Hiệp định TPP 25/11/2016 08:27 AM

APEC và kịch bản nào khi Hoa Kỳ ngừng TPP?

25/11/2016 08:27 AM

Tuần lễ Cấp cao APEC tổ chức tại Lima, Peru vào trung tuần tháng 11 với sự tham dự của nguyên thủ và quan chức từ 21 nền kinh tế thành viên trong bối cảnh Hoa Kỳ vừa có kết quả bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ 45 của nước này và tân Tổng thống có quan điểm rõ ràng về khả năng ngừng TPP.

Chính vì vậy, Hội nghị tại Lima dành nhiều sự quan tâm về báo cáo xây dựng Khu vực Thương mại tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Báo cáo này thực sự định hình tương lai của APEC. Được thành lập từ năm 1989 với mục tiêu thúc đẩy hội nhập khu vực, APEC đã có tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng trong thời gian qua và các nền kinh tế thành viên hợp tác tích cực trên nhiều lĩnh vực. Từ năm 2010, ý tưởng về một FTAAP đã được các nhà lãnh đạo cấp cao thông qua, nhằm xây dựng APEC thành khu vực giữ vai trò trung tâm trong định hình và giải quyết những vấn đề thương mại, đầu tư thế hệ mới. Đến năm 2014, khi Trung Quốc đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC, nước này đã thúc đẩy một nghiên cứu toàn diện về việc các nền kinh tế thành viên cần xây dựng một hiệp định như thế nào. Nghiên cứu đó được thực hiện cho đến nay.

Các nhà lãnh đạo APEC "đau đầu" bởi nhiều phương án phải xây dựng mới

Về nguyên tắc, các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua nhiều cách thức để đạt được FTAAP. Do APEC không đàm phán trực tiếp nên đòi hỏi có một cơ chế bên ngoài để đạt được thỏa thuận. Hai con đường chính thức được đặt ra là TPP với 12 nước tham gia và RCEP với 16 nước tham gia. Nghiên cứu của APEC cho thấy, FTAAP là một ý tưởng tuyệt vời mà APEC theo đuổi. Trước đây, Hoa Kỳ cho rằng, nghiên cứu này được đánh giá tốt, cả hai con đường đều đang được triển khai và chưa cần phải thúc đẩy FTAAP ngay tại thời điểm đó. Trong khi TPP đã được hoàn tất và đang trong giai đoạn phê chuẩn trong nước thì RCEP vẫn trong giai đoạn đàm phán. Nhưng hiện nay tình hình đã thay đổi.

Với những tuyên bố của tân Tổng thống Hoa Kỳ về việc ngừng TPP thì câu hỏi về khả năng đi đến FTAAP thông qua TPP đang được đặt ra. Nếu TPP không thành hiện thực, RCEP sẽ trở thành con đường tới FTAAP. Và theo đó, mở ra một số vấn đề mới, có thể như sau:

Một là, việc quản lý FTAAP được giao cho các nước đàm phán RCEP. Trong khi Tổng thống Obama đã từng cảnh báo: Khi thiếu TPP có nghĩa là các nước khác “đặt ra quy tắc của trò chơi”, mặc dù có thể không hoàn toàn như lời phát ngôn này, song sự kết nối giữa RCEP và FTAAP sẽ làm cho điều này trở nên rõ ràng hơn.

Hai là, RCEP cần phải mạnh nhất có thể. Đây không chỉ là hiệp định thương mại liên khu vực ở châu Á, mà có khả năng là nền tảng cho FTAAP trên cơ sở ràng buộc 21 thành viên ở Thái Bình Dương. Đó là một phần lý do tại sao Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thu xếp cuộc gặp với tân Tổng thống Hoa Kỳ trên đường tới dự hội nghị tại Lima. Ông Abe muốn biết về các chính sách trong tương lai của ông Donald Trump, nhưng quan trọng hơn là thời điểm ngừng TPP. Nếu điều này xảy ra, Nhật Bản cần phải quyết định nhanh chóng về việc nước này ứng xử như thế nào với báo cáo nghiên cứu FTAAP.

Ba là, vấn đề thành viên trong APEC được đặt ra một lần nữa. Khi 12 thành viên của TPP đều là thành viên APEC thì 16 thành viên của RCEP, trong đó có Campuchia, Lào, Myanmar và Ấn Độ hiện không phải thành viên APEC. Nếu RCEP là con đường để đi đến FTAAP thì các nước trên cần gia nhập APEC. Và nếu coi tư cách thành viên APEC là yếu tố động, các ứng viên khác có lợi ích thiết thực như Columbia (hiện đang là thành viên của Liên minh Thái Bình Dương) cũng được xem là một cơ chế khác cho FTAAP.

Bốn là, nếu RCEP là con đường duy nhất đối với FTAAP, có nghĩa là những thay đổi phương thức RCEP đang được đàm phán. Sẽ khó khăn để giữ cho đàm phán RCEP không bị dao động, nhưng nếu cần tạo nền tảng cho tương lai thì điều quan trọng là phải có thông tin nhiều hơn về những gì đang xảy ra, cũng có nghĩa là cho phép các nước APEC có vai trò quan sát viên trong đàm phán.

Năm là, các thành viên APEC có thể muốn xem xét lại toàn bộ tiến trình để đạt được FTAAP giữa 21 nền kinh tế thành viên. Nếu mục tiêu cuối cùng là phải có một hiệp định thương mại bao gồm tất cả các thành viên APEC thì có lẽ tốt nhất là tất cả thành viên cùng đàm phán một thỏa thuận ngay từ đầu. Các thành viên có thể rút kinh nghiệm trong các bối cảnh và sân đàm phán khác nhau.

Tuyết Minh

Theo Báo Công Thương

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,916

TPP, APEC,

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]