Bản dịch này thuộc bản quyền THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

Bạn được khai thác sử dụng cho công việc của riêng mình, nhưng không được sao chép, đăng lại trên bất cứ phương tiện nào.

Toàn văn file word Bản tiếng Việt Hiệp định EVIPA
Toàn văn Bản tiếng Việt Phụ lục Hiệp định EVIPA

CHƯƠNG 3

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

MỤC A

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP GIỮA CÁC BÊN

TIỂU MỤC 1

MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI

ĐIỀU 3.1

Mục tiêu

Mục tiêu của chương này nhằm xây dựng một cơ chế hiệu quả và thuận tiện cho việc ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp giữa các Bên liên quan đến việc giải thích và áp dụng Hiệp định này bằng việc đạt được giải pháp đồng thuận giữa các Bên.

ĐIỀU 3.2

Phạm vi

Trừ khi được quy định khác trong Hiệp định này, Chương này được áp dụng nhằm ngăn ngừa hoặc giải quyết mọi tranh chấp giữa các Bên liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng các điều khoản của Hiệp định này.

TIỂU MỤC 2

THAM VẤN VÀ HÒA GIẢI

ĐIỀU 3.3

Tham vấn

1. Các Bên phải nỗ lực giải quyết mọi tranh chấp được nêu tại Điều 3.2 (Phạm vi) bằng cách tiến hành tham vấn một cách có thiện chí nhằm đạt được một giải pháp đồng thuận giữa các Bên.

2. Một Bên phải gửi yêu cầu tham vấn bằng văn bản cho Bên kia, sao gửi đến Ủy ban thành lập theo Điều 4.1 (Ủy ban) trong đó xác định biện pháp tranh chấp và các điều khoản liên quan của Hiệp định này.

3. Tham vấn phải được tiến hành trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn nêu tại khoản 2 tại lãnh thổ của Bên được yêu cầu tham vấn, trừ khi các Bên có thoả thuận khác. Tham vấn phải được coi là kết thúc trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn, trừ khi các Bên có thỏa thuận tiếp tục tham vấn.Tham vấn, đặc biệt là đối với các thông tin được công bố và quan điểm của các Bên, sẽ được bảo mật và không ảnh hưởng đến quyền của các Bên trong các quy trình tố tụng tiếp theo.

4. Tham vấn trong trường hợp khẩn cấp, bao gồm các trường hợp liên quan đến hàng hóa dễ hư hỏng,hàng hoá hoặc dịch vụ theo mùa vụ, sẽ được tiến hành trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn nêu tại khoản 2. Tham vấn sẽ được coi là kết thúc trong vòng 20 ngày, trừ khi cả các Bên thỏa thuận tiếp tục tham vấn.

5. Bên yêu cầu tham vấn có thể áp dụng Điều 3.5 (Khởi động thủ tục trọng tài) nếu:

(a) Bên kia không trả lời yêu cầu tham vấn trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận yêu cầu tham vấn;

(b) tham vấn không được tiến hành trong khoảng thời gian quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4;

(c) các Bên thỏa thuận không tổ chức tham vấn; hoặc

(d) tham vấn đã kết thúc mà các Bên không đạt được giải pháp đồng thuận giữa các Bên.

6. Trong quá trình tham vấn, mỗi Bên phải cung cấp đầy đủ thông tin thực tế để xem xét cách thức mà biện pháp được cho là vi phạm có thể ảnh hưởng đến thi hành và áp dụng Hiệp định này.

ĐIỀU 3.4

Cơ chế hòa giải

Các Bên tham gia tranh chấp có thể thỏa thuận bất cứ lúc nào về việc tiến hành thủ tục hòa giải liên quan đến các biện pháp có thể ảnh hưởng bất lợi đến đầu tư giữa các Bên theo Phụ lục 9 (Cơ chế hòa giải).

TIỂU MỤC 3

THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

ĐIỀU 3.5

Khởi động thủ tục trọng tài

1. Khi các Bên không giải quyết được tranh chấp thông qua tục tham vấn theo quy định tại Điều 3.3 (Tham vấn), thì Bên yêu cầu tham vấn có thể yêu cầu thành lập một hội đồng trọng tài.

2. Yêu cầu thành lập hội đồng trọng tài phải được lập bằng văn bản gửi đến Bên kia và sao gửi Ủy ban. Bên khởi kiện phải chỉ rõ trong yêu cầu biện pháp tranh chấp và sẽ giải thích một cách đầy đủ sự không phù hợp của biện pháp đó với các điều khoản tại Hiệp định này để làm rõ cơ sở pháp lý cho việc khởi kiện.

ĐIỀU 3.6

Điều khoản tham chiếu của hội đồng trọng tài

Trừ khi các Bên có thoả thuận khác, trong vòng mười (10) ngày sau ngày lựa chọn các trọng tài viên, điều khoản tham chiếu của hội đồng trọng tài sẽ là:

"Xem xét, dựa trên các điều khoản liên quan của Hiệp định này được trích dẫn bởi các Bên, vấn đề được dẫn chiếu trong yêu cầu thành lập hội đồng trọng tài theo Điều 3.5 (Khởi động thủ tục trọng tài), để phán xử sự phù hợp của biện pháp tranh chấp với các điều khoản nêu tại Điều 3.2 (Phạm vi), và chỉ ra trong báo cáo các kết luận thực tế, khả năng áp dụng các điều khoản liên quan và các lập luận cơ bản đối với bất kỳ kết luận và khuyến nghị, phù hợp với các Điều 3.10 (Báo cáo sơ bộ) và Điều 3.11 (Báo cáo cuối cùng).".

ĐIỀU 3.7

Thành lập hội đồng trọng tài

1. Một hội đồng trọng tài bao gồm ba trọng tài viên.

2. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày Bên bị kiện nhận được yêu cầu thành lập hội đồng trọng tài, các Bên sẽ tham vấn để đạt được một thỏa thuận về thành phần của hội đồng trọng tài.

3. Trường hợp các Bên không thỏa thuận được về thành phần của hội đồng trọng tài trong khoảng thời gian quy định tại khoản 2, mỗi Bên có thể chỉ định một trọng tài viên từ các danh sách các ứng viên trọng tài đã được Bên đó lập ra theo quy định tại Điều 3.23 (Danh sách Trọng tài viên) trong vòng 10 ngày kể từ khi kết thúc khoảng thời gian để thành lập hội đồng trọng tài quy định tại khoản 2. Nếu một Bên không chỉ định được trọng tài viên từ danh sách của mình thì trọng tài viên phải được lựa chọn bằng cách bốc thăm, theo yêu cầu của Bên còn lại, bởi chủ tịch Ủy ban, hoặc người được chủ tịch Ủy ban ủy quyền, từ danh sách các ứng viên đã Bên đó lập ra theo quy định tại Điều 3.23 (Danh sách Trọng tài viên).

4. Trường hợp các Bên không đạt được thỏa thuận về vị trí chủ tịch hội đồng trọng tài trong khoảng thời gian quy định tại khoản 2, chủ tịch Ủy ban, hoặc người được chủ tịch Ủy ban ủy quyền, theo yêu cầu của một Bên, phải bốc thăm lựa chọn chủ tịch hội đồng trọng tài từ danh sách chủ tịch hội đồng trọng tài được lập ra theo quy định tại Điều 3.23 (Danh sách Trọng tài viên).

5. Chủ tịch Ủy ban, hoặc người được chủ tịch Ủy ban ủy quyền, sẽ lựa chọn trọng tài viên trong thời hạn năm ngày kể từ khi có yêu cầu theo quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4.

6. Ngày thành lập hội đồng trọng tài sẽ là ngày mà ba trọng tài viên được lựa chọn thông báo tới các Bên chấp nhận việc chỉ định theo quy định tại Phụ lục 7 (Quy tắc Tố tụng Trọng tài).

7. Trường hợp các danh sách quy định tại Điều 3.23 (Danh sách Trọng tài viên) chưa được lập ra hoặc không có đủ tên các trọng tài viên khi một yêu cầu được đưa ra theo quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4, các vị trí trọng tài viên phải được lựa chọn từ các cá nhân đã được đề xuất chính thức bởi cả hai Bên, hoặc bởi một Bên trong trường hợp chỉ có một Bên đưa ra đề xuất.

ĐIỀU 3.8

Quy trình tố tụng Giải quyết Tranh chấp của Hội đồng Trọng tài

1. Các quy tắc và thủ tục quy định tại Điều này và các Phụ lục 7 (Quy tắc Tố tụng Trọng tài) và 8 (Quy tắc Ứng xử của Trọng tài viên và Hòa giải viên) sẽ điều chỉnh các quy trình giải quyết tranh chấp của hội đồng trọng tài.

2. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, các Bên phải họp với hội đồng trọng tài trong vòng 10 ngày kể từ khi hội đồng trọng tài được thành lập để xác định các vấn đề tranh chấp mà các Bên hoặc hội đồng trọng tài cho là cần thiết, bao gồm cả khung thời gian của quy trình tố tụng, thù lao và chi phí được trả cho các trọng tài viên theo Phụ lục 7 (Quy tắc Tố tụng Trọng tài).  Các trọng tài viên và đại diện của các Bên có thể tham gia cuộc họp này qua điện thoại hoặc truyền hình trực tuyến.

3. Địa điểm diễn ra phiên họp giải quyết tranh chấp phải được quyết định theo thỏa thuận giữa các Bên. Trường hợp không có sự thống nhất về địa điểm, phiên họp giải quyết tranh chấp sẽ được tổ chức tại Brussels (Bỉ) khi Bên khởi kiện là Việt Nam và tại Hà Nội khi Bên khởi kiện là Liên minh.

4. Các phiên họp giải quyết tranh chấp của hội đồng trọng tài phải được mở công khai trừ khi có quy định khác tại Phụ lục 7 (Quy tắc Tố tụng Trọng tài).

5. Theo quy định tại Phụ lục 7 (Quy tắc Tố tụng Trọng tài), các Bên phải có cơ hội tham gia các buổi tường trình, trình bày, lập luận hay phản bác trong quá trình tố tụng. Mọi thông tin hoặc văn bản đệ trình lên hội đồng trọng tài của một Bên, bao gồm tất cả ý kiến đối với nội dung của của báo cáo sơ bộ, phần trả lời câu hỏi của hội đồng trọng tài và ý kiến bình luận ​​của một Bên về các câu trả lời đó, sẽ được cung cấp cho Bên kia.

6. Trừ khi các Bên có thoả thuận khác, trong vòng ba ngày kể từ ngày thành lập, hội đồng trọng tài, trên cơ sở phù hợp với Phụ lục 7 (Quy tắc Tố tụng Trọng tài), có thể nhận các văn bản đệ trình tự nguyện (đệ trình amicus curiae) của các thể nhân hay pháp nhân được thành lập trên lãnh thổ của một Bên.

7. Để thảo luận nội bộ, hội đồng trọng tài phải họp kín chỉ có trọng tài viên tham gia.   Hội đồng trọng tài cũng có thể cho phép các trợ lý tham gia phiên họp kín của mình. Nội dung thảo luận của hội đồng trọng tài và các tài liệu đệ trình trong các phiên họp kín sẽ được bảo mật.

ĐIỀU 3.9

Các phán quyết Sơ bộ trong Trường hợp khẩn cấp

Trường hợp một Bên yêu cầu xem xét liệu vấn đề tranh chấp đó có phải là trường hợp khẩn cấp hay không, hội đồng trọng tài sẽ đưa ra một phán quyết sơ bộ trong vòng 10 ngày kể từ ngày hội đồng trọng tài được thành lập.

ĐIỀU 3.10

Báo cáo sơ bộ

1. Hội đồng trọng tài phải gửi báo cáo sơ bộ tới các Bên về kết luận đối với các tình tiết thực tế, khả năng áp dụng các quy định có liên quan và các lập luận cơ bản của các phán quyết và khuyến nghị không muộn hơn 90 ngày kể từ ngày thành lập hội đồng trọng tài. Trường hợp nhận thấy không kịp thời hạn đưa ra báo cáo sơ bộ, chủ tịch hội đồng trọng tài phải thông báo bằng văn bản tới các Bên và Ủy ban, nêu rõ lý do của việc chậm trễ và thời gian hội đồng dự định đưa ra báo cáo sơ bộ. Trong mọi trường hợp, hội đồng trọng tài phải đưa ra báo cáo sơ bộ không muộn hơn 120 ngày sau ngày thành lập hội đồng trọng tài.

2. Một Bên có thể đệ trình một yêu cầu bằng văn bản, bao gồm cả các bình luận, lên hội đồng trọng tài để xem xét lại các khía cạnh chính xác của báo cáo sơ bộ trong vòng 14 ngày kể từ ngày thông báo.

3. Trong trường hợp khẩn cấp, bao gồm các trường hợp liên quan đến hàng hóa dễ hư hỏng, hàng hoá hoặc dịch vụ theo mùa vụ, hội đồng trọng tài sẽ nỗ lực đưa ra báo cáo sơ bộ trong vòng 45 ngày và, trong mọi trường hợp, không muộn hơn 60 ngày sau ngày thành lập hội đồng trọng tài. Một Bên có thể đệ trình văn bản yêu cầu, bao gồm cả các ý kiến, tới hội đồng trọng tài để xem xét lại các khía cạnh chính xác của báo cáo sơ bộ, trong vòng 7 ngày kể từ ngày thông báo.

4. Sau khi xem xét văn bản yêu cầu của các Bên, bao gồm cả các ý kiến của các Bên đối với báo cáo sơ bộ, hội đồng trọng tài có thể điều chỉnh lại báo cáo và tiến hành rà soát thêm nếu cần thiết.

ĐIỀU 3.11

Báo cáo cuối cùng

1. Hội đồng trọng tài phải đưa ra báo cáo cuối cùng tới các Bên và Ủy ban trong vòng 120 ngày kể từ ngày thành lập hội đồng trọng tài. 

Trường hợp nhận thấy không thể kịp thời hạn để đưa ra báo cáo cuối cùng, chủ tịch hội đồng trọng tài phải thông báo bằng văn bản cho các Bên và Ủy ban, nêu rõ lý do của việc chậm trễ đó và thời gian dự định đưa ra báo cáo cuối cùng. Trong mọi trường hợp, báo cáo cuối cùng phải được đưa ra không muộn hơn 150 ngày, kể từ ngày thành lập hội đồng trọng tài.

2. Trong các trường hợp khẩn cấp, bao gồm các trường hợp liên quan đến hàng hóa dễ hư hỏng, hàng hoá hoặc dịch vụ theo mùa vụ, hội đồng trọng tài sẽ nỗ lực đưa ra báo cáo cuối cùng trong vòng 60 ngày kể từ ngày thành lập hội đồng trọng tài. Trong mọi trường hợp, báo cáo cuối cùng phải được đưa ra không muộn hơn 75 ngày, kể từ ngày thành lập hội đồng trọng tài.

3. Báo cáo cuối cùng phải bao gồm đầy đủ các nội dung đã thảo luận tại giai đoạn báo cáo sơ bộ, và phải thể hiện rõ ràng bình luận của các Bên.

ĐIỀU 3.12

Tuân thủ báo cáo cuối cùng

Bên bị kiện sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để tuân thủ kịp thời và thiện chí báo cáo cuối cùng.

ĐIỀU 3.13

Khoảng Thời gian Hợp lý của việc Tuân thủ

1. Trường hợp việc tuân thủ ngay lập tức không thể thực hiện được, các Bên sẽ nỗ lực thỏa thuận với nhau về thời gian tuân thủ báo cáo cuối cùng. Trong trường hợp này, Bên bị kiện sẽ, không muộn hơn 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo cuối cùng, thông báo cho Bên khởi kiện và Ủy ban về thời gian mà Bên đó cần có để tuân thủ (sau đây gọi tắt là "khoảng thời gian hợp lý").

2. Trường hợp các Bên không thỏa thuận được về khoảng thời gian hợp lý để tuân thủ báo cáo cuối cùng, trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Bên bị kiện theo quy định tại khoản 1, Bên khởi kiện phải yêu cầu bằng văn bản lên hội đồng trọng tài được thành lập theo Điều 3.7 (Thành lập hội đồng trọng tài) (sau đây gọi tắt là “hội đồng trọng tài ban đầu”) để xác định khoảng thời gian hợp lý. Yêu cầu đó sẽ được thông báo tới Bên bị kiện và sao gửi Ủy ban.

3. Hội đồng trọng tài phải thông báo phán quyết của mình về khoảng thời gian hợp lý tới các Bên và Ủy ban trong vòng 20 ngày kể từ ngày đệ trình yêu cầu nêu tại khoản 2.

4. Bên bị kiện phải thông báo bằng văn bản tới Bên khởi kiện về tiến trình tuân thủ của Bên bị kiện đối với báo cáo cuối cùng ít nhất 30 ngày trước khi kết thúc khoảng thời gian hợp lý.

5. Các Bên có thể thỏa thuận gia hạn khoảng thời gian hợp lý.

ĐIỀU 3.14

Rà soát các Biện pháp đã Thực hiện để Tuân thủ Báo cáo Cuối cùng

1. Bên bị kiện phải thông báo tới Bên khởi kiện và Ủy ban trước khi kết thúc khoảng thời gian về các biện pháp đã thực hiện để tuân thủ báo cáo cuối cùng.

2. Trường hợp các Bên không thỏa thuận được về sự tồn tại hoặc tính nhất quán của bất kỳ biện pháp đã được thực hiện để tuân thủ các quy định tại Điều 3.2 (Phạm vi) và đã được thông báo theo quy định tại khoản 1, Bên khởi kiện có thể gửi yêu cầu bằng văn bản tới hội đồng trọng tài ban đầu giải quyết vấn đề này. Yêu cầu đó phải được thông báo tới Bên bị kiện và sao gửi Ủy ban. Bên khởi kiện trong văn bản yêu cầu của mình phải chỉ ra biện pháp cụ thể đang tranh chấp và giải thích các biện pháp đó không nhất quán với các quy định nêu tại Điều 3.2 (Phạm vi) như thế nào một cách đầy đủ để làm rõ cơ sở pháp lý cho việc khiếu kiện.

3. Hội đồng trọng tài phải thông báo phán quyết của mình tới các Bên và Ủy ban trong vòng 45 ngày kể từ ngày đệ trình yêu cầu theo quy định tại khoản 2.

ĐIỀU 3.15

Biện pháp khắc phục tạm thời trong trường hợp không tuân thủ

1. Trường hợp Bên bị kiện không thông báo cho Bên khởi kiện và Ủy ban về các biện pháp được thực hiện để tuân thủ báo cáo cuối cùng trước khi kết thúc khoảng thời gian hợp lý, hoặc trường hợp hội đồng trọng tài phán quyết rằng không có biện pháp nào được thực hiện để tuân thủ theo báo cáo đó hoặc biện pháp đã được thông báo theo khoản 1 Điều 3.14 (Rà soát các biện pháp đã thực hiện để tuân thủ báo cáo cuối cùng) không phù hợp với các nghĩa vụ của Bên bị kiện theo quy định nêu tại Điều 15.2 (Phạm vi), Bên bị kiện phải, nếu có yêu cầu của Bên khởi kiện và sau khi tham vấn với Bên khởi kiện, đưa ra một đề nghị về việc thường.

2. Trường hợp Bên khởi kiện quyết định không yêu cầu một đề nghị về bồi thường, hoặc trường hợp yêu cầu đó được đưa ra, nếu các Bên không thỏa thuận được việc bồi thường trong vòng 30 ngày kể từ khi kết thúc khoảng thời gian hợp lý hoặc từ khi các phán quyết của hội đồng trọng tài theo quy định tại Điều 3.14 (Rà soát các Biện pháp đã Thực hiện để Tuân thủ Báo cáo Cuối cùng) chỉ ra không có biện pháp nào được thực hiện để tuân thủ báo cáo cuối cùng hoặc biện pháp đã thực hiện không phù hợp với các quy định tại Điều 3.2 (Phạm vi), thì Bên khởi kiện có quyền, bằng việc thông báo tới Bên còn lại và tới Ủy ban Thương mại, thực hiện các biện pháp cần thiết trong khuôn khổ các cam kết ưu đãi thương mại và đầu tư hiện hành giữa các Bên ở mức độ tương đương với mức độ vi phạm hoặc mức độ thiệt hại. Thông báo phải chỉ rõ các biện pháp cụ thể. Bên khởi kiện có thể thực hiện các biện pháp bất cứ lúc nào sau khi hết thời hạn 10 ngày kể từ ngày Bên bị kiện nhận được thông báo, trừ khi Bên bị kiện đã gửi yêu cầu lên trọng tài theo quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Trường hợp Bên bị kiện xét thấy rằng mức độ các biện pháp mà Bên khởi kiện thực hiện là không tương đương với mức độ vi phạm hoặc mức độ thiệt hại, Bên bị kiện có thể gửi yêu cầu bằng văn bản tới hội đồng trọng tài ban đầu để đưa ra phán quyết về vấn đề này. Yêu cầu đó sẽ được thông báo tới Bên khởi kiện và sao gửi Ủy ban trước khi kết thúc thời hạn 10 ngày được quy định tại khoản 2. 

Hội đồng trọng tài ban đầu sẽ thông báo phán quyết về các biện pháp thực hiện bởi Bên khởi kiện tới các Bên và Ủy ban trong vòng 30 ngày kể từ ngày yêu cầu được đệ trình. Các nghĩa vụ không được tạm ngừng cho đến khi hội đồng trọng tài ban đầu thông báo về phán quyết của mình, và bất kỳ việc tạm ngừng nào cũng phải phù hợp với phán quyết đó.

4. Các biện pháp nêu tại Điều này là tạm thời và không được áp dụng sau khi:

(a) các Bên đã đạt được giải pháp đồng thuận theo quy định tại Điều 3.19 (Giải pháp Đồng thuận);

(b) các Bên đồng ý rằng biện pháp được thông báo theo khoản 1 Điều 3.14 (Rà soát các Biện pháp đã Thực hiện để tuân thủ Báo cáo Cuối cùng) giúp Bên bị kiện tuân thủ với các quy định nêu tại Điều 3.2 (Phạm vi); hoặc

(c) bất kỳ biện pháp nào được chỉ ra rằng không phù hợp với các quy định tại Điều 3.2 (Phạm vi) đã được loại bỏ hoặc điều chỉnh cho phù hợp với các quy định đó, như phán quyết được đưa ra theo quy định tại khoản 3 Điều 3.14 (Rà soát các Biện pháp đã Thực hiện để tuân thủ Báo cáo Cuối cùng).

ĐIỀU 3.16

Rà soát các Biện pháp đã Thực hiện để Tuân thủ Sau khi Thông qua các Biện pháp khắc phục Tạm thời đối với việc không Tuân thủ

1. Bên bị kiện phải thông báo cho Bên khởi kiện và Ủy ban về các biện pháp đã thực hiện để tuân thủ báo cáo của hội đồng trọng tài sau khi Bên khởi kiện thực hiện các biện pháp hoặc sau khi áp dụng bồi thường, tùy từng trường hợp cụ thể. Ngoại trừ các trường hợp nêu tại khoản 2, Bên khởi kiện phải chấm dứt việc thực hiện các biện pháp phù hợp với Điều 3.15 (Biện pháp khắc phục tạm thời trong trường hợp không tuân thủ) trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được thông báo. Trong trường hợp việc bồi thường đã được áp dụng, và trừ các trường hợp quy định tại khoản 2, Bên bị kiện có thể chấm dứt việc áp dụng biện pháp bồi thường đó trong vòng 30 ngày kể từ khi Bên bị kiện thông báo đã tuân thủ báo cáo của hội đồng trọng tài.

2. Trường hợp các Bên không đạt được thỏa thuận rằng liệu các biện pháp được thông báo có giúp Bên bị kiện tuân thủ các quy định tại Điều 3.2 (Phạm vi) hay không, trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, Bên khởi kiện phải gửi yêu cầu bằng văn bản tới hội đồng trọng tài ban đầu để đưa ra phán quyết về vấn đề đó.  Yêu cầu đó phải được thông báo tới Bên bị kiện và sao gửi Ủy ban. 

3. Phán quyết của hội đồng trọng tài phải được thông báo tới các Bên và Ủy ban trong vòng 45 ngày kể từ ngày yêu cầu đó được đệ trình. Trường hợp hội đồng trọng tài phán quyết rằng các biện pháp đã được thông báo tuân thủ các quy định nêu tại Điều 3.2 (Phạm vi), các biện pháp nêu tại Điều 3.15 (Biện pháp khắc phục tạm thời trong trường hợp không tuân thủ) hoặc bồi thường, tùy từng trường hợp cụ thể, sẽ được chấm dứt. Trường hợp có liên quan, mức độ tạm ngừng các nghĩa vụ hoặc bồi thường sẽ được tính toán phù hợp dựa trên các phán quyết của hội đồng trọng tài.

ĐIỀU 3.17

Thay thế Trọng tài viên

Trường hợp trong quy trình tố tụng trọng tài, hội đồng trọng tài ban đầu, hoặc một trong số các trọng tài viên không thể tham gia, từ bỏ, hoặc cần phải được thay thế do không tuân thủ theo các yêu cầu theo Quy tắc ứng xử tại Phụ lục 8 (Quy tắc Ứng xử của Trọng tài viên và Hòa giải viên), các thủ tục quy định tại Điều 3.7 (Thành lập Hội đồng Trọng tài) sẽ được áp dụng. Thời hạn của việc thông báo về các báo cáo và phán quyết, tùy từng trường hợp cụ thể, sẽ được kéo dài thêm 20 ngày.

ĐIỀU 3.18

Tạm ngừng và Chấm dứt Quy trình Tố tụng Trọng tài

1. Theo yêu cầu của cả hai Bên, hội đồng trọng tài phải tạm ngừng hoạt động trong một khoảng thời gian mà các Bên thỏa thuận, nhưng không quá 12 tháng liên tiếp. Hội đồng trọng tài phải tiếp tục công việc trước khi kết thúc thời hạn tạm ngừng khi có yêu cầu bằng văn bản của cả hai Bên. Các Bên cũng sẽ đồng thời thông báo tới Ủy ban. Hội đồng trọng tài cũng có thể tiếp tục công việc tại thời điểm kết thúc thời hạn tạm ngừng khi có yêu cầu bằng văn bản của một trong các Bên. Bên gửi yêu cầu này cũng phải đồng thời thông báo cho Ủy ban và Bên còn lại. Trường hợp một Bên không yêu cầu hội đồng trọng tài hoạt động lại vào thời điểm kết thúc thời hạn tạm ngừng, thẩm quyền của hội đồng trọng tài sẽ tạm ngừng và quy trình tố tụng sẽ chấm dứt. Trong trường hợp tạm ngừng hoạt động của hội đồng trọng tài, khoảng thời gian quy định tại các điều khoản liên quan của Chương này phải được gia hạn thêm bằng thời gian mà hoạt động của hội đồng trọng tài bị tạm ngừng.

Việc tạm ngừng và chấm dứt hoạt động của hội đồng trọng tài không ảnh hưởng tới quyền của các Bên trong các quy trình tố tụng tiếp theo liên quan đến Điều 3.24 (Lựa chọn diễn đàn giải quyết tranh chấp).

2. Các Bên có thể thỏa thuận để chấm dứt quy trình tố tụng của hội đồng trọng tài bằng việc cùng thông báo cho chủ tịch hội đồng trọng tài và Ủy ban tại bất kỳ thời điểm nào trước khi đưa ra báo cáo cuối cùng của hội đồng trọng tài.

ĐIỀU 3.19

Giải pháp Đồng thuận

Các bên có thể đạt được một giải pháp đồng thuận về tranh chấp theo Chương này bất cứ lúc nào. Các bên phải cùng nhau gửi thông báo về giải pháp này tới Ủy ban và chủ tịch hội đồng trọng tài, nếu phù hợp. Trường hợp giải pháp này đòi hỏi phải phê chuẩn theo quy định trong nước liên quan của một trong các Bên, thông báo về giải pháp đó sẽ đề cập đến yêu cầu này và thủ tục giải quyết tranh chấp sẽ bị tạm ngừng. Trường hợp giải pháp đó không cần thiết phải phê chuẩn, hoặc trường hợp có thông báo việc đã hoàn thành các thủ tục trong nước, thủ tục giải quyết tranh chấp sẽ được kết thúc.

ĐIỀU 3.20

Thông tin và Tư vấn kỹ thuật

Khi có yêu cầu của một Bên hoặc theo sáng kiến của hội đồng trọng tài, hội đồng trọng tài có thể yêu cầu cung cấp thêm thông tin được cho là cần thiết đối với quy trình tố tụng từ bất cứ nguồn nào, bao gồm cả các Bên liên quan đến tranh chấp. Hội đồng trọng tài cũng có quyền tham vấn ý kiến chuyên gia, nếu xét thấy cần thiết. Hội đồng trọng tài phải tham vấn các Bên trước khi chọn chuyên gia để xin ý kiến.   Các thông tin thu được theo Điều này phải được công bố và gửi cho các Bên tham gia ý kiến trong khoảng thời gian quy định bởi hội đồng trọng tài.

ĐIỀU 3.21

Các quy tắc diễn giải

Hội đồng trọng tài phải diễn giải các quy định nêu tại Điều 3.2 (Phạm vi) phù hợp với quy tắc tập quán trong việc diễn giải công pháp quốc tế, bao gồm cả những quy tắc được pháp điển hóa trong Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế, ký tại Viên ngày 23 tháng 5 năm 1969 (sau đây gọi tắt là “Công ước Viên”). Hội đồng trọng tài cũng xem xét các diễn giải liên quan tại các báo cáo của các hội đồng và Cơ quan phúc thẩm được thông qua bởi Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO. Các báo cáo và phán quyết của hội đồng trọng tài không được làm phát sinh thêm hoặc giảm bớt quyền và nghĩa vụ của các Bên được quy định trong Hiệp định này.

ĐIỀU 3.22

Quyết định và Phán quyết của Hội đồng trọng tài

1. Hội đồng trọng tài phải nỗ lực để đưa ra các quyết định theo nguyên tắc đồng thuận.  Trong trường hợp một quyết định không thể thông qua theo nguyên tắc đồng thuận, quyết định đó sẽ được thông qua theo nguyên tắc bỏ phiếu lấy đa số. Trong mọi trường hợp, ý kiến phản đối của các trọng tài viên sẽ không được công bố.

2. Các báo cáo và phán quyết của hội đồng trọng tài phải được các Bên chấp thuận vô điều kiện. Các báo cáo và phán quyết này không tạo ra bất kỳ quyền hoặc nghĩa vụ nào đối với các thể nhân hoặc pháp nhân. Các báo cáo và phán quyết phải đưa ra kết luận về các tình tiết thực tế, khả năng áp dụng các quy định liên quan theo Điều 3.2 (Phạm vi) và cơ sở lý luận của các phán quyết và kết luận đó. Ủy ban phải công bố công khai toàn bộ các báo cáo và phán quyết của hội đồng trọng tài trong vòng 10 ngày kể từ ngày đưa ra báo cáo, trừ khi Ủy ban quyết định không công bố công khai để bảo vệ các thông tin mật.

TIỂU MỤC 4

CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG

ĐIỀU 3.23

Danh sách Trọng tài viên

1. Không muộn hơn sáu tháng sau khi Hiệp định này có hiệu lực, Ủy ban phải lập một danh sách có ít nhất 15 cá nhân sẵn sàng và có khả năng để làm trọng tài viên. Danh sách này bao gồm có ba danh sách phụ:

(a) một danh sách của Việt Nam;

(b) một danh sách của Liên minh và các nước thành viên Liên minh; và

(c) một danh sách các cá nhân không phải là công dân của các Bên và không có hộ khẩu thường trú tại các Bên để chọn làm chủ tịch hội đồng trọng tài.

2. Mỗi danh sách phụ trên phải bao gồm ít nhất là năm cá nhân. Ủy ban phải đảm bảo duy trì số người tối thiểu trong các danh sách ở mức độ này.

3. Các trọng tài viên phải có kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn về pháp luật và thương mại quốc tế. Các trọng tài viên phải độc lập, làm đúng vị trí của mình và không nhận chỉ đạo từ bất kỳ tổ chức hoặc chính phủ nào, hoặc không liên quan với chính phủ của bất kỳ của Bên nào, và phải tuân thủ Quy tắc ứng xử tại Phụ lục 8 (Quy tắc Ứng xử của Trọng tài viên và Hòa giải viên).

4. Uỷ ban có thể lập một danh sách bổ sung với 10 cá nhân có kiến thức và kinh nghiệm trong các lĩnh vực cụ thể được quy định tại Hiệp định này. Tùy thuộc vào thỏa thuận của các Bên, danh sách bổ sung đó phải được sử dụng cho việc thành lập hội đồng trọng tài theo các thủ tục quy định tại Điều 3.7 (Thành lập Hội đồng Trọng tài).

ĐIỀU 3.24

Lựa chọn diễn đàn giải quyết tranh chấp

1. Việc viện dẫn các quy định về giải quyết tranh chấp theo Chương này sẽ không làm ảnh hưởng đến bất kỳ hoạt động trong khuôn khổ WTO, bao gồm cả hoạt động giải quyết tranh chấp, hoặc trong bất kỳ hiệp định quốc tế nào khác mà các Bên cùng là thành viên.

2. Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1, một Bên không được, bằng một biện pháp cụ thể, đòi bồi thường vì vi phạm nghĩa vụ tương đương đáng kể theo Hiệp định này và theo Hiệp định WTO hoặc các hiệp định quốc tế khác mà cả hai Bên cùng là thành viên trong các diễn đàn có liên quan. Khi quy trình tố tụng giải quyết tranh chấp đã được khởi động, Bên này không được đòi bồi thường vì vi phạm nghĩa vụ tương đương đáng kể tại các diễn đàn khác trong khuôn khổ các hiệp định khác, trừ trường hợp diễn đàn được lựa chọn đầu tiên vì lý do thủ tục hoặc thẩm quyền không đưa ra được các kết luận về việc khiếu kiện đòi bồi thường đối với nghĩa vụ đó.

3. Trong phạm vi Điều này:

(a) quy trình tố tụng giải quyết tranh chấp theo Hiệp định WTO được coi là khởi động bởi yêu cầu của một Bên đối với việc thành lập ban hội thẩm theo Điều 6 của Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc Giải quyết Tranh chấp của WTO;

(b) quy trình tố tụng giải quyết tranh chấp theo Chương này được coi là khởi động bởi yêu cầu của một Bên đối với việc thành lập một hội đồng trọng tài theo khoản 1 Điều 3.5 (Khởi động Thủ tục Trọng tài);

(c) quy trình tố tụng giải quyết tranh chấp theo bất kỳ hiệp định quốc tế nào khác được xem là khởi động trên cơ sở quy định tại hiệp định đó.

4. Hiệp định này không ngăn cản một Bên thực hiện việc tạm ngừng nghĩa vụ được cho phép bởi Cơ quan Giải quyết Tranh chấp WTO. Hiệp định WTO hay Hiệp định Tự do Thương mại sẽ không được viện dẫn để ngăn cản một Bên thực hiện các biện pháp cần thiết theo Điều 3.15 (Biện pháp tạm thời trong trường hợp không tuân thủ).

ĐIỀU 3.25

Thời hạn

1. Mọi thời hạn quy định trong Chương này, bao gồm thời hạn cho việc hội đồng trọng tài thông báo các báo cáo và phán quyết, phải được tính theo ngày dương lịch kể từ ngày tiếp theo hoạt động hoặc tiếp theo sự việc mà thời hạn đó đề cập tới, trừ khi có quy định khác.

2. Bất kỳ thời hạn nào được đề cập tại Chương này đều có thể được các Bên tranh chấp thống nhất điều chỉnh. Bất cứ lúc nào, hội đồng trọng tài cũng có thể đề nghị các Bên điều chỉnh bất kỳ thời hạn đề cập tại Chương này, đồng thời nêu rõ lý do của đề nghị đó.

ĐIỀU 3.26

Rà soát và Sửa đổi

Ủy ban có thể quyết định rà soát và sửa đổi các Phụ lục 7 (Quy tắc Tố tụng Trọng tài), 8 (Quy tắc Ứng xử của Trọng tài viên và Hòa giải viên) và 9 (Cơ chế hòa giải).

MỤC B

Giải quyết Tranh chấp giữa Nhà đầu tư và các Bên

TIỂU MỤC 1

Phạm vi và Định nghĩa

ĐIỀU 3.27

Phạm vi

1. Mục này áp dụng đối với tranh chấp giữa nguyên đơn của một Bên và Bên kia về biện pháp1 được cho là cấu thành vi phạm các điều khoản tại Chương 2 (Bảo hộ đầu tư) và được cho là gây thiệt hại cho nguyên đơn hoặc gây thiệt hại cho công ty thành lập trong nước nếu đơn khiếu kiện được nộp thay cho doanh nghiệp thành lập trong nước do nguyên đơn sở hữu hoặc quản lý.

2. Nhằm giải thích rõ hơn, nguyên đơn không được nộp đơn khiếu kiện theo Mục này nếu nếu khoản đầu tư của người này đã được thực hiện thông qua hành vi lừa đảo, che giấu, tham nhũng hoặc lạm dụng quy trình.

3. Cấp Sơ thẩm và Cấp Phúc thẩm được thành lập căn cứ tại các Điều 3.38 (Cấp Sơ thẩm) và 3.39 (Cấp Phúc thẩm) không được giải quyết các khiếu kiện nằm ngoài phạm vi Điều này.

4. Một đơn khiếu kiện liên quan đến tái cơ cấu nợ của một Bên phải được giải quyết phù hợp với Mục này và Phụ lục 5 (Nợ công).

ĐIỀU 3.28

Định nghĩa

Trong phạm vi của Mục này, trừ khi được quy định khác:

(a) “quy trình tố tụng” là quy trình tố tụng trước Cấp Sơ thẩm hoặc Cấp Phúc thẩm theo Mục này;

(b) “các bên tranh chấp” là nguyên đơn và bị đơn;

(c) “nguyên đơn của một Bên” là:

(i) chủ đầu tư của một Bên, nêu tại điểm 1(b) của Điều 2.1 (Phạm vi), nhân danh chính mình; hoặc

(ii) chủ đầu tư của một Bên nêu tại điểm 1(b) của Điều 2.1 (Phạm vi), thay mặt doanh nghiệp thành lập trong nước do chủ đầu tư sở hữu hoặc quản lý; nhằm giải thích rõ hơn, đơn khiếu kiện được nộp theo khoản này được xem là có liên quan đến tranh chấp giữa một Bên ký kết và một công dân của Bên ký kết khác trong phạm vi Điều 25(1) của Công ước ICSID.

(d) “Công ước ICSID" là Công ước Giải quyết tranh chấp đầu tư giữa Quốc gia và Công dân của quốc gia khác, ký tại Washington ngày 18 tháng 3 năm 1965;

(e) “Bên không tranh chấp” là Việt Nam nếu bị đơn là Liên minh hoặc một nước thành viên của Liên minh, hoặc là Liên minh khi Việt Nam là bị đơn;

(f) “bị đơn" là Việt Nam đối với Liên minh Châu Âu hoặc là Liên minh hoặc nước thành viên của Liên minh căn cứ vào Điều 3.32 (Thông báo ý định Trình khiếu kiện);

(g) “công ty thành lập trong nước” là pháp nhân được thành lập trong lãnh thổ của một Bên và được chủ đầu tư của Bên kia sở hữu và quản lý;

(h) “Công ước New York 1958" là Công ước Công nhận và Thực thi Phán quyết Trọng tài Nước ngoài, ký tại New York ngày 10 tháng 6 năm 1958;

(i) “tài trợ từ bên thứ ba” là bất kỳ nguồn tài trợ nào của thể nhân hoặc pháp nhân không phải là một bên tranh chấp nhưng có ký kết thỏa thuận với một bên tranh chấp để thanh toán một phần hoặc toàn bộ chi phí tố tụng để đổi lại một khoản thù lao phụ thuộc vào kết quả tranh chấp, hoặc bất kỳ nguồn kinh phí nào của thể nhân hoặc pháp nhân không phải là một bên tranh chấp dưới hình thức quyên góp hoặc viện trợ không hoàn lại;

(j) “UNCITRAL” là Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế; và

(k) “Bộ quy tắc UNCITRAL về minh bạch” là Bộ quy tắc UNCITRAL về Tính minh bạch trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài giữa Nhà đầu tư và Nước tiếp nhận đầu tư.

TIỂU MỤC 2

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THAY THẾ VÀ THAM VẤN

ĐIỀU 3.29

Tự hòa giải

Mọi tranh chấp trước hết nên được giải quyết thông qua thương lượng hoặc hòa giải và trước khi đệ trình yêu cầu tham vấn theo Điều 3.30 (Tham vấn), nếu được. Việc giải quyết tranh chấp có thể được thỏa thuận bất kỳ lúc nào, kể cả sau khi bắt đầu quá trình tố tụng theo Mục này.

ĐIỀU 3.30

Tham vấn

1. Nếu tranh chấp không thể được giải quyết qua thương lượng hòa giải theo quy định tại Điều 3.29 (Hòa giải), nguyên đơn của một Bên cáo buộc vi phạm quy định nêu tại khoản 1 Điều 3.27 (Phạm vi) phải gửi yêu cầu tham vấn tới Bên kia. Yêu cầu phải có các nội dung sau:

(a) tên và địa chỉ của nguyên đơn và tên, địa chỉ, và nơi thành lập của công ty thành lập trong nước, nếu yêu cầu được nộp thay cho công ty thành lập trong nước;

(b) các điều khoản nêu tại khoản 1 Điều 3.27 (Phạm vi) được cho là bị vi phạm;

(c) cơ sở pháp lý và cơ sở thực tế của đơn khiếu kiện, bao gồm các biện pháp được cho là vi phạm các điều khoản nêu tại khoản 1 Điều 3.27 (Phạm vi);

(d) yêu cầu bồi thường và ước tính mức độ thiệt hại; và

(e) bằng chứng xác định nguyên đơn là nhà đầu tư của Bên kia và có sở hữu hoặc quản lý khoản đầu tư được bảo hộ bao gồm công ty thành lập trong nước, đối với yêu cầu tham vấn nếu có.

Khi yêu cầu tham vấn được nộp bởi nhiều nguyên đơn hoặc thay mặt nhiều công ty thành lập trong nước, mỗi nguyên đơn hoặc công ty thành lập trong nước phải nộp riêng thông tin nêu tại điểm 1(a) và 1(e), tùy từng trường hợp cụ thể.

2. Yêu cầu tham vấn phải được nộp trong vòng:

(a) ba năm kể từ ngày nguyên đơn hoặc công ty thành lập trong nước, nếu có,  lần đầu biết hoặc phải biết về biện pháp được cho là vi phạm điều khoản của Chương 2 (Bảo hộ đầu tư) và biết rằng biện pháp đó gây ra thiệt hại cho:

(i) nguyên đơn, nếu đơn khiếu kiện do nhà đầu tư tự nộp nhân danh chính mình; hoặc

(ii) công ty thành lập trong nước, nếu đơn khiếu kiện do nhà đầu tư nộp thay mặt cho công ty thành lập trong nước; hoặc

(b) hai năm kể từ ngày nguyên đơn hoặc công ty thành lập trong nước, nếu có, ngừng không khiếu kiện ra cấp sơ thẩm theo pháp luật nội địa và, trong mọi trường hợp, không quá bảy năm kể từ ngày nguyên đơn lần đầu biết hoặc buộc phải biết về biện pháp được cho là vi phạm điều khoản của Chương 2 (Bảo hộ đầu tư) và biết rằng biện pháp đó gây ra thiệt hại cho:

(i) nguyên đơn, nếu đơn khiếu kiện do nhà đầu tư tự nộp nhân danh chính mình; hoặc

(ii) công ty thành lập trong nước, nếu đơn khiếu kiện do nhà đầu tư nộp thay mặt cho công ty thành lập trong nước.2

3. Trừ khi các bên tranh chấp thỏa thuận khác, địa điểm tham vấn là:

(a) Hà Nội nếu tham vấn liên quan đến biện pháp của Việt Nam;

(b) Brussels nếu tham vấn liên quan đến biện pháp của Liên minh; hoặc

(c) thủ đô của nước thành viên Liên minh, nếu yêu cầu tham vấn chỉ liên quan đến biện pháp của nước thành viên đó.

Tham vấn có thể được tổ chức thông qua truyền hình trực tuyến hoặc phương tiện khác, đặc biệt là nếu có liên quan đến doanh nghiệp nhỏ hoặc vừa.

4. Trừ khi các bên tranh chấp thỏa thuận một khoảng thời gian dài hơn, tham vấn phải được tổ chức trong vòng 60 ngày kể từ ngày đệ trình yêu cầu tham vấn.

5. Trường hợp nguyên đơn chưa đệ trình đơn khiếu kiện căn cứ Điều 3.33 (Đệ trình khiếu kiện) trong vòng 18 tháng kể từ ngày gửi yêu cầu tham vấn, nguyên đơn được xem là rút khỏi quy trình tố tụng theo quy định tại Mục này và không được đệ trình đơn khiếu kiện theo Mục này. Thời hạn này có thể được gia hạn thông qua thỏa thuận giữa các bên liên quan đến tham vấn.

6. Thời hạn nêu tại khoản 2 và 5 không khiến đơn khiếu kiện không được chấp nhận nếu nguyên đơn có thể chứng minh được việc nguyên đơn không gửi yêu cầu tham vấn hoặc không đệ trình khiếu kiện là do hành động cố ý của Bên kia, miễn là nguyên đơn thực hiện việc gửi yêu cầu tham vấn hoặc đệ trình khiếu kiện khi có khả năng làm như vậy.

7. Trường hợp yêu cầu tham vấn liên quan đến việc vi phạm hiệp định của Liên minh hoặc của nước thành viên Liên minh, yêu cầu này được gửi về Liên minh.

Nếu xác định được biện pháp áp dụng của một nước thành viên Liên minh, yêu cầu tham vấn đồng thời được gửi đến nước thành viên đó.

ĐIỀU 3.31

Hòa giải

1. Các bên tranh chấp có thể bất cứ lúc nào thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải.

2. Yêu cầu hòa giải là tự nguyện và không ảnh hưởng đến tư cách pháp lý của một trong hai bên tranh chấp.

3. Yêu cầu hòa giải có thể được điều chỉnh bởi các quy tắc tại Phụ lục 10 (Cơ chế hòa giải Tranh chấp giữa Nhà đầu tư và các Bên).

Mọi thời hạn nêu tại Phụ lục 10 (Cơ chế hòa giải Tranh chấp giữa Nhà đầu tư và các Bên) có thể được điều chỉnh thông qua thỏa thuận giữa các bên tranh chấp.

4. Hòa giải viên do các bên thỏa thuận chỉ định. Việc chỉ định này có thể bao gồm chỉ định hòa giải viên trong số các thành viên ở cấp Sơ thẩm được chỉ định căn cứ vào Điều 3.38 (Cấp Sơ thẩm) hoặc các thành viên ở cấp Phúc thẩm được chỉ định căn cứ vào Điều 3.39 (Cấp Phúc thẩm).

Các bên tranh chấp có thể yêu cầu Chủ tịch hội đồng cấp Sơ thẩm chỉ định hòa giải viên trong số các thành viên ở cấp Sơ thẩm không phải là công dân của một nước thành viên Liên minh hay của Việt Nam.

5. Khi các bên tranh chấp thỏa thuận yêu cầu hòa giải, những thời hạn nêu tại các khoản 2 và 5 Điều 3.30 (Tham vấn), khoản 6 của Điều 3.53 (Phán quyết sơ bộ) và khoản 5 của Điều 3.54 (Thủ tục phúc thẩm) sẽ tạm ngừng từ ngày các bên thỏa thuận yêu cầu hòa giải đến ngày một trong hai bên quyết định chấm dứt hòa giải, bằng cách gửi thư đến hòa giải viên và bên tranh chấp còn lại.

Theo yêu cầu của cả hai bên tranh chấp, nếu một Hội đồng cấp Sơ thẩm đã được thành lập căn cứ theo Điều 3.38 (Cấp Sơ thẩm), ban này phải tiếp tục giải quyết thủ tục cho đến khi một trong hai tranh chấp quyết định chấm dứt hòa giải bằng cách gửi thư cho hòa giải viên và bên tranh chấp còn lại.

TIỂU MỤC 3

ĐỆ TRÌNH KHIẾU KIỆN VÀ ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT

ĐIỀU 3.32

Thông báo ý định Đệ trình khiếu kiện

1. Nếu tranh chấp không thể được giải quyết trong vòng 90 ngày kể từ ngày nộp yêu cầu tham vấn, nguyên đơn có thể gửi một thông báo bằng văn bản ý định đệ trình khiếu kiện giải quyết tranh chấp theo Mục này và có các thông tin sau:

(a) tên và địa chỉ của nguyên đơn và tên, địa chỉ, và nơi thành lập của công ty thành lập trong nước, nếu yêu cầu được nộp thay cho công ty thành lập trong nước;

(b) các điều khoản nêu tại khoản 1 Điều 3.27 (Phạm vi) được cho là bị vi phạm;

(c) cơ sở pháp lý và cơ sở thực tế của đơn khiếu kiện, bao gồm các biện pháp được cho là vi phạm các điều khoản nêu tại khoản 1 Điều 3.27 (Phạm vi); và

(d) yêu cầu bồi thường và ước tính mức độ thiệt hại.

Thông báo về ý định này phải được gửi cho Liên minh hoặc Việt Nam, tùy từng trường hợp cụ thể. Nếu xác định được biện pháp áp dụng của một nước thành viên Liên minh, thông báo này đồng thời được gửi đến nước thành viên đó.

2. Khi thông báo đã được gửi đến Liên minh, Liên minh phải xác định xem chủ thể nào là bị đơn và sau đó thông báo cho nguyên đơn trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về ý định xem Liên minh hay nước thành viên Liên minh là bị đơn.

3. Trường hợp nguyên đơn không nhận được thông báo về việc xác định bị đơn trong vòng 60 ngày kể từ ngày được thông báo về ý định:

(a) nếu các biện pháp nêu trong thông báo là của riêng nước thành viên Liên minh, nước thành viên đó sẽ là bị đơn; hoặc

(b) nếu các biện pháp nêu trong thông báo bao gồm các biện pháp của Liên minh, Liên minh sẽ là bị đơn.

4. Nguyên đơn có thể đệ trình khiếu kiện căn cứ vào Điều 3.33 (Đệ trình khiếu kiện) dựa trên cơ sở xác định nêu tại khoản 2, hoặc theo quy định tại khoản 3 nếu thông báo xác định không được gửi cho nguyên đơn trong vòng khoảng thời gian nêu tại khoản 2.

5. Nếu Liên minh hoặc nước thành viên Liên minh là bị đơn dựa vào việc xác định theo khoản 2, cả Liên minh và nước thành viên Liên minh không thể khẳng định đơn khiếu kiện không phù hợp, cấp Sơ thẩm không có thẩm quyền hoặc khẳng định đơn khiếu kiện hoặc phán quyết là không có căn cứ hoặc không hợp lệ vì bên bị đơn phải là Liên minh thay vì nước thành viên Liên minh hoặc ngược lại.

6. Cấp Sơ thẩm và Cấp Phúc thẩm bị ràng buộc vào sự xác định đưa ra căn cứ vào khoản 2.

7. Không có quy định nào trong Hiệp định này hoặc các quy định hiện hành về giải quyết tranh chấp ngăn cản việc trao đổi thông tin về tranh chấp giữa Liên minh và nước thành viên Liên minh liên quan.

ĐIỀU 3.33

Đệ trình khiếu kiện

1. Nếu tranh chấp không thể được giải quyết trong vòng sáu tháng kể từ ngày nộp yêu cầu tham vấn và ít nhất ba tháng kể từ ngày gửi thông báo ý định đệ trình khiếu kiện căn cứ vào Điều 3.32 (Thông báo ý định Đệ trình khiếu kiện), nguyên đơn có thể đệ trình khiếu kiện lên cấp Sơ thẩm được thành lập tại Điều 3.38 (Cấp Sơ thẩm), với điều kiện đáp ứng các  yêu cầu nêu tại Điều 3.35 (Thủ tục và Yêu cầu khác về việc Đệ trình khiếu kiện).

2. Đơn khiếu kiện có thể được đệ trình lên cấp Sơ thẩm theo một trong các bộ quy tắc giải quyết tranh chấp sau:

(a) Công ước ICSID;

(b) Quy tắc Điều chỉnh Cơ chế Phụ trợ về Tổ chức Tố tụng (sau đây gọi là “Quy tắc Phụ trợ ICSID”) của Ban thư ký Trung tâm Quốc tế về Giải quyết tranh chấp đầu tư (sau đây gọi là “Ban thư ký ICSID”), nếu các điều kiện tố tụng căn cứ điểm (a) không được áp dụng;

(c) quy tắc trọng tài của UNCITRAL; hoặc

(d) bất kỳ quy tắc nào khác theo thỏa thuận của các bên tranh chấp. Trường hợp nguyên đơn đề xuất một bộ quy tắc giải quyết tranh chấp cụ thể và nếu, trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận đề xuất này, các bên tranh chấp không thỏa thuận được bằng văn bản chọn bộ quy tắc đó, hoặc bị đơn không trả lời nguyên đơn, nguyên đơn có thể đệ trình khiếu kiện theo các quy tắc nêu tại điểm (a), (b) hoặc (c).

3. Mọi yêu cầu của nguyên đơn trong đơn khiếu kiện căn cứ vào Điều này phải dựa vào các biện pháp được xác định trong yêu cầu tham vấn căn cứ vào điểm 1(c) của Điều 3.30 (Tham vấn).

4. Các quy tắc giải quyết tranh chấp nêu tại khoản 2 phải áp dụng theo các quy tắc nêu tại Mục này, và được bổ sung bởi các quy tắc do Ủy ban, cấp Sơ thẩm hoặc cấp Phúc thẩm thông qua.

5. Một đơn khiếu kiện được xem là được đệ trình theo Điều này khi nguyên đơn khởi kiện theo quy tắc giải quyết tranh chấp hiện hành.

6. Đơn khiếu kiện được đệ trình dưới tên của một nhóm các nguyên đơn không xác định, hoặc được đệ trình bởi người đại diện khởi kiện vì lợi ích của một nhóm các nguyên đơn xác định hoặc không xác định ủy thác tất cả quyết định liên quan tố tụng cho người đại diện đó sẽ không được chấp nhận.

ĐIỀU 3.34

Các khiếu kiện khác

1. Một nguyên đơn không được đệ trình khiếu kiện lên cấp Sơ thẩm nếu người này vẫn còn một khiếu kiện khác đệ trình lên tòa án trong nước hoặc quốc tế liên quan đến cùng biện pháp được cho là không phù hợp với các điều khoản nêu tại khoản 1 hoặc Điều 3.27 (Phạm vi) và cùng thiệt hại mà khiếu kiện này chưa được giải quyết, trừ khi nguyên đơn rút đơn khiếu kiện chưa được giải quyết đó.

2. Một nguyên đơn nhân danh chính mình không được đệ trình khiếu kiện lên cấp Sơ thẩm nếu một người, trực tiếp hoặc gián tiếp có lợi ích sở hữu hoặc quản lý với nguyên đơn hoặc do nguyên đơn quản lý, có một đơn khiếu kiện khác đệ trình lên cấp Sơ thẩm hoặc tòa án trong nước hoặc quốc tế liên quan đến cùng biện pháp được cho là không phù hợp với các điều khoản nêu tại khoản 1 hoặc Điều 3.27 (Phạm vi) và cùng thiệt hại mà khiếu kiện này chưa được giải quyết, trừ khi người đó rút đơn khiếu kiện chưa được giải quyết đó.

3. Một nguyên đơn thay mặt công ty thành lập trong nước không được đệ trình khiếu kiện lên cấp Sơ thẩm nếu một người, trực tiếp hoặc gián tiếp có lợi ích sở hữu với công ty thành lập trong nước hoặc do công ty thành lập trong nước quản lý, có một đơn khiếu kiện khác đệ trình lên cấp Sơ thẩm hoặc tòa án trong nước hoặc quốc tế liên quan đến cùng biện pháp được cho là vi phạm các điều khoản của Chương 2 (Bảo hộ đầu tư) và cùng thiệt hại mà khiếu kiện này chưa được giải quyết, trừ khi người đó rút đơn khiếu kiện chưa được giải quyết đó.

4. Trước khi đệ trình khiếu kiện, nguyên đơn phải đưa ra:

(a) bằng chứng rằng nguyên đơn và, nếu liên quan đến khoản 2 và khoản 3, người trực tiếp hoặc gián tiếp có lợi ích sở hữu với nguyên đơn hoặc công ty thành lập trong nước hoặc do nguyên đơn hoặc công ty thành lập trong nước quản lý, đã rút đơn khiếu kiện nêu tại khoản 1, 2 hoặc 3; và

(b) đơn từ bỏ quyền của mình hoặc của công ty thành lập trong nước, nếu có, để đệ trình đơn khiếu kiện khác theo quy định tại khoản 1.

5. Điều này áp dụng phù hợp với Phụ lục 12 (Thủ tục đồng thời)

6. Đơn từ bỏ quyền theo điểm 4(b) không được áp dụng nếu đơn khiếu kiện bị từ chối vì lý do không đáp ứng các yêu cầu về quốc tịch khi khởi kiện theo Hiệp định này.

7. Các khoản 1 đến khoản 4, bao gồm Phụ lục 12 (Thủ tục đồng thời) không áp dụng khi đơn khiếu kiện được đệ trình lên tòa án trong nước với mục đích duy nhất là yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thông qua lệnh hoặc tuyên bố của tòa án mà không yêu cầu bồi thường thiệt hại bằng tiền.

8. Khi đơn khiếu kiện được đệ trình căn cứ vào cả Mục này và Mục A (Giải quyết tranh chấp giữa các Bên) hoặc căn cứ vào cả Mục này và hiệp định quốc tế khác liên quan đến cùng biện pháp đối xử được cho là không phù hợp với các điều khoản của Chương 2 (Bảo hộ đầu tư), Hội đồng cấp Sơ thẩm được thành lập theo Mục này, ngay sau khi xét xử tranh chấp giữa các bên, phải xem xét quy trình tố tụng theo Mục A (Giải quyết tranh chấp giữa các Bên) hoặc theo hiệp định quốc tế khác trong quyết định, lệnh hoặc phán quyết của mình.

Để đạt được điều đó, Hội đồng cấp Sơ thẩm có thể giữ quy trình tố tụng của mình, nếu xét thấy cần thiết. Để tuân thủ điều khoản này, cấp Sơ thẩm phải tuân thủ khoản 6 Điều 3.53 (Phán quyết sơ bộ).

ĐIỀU 3.35

Yêu cầu về thủ tục và Yêu cầu khác liên quan đến Đệ trình khiếu kiện

1. Đơn khiếu kiện có thể được đệ trình lên cấp Sơ thẩm theo Mục này chỉ khi:

(a) đơn khiếu kiện được đệ trình kèm theo sự đồng ý bằng văn bản của nguyên đơn giải quyết tranh chấp bằng con đường cấp Sơ thẩm phù hợp với các thủ tục nêu tại Mục này và chỉ định của nguyên đơn về một trong những bộ quy tắc giải quyết tranh chấp nêu tại khoản 2 của Điều 3.33 (Đệ trình khiếu kiện) theo quy tắc giải quyết tranh chấp hiện hành;

(b) ít nhất sáu tháng kể từ ngày nộp yêu cầu tham vấn theo Điều 3.30 (Tham vấn) và ít nhất ba tháng kể từ ngày nộp thông báo ý định đệ trình khiếu kiện theo Điều 3.32 (Thông báo ý định Đệ trình khiếu kiện);

(c) yêu cầu tham vấn và thông báo ý định đệ trình khiếu kiện đáp ứng những yêu cầu tương ứng nêu tại khoản 1 và 2 Điều 3.30 (Tham vấn), và khoản 1 Điều 3.32 (Thông báo ý định Đệ trình khiếu kiện);

(d) căn cứ pháp lý và căn cứ thực tế của tranh chấp đã được xem xét trong quá trình tham vấn căn cứ Điều 3.30 (Tham vấn);

(e) mọi yêu cầu trong đơn khiếu kiện đệ trình lên cấp Sơ thẩm được đưa ra căn cứ Điều 3.33 (Đệ trình khiếu kiện) là dựa vào biện pháp hoặc các biện pháp xác định trong thông báo ý định đệ trình khiếu kiện theo Điều 3.32 (Thông báo ý định Đệ trình khiếu kiện); và

(f) các điều kiện nêu tại Điều 3.34 (Các khiếu kiện khác) đã được đáp ứng.

2. Điều này không ảnh hưởng đến các yêu cầu về thẩm quyền xét xử phát sinh từ các quy tắc giải quyết tranh chấp liên quan.

ĐIỀU 3.36

Sự đồng ý

1. Bị đơn đồng ý việc đệ trình khiếu kiện theo Mục này.

2. Nguyên đơn phải gửi văn bản đồng ý theo thủ tục quy định tại Mục này cùng lúc với đơn khiếu kiện căn cứ vào Điều 3.33 (Đệ trình đơn khiếu kiện).

3. Sự đồng ý theo khoản 1 và 2 phải đáp ứng yêu cầu sau:

(a) các bên tranh chấp không được thực thi phán quyết được ban hành theo Mục này cho đến khi đó là phán quyết cuối cùng theo Điều 3.55 (Phán quyết cuối cùng); và

(b) các bên không được kháng cáo, yêu cầu xét lại, bỏ qua, hủy bỏ, sửa đổi đối với phán quyết nêu tại Mục này3 hoặc bắt đầu một quy trình khiếu kiện tương tự lên tòa quốc tế hoặc trong nước khác.

4. Sự đồng ý theo khoản 1 và 2 phải đáp ứng yêu cầu tại:

(a) Điều 25 của Công ước ICSID và Quy tắc Phụ trợ ICSID đối với đồng ý bằng văn bản của các bên tranh chấp; và

(b) Điều II của Công ước New York năm 1958 đối với thỏa thuận bằng văn bản.

ĐIỀU 3.37

Tài trợ từ bên thứ ba

1. Đối với tài trợ từ bên thứ ba, bên tranh chấp nhận tài trợ phải thông báo đến bên tranh chấp còn lại và Hội đồng cấp Sơ thẩm hoặc Chủ tịch cấp Sơ thẩm, nếu Hội đồng cấp Sơ thẩm không được thành lập, về sự hiện hữu và bản chất của thỏa thuận tài trợ, và tên và địa chỉ của bên thứ ba tài trợ.

2. Thông báo này phải được gửi cùng lúc với đệ trình khiếu kiện, hoặc khi thỏa thuận tài trợ được ký kết hoặc sự quyên góp hoặc viện trợ không hoàn lại được thực hiện nếu thỏa thuận được ký kết hoặc quyên góp, viện trợ đó được thực hiện sau khi đệ trình khiếu kiện.

3. Khi áp dụng Điều 3.48 (Biện pháp bảo đảm chi phí), cấp Sơ thẩm phải xem xét xem có tài trợ từ bên thứ ba không. Khi quyết định chi phí tố tụng căn cứ khoản 4 Điều 3.53 (Phán quyết sơ bộ), Cấp Sơ thẩm phải xem xét xem các yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này có được đáp ứng không.

TIỂU MỤC 4

HỆ THỐNG CƠ QUAN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẦU TƯ THƯỜNG TRỰC

ĐIỀU 3.38

Cấp Sơ thẩm

1. Cấp Sơ thẩm được thành lập để xét xử các đơn khiếu kiện được đệ trình căn cứ vào Điều 3.33 (Đệ trình khiếu kiện).

2. Căn cứ điểm 5(a) Điều 4.1 (Ủy ban), từ ngày có hiệu lực của Hiệp định này, Ủy ban phải chỉ định chín thành viên ở cấp Sơ thẩm. Trong đó, ba thành viên là công dân nước thành viên Liên minh, ba thành viên là công dân nước Việt Nam và ba thành viên là công dân nước thứ ba.4

3. Ủy ban có thể quyết định tăng hoặc giảm số thành viên ở cấp Sơ thẩm sao cho số thành viên là bội số của ba. Việc chỉ định thêm thành viên được thực hiện theo quy định tại khoản 2.

4. Thành viên ở cấp Sơ thẩm phải có bằng cấp chuyên môn theo yêu cầu của quốc gia của họ chỉ định để đảm nhận các vị trí tại các phòng tư pháp hoặc phải là những luật gia được công nhận tại quốc gia của họ. Họ phải chứng minh mình có chuyên môn trong lĩnh vực công pháp quốc tế. Cụ thể, họ cần phải có chuyên môn trong lĩnh vực luật đầu tư quốc tế, luật thương mại quốc tế và giải quyết tranh chấp phát sinh từ các hiệp định đầu tư quốc tế hoặc thương mại quốc tế.

5. Các thành viên ở cấp Sơ thẩm được bổ nhiệm với nhiệm kỳ bốn năm, được gia hạn bổ nhiệm một lần. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của năm trong số chín người được chỉ định ngay sau ngày có hiệu lực của Hiệp định này, thông qua hình thức bốc thăm, và kéo dài sáu năm. Nếu có vị trí nào bị trống thì phải được lấp đầy ngay. Một người được chỉ định để thay thế một người có nhiệm kỳ chưa kết thúc phải làm đến khi hết nhiệm kỳ của người tiền nhiệm. Một người đang làm việc cho Hội đồng cấp Sơ thẩm khi hết nhiệm kỳ có thể tiếp tục làm việc tại Hội đồng cấp Sơ thẩm nếu được sự cho phép của Chủ tịch cấp Sơ thẩm cho đến khi kết thúc quá trình tố tụng của hội đồng đó và vẫn là thành viên ở cấp Sơ thẩm.

6. Cấp Sơ thẩm phải xét xử các vụ việc với một hội đồng ba thành viên, trong đó một người là công dân nước thành viên Liên minh, một người là công dân Việt Nam và một người là công dân nước thứ ba. Hội đồng cấp Sơ thẩm do thành viên là công dân nước thứ ba chủ trì.

7. Trong vòng 90 ngày kể từ ngày đệ trình khiếu kiện theo Điều 3.33 (Đệ trình khiếu kiện), Chủ tịch cấp Sơ thẩm phải chỉ định các thành viên của Hội đồng cấp Sơ thẩm xét xử vụ việc trên cơ sở luân phiên, đảm bảo rằng thành viên của Hội đồng là ngẫu nhiên và không thể đoán trước, và mọi thành viên đều có cơ hội như nhau để làm việc cho Hội đồng cấp Sơ thẩm.

8. Chủ tịch và Phó Chủ tịch cấp Sơ thẩm chịu trách nhiệm với những vấn đề về tổ chức và được bổ nhiệm với nhiệm kỳ hai năm và được bốc thăm chọn trong số các thành viên là công dân của nước thứ ba. Họ sẽ làm việc trên cơ sở được luân phiên bốc thăm bởi đồng chủ tịch của Ủy ban hoặc người mà chủ tịch ủy quyền. Phó Chủ tịch sẽ thay thế Chủ tịch nếu Chủ tịch vắng mặt.

9. Bất kể quy định tại khoản 6, các bên tranh chấp có thể thỏa thuận một vụ việc được xét xử bởi một thành viên duy nhất là công dân nước thứ ba, do Chủ tịch cấp Sơ thẩm lựa chọn. Bị đơn cần xem xét tán thành yêu cầu trên của nguyên đơn, đặc biệt trong trường hợp nguyên đơn là doanh nghiệp nhỏ hoặc vừa hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại khá thấp. Yêu cầu này phải được nộp cùng lúc với đơn khiếu kiện theo Điều 3.33 (Đệ trình khiếu kiện).

10. Cấp Sơ thẩm có thể soạn thảo quy trình làm việc riêng của mình. Quy trình làm việc phải tuân thủ các quy tắc giải quyết tranh chấp hiện hành và Mục này. Nếu cấp Sơ thẩm quyết định như vậy, Chủ tịch cấp Sơ thẩm sẽ soạn thảo quy trình làm việc có tham vấn các thành viên khác ở cấp Sơ thẩm và trình bản dự thảo quy trình làm việc cho Ủy ban. Bản dự thảo quy trình làm việc phải được Ủy ban thông qua. Nếu bản dự thảo quy trình làm việc không được Ủy ban thông qua trong vòng ba tháng kể từ ngày trình, Chủ tịch cấp Sơ thẩm phải sửa đổi bản dự thảo này có xem xét đến quan điểm của các Bên. Sau đó, Chủ tịch cấp Sơ thẩm phải trình bản dự thảo quy trình làm việc sửa đổi lên Ủy ban. Bản dự thảo quy trình làm việc sửa đổi được xem là đã được thông qua nếu Ủy ban không từ chối trong vòng ba tháng kể từ ngày trình.

11. Khi một vấn đề về thủ tục phát sinh không được quy định trong Mục này, bằng cách bổ sung các quy tắc thông qua bởi Ủy ban hoặc quy trình làm việc được thông qua theo khoản 10, Hội đồng cấp Sơ thẩm có liên quan có thể chọn thủ tục phù hợp với các điều khoản này.

12. Hội đồng cấp Sơ thẩm phải nỗ lực để đưa ra các quyết định theo nguyên tắc đồng thuận.  Trường hợp không thể quyết định một vấn đề theo nguyên tắc đồng thuận, Hội đồng cấp Sơ thẩm sẽ thông qua theo nguyên tắc đa số. Các ý kiến của các thành viên Hội đồng cấp Sơ thẩm sẽ được để dưới dạng ẩn danh.

13. Các thành viên phải có mặt ngay lập tức sau khi được thông báo và phải nắm rõ các hoạt động giải quyết tranh chấp theo Hiệp định này.

14. Để đảm bảo các thành viên luôn có mặt, Ủy ban sẽ quyết định mức phí duy trì hàng tháng cố định trả cho các thành viên. Ngoài ra, Chủ tịch và Phó Chủ tịch cấp Sơ thẩm, nếu có, được nhận phí hàng ngày bằng với mức phí được xác định theo khoản 16 Điều 3.39 (Cấp Phúc thẩm) cho mỗi ngày hoàn thành vai trò là Chủ tịch cấp Sơ thẩm căn cứ theo Mục này.

15. Mức phí duy trì và phí hàng ngày nêu tại khoản 14 do hai Bên cùng chi trả, có cân nhắc đến trình độ phát triển của các Bên và do Ban thư ký ICSID quản lý. Trong trường hợp một Bên không thể trả phí duy trì hoặc phí hàng ngày, Bên kia có thể quyết định trả thay. Mọi khoản nợ sẽ vẫn phải trả, với tiền lãi thích hợp.

16. Trừ khi Ủy ban thông qua quyết định căn cứ vào khoản 17, các khoản phí và chi phí khác của thành viên Hội đồng cấp Sơ thẩm được xác định theo Quy định 14(1) của Quy định hành chính và tài chính của Công ước ICSID có hiệu lực vào ngày đệ trình khiếu kiện và được cấp Sơ thẩm phân bổ cho các bên tranh chấp phù hợp với khoản 4 Điều 3.53 (Phán quyết sơ bộ).

17. Ủy ban có thể quyết định chuyển đổi phí duy trì, phí hàng ngày và các khoản phí và chi phí khác thành tiền lương thường xuyên. Trong trường hợp đó, các thành viên ở cấp Sơ thẩm sẽ trở thành thành viên thường trực và không được phép làm công việc khác, dù công việc đó được trả lương hay không, trừ một số trường hợp ngoại lệ do Chủ tịch cấp Sơ thẩm quyết định. Ủy ban phải đưa ra mức thù lao cố định cho các thành viên và các vấn đề tổ chức liên quan.

18. Ban thư ký ICSID đồng thời đóng vai trò là Ban thư ký cấp Sơ thẩm và hỗ trợ ấp Sơ thẩm khi cần thiết. Các chi phí hỗ trợ sẽ được cấp Sơ thẩm phân bố cho các bên tranh chấp phù hợp với khoản 4 Điều 3.53 (Phán quyết sơ bộ).

ĐIỀU 3.39

Cấp Phúc thẩm

1. Cấp Phúc thẩm thường trực được thành lập để xét xử các kháng cáo phán quyết của cấp Sơ thẩm.

2. Cấp Phúc thẩm bao gồm sáu thành viên, trong đó hai thành viên là công dân nước thành viên Liên minh, hai thành viên là công dân nước Việt Nam và hai thành viên là công dân nước thứ ba.

3. Căn cứ điểm 5(a) Điều 4.1 (Ủy ban), từ ngày có hiệu lực của Hiệp định này, Ủy ban phải chỉ định sáu thành viên ở cấp Phúc thẩm.5

4. Ủy ban có thể quyết định tăng hoặc giảm số thành viên ở cấp Phúc thẩm sao cho số thành viên là bội số của ba. Việc chỉ định thêm thành viên được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và 3.

5. Các thành viên của cấp Phúc thẩm được bổ nhiệm với nhiệm kỳ bốn năm, được gia hạn bổ nhiệm một lần. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của ba trong sáu người được chỉ định ngay sau ngày có hiệu lực của Hiệp định này, thông qua hình thức bốc thăm, kéo dài trong sáu năm. Nếu có vị trí nào bị trống thì phải được lấp đầy ngay. Một người được chỉ định để thay thế một người có nhiệm kỳ chưa kết thúc phải làm đến khi hết nhiệm kỳ của người tiền nhiệm.

6. Cấp Phúc thẩm phải có Chủ tịch và Phó Chủ tịch được bổ nhiệm với nhiệm kỳ hai năm và được bốc thăm chọn trong số các thành viên là công dân của nước thứ ba. Họ sẽ làm việc trên cơ sở được luân phiên bốc thăm bởi chủ tịch của Ủy ban hoặc người mà chủ tịch ủy quyền. Phó Chủ tịch sẽ thay thế Chủ tịch nếu Chủ tịch vắng mặt.

7. Các thành viên ở cấp Phúc thẩm phải chứng minh mình có chuyên môn trong lĩnh vực công pháp quốc tế và có bằng cấp chuyên môn theo yêu cầu tại quốc gia của họ chỉ định để đảm nhận các vị trí cao nhất tại phòng pháp lý hoặc phải là những luật gia được công nhận tại quốc gia của họ. Cụ thể, họ cần phải có chuyên môn trong lĩnh vực luật đầu tư quốc tế, luật thương mại quốc tế và giải quyết tranh chấp phát sinh từ các hiệp định đầu tư quốc tế hoặc thương mại quốc tế.

8. Cấp Phúc thẩm phải xét xử các kháng cáo với một hội đồng ba thành viên, trong đó một người là công dân nước thành viên Liên minh, một người là công dân Việt Nam và một người là công dân nước thứ ba. Hội đồng này do thành viên là công dân nước thứ ba chủ trì.

9. Thành phần hội đồng xét xử mỗi kháng cáo do Chủ tịch cấp Phúc thẩm thành lập trên cơ sở luân phiên, đảm bảo rằng thành viên của Hội đồng là ngẫu nhiên và không thể đoán trước, và mọi thành viên đều có cơ hội như nhau để làm việc cho Hội đồng cấp Phúc thẩm. Một người đang làm việc cho Hội đồng cấp Phúc thẩm khi hết nhiệm kỳ có thể tiếp tục làm việc tại hội đồng nếu được sự cho phép của Chủ tịch cấp Phúc thẩm cho đến khi kết thúc quá trình tố tụng của hội đồng đó và vẫn là thành viên ở cấp Phúc thẩm.

10. Cấp Phúc thẩm phải soạn thảo quy trình làm việc riêng của mình. Quy trình làm việc phải tuân thủ Mục này và các hướng dẫn trong Phụ lục 13 (Quy trình làm việc của cấp Phúc thẩm). Chủ tịch cấp Phúc thẩm sẽ soạn thảo quy trình làm việc có tham vấn các thành viên khác của cấp Phúc thẩm và trình bản dự thảo quy trình làm việc cho Ủy ban trong vòng một năm kể từ ngày có hiệu lực của Hiệp định này. Bản dự thảo quy trình làm việc phải được Ủy ban thông qua. Nếu bản dự thảo quy trình làm việc không được Ủy ban thông qua trong vòng ba tháng kể từ ngày trình, Chủ tịch cấp Phúc thẩm phải sửa đổi bản dự thảo này có xem xét đến quan điểm của các Bên. Sau đó, Chủ tịch cấp Phúc thẩm phải trình bản dự thảo quy trình làm việc đã sửa đổi lên Ủy ban. Bản dự thảo quy trình làm việc sửa đổi được xem là đã được thông qua nếu Ủy ban không từ chối trong vòng ba tháng kể từ ngày trình.

11. Khi một vấn đề về thủ tục phát sinh không được quy định trong Mục này, bằng cách bổ sung các quy tắc thông qua bởi Ủy ban hoặc quy trình làm việc được thông qua theo khoản 10, Hội đồng cấp Phúc thẩm có liên quan có thể chọn thủ tục phù hợp với các điều khoản này.

12. Hội đồng cấp Phúc thẩm phải nỗ lực để đưa ra các quyết định theo nguyên tắc đồng thuận.  Trường hợp không thể quyết định một vấn đề theo nguyên tắc đồng thuận, Hội đồng cấp Phúc thẩm sẽ thông qua theo nguyên tắc đa số. Các ý kiến của các thành viên Hội đồng cấp Phúc thẩm sẽ được để dưới dạng ẩn danh.

13. Các thành viên cấp Phúc thẩm phải có mặt ngay lập tức sau khi được thông báo và phải nắm rõ các hoạt động giải quyết tranh chấp khác theo Hiệp định này.

14. Các thành viên ở cấp Phúc thẩm được trả mức phí duy trì hàng tháng do Ủy ban quyết định. Ngoài ra, Chủ tịch và Phó Chủ tịch cấp Phúc thẩm, nếu có, được nhận phí hàng ngày bằng với mức phí được xác định theo khoản 16 cho mỗi ngày hoàn thành vai trò là Chủ tịch cấp Sơ thẩm căn cứ theo Mục này.

15. Mức phí duy trì và phí hàng ngày nêu tại khoản 14 do hai Bên cùng chi trả, có cân nhắc đến trình độ phát triển của các Bên và do Ban thư ký ICSID quản lý. Trong trường hợp một Bên không thể trả phí duy trì hoặc phí hàng ngày, Bên kia có thể quyết định trả thay. Mọi khoản nợ sẽ vẫn phải trả, với tiền lãi thích hợp.

16. Kể từ ngày có hiệu lực của Hiệp định này, Ủy ban phải thông qua quyết định xác định mức phí và chi phí khác của các thành viên Hội đồng cấp Phúc thẩm. Các khoản phí và chi phí này sẽ được cấp Sơ thẩm hoặc cấp Phúc thẩm phân bố cho các bên tranh chấp phù hợp với khoản 4 Điều 3.53 (Phán quyết sơ bộ).

17. Ủy ban có thể quyết định chuyển đổi phí duy trì, phí hàng ngày và các khoản phí và chi phí khác thành tiền lương thường xuyên. Trong trường hợp đó, các thành viên ở cấp Phúc thẩm sẽ trở thành thành viên thường trực và không được phép làm công việc khác, dù công việc đó được trả lương hay không, trừ một số trường hợp ngoại lệ do Chủ tịch cấp Phúc thẩm quyết định. Ủy ban phải đưa ra mức thù lao cố định cho các thành viên và các vấn đề tổ chức liên quan.

18. Ban thư ký ICSID đồng thời đóng vai trò là Ban thư ký cấp Phúc thẩm và giúp đỡ cấp Sơ thẩm khi cần thiết. Các chi phí hỗ trợ sẽ được cấp Phúc thẩm phân bố cho các bên tranh chấp phù hợp với khoản 4 Điều 3.53 (Phán quyết sơ bộ).

ĐIỀU 3.40

Đạo đức

1. Các thành viên cấp Sơ thẩm và cấp Phúc thẩm phải được chọn từ những người hoàn toàn độc lập. Các thành viên là người không có quan hệ với bất kỳ chính phủ nào.6 Họ không được chịu sự chỉ đạo của bất kỳ chính phủ hay tổ chức nào liên quan đến các vấn đề tranh chấp. Họ không tham gia các vụ tranh chấp mà có thể tạo ra xung đột lợi ích dù trực tiếp hay gián tiếp. Họ phải tuân thủ Phụ lục 11 (Quy tắc ứng xử của thành viên cấp Sơ thẩm, thành viên cấp Phúc thẩm và Hòa giải viên). Ngoài ra, khi được bổ nhiệm, họ không được đóng vai trò là tư vấn hoặc chuyên gia của Bên nào hoặc là nhân chứng của bất kỳ tranh chấp bảo hộ đầu tư đang được giải quyết hoặc tranh chấp mới theo Hiệp định này và các hiệp định này hoặc theo pháp luật và quy định nội địa.

2. Nếu bên tranh chấp xét thấy một thành viên có xung đột lợi ích, bên đó phải gửi thông báo kiến nghị về việc bổ nhiệm thành viên đó tới Chủ tịch cấp Sơ thẩm hoặc Chủ tịch cấp Phúc thẩm. Thông báo kiến nghị phải được gửi trong vòng 15 ngày kể từ ngày thành phần của Hội đồng cấp Sơ thẩm hoặc Hội đồng cấp Phúc thẩm được thông báo đến các bên tranh chấp, hoặc trong vòng 15 ngày kể từ ngày các bên tranh chấp biết tình tiết liên quan nếu các bên không thể biết được thành phần của Hội đồng khi Hội đồng được thành lập. Thông báo kiến nghị phải chỉ ra lý do kiến nghị.

3. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày gửi thông báo kiến nghị, nếu thành viên bị kiến nghị không quyết định từ chức, sau khi nghe quan điểm các bên tranh chấp và sau khi cho thành viên đó cơ hội nêu ký kiến, Chủ tịch cấp Sơ thẩm hoặc Chủ tịch cấp Phúc thẩm sẽ đưa ra quyết định trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận thông báo kiến nghị và ngay lập tức thông báo các bên tranh chấp và các thành viên còn lại của Hội đồng.

4. Việc giải quyết các kiến nghị về việc bổ nhiệm thành viên Hội đồng của Chủ tịch cấp Sơ thẩm do Chủ tịch cấp Phúc thẩm quyết định và ngược lại.

5. Theo khuyến nghị hợp lý của Chủ tịch cấp Phúc thẩm hoặc sáng kiến chung của các Bên, các Bên có thể loại bỏ một thành viên cấp Sơ thẩm hoặc cấp Phúc thẩm theo quyết định của Ủy ban nếu hành vi của thành viên này không phù hợp với nghĩa vụ nêu tại khoản 1 và không thể tiếp tục là thành viên của cấp Sơ thẩm hoặc cấp Phúc thẩm. Nếu Chủ tịch cấp Phúc thẩm bị cho là có hành vi như vậy, Chủ tịch cấp Sơ thẩm phải đệ trình khuyến nghị hợp lý. Khoản 2 Điều 3.38 (Cấp Sơ thẩm) và khoản 3 Điều 3.39 (Cấp Phúc thẩm) phải được áp dụng với những sửa đổi phù hợp để lấp đầy vị trí trống có thể phát sinh căn cứ khoản này.

ĐIỀU 3.41

Cơ chế giải quyết tranh chấp đa phương

Các Bên phải tham gia đàm phán hiệp định quốc tế quy định về cấp sơ thẩm đầu tư đa phương cùng với hoặc riêng biệt với cơ chế phúc thẩm đa phương áp dụng với các tranh chấp theo Hiệp định này. Từ đó, các Bên có thể thỏa thuận về việc không áp dụng một số phần liên quan của Mục này. Ủy ban có thể thông qua quyết định về thỏa thuận chuyển tiếp cần thiết.

TIỂU MỤC 5

THỰC HIỆN QUY TRÌNH TỐ TỤNG

ĐIỀU 3.42

Luật áp dụng và Quy tắc diễn giải

1. Cấp Sơ thẩm và cấp Phúc thẩm phải quyết định xem các biện pháp nêu trong đơn khiếu kiện có vi phạm các điều khoản của Chương 2 (Bảo hộ đầu tư) như nguyên đơn cáo buộc hay không.

2. Khi đưa ra quyết định, cấp Sơ thẩm và cấp Phúc thẩm phải áp dụng các điều khoản của Chương 2 (Bảo hộ đầu tư) và các điều khoản khác của Hiệp định này, nếu có, cũng như các quy tắc hoặc nguyên tắc khác của pháp luật quốc tế áp dụng giữa các Bên, và xem xét pháp luật nội địa các các bên tranh chấp đối với các vấn đề liên quan tới tình tiết của vụ kiện.

3. Nhằm giải thích rõ hơn, cấp Sơ thẩm và cấp Phúc thẩm bị ràng buộc vào các diễn giải do tòa án hoặc cơ quan thẩm quyền giải thích về pháp luật nội địa, và những các giải thích của cấp Sơ thẩm và cấp Phúc thẩm về pháp luật nội địa sẽ không có giá trị ràng buộc với tòa án hoặc cơ quan thẩm quyền của các Bên. Cấp Sơ thẩm và cấp Phúc thẩm không có quyền hạn xét xử để xác định sự hợp pháp của một biện pháp được cho là vi phạm Hiệp định này theo pháp luật nội địa của bên tranh chấp.

4. Cấp Sơ thẩm và cấp Phúc thẩm phải giải thích Hiệp định này phù hợp với quy tắc tập quán diễn giải công pháp quốc tế, được pháp điển hóa trong Công ước Viên về Luật điều ước, ký kết tại Viên ngày 24 tháng 5 năm 1969.

5. Khi có quan ngại về việc diễn giải có thể ảnh hưởng các vấn đề liên quan đến Mục này, Ủy ban có thể thông qua diễn giải các điều khoản của Hiệp định này. Mọi diễn giả sẽ có hiệu lực ràng buộc đối với cấp Sơ thẩm và cấp Phúc thẩm. Ủy ban có thể quyết định một diễn giải có hiệu lực ràng buộc kể từ một ngày xác định.

ĐIỀU 3.43

Chống gian lận

Nhằm giải thích rõ hơn, cấp Sơ thẩm phải từ chối xét xử nếu tranh chấp đã phát sinh hoặc có thể sẽ phát sinh với xác xuất cao vào thời điểm nguyên đơn nhận quyền sở hữu hoặc quản lý khoản đầu tư liên quan đến tranh chấp và cấp Sơ thẩm dựa vào các tình tiết của vụ việc xác định được nguyên đơn đã nhận quyền sở hữu hoặc quản lý khoản đầu tư này chủ yếu để đệ trình khiếu kiện theo Mục này. Khả năng từ chối xét xử trong trường hợp này không ảnh hưởng đến sự phản đối về quyền tài phán khác mà cấp Sơ thẩm có thể xem xét.

ĐIỀU 3.44

Phản đối sơ bộ

1. Bị đơn có thể đệ trình đơn phản đối đơn khiếu kiện với lý do đơn khiếu kiện rõ ràng không có giá trị pháp lý không chậm hơn 30 ngày kể từ ngày thành lập Hội đồng cấp Sơ thẩm căn cứ khoản 7 Điều 3.38 (Cấp Sơ thẩm) và phải trước phiên họp đầu tiên của Hội đồng cấp Sơ thẩm, hoặc không chậm hơn 30 ngày kể từ khi bị đơn biết tình tiết là cơ sở của phản đối.

2. Bị đơn phải đưa ra cơ sở chính xác của việc phản đối.

3. Cấp Sơ thẩm, sau khi cho các bên tranh chấp cơ hội trình bày quan điểm về đơn phản đối, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng cấp Sơ thẩm hoặc ngay sau phiên họp, đưa ra quyết định hoặc phán quyết sơ bộ về phản đối này, có chỉ ra lý do đưa ra quyết định hoặc phán quyết sơ bộ đó. Nếu đơn phản đối được nhận sau phiên họp đầu tiên của Hội đồng cấp Sơ thẩm, cấp Sơ thẩm phải đưa ra quyết định hoặc phán quyết sơ bộ càng sớm càng tốt, và không chậm hơn 120 ngày kể từ ngày đơn phản đối được gửi. Khi đưa ra quyết định, cấp Sơ thẩm phải giả định rằng các tình tiết được đưa ra là đúng và có thể xem xét các tình tiết liên quan khác không liên quan đến tranh chấp.

4. Quyết định của cấp Sơ thẩm không ảnh hưởng đến quyền phản đối của một bên tranh chấp căn cứ Điều 3.45 (Đơn khiếu kiện không phải là Vấn đề pháp lý) hoặc trong quá trình tố tụng không ảnh hưởng đến cơ sở pháp lý của đơn khiếu kiện và không ảnh hưởng đến thẩm quyền của cấp Sơ thẩm giải quyết các phản đối khác như vấn đề sơ bộ. Nhằm giải thích rõ hơn, đơn phản đối đó có thể có nội dung phản đối mà tranh chấp hoặc đơn khiếu kiện bổ sung không thuộc thẩm quyền xét xử của cấp Sơ thẩm hoặc, vì lý do khác, không thuộc thẩm quyền của cấp Sơ thẩm.

ĐIỀU 3.45

Đơn khiếu kiện không phải là Vấn đề pháp lý

1. Không ảnh hưởng đến thẩm quyền của cấp Sơ thẩm giải quyết các đơn phản đối khác như vấn đề sơ bộ, như phản đối mà tranh chấp hoặc đơn khiếu kiện bổ sung không thuộc thẩm quyền xét xử của cấp Sơ thẩm hoặc, vì lý do khác, không thuộc thẩm quyền của cấp Sơ thẩm, và không ảnh hưởng đến quyền của bị đơn đưa ra bất kỳ phản đối nào như vậy vào bất kỳ thời điểm thích hợp nào, cấp Sơ thẩm, dựa vào phản đối của bị đơn như vấn đề pháp lý, phải quyết định một đơn khiếu kiện hoặc bất kỳ phần nào của đơn khiếu kiện được nộp theo Mục này không phải là đơn khiếu kiện mà có thể đưa ra phán quyết ủng hộ nguyên đơn theo Điều 3.53 (Phán quyết sơ bộ), ngay cả khi các tình tiết được đưa ra giải định là đúng. Cấp sơ thẩm có thể xem xét các tình tiết liên quan khác không liên quan đến tranh chấp.

2. Đơn phản đối theo khoản 1 phải được gửi tới cấp Sơ thẩm càng sớm càng tốt sau khi Hội đồng cấp Sơ thẩm được thành lập, và không được chậm hơn ngày mà cấp Sơ thẩm xác định bị đơn phải nộp bản trả lời khiếu kiện hoặc bản biện hộ hoặc, ngày mà cấp Sơ thẩm xác định bị đơn phải nộp bản trả lời đơn khiếu kiện sửa đổi, nếu đơn khiếu kiện đã được sửa đổi. Đơn phản đối không được nộp khi quy trình tố tụng theo Điều 3.44 (Phản đối sơ bộ) chưa bắt đầu, trừ khi cấp Sơ thẩm cho phép nộp đơn phản đối theo Điều này, sau khi xem xét các trường hợp của vụ việc.

3. Khi nhận đơn phản đối theo khoản 1, và trừ khi đơn phản đối rõ ràng là không có căn cứ, cấp Sơ thẩm phải tạm ngừng quy trình tố tụng dựa trên các tình tiết được đưa ra, lập kế hoạch xem xét đơn phản đối đó phù hợp với kế hoạch được lập để xem xét các vấn đề sơ bộ khác, và đưa ra quyết định hoặc phán quyết sơ về đơn phản đối, nêu rõ căn cứ đưa ra quyết định hoặc phán quyết đó.

ĐIỀU 3.46

Sự minh bạch của Quy trình tố tụng

1. Bộ quy tắc UNCITRAL về minh bạch áp dụng với các tranh chấp quy định tại Mục này, theo khoản 2 đến khoản 8.

2. Yêu cầu tham vấn theo Điều 3.30 (Tham vấn), thông báo ý định theo khoản 1 Điều 3.32 (Thông báo ý định Đệ trình khiếu kiện), việc xác định theo khoản 2 Điều 3.32 (Thông báo ý định Đệ trình khiếu kiện), thông báo kiến nghị và quyết định về kiến nghị theo Điều 3.40 (Đạo đức) và yêu cầu hợp nhất theo Điều 3.59 (Hợp nhất) được đưa vào danh sách văn bản được nêu ra tại Điều 3(1) của Bộ quy tắc UNCITRAL về minh bạch.

3. Căn cứ Điều 7 Bộ quy tắc UNCITRAL về minh bạch, cấp Sơ thẩm có thể, tự mình hoặc theo yêu cầu của người khác, và sau khi tham vấn các bên tranh chấp, quyết định liệu có nên hoặc làm thế nào công khai tài liệu khác được cung cấp cho hoặc ban hành bởi cấp Sơ thẩm không thuộc trường hợp Điều 3(1) và 3(2) của Bộ quy tắc UNCITRAL về minh bạch. Các tài liệu này có thể bao gồm tang vật nếu bị đơn đồng ý.

4. Bất kể quy định tại Điều 2 Bộ quy tắc UNCITRAL về minh bạch, Liên minh hoặc Việt Nam, tùy từng trường hợp cụ thể, sau khi nhận được các văn bản liên quan theo khoản 2 Điều này, kịp thời chuyển các văn bản đó đến bên không tranh chấp và công khai chúng sau khi đã che giấu thông tin bí mật hoặc thông tin cần bảo vệ7.

5. Các văn bản nêu tại khoản 2, 3 và 4 có thể được công bố công khai bằng cách gửi thông báo đến kho lưu trữ theo quy định của Bộ quy tắc UNCITRAL về minh bạch hoặc bằng cách khác.

6. Không chậm hơn ba năm sau ngày có hiệu lực của Hiệp định này, Ủy ban phải rà soát hoạt động tại khoản 3. Theo yêu cầu của một Bên, Ủy ban có thể thông qua quyết định căn cứ vào điểm 5(c) Điều 4.1 (Ủy ban) về việc Điều 3(3) của Bộ quy tắc UNCITRAL về minh bạch sẽ được áp dụng thay cho khoản 3 Điều này.

7. Dựa vào quyết định của cấp Sơ thẩm về đơn phản đối việc chỉ định thông tin được cho là bí mật hoặc cần bảo vệ, các bên tranh chấp và cấp Sơ thẩm không cần phải tiết lộ bất kỳ thông tin bảo mật nào cho bên không tranh chấp hoặc công chúng nếu bên tranh chấp cung cấp thông tin đã nêu rõ thông tin đó là bí mật.8

8. Bên tranh chấp có thể tiết lộ cho người khác liên quan đến quy trình tố tụng, bao gồm nhân chứng và chuyên gia, những văn bản chưa che giấu thông tin bí mật nếu bên tranh chấp đó xét việc này là cần thiết trong quá trình tố tụng theo Điều này. Tuy nhiên, bên tranh chấp phải đảm bảo những người này bảo mật thông tin trong những văn bản đó.

ĐIỀU 3.47

Quyết định tạm thời

Cấp Sơ thẩm có thể ra lệnh áp dụng biện pháp bảo vệ tạm thời để bảo vệ các quyền của một bên tranh chấp hoặc để đảm bảo rằng thẩm quyền xét xử của cấp Sơ thẩm có hiệu lực hoàn toàn, bao gồm lệnh bảo toàn bằng chứng trong việc chiếm hữu hoặc kiểm soát của một bên tranh chấp hoặc để bảo vệ thẩm quyền xét xử của cấp Sơ thẩm. Cấp Sơ thẩm không được ra lệnh tịch thu tài sản hoặc ngăn cản áp dụng biện pháp đối xử được cho là vi phạm. Trong phạm vi khoản này, một lệnh bao gồm một khuyến nghị.

ĐIỀU 3.48

Biện pháp bảo đảm chi phí

1. Nhằm giải thích rõ hơn, cấp Sơ thẩm có thể, theo yêu cầu, ra lệnh cho nguyên đơn thực hiện biện pháp bảo đảm cho toàn bộ hoặc một phần chi phí nếu có căn cứ hợp lý để tin rằng nguyên đơn có thể sẽ không tuân thủ quyết định về chi phí mà nguyên đơn phải trả.

2. Nếu biện pháp bảo đảm chi phí không được thực hiện đầy đủ trong vòng 30 ngày kể từ ngày có lệnh của cấp Sơ thẩm, hoặc trong một khoảng thời gian do cấp Sơ thẩm quyết định, cấp Sơ thẩm sẽ ra thông báo cho các bên tranh chấp. Cấp Sơ thẩm có thể ra lệnh tạm ngừng hoặc chấm dứt thủ tục tố tụng.

ĐIỀU 3.49

Ngừng thủ tục tố tụng

Nếu nguyên đơn sau khi đệ trình khiếu kiện theo Mục này không thực hiện theo các thủ tục tố tụng trong vòng 180 ngày liên tục hoặc trong một khoảng thời gian do các bên tranh chấp thỏa thuận, nguyên đơn sẽ được xem là đã rút đơn khiếu kiện và không tiếp tục quy trình tố tụng. Theo đề nghị của bị đơn và sau khi thông báo cho các bên tranh chấp, cấp Sơ thẩm sẽ

ra lệnh thông báo về việc ngừng thủ tục tố tụng và ban hành phán quyết về chi phí. Sau khi lệnh được ban hành, cấp Sơ thẩm sẽ không còn thẩm quyền xét xử. Nguyên đơn sau đó không được đệ trình khiếu kiện về vấn đề tương tự.

ĐIỀU 3.50

Ngôn ngữ trong Quy trình tố tụng

1. Các bên tranh chấp sẽ thỏa thuận về ngôn ngữ được sử dụng trong quy trình tố tụng.

2. Nếu các bên tranh chấp không thỏa thuận được theo khoản 1 trong vòng 30 ngày kể từ ngày thành lập Hội đồng cấp Sơ thẩm căn cứ khoản 7 Điều 3.38 (Cấp Sơ thẩm), cấp Sơ thẩm sẽ quyết định ngôn ngữ được sử dụng trong quy trình tố tụng. Cấp Sơ thẩm phải đưa ra xác định sau khi tham vấn các bên tranh chấp nhằm mục đích đảm bảo hiệu quả kinh tế trong quy trình tố tụng và xác định này không tạo ra gánh nặng không cần thiết về nguồn lực cho các bên tranh chấp và cấp Sơ thẩm.9

ĐIỀU 3.51

Bên không tranh chấp

1. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận các văn bản nêu tại điểm (a) và (b) hoặc ngay khi tranh chấp về thông tin bí mật hoặc thông tin được bảo vệ được giải quyết, bị đơn phải cung cấp cho bên không tranh chấp:

(a) yêu cầu tham vấn nêu tại Điều 3.30 (Tham vấn), thông báo ý định nêu tại khoản 1 Điều 3.32 (Thông báo ý định Đệ trình khiếu kiện), việc xác định theo khoản 2 Điều 3.32 (Thông báo ý định Đệ trình khiếu kiện) và đơn khiếu kiện nêu tại Điều 3.33 (Đệ trình khiếu kiện); và

(b) nếu có yêu cầu, các văn bản được công bố công khai phù hợp với Điều 3.46 (Sự minh bạch của Quy trình tố tụng).

2. Bên không tranh chấp có quyền tham dự các phiên xét xử được tổ chức theo Mục này và trình bày bằng lời liên quan đến việc diễn giải Hiệp định này.

ĐIỀU 3.52

Báo cáo của chuyên gia

Theo yêu cầu của một bên tranh chấp, sau khi tham vấn các bên tranh chấp, cấp Sơ thẩm tự mình có thể chỉ định một hoặc nhiều chuyên gia gửi báo cáo bằng văn bản về các vấn đề thực tế liên quan đến môi trường, sức khỏe, an toàn hoặc vấn đề khác do một bên tranh chấp đưa ra.

ĐIỀU 3.53

Phán quyết sơ bộ

1. Nếu cấp Sơ thẩm kết luận rằng biện pháp đang tranh chấp vi phạm một trong các điều khoản của Chương 2 (Bảo hộ đầu tư), cấp Sơ thẩm có thể, dựa trên yêu cầu của nguyên đơn và sau khi nghe ý kiến của các bên tranh chấp, đưa ra quyết định, riêng biệt hoặc kết hợp, về:

(a) tiền bồi thường và tiền lãi nếu có; và

(b) hoàn trả tài sản, trong trường hợp phán quyết quy định rằng bị đơn có thể trả tiền bồi thường và tiền lãi nếu có thay cho việc hoàn trả, được xác định phù hợp với các điều khoản liên quan của Chương 2 (Bảo hộ đầu tư).

Nếu đơn khiếu kiện được đệ trình thay cho công ty thành lập trong nước, phán quyết được đưa ra theo khoản này phải nêu rõ:

(a) tiền bồi thường và tiền lãi nếu có trả cho công ty thành lập trong nước; và

(b) hoàn trả tài sản cho công ty thành lập trong nước. Cấp Sơ thẩm không được ra lệnh bãi bỏ biện pháp đối xử có liên quan.

2. Tiền bồi thường không được lớn hơn thiệt hại mà nguyên đơn hoặc công ty thành lập trong nước phải chịu, do vi phạm một trong các điều khoản của Chương 2 (Bảo hộ đầu tư), khấu trừ vào khoản tiền bồi thường mà Bên liên quan đã nộp trước đó. Nhằm giải thích rõ hơn, khi nhà đầu từ đệ trình khiếu kiện nhân danh chính mình, nhà đầu tư có thể phục hồi những thiệt hại mà mình đã chịu đối với khoản đầu tư được bảo hộ của mình.

3. Cấp Sơ thẩm không được đưa ra quyết định về tiền bồi thường mang tính trừng phạt.

4. Cấp Sơ thẩm phải ra lệnh các chi phí tố tụng10 mà bên tranh chấp thua kiện phải chịu. Trong các trường hợp đặc biệt, cấp Sơ thẩm có thể phân chia chi phí giữa các bên tranh chấp nếu cấp Sơ thẩm xác định việc phân chia này phù hợp với vụ việc. Các chi phí hợp lý khác, bao gồm các chi phí đại diện pháp lý và hỗ trợ pháp lý sẽ do bên tranh chấp thua kiện chịu, trừ khi cấp Sơ thẩm xác định rằng việc phân chia chi phí như vậy là không hợp lý trong trường hợp của vụ việc. Nếu một bên chỉ thắng một số phần của đơn khiếu kiện, chi phí sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ và phạm vi của các phần thắng kiện. Cấp Phúc thẩm sẽ giải quyết chi phí phù hợp với Điều này.

5. Ủy ban có thể thông qua các quy tắc bổ sung về phí để xác định mức chi phí đại diện pháp lý và hỗ trợ pháp lý tối đa bởi các trường hợp bên tranh chấp thua kiện cụ thể. Quy tắc bổ sung này phải xem xét nguồn tài chính của nguyên đơn là thể nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ hoặc vừa. Ủy ban phải nỗ lực thông qua những quy tắc bổ sung này không chậm hơn một năm sau ngày có hiệu lực của Hiệp định này.

6. Cấp Sơ thẩm phải ban hành phán quyết sơ bộ trong vòng 18 tháng kể từ ngày đệ trình khiếu kiện. Nếu không tuân thủ được thời hạn này, cấp Sơ thẩm phải thông qua quyết định về hiệu lực của nó, nêu rõ lý do chậm trễ.

ĐIỀU 3.54

Thủ tục kháng cáo

1. Một trong các bên tranh chấp có thể kháng cáo phán quyết sơ bộ lên cấp Phúc thẩm trong vòng 90 ngày kể từ ngày ban hành phán quyết: Căn cứ kháng cáo là:

(a) cấp Sơ thẩm có sai sót trong việc diễn giải hoặc áp dụng pháp luật hiện hành;

(b) cấp Sơ thẩm rõ ràng đã có sai sót trong việc đánh giá các tình tiết, bao gồm việc đánh giá pháp luật nội địa có liên quan; hoặc

(c) căn cứ kháng cáo nêu tại Điều 52 của Công ước ICSID, miễn là chúng không được quy định tại điểm (a) và (b).

2. Cấp Phúc thẩm phải bác bỏ kháng cáo nếu xét thấy kháng cáo không có căn cứ. Cấp Phúc thẩm có thể bác bỏ kháng cáo nhanh chóng nếu kháng cáo rõ ràng không có căn cứ.

3. Nếu cấp Phúc thẩm xét thấy kháng cáo có căn cứ rõ ràng, quyết định của cấp Phúc thẩm sẽ sửa đổi hoặc hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần quyết định pháp lý trong phán quyết sơ bộ. Quyết định của cấp Phúc thẩm phải nêu rõ những quyết định pháp lý liên quan của cấp Sơ thẩm bị sửa đổi hoặc hủy bỏ.

4. Nếu các tình tiết do cấp Sơ thẩm nêu ra được chấp nhận, cấp Phúc thẩm phải đưa ra quyết định pháp lý của mình dựa trên các tình tiết đó và đưa ra phán quyết cuối cùng. Nếu không thể làm việc đó, cấp Phúc thẩm phải đưa vấn đề này lại cho cấp Sơ thẩm.

5. Theo quy tắc chung, thủ tục kháng cáo không được kéo dài quá 180 ngày tính từ ngày một bên tranh chấp chính thức thông báo quyết định kháng cáo đến ngày cấp Phúc thẩm đưa ra phán quyết. Khi cấp Phúc thẩm xét thấy không thể đưa ra phán quyết trong vòng 180 ngày, cấp Phúc thẩm phải thông báo các bên tranh chấp bằng văn bản lý do chậm trễ cùng với thời gian ước tính sẽ đưa ra quyết định. Trừ một số trường hợp đặc biệt, quy trình tố tụng không được kéo dài quá 270 ngày.

6. Một bên tranh chấp nộp đơn kháng cáo phải thực hiện biện pháp bảo đảm, bao gồm chi phí kháng cáo, và một khoản tiền hợp lý được xác định bởi cấp Phúc thẩm sau khi xem xét các trường hợp của vụ việc.

7. Điều 3.37 (Tài trợ từ bên thứ ba), 3.46 (Sự minh bạch của Quy trình tố tụng), 3.47 (Quyết định tạm thời), 3.49 (Ngừng thủ tục tố tụng), 3.51 (Bên không tranh chấp), Điều 3.353 (Phán quyết sơ bộ) và 3.56 (Đền bù hoặc hình thức bồi thường khác) áp dụng đối với thủ tục kháng cáo, với những sửa đổi phù hợp.

ĐIỀU 3.55

Phán quyết cuối cùng

1. Phán quyết sơ bộ được đưa ra theo Mục này sẽ trở thành phán quyết cuối cùng nếu không bị bên tranh chấp nào kháng cáo theo khoản 1 Điều 3.54 (Thủ tục kháng cáo).

2. Khi một phán quyết sơ bộ bị kháng cáo và cấp Phúc thẩm bác bỏ kháng cáo theo khoản 2 Điều 3.54 (Thủ tục kháng cáo), phán quyết sơ bộ trở thành phán quyết cuối cùng vào ngày cấp Phúc thẩm bác bỏ kháng cáo.

3. Khi một phán quyết sơ bộ bị kháng cáo và cấp Phúc thẩm ban hành phán quyết cuối cùng, phán quyết sơ bộ bị sửa đổi hoặc hủy bỏ bởi cấp Phúc thẩm trở thành phán quyết cuối cùng vào ngày cấp Phúc thẩm ban hành phán quyết cuối cùng.

4. Khi một phán quyết sơ bộ bị kháng cáo và cấp Phúc thẩm đã sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định pháp lý trong phán quyết sơ bộ và đưa vấn đề lại cho cấp Sơ thẩm, cấp Sơ thẩm sau khi nghe ý kiến của các bên tranh chấp nếu cần thiết, sẽ sửa đổi phán quyết sơ bộ để thể hiện quyết định pháp lý của cấp Phúc thẩm. Cấp Sơ thẩm bị ràng buộc bởi quyết định của cấp Phúc thẩm. Cấp Sơ thẩm phải đưa ra phán quyết sửa đổi trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận phán quyết của cấp Phúc thẩm. Phán quyết sơ bộ sửa đổi trở thành phán quyết cuối cùng sau 90 ngày kể từ ngày ban hành.

5. Trong phạm vi Mục này, thuật ngữ “phán quyết cuối cùng” bao gồm bất kỳ phán quyết nào của cấp Phúc thẩm ban hành theo khoản 4 Điều 3.54 (Thủ tục kháng cáo).

ĐIỀU 3.56

Đền bù hoặc Bồi thường khác

Cấp Sơ thẩm không được chấp nhận việc nhà đầu tư đã nhận và sẽ nhận đền bù hoặc bồi thường khác dựa trên một hợp đồng bảo hiểm hoặc bảo lãnh đối với toàn bộ hoặc một phần khoản tiền bồi thường đề nghị trong tranh chấp đưa ra theo Mục này là một lời biện hộ, phản tố, hoặc khiếu nại hợp lý.

ĐIỀU 3.57

Thực thi Phán quyết cuối cùng

1. Phán quyết cuối cùng đưa ra theo Mục này:

(a) có hiệu lực ràng buộc giữa các bên tranh chấp và đối với trường hợp cụ thể; và

(b) không bị kháng cáo, xét lại, hủy bỏ, hủy bỏ, bãi bỏ hoặc chịu bất kỳ biện pháp nào khác.

2. Mỗi Bên phải công nhận phán quyết cuối cùng được đưa ra theo Mục này là có hiệu lực ràng buộc và thực thi nghĩa vụ nộp tiền trong phạm vi lãnh thổ như đây là phán quyết cuối cùng của tòa án của Bên đó.

3. Bất kể quy định tại khoản 1 và 2, trong thời hạn nêu tại khoản 4, việc công nhận và thực thi phán quyết cuối cùng đối với tranh chấp mà Việt Nam là bị đơn được thực hiện căn cứ Công ước New York năm 1958. Trong suốt thời gian đó, điểm 1(b) của Điều này và điểm 3(b) của Điều 3.3 (Sự đồng ý) không áp dụng với các tranh chấp mà Việt Nam là bị đơn.

4. Đối với phán quyết cuối cùng mà Việt Nam là bị đơn, điểm 1(b) và khoản 2 áp dụng sau năm năm kể từ ngày có hiệu lực của Hiệp định này hoặc một khoảng thời gian được xác định bởi Ủy ban nếu các điều kiện được đảm bảo.

5. Việc thực thi phán quyết được điều chỉnh bởi luật pháp về thực thi bản án hoặc phán quyết có hiệu lực nếu có yêu cầu về thực thi.

6. Nhằm giải thích rõ hơn, Điều 4.14 (Không có hiệu lực trực tiếp) không ngăn cản việc công nhận, thực hiện và thực thi phán quyết được ban hành căn cứ Mục này.

7. Trong phạm vi Điều 1 của Công ước New York năm 1958, phán quyết cuối cùng được đưa ra căn cứ vào Mục này được coi là phán quyết trọng tài và liên quan đến khiếu kiện phát sinh từ quan hệ hoặc giao dịch thương mại.

8. Nhằm giải thích rõ hơn và căn cứ điểm 1(b), nếu đơn khiếu kiện được đệ trình lên cơ quan giải quyết tranh chấp theo điểm 2(a) Điều 3.33 (Đệ trình khiếu kiện), phán quyết cuối cùng được đưa ra theo Mục này phải đáp ứng các điều kiện về phán quyết theo Mục 6 của Chương IV Công ước ICSID.

ĐIỀU 3.58

Vai trò của các Bên trong Hiệp định

1. Các Bên không được áp dụng biện pháp bảo hộ ngoại giao hoặc hoặc đệ trình khiếu kiện quốc tế đối với tranh chấp nêu tại Mục này, trừ khi Bên kia không tuân thủ phán quyết đưa ra trong tranh chấp này. Biện pháp bảo hộ ngoại giao, trong phạm vi khoản này, không bao gồm các trao đổi ngoại giao không chính thức nhằm mục đích duy nhất tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp.

2. Khoản 1 không loại trừ khả năng giải quyết tranh chấp theo Mục A (Giải quyết tranh chấp giữa các Bên) đối với biện pháp áp dụng chung nếu biện pháp này bị cho là vi phạm Hiệp định này và đối với tranh chấp đã được đưa ra giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp theo Điều 3.33 (Đệ trình khiếu kiện). Điều này không ảnh hưởng đến Điều 3.51 (Bên không tranh chấp) hoặc Điều 5 Bộ quy tắc UNCITRAL về minh bạch.

ĐIỀU 3.59

Hợp nhất

1. Trường hợp hai hay nhiều đơn khiếu kiện đệ trình theo Mục này có vấn đề pháp lý hoặc vấn đề thực tế chung và phát sinh thì vụ việc hoặc trường hợp như nhau, bị đơn có thể đệ trình Chủ tịch cấp Sơ thẩm yêu cầu hợp nhất tất cả hoặc một số đơn khiếu kiện. Yêu cầu phải có:

(a) tên và địa chỉ của các bên tranh chấp trong những đơn khiếu kiện cần hợp nhất;

(b) phạm vi hợp nhất; và

(c) căn cứ đề nghị.

Bị đơn phải gửi đề nghị đến mỗi nguyên đơn trong đơn khiếu kiện mà bị đơn cần hợp nhất.

2. Nếu tất cả các bên tranh chấp của đơn khiếu kiện cần hợp nhất thỏa thuận hợp nhất các đơn khiếu kiện, các bên tranh chấp phải nộp một đơn đề nghị chung đến Chủ tịch cấp Sơ thẩm căn cứ vào khoản 1. Chủ tịch cấp Sơ thẩm sau khi nhận được đơn đề nghị chung này phải thành lập một Hội đồng cấp Sơ thẩm căn cứ Điều 3.38 (Cấp Sơ thẩm) (sau đây gọi là “hội đồng hợp nhất”) là hội đồng có thẩm quyền xét xử đối với tất cả đơn khiếu kiện nêu trong yêu cầu hợp nhất.

3. Nếu các bên tranh chấp nêu tại khoản 2 chưa thỏa thuận được việc hợp nhất trong vòng ba mươi ngày kể từ ngày nhận yêu cầu hợp nhất nêu tại khoản 1 kể từ khi nguyên đơn nhận được yêu cầu, Chủ tịch cấp Sơ thẩm phải thành lập hội đồng hợp nhất căn cứ vào Điều 3.38 (Cấp Sơ thẩm). Hội đồng hợp nhất sẽ có thẩm quyền xét xử đối với toàn bộ hoặc một số đơn khiếu kiện nếu sau khi xem xét các quan điểm của các bên tranh chấp, hội đồng xét thấy việc nắm thẩm quyền xét xử như vậy sẽ đảm bảo giải quyết tranh chấp trong các đơn khiếu kiện một cách công bằng và hiệu quả, bao gồm lợi ích về tính nhất quán của các phán quyết.

4. Hội đồng hợp nhất phải thực hiện quy trình tố tụng theo quy tắc giải quyết tranh chấp do các nguyên đơn thỏa thuận từ những quy tắc nêu tại khoản 2 Điều 3.33 (Đệ trình khiếu kiện).

5. Nếu các nguyên đơn không thỏa thuận được quy tắc giải quyết tranh chấp trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp nhất kể từ khi nguyên đơn cuối cùng nhận yêu cầu, hội đồng hợp nhất phải thực hiện quy trình tố tụng phù hợp với quy tắc trọng tài của UNCITRAL.

6. Các hội đồng cấp Sơ thẩm thành lập theo Điều 3.38 (Cấp Sơ thẩm) phải từ bỏ thẩm quyền xét xử liên quan đến toàn bộ hoặc một số đơn khiếu kiện mà hội đồng hợp nhất có thẩm quyền xét xử và các quy trình tố tụng của các hội đồng sẽ được giữ nguyên hoặc tạm ngừng, nếu cần thiết. Phán quyết của hội đồng hợp nhất liên quan đến một phần của các đơn khiếu kiện mà hội đồng có thẩm quyền xét xử sẽ có hiệu lực ràng buộc đối với các hội đồng có thẩm quyền xét xử đối với các phần còn lại của đơn khiếu kiện, kể từ ngày phán quyết trở thành phán quyết cuối cùng theo Điều 3.55 (Phán quyết cuối cùng).

7. Một nguyên đơn có thể rút toàn bộ hoặc một phần đơn khiếu kiện được hợp nhất khỏi quy trình giải quyết tranh chấp theo Điều này và toàn bộ hoặc một phần đơn khởi kiện đó không được đệ trình lại theo Điều 3.33 (Đệ trình khiếu kiện).

8. Theo đề nghị của bị đơn, hội đồng hợp nhất, với cùng cơ sở và hiệu lực nêu tại khoản 3 và 6, có thể quyết định xem có thẩm quyền xét xử toàn bộ hoặc một phần đơn khiếu kiện trong phạm vi khoản 1 được đệ trình sau khi bắt đầu thủ tục hợp nhất.

9. Theo yêu cầu của một nguyên đơn, hội đồng hợp nhất có thể thực hiện các biện pháp thích hợp để giữ bí mật thông tin được bảo vệ của nguyên đơn đó với các nguyên đơn khác. Những biện pháp này có thể bao gồm việc nộp các phiên bản đã được che giấu thông tin mật đối với nguyên đơn khác hoặc thỏa thuận giữ thông tin về phiên họp kín.

1 Nhằm giải thích rõ hơn, thuật ngữ “biện pháp" có thể bao gồm cả trường hợp không hành động.

2 Điểm (2)(b) không áp dụng nếu Phụ lục 12 (Thủ tục đồng thời) áp dụng.

3 Nhằm giải thích rõ hơn, khoản này áp dụng cùng với Điều 3.57 (Thực thi phán quyết cuối cùng).

4 Thay vì đề xuất bổ nhiệm ba thành viên có quốc tịch của một Bên, Bên đó có thể đề xuất bổ nhiệm tối đa ba thành viên có quốc tịch nước khác. Trong trường hợp này, các thành viên đó được xem là công dân của Bên đã đề xuất việc bổ nhiệm trong Điều này.

5 Thay vì đề xuất bổ nhiệm hai thành viên có quốc tịch hoặc tư cách công dân của một Bên, Bên đó có thể đề xuất bổ nhiệm tối đa hai thành viên có quốc tịch hoặc là công dân nước khác. Trong trường hợp này, các thành viên đó được xem là công dân của Bên đã đề xuất việc bổ nhiệm trong Điều này.

6 Nhằm giải thích rõ hơn, việc một người nhận lương từ chính phủ, hoặc trước đây làm việc cho chính phủ, hoặc có quan hệ gia đình với một người nhận lương từ chính phủ, không là có người ấy mất tư cách hợp lệ.

7 Nhằm giải thích rõ hơn, thông tin bí mật hoặc thông tin được bảo vệ như định nghĩa tại Điều 7(2) của Bộ quy tắc UNCITRAL về minh bạch bao gồm những thông tin mật của chính phủ.

8 Nhằm giải thích rõ hơn, nếu một bên tranh chấp đã nộp thông tin quyết định rút toàn bộ hoặc một phần hồ sơ chưa thông tin đó phù hợp với Điều 7(4) của Bộ quy tắc UNCITRAL về minh bạch, bên tranh chấp còn lại, nếu cần thiết, nộp lại đầy đủ hồ sơ đã che giấu thông tin mật có thể dưới hình thức xóa những thông tin mà bên tranh chấp đã rút lại hoặc thiết kế lại thông tin phù hợp với bên tranh chấp đó.

9 Khi xem xét tính hiệu quả kinh tế của quy trình tố tụng, cấp Sơ thẩm phải tính đến những chi phí của các bên tranh chấp và của cấp Sơ thẩm phát sinh khi xử lý vụ việc và những văn bản pháp lý mà các bên tranh chấp có thể đệ trình.

10 Nhằm giải thích rõ hơn, thuật ngữ “chi phí tố tụng” bao gồm (a) chi phí hợp lý trả cho chuyên gia tư vấn hoặc những hỗ trợ khác mà cấp Sơ thẩm cần, và (b) chi phí di chuyển và các chi phí hợp lý cho nhân chứng mà những chi phí này được cấp Sơ thẩm chấp thuận.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 20,139

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]