Tàu hải giám 2169 rời cảng biển thành phố Hải Khẩu. Ảnh: China News
Theo China News, đây là hai tàu thuộc biên chế tỉnh Hải Nam. Lịch trình tuần tra kéo dài từ ngày 4 đến 11/5, với hành trình khoảng 1.400 hải lý. Tham gia hoạt động này còn có một số đơn vị khác của tỉnh Hải Nam như Cơ quan giám sát hải dương và ngư nghiệp, Viện khoa học hải dương và ngư nghiệp, Viện nghiên cứu địa chất biển.
Ngoài khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc còn tới tuần tra tại "quần đảo Trung Sa", mà thực chất là rạn san hô vòng Macclesfield, cách quần đảo Hoàng Sa 139 km về phía đông. Đây không phải là quần đảo đúng nghĩa như quy định trong Công ước Luật biển 1982.
Ngoài hoạt động tuần tra, Trung Quốc còn tiến hành đánh giá môi trường sinh thái và khí hậu biển, khảo sát rạn san hô và thảm thực vật dưới đáy biển, đặc biệt là khảo sát đáy biển khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Hôm 21/4, Trung Quốc cũng điều tàu tuần duyên, trực thăng và thủy phi cơ tới tuần tra phi pháp quanh khu vực đảo Phú Lâm, đảo Lưỡi Liềm (Trăng Khuyết) và một số điểm khác thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm năm 1974 và chiếm đóng từ đó. Hôm 30/4, Trung Quốc tuyên bố đưa giàn khoan nước sâu có tải trọng 5.000 tấn, có khả năng hoạt động trong bão cấp 12 ra Biển Đông.
Bất chấp sự phản đối của Việt Nam và quốc tế, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các động tuần tra và cải tạo ở Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Các nhà phân tích nhận định, việc này nằm trong kế hoạch biến Biển Đông thành "sân nhà" của Bắc Kinh.
Hồng Hạnh