tàu tuần tra của Trung Quốc chạy ra từ bãi đá Châu Viên đẩy đuổi không cho đi gần vào khu vực bãi đá. Các binh lính Trung Quốc không chỉ chĩa súng đe dọa và còn quay pháo nhằm thẳng buồng lái tàu BTh-96689.TS...

Xuồng cao tốc Trung Quốc áp sát đuổi bắt, đe dọa tàu cá BTh-96689.TS chiều 30.5.2016 khi tàu cá này đi gần bãi đá Châu Viên

Xuồng cao tốc Trung Quốc áp sát đuổi bắt, đe dọa tàu cá BTh-96689.TS chiều 30.5.2016 khi tàu cá này đi gần bãi đá Châu Viên

Đối mặt đủ loại tàu thuyền

Ngay sau khi hoàn thiện việc xây dựng cơ bản trên 7 bãi đá cưỡng chiếm của VN, phía Trung Quốc gia tăng số lượng tàu quân sự, hải cảnh, hải giám, hải tuần và tàu cá bọc sắt làm nhiệm vụ bảo vệ xung quanh các bãi đá.

Sáng 29.5.2016, khi có mặt tại vùng biển Cô Lin - Gạc Ma, chúng tôi đã quan sát thấy 8 tàu Trung Quốc đang neo đậu xung quanh bãi đá, bao gồm: tàu hộ vệ tên lửa 545, tàu hải cảnh 3501, tàu thăm dò khảo sát (không rõ số hiệu) và các tàu cá bọc sắt xóa số hiệu.

Một cán bộ hải quân đảo Cô Lin (H.Trường Sa, Khánh Hòa) cho biết tàu hộ vệ tên lửa, hải cảnh Trung Quốc chỉ đẩy đuổi các tàu lớn của VN (tàu vận tải quân sự, tàu chở đoàn ra thăm làm việc...) khi vào gần bãi đá Trung Quốc chiếm đóng khoảng 10 hải lý (18,5 km). Các tàu cá của ta nếu vào gần, sẽ bị tàu cá Trung Quốc ra ngăn cản. Trước khi cho tàu ra ngăn chặn, binh lính Trung Quốc trong bãi đá đều bắn pháo sáng, thông tin trên loa đe dọa…

Cũng trong buổi sáng 29.5, từ trên tàu 571 của VN, chúng tôi chứng kiến cảnh tàu BTh-96435.TS của Bình Thuận đang đánh bắt hải sản cách bãi đá Gạc Ma khoảng 6 hải lý (11 km) thì tàu hải cảnh 3501 thả xuồng cao tốc chở tốp binh lính mặc quần áo rằn ri, lao đến đẩy đuổi.

Khi phát hiện xuồng cao tốc Trung Quốc, thuyền viên trên tàu BTh-96435.TS đã làm tín hiệu gọi các ngư dân đang đánh bắt trên thuyền thúng (mủng) về lại tàu và nổ máy chạy ra chỗ khác, thoát sự truy đuổi của xuồng Trung Quốc.

Ngư dân Hoàng Hòa trên tàu BTh-98684.TS kể ngày càng nhiều tàu cá Trung Quốc xuống khu vực Trường Sa. Không chỉ tranh giành ngư trường với ngư dân VN bằng trang thiết bị hiện đại, dàn đèn khổng lồ và công suất máy lớn, các tàu cá Trung Quốc còn hung hãn ngăn chặn, đâm va nếu tàu cá VN vào gần các bãi đá mà họ đang xây dựng thành căn cứ quân sự trái phép, đặc biệt là ở các bãi Chữ Thập, Châu Viên, Xu Bi…

“Hôm giữa tháng 5.2016 có áp thấp nhiệt đới, các tàu cá Trung Quốc neo đậu tại các bãi đá họ chiếm đóng trái phép, mỗi điểm lên đến vài chục thậm chí hàng trăm chiếc, ban đêm nhìn như thành phố nổi”, ngư dân Nguyễn Văn Hiền, tàu PY-96896, cũng cho biết vậy.

Không để Tổ quốc bị bất ngờ

Khu vực quần đảo Trường Sa hiện có rất nhiều bãi cạn không người, nhưng từ đầu năm 2016 đến nay, các tàu Trung Quốc thường tập trung neo đậu và thả các tốp 2 - 3 người đi thuyền nhỏ lùng sục khắp khu vực bãi đá để lặn ngụp giống như đo sâu. Các bãi được “đặc biệt quan tâm” là các bãi Ba Đầu, Ho Li, Lâu Vơ (cụm đảo Sinh Tồn), Én Đất, Bàn Than (cụm đảo Nam Yết), Chim Biển (cụm đảo Trường Sa)... Thậm chí ở bãi Ba Đầu, 2 tàu cá bọc sắt số hiệu 89029, tàu gỗ 09088 của Trung Quốc áp sát nhau neo đậu cả tháng trời.

Chiều 29.5.2016, trong hải trình từ đảo Cô Lin về Sinh Tồn ngang qua bãi Lâu Vơ, chúng tôi cũng ghi nhận tàu cá bọc sắt không sơn số hiệu của Trung Quốc neo đậu. Phía trong bãi đá, 3 tốp với 6 người Trung Quốc đang lặn ngụp cùng phao tròn.

Cũng ở Trường Sa những ngày này, tàu của Hải quân VN thường trực ở mọi hòn đảo, bãi đá và sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. “Dù có hy sinh, cũng không để nước ngoài hạ đặt, cắm bất cứ thứ gì xuống biển và chiếm đóng các bãi cạn không người”, một sĩ quan hải quân nói với tôi vậy.

Những ngày đầu tháng 6 ở Trường Sa, đến điểm nào cũng thấy bộ đội khoác súng AK đội mũ sắt dưới chang chang nắng gác trực canh trên các điểm cao, mồ hôi đầm đìa quanh vòng mắt dán ống kính quan sát chuyên dụng TZK. Nóng hừng hực, từ boong tàu pháo trực dài ngày cụm đảo Trường Sa cho đến những cánh bay tuần thám biển CASA-212 của Cảnh sát biển VN, trinh sát chống ngầm EC-225, DHC-6 của Không quân Hải quân… tất cả để gìn giữ Trường Sa và để Tổ quốc không bị bất ngờ.

Bên cạnh những người lính là các ngư dân VN bất chấp họng súng đe dọa, còi xua đuổi của Trung Quốc, vẫn kiên cường bám biển như lời thuyền trưởng tàu BTh-96689.TS Trần Quang Phố: “Mình mà sợ, vòng tránh, không dám ra đánh bắt, họ càng được thể bắt nạt. Biển của mình, không thể để chúng cướp...”...

Mai Thanh Hải

Theo Thanh niên

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,412

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]