THƯ VIỆN PHÁP LUẬT DỊCH:
Chương 28: Giải quyết tranh chấp
>> Xem bản Tiếng Anh
CHƯƠNG 28
GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
Trong Chương này:
Bên nguyên đơn là bên yêu cầu thành lập Ban hội thẩm theo Điều 28.7.1 (Thành lập Ban hội thẩm);
Bên tham vấn là bên yêu cầu tham vấn theo Điều 28.5.1 (Tham vấn) hoặc bên được yêu cầu tham vấn;
Bên tranh chấp là Bên nguyên đơn hoặc Bên bị đơn; Ban hội thẩm là ban được thành lập căn cứ theo Điều 28.7 (Thành lập Ban hội thẩm);
hàng hóa dễ hỏng là hàng hóa nông nghiệp và thủy sản dễ hỏng phân loại từ mã HS từ chương 1 đến chương 24;
Bên bị đơn là bên bị thưa kiện căn cứ theo điều 28.7. (Thành lập Ban hội thẩm);
Quy tắc tố tụng là những quy tắc nêu tại Điều 28.13 (Quy tắc tố tụng của Ban hội thẩm) và được thiết lập phù hợp với Điều 27.2.1 (f) (Chức năng của Ủy ban TPP); và
Bên thứ ba là một Bên không phải là Bên tranh chấp gửi thông báo theo điều 28.14 (Sự tham gia của Bên thứ ba).
Các bên sẽ luôn nỗ lực để thỏa thuận về việc giải thích và áp dụng Hiệp định này, và sẽ làm cho mọi nỗ lực thông qua hợp tác và tham vấn đi đến những giải pháp thoả đáng cho tất cả vấn đề có thể ảnh hưởng đến hoạt động của Hiệp định.
1. Trừ trường hợp quy định trong Hiệp định này, những điều khoản về giải quyết tranh chấp của Chương này được áp dụng:
(a) nhằm tránh hoặc giải quyết các tranh chấp giữa các bên liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Hiệp định này;
(b) nếu một Bên cho rằng một Bên khác thực tế hoặc dự kiến áp dụng những biện pháp rõ ràng hoặc có thể không phù hợp với các nghĩa vụ của Hiệp định này hay Bên đó không thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hiệp định này; hoặc
(c) nếu một Bên tin rằng một Bên khác mặc dù áp dụng biện pháp phù hợp với Hiệp định này nhưngđã triệt tiêu hoặc làm phương hại đến lợi ích hợp lý mà mình đáng lẽ được nhận theo Chương 2 (Nguyên tắc đối xử quốc gia và thị trường lưu thông hàng hoá), Chương 3 (Quy tắc xuất xứ và thủ tục xuất xứ), Chương 4 (Hàng dệt may), Chương 5 (Tổng cục Hải quan và Thuận lợi hóa thương mại), Chương 8 (Rào cản kỹ thuật đối với thương mại), Chương 10 (Thương mại dịch vụ xuyên biên giới) hoặc Chương 15 (Mua sắm chính phủ).
2. Chậm nhất là 6 tháng kể từ ngày các nước thành viên của WTO có quyền khởi kiện vi phạm triệt tiêu hoặc làm phương hại lợi ích theo Điều 64 của Hiệp định TRIPS, các Bên sẽ xem xét liệu có nên sửa đổi khoản 1 (c) và bổ sung vào Chương 18 (Quyền sở hữu trí tuệ).
3. Một văn kiện do hai hay nhiều Bên ký kết liên quan đến ký kết Hiệp định này:
(a) không cấu thành một văn kiện liên quan đến Hiệp định này trong phạm vi ý nghĩa của Điều 31 (2) (b) của Công ước Viên về Luật Điều ước tại Vienna vào ngày 23 tháng 5 năm 1969 và sẽ không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ theo trong Hiệp định này của các Bên không tham gia ký kết văn kiện đó; và
(b) có thể áp dụng thủ tục giải quyết tranh chấp theo Chương này cho bất kỳ vấn đề phát sinh mà văn kiện đó có quy định.
Điều 28.4: Lựa chọn tòa án tư pháp
1. Trường hợp có tranh chấp phát sinh liên quan đến Hiệp định này và theo một hiệp định thương mại quốc tế khác mà các Bên tranh chấp là thành viên, bao gồm Hiệp định WTO, Bên nguyên đơn có thể chọn các tòa án tư pháp để giải quyết tranh chấp.
2. Khi một Bên khiếu nại đã yêu cầu thành lập hoặc đưa ra vấn đề liên quan Ban hội thẩm hoặc tòa án tư pháp theo một hiệp định khác nêu tại khoản 1, tòa án tư pháp được chọn sẽ loại trừ việc tham gia các tòa án tư pháp khác.
1. Mỗi Bên có thể gửi yêu cầu tham vấn bằng văn bản tới bất kỳ Bên nào khác liên quan đến vấn đề nêu tại Điều 28.3 (Phạm vi). Bên yêu cầu tham vấn phải đưa ra những lý do cho yêu cầu, bao gồm cả việc xác định các biện pháp thực tế hoặc dự kiến thực hiện1 hoặc vấn đề khác và chỉ ra cơ sở pháp lý cho đơn kiện. Bên yêu cầu phải đồng thời gửi các yêu cầu cho các Bên còn lại thông qua các đầu mối liên lạc được chỉ định theo Điều 27.5.1 (Đầu mối liên lạc).
2. Các Bên được yêu cầu tham vấn phải trả lời yêu cầu bằng văn bản trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày nhận yêu cầu, trừ trường hợp bên yêu cầu chấp nhận điều kiện khác. Bên được yêu cầu tham vấn phải đồng thời gửi văn bản trả lời đến các Bên khác và tham gia tham vấn trên nguyên tắc thiện chí.
3. Một Bên khác không phải Bên yêu cầu nhưng xét thấy mình có lợi ích đáng kể trong vấn đề này vẫn có thể tham gia vào các cuộc tham vấn bằng cách gửi thông báo bằng văn bản cho các Bên kia trong vòng bảy ngày kể từ ngày yêu cầu tham vấn được gửi đi. Bên có liên quan phải gửi thuyết minh về lợi ích đáng kể của mình đối với vấn đề tham vấn kèm theo với thông báo.
4. Trừ khi có thỏa thuận khác, các Bên tham vấn sẽ tiến hành tham vấn trong thời hạn không quá:
(a) 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu cho các vấn đề liên quan đến hàng hóa dễ hư hỏng; hoặc là
(a) 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu cho các vấn đề khác.
5. Tham vấn có thể được tổ chức trực tiếp hoặc bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật mà các Bên tham vấn có sẵn. Trong trường hợp tổ chức trực tiếp, buổi tham vấn sẽ được tổ chức tại thủ đô của Bên yêu cầu tham vấn, trừ khi các Bên có thoả thuận khác.
6. Các Bên tham vấn sẽ nỗ lực để đạt được giải pháp thỏa đáng cho việc tham vấn theo Điều này. Để đạt được điều đó:
(a) mỗi Bên tham vấn sẽ cung cấp đầy đủ thông tin để thực hiện một cuộc kiểm tra toàn diện về những ảnh hưởng của biện pháp thực tế hoặc dự kiến đó đến hoạt động và áp dụng Hiệp định này; và
(b) các Bên tham gia tham vấn sử dụng những thông tin bí mật được trao đổi trong quá trình tham vấn tương tự như Bên cung cấp thông tin.
7. Trong quá trình tham vấn theo Điều này, mỗi Bên tham vấn có thể yêu cầu một Bên tham vấn khác hỗ trợ nhân viên của các cơ quan chính phủ hoặc cơ quan quản lý khác là những người có chuyên môn trong các vấn đề tham vấn.
8. Tham vấn phải được giữ bí mật và không làm phương hại đến các quyền của bất kỳ Bên nào trong các thủ tục tố tụng khác.
Điều 28.6: Trung gian hòa giải
1. Các Bên có thể thỏa thuận tự nguyện thực hiện một phương pháp khác để giải quyết tranh chấp như trung gian hòa giải.
2. Thủ tục tố tụng liên quan đến trung gian hoà giải sẽ được giữ kín và không ảnh hưởng đến quyền lợi của các Bên ở bất kỳ thủ tục tố tụng khác.
3. Các bên tham gia tố tụng theo Điều này có thể đình chỉ hoặc chấm dứt vụ kiện như vậy bất cứ lúc nào.
4. Nếu các Bên tranh chấp đồng ý, trung gian hòa giải có thể tiếp tục khi tranh chấp đang được giải quyết bởi một ban hội thẩm theo Điều 28.7 (Thành lập ban hội thẩm).
Điều 28.7: Thành lập ban hội thẩm
1. Một Bên được yêu cầu tham vấn theo khoản 1 của Điều 28.5 (Tham vấn) có thể yêu cầu thành lập ban hội thẩm, bằng cách thông báo bằng văn bản cho Bên bị đơn, nếu các bên tham vấn không giải quyết được vấn đề trong thời hạn:
(a) 60 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn theo Điều 28.5.1 (Tham vấn);
(b) 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn theo Điều 28.5.1 (Tham vấn) nếu vấn đề tranh chấp liên quan đến hàng hóa dễ hỏng; hoặc
(c) một thời hạn khác theo thỏa thuận của các Bên tham vấn.
2. Đồng thời, Bên nguyên đơn sẽ đồng thời gửi các yêu cầu cho tất cả các Bên thông qua các đầu mối liên lạc được chỉ định theo Điều 27.5.1 (Đầu mối liên lạc).
3. Bên nguyên đơn phải gửi kèm trong yêu cầu thành lập ban hội thẩm bản thuyết minh về biện pháp hoặc vấn đề khác và bản tóm tắt về cơ sở pháp lý của đơn kiện được trình bày vấn đề rõ ràng.
4. Một ban hội thẩm phải được thành lập sau khi yêu cầu được gửi đi
5. Trừ khi các Bên tranh chấp có thỏa thuận khác, thành phần ban hội thẩm phải phù hợp với các quy định của Chương này và các Quy tắc tố tụng.
6. Trường hợp một Bên yêu cầu thành lập ban hội thẩm trong khi đã có một ban hội thẩm khác giải quyết cùng một vấn đề, thì chỉ duy nhất một ban hội thẩm được thành lập để xem xét đơn kiện, nếu khả thi.
7. Ban hội thẩm không được thành lập để xem xét một biện pháp dự kiến.
Điều 28.8: Điều khoản tham chiếu
1. Trong vòng 20 ngày sau ngày nhận yêu cầu thành lập ban hội thẩm, trừ khi các Bên tranh chấp có thỏa thuận khác, các điều khoản tham chiếu phải:
(a) được kiểm tra, sau khi xem xét các quy định có liên quan của Hiệp định này, các vấn đề được đề cập trong các yêu cầu thành lập Ban hội thẩm theo Điều 28.7.1 (Thành lập ban hội thẩm); và
(b) đưa ra các kết luận và quyết định và bất kỳ khuyến nghị được yêu cầu kèm theo lý do, được quy định tại Điều 28.17.4 (Báo cáo ban đầu).
2. Nếu Bên nguyên đơn tuyên bố rằng một biện pháp làm triệt tiêu hoặc làm phương hại lợi ích theo Điều 28.3.1 (c) (Phạm vi), các điều khoản tham chiếu trong đơn yêu cầu thành lập ban hội thẩm của mình.
Điều 28.9. Thành phần ban hội thẩm
1. Một ban hội thẩm gồm 3 thành viên.
2. Trừ khi có thoả thuận khác, các Bên tranh chấp phải áp dụng các thủ tục sau đây trong việc lựa chọn một ban hội thẩm:
(a) Trong thời hạn 20 ngày sau ngày gửi yêu cầu thành lập ban hội thẩm theo Điều 28.7.1 (Thành lập ban hội thẩm), (các) Bên nguyên đơn và Bên bị đơn phải chỉ định một hội thẩm viên và thông báo cho nhau về những hội thẩm viên được chỉ định.
(b) Nếu (các) Bên nguyên đơn không chỉ định hội thẩm viên trong thời hạn quy định tại điểm (a), các thủ tục giải quyết tranh chấp sẽ mất hiệu lực vào ngày kết thúc thời hạn đó.
(c) Nếu Bên bị đơn không chỉ định một hội thẩm viên trong thời hạn quy định tại điểm (a), (các) Bên nguyên đơn phải chọn hội thẩm viên:
từ danh sách mà Bên bị đơn lập theo Điều 28.11.9 (Danh sách ứng viên chủ tịch ban hội thẩm);
(ii) trong trường hợp Bên bị đơn không lập danh sách theo Điều 28.11.19 (Danh sách ứng viên chủ tịch ban hội thẩm), từ danh sách ứng viên theo Điều 28.11 (Danh sách ứng viên chủ tịch ban hội thẩm); hoặc
(iii) trong trường hợp Bên bị đơn không lập danh sách theo Điều 28.11.9 và không có danh sách ứng viên đã được thành lập theo 28.11 (Danh sách ứng viên chủ tịch ban hội thẩm), bằng cách lựa chọn ngẫu nhiên từ danh sách 3 ứng cử viên do (các) Bên nguyên đơn đề cử.
trong thời hạn 35 ngày sau ngày gửi yêu cầu thành lập ban hội thẩm theo Điều 28.7.1 (Thành lập ban hội thẩm).
(d) Đối với việc bổ nhiệm hội thẩm viên thứ ba với tư cách chủ tịch ban hội thẩm:
(i) các Bên tranh chấp phải nỗ lực để thống nhất về việc bổ nhiệm chủ tịch ban hội thẩm;
(ii) nếu các Bên tranh chấp không bổ nhiệm chủ tịch theo điểm (d) (i) khi hội thẩm viên thứ hai được bổ nhiệm hoặc trong thời hạn 35 ngày kể từ ngày gửi yêu cầu thành lập ban hội thẩm theo Điều 28.7. 1 (Thành lập ban hội thẩm), tùy thuộc thời hạn nào trễ hơn, hai hội thẩm viên được chỉ định có trách nhiệm chỉ định chủ tịch hội thẩm từ danh sách theo Điều 28.11 (Danh sách ứng viên chủ tịch ban hội thẩm) dựa trên thỏa thuận chung.
(iii) Trong vòng 43 ngày sau ngày gửi yêu cầu thành lập ban hội thẩm theo Điều 28.7.1 (Thành lập ban hội thẩm), nếu hai hội thẩm viên đó không thỏa thuận được việc chọn bổ chủ tịch ban hội thẩm theo điểm (d) (ii), thì hai hội thẩm viên phải thực hiện việc bổ nhiệm chủ tịch với sự thoả thuận của các Bên tranh chấp.
(iv) Trong vòng 55 ngày sau ngày gửi yêu cầu thành lập ban hội thẩm, nếu hai hội thẩm viên không bổ nhiệm chủ tịch của ban hội thẩm theo mục (d) (iii), các Bên tranh chấp có trách nhiệm lựa chọn chủ tịch ban hội thẩm ngẫu nhiên từ danh sách ứng viên theo Điều 28.11 (Danh sách ứng viên chủ tịch ban hội thẩm) trong vòng 60 ngày kể từ ngày gửi yêu cầu thành lập ban hội thẩm.
(v) Bất kể quy định tại điểm (d) (iv), trong vòng 55 ngày sau ngày gửi yêu cầu cho việc thành lập ban hội thẩm, nếu hai hội thẩm viên không bổ nhiệm chủ tịch của ban hội thẩm theo điểm (d) (iii), một trong các Bên tranh chấp có quyền yêu cầu Bên thứ ba độc lập chọn chủ tịch cho ban hội thẩm từ danh sách thành lập theo Điều 28.11 (Danh sách ứng viên chủ tịch ban hội thẩm), nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
(A) Bên yêu cầu chịu toàn bộ chi phí liên quan đến việc chỉ định;
(B) Các Bên tranh chấp phối hợp gửi yêu cầu Bên thứ ba độc lập bổ nhiệm chủ tịch của ban hội thẩm. Bất kỳ thông tin liên lạc sau này giữa một trong các Bên tranh chấp và Bên thứ ba độc lập phải được gửi đến Bên tranh chấp kia. Các Bên tranh chấp không được tác động đến quá trình bổ nhiệm do Bên thứ ba độc lập tiến hành;
(C) Trường hợp Bên thứ ba độc lập không thể hoặc không sẵn sàng để hoàn thành việc bổ nhiệm như yêu cầu trong vòng 60 ngày kể từ ngày gửi yêu cầu thành lập ban hội thẩm, chủ tịch ban hội thẩm phải được chọn ngẫu nhiên theo quy định tại khoản 9.2 (d) (iv) trong vòng 5 ngày.
(vi) Nếu danh sách ứng viên chưa được lập theo Điều 28.10.3 28.11 (Danh sách ứng viên chủ tịch ban hội thẩm), và các điểm 2 (d) (i) - (iv) từ (d)(ii) đến (v) không thể áp dụng, (các) Bên nguyên đơn và Bên bị đơn có thể đề cử ba ứng cử viên và hội thẩm viên thứ ba sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên từ những ứng cử viên đã được đề cử trong vòng 60 ngày kể từ ngày gửi yêu cầu đối với việc thành lập ban hội thẩm theo Điều 28.7.1 (Thành lập ban hội thẩm).
(vii) Bất kể quy định tại đoạn (9) (2) (d) (v), nếu một danh sách chưa được lập theo Điều 28.11 (Danh sách ứng viên chủ tịch ban hội thẩm), và các điểm từ (d)(i) đến (v) không thể áp dụng, một trong các Bên tranh chấp có thể, dựa trên đề cử của các ứng cử viên theo điểm (d)(vi), yêu cầu Bên thứ ba độc lập lựa chọn chủ tịch ban hội thẩm từ các ứng viên, nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
(A) Bên yêu cầu chịu toàn bộ chi phí liên quan đến việc chỉ định;
(B) Các Bên tranh chấp phối hợp gửi yêu cầu Bên thứ ba độc lập bổ nhiệm chủ tịch của ban hội thẩm. Bất kỳ thông tin liên lạc sau này giữa một trong các Bên tranh chấp nào và Bên thứ ba độc lập phải được gửi đến Bên tranh chấp kia. Các Bên tranh chấp không được tác động đến quá trình bổ nhiệm do bên thứ ba độc lập tiến hành;
(C) Trường hợp Bên thứ ba độc lập không thể hoặc không sẵn sàng để hoàn thành việc bổ nhiệm như yêu cầu trong vòng 60 ngày sau ngày gửi yêu cầu thành lập ban hội thẩm, chủ tịch ban hội thẩm phải được chọn ngẫu nhiên theo quy định tại khoản (v) trong vòng 5 ngày.
3. Trừ khi các Bên tranh chấp có thỏa thuận khác, công dân của một trong các Bên tranh chấp hoặc một Bên thứ ba không được làm chủ tịch của ban hội thẩm. Công dân của các Bên tranh chấp hoặc Bên thứ ba đã có trong danh sách nêu tại Điều 28.11 (Danh sách ứng viên chủ tịch ban hội thẩm) sẽ không được tham gia vào quy trình tuyển chọn quy định tại khoản 2(d)
4. Mỗi Bên tranh chấp phải nỗ lực lựa chọn hội thẩm viên là người có chuyên môn hoặc kinh nghiệm liên quan đến các vấn đề tranh chấp. .
5. Khi có tranh chấp phát sinh theo Chương 19 (Lao động), Chương 20 (Môi trường) hoặc Chương 26 (Việc minh bạch và chống tham nhũng), mỗi Bên tranh chấp phải lựa chọn các hội thẩm viên đáp ứng các yêu cầu sau ngoài các yêu cầu quy định tại Điều 28.10.1 (Tiêu chuẩn hội thẩm viên). :
a. trong trường hợp có tranh chấp phát sinh theo Chương 19 (Lao động), các hội thẩm viên phải có chuyên môn hoặc kinh nghiệm về luật pháp và thông lệ liên quan đến lao động, ngoại trừ chủ tịch ban hội thẩm.
b. trong trường hợp có tranh chấp phát sinh theo Chương 20 (Môi trường), các hội thẩm viên phải có chuyên môn hoặc kinh nghiệm về luật môi trượng và thông lệ liên quan đến môi trường, ngoại trừ chủ tịch ban hội thẩm.
c. trong trường hợp có tranh chấp phát sinh theo mục C Chương 26 (Việc minh bạch và chống tham nhũng), các hội thẩm viên phải có chuyên môn hoặc kinh nghiệm về luật pháp và thông lệ liên quan đến luật phòng chống tham nhũng, ngoại trừ chủ tịch ban hội thẩm.
6. Nếu một hội thẩm viên được lựa chọn theo khoản 2 không thể làm việc cho ban hội thẩm, trong thời hạn 7 ngày, sau khi có thông tin về việc thiếu hội thẩm viên, một trong các Bên tranh chấp hoặc toàn bộ các Bên tranh chấp phải chọn một hội thẩm viên mới theo phương pháp đã áp dụng khi lựa chọn hội thẩm viên ban đầu, trừ trường hợp các Bên tranh chấp có thỏa thuận khác.
7. Trong trường hợp quy trình lựa chọn hội thẩm viên mới theo khoản 6 không hoàn thành trong thời hạn trên, các Bên tranh chấp phải lựa chọn ngẫu nhiên một hội thẩm viên từ danh sách nêu tại 28.11 (Danh sách ứng viên chủ tịch ban hội thẩm) trong thời hạn 15 ngày sau khi có thông tin về việc thiếu hội thẩm viên.
8. Trong trường hợp chưa có danh sách nêu tại 28.11 (Danh sách ứng viên chủ tịch ban hội thẩm), các Bên tranh chấp phải lựa chọn một hội thẩm viên theo phương pháp nêu tại khoản 2(d)(vi) trong thời hạn 15 ngày sau khi có thông tin về việc thiếu hội thẩm viên.
9. Nếu một hội thẩm viên được chỉ định theo Điều này từ chức hoặc không thể làm việc cho ban hội thẩm, hoặc trong quá trình tố tụng hoặc vào thời gian mà ban hội thẩm được triệu tập lại theo Điều 28.20 (Không thực hiện - Bồi thường và Đình chỉ ưu đãi) hoặc Điều 28.21 (Đánh giá tính phù hợp), một hội thẩm viên thay thế được chỉ định trong vòng 15 ngày theo quy định theo quy định tại khoản 6, 7. Hội thẩm viên thay thế kế thừa tất cả các quyền hạn và nhiệm vụ của hội thẩm viên ban đầu. Công việc của ban hội thẩm phải được đình chỉ khi bổ nhiệm hội thẩm viên thay thế, và tất cả các khoảng thời gian liên quan trong chương này và các Quy tắc tố tụng được gia hạn thêm tương ứng với khoảng thời gian mà công việc đã bị đình chỉ.
10. Nếu một Bên tranh chấp tin rằng một hội thẩm viên vi phạm quy tắc ứng xử quy định tại Điều 28.10.1(d) (Tiêu chuẩn hội thẩm viên), các Bên tranh chấp có trách nhiệm tham khảo ý kiến, và nếu các bên đồng ý, hội thẩm viên đó sẽ được thay bằng một hội thẩm viên mới được lựa chọn theo quy định tại Điều này.
Điều 28.10. Tiêu chuẩn hội thẩm viên
1. Tất cả hội thẩm viên phải
(a) có chuyên môn hoặc kinh nghiệm về pháp luật, thương mại quốc tế, các vấn đề khác mà Hiệp định này, hoặc việc giải quyết các tranh chấp phát sinh theo hiệp định thương mại quốc tế;
(b) được lựa chọn chặt chẽ trên cơ sở khách quan, tin cậy, và đánh giá hợp lý;
(c) độc lập, và không được liên kết với nghe hướng dẫn từ, bất kỳ Bên nào; và
(d) tuân thủ các quy tắc ứng xử trong các Quy tắc tố tụng.
2. Một cá nhân không được làm hội thẩm viên cho vụ tranh chấp mà mình đã tham gia theo Điều 28.6 (Trung gian hòa giải).
1. Trong thời hạn 120 ngày kể từ ngày có hiệu lực của Hiệp định này, các Bên mà hiệp định đã có hiệu lực theo Điều 30.5 (Hiệu lực) phải lập danh sách ứng viên.
2. Nếu các Bên không thể lập danh sách ứng viên trong thời hạn quy định tại khoản 1, Ủy ban TPP phải ngay lập tức tổ chức cuộc họp để bổ nhiệm danh sách ứng viên. Ủy ban TPP phải ban hành một quyết định chung lập danh sách ứng viên trong vòng 180 ngày kể từ ngày có hiệu lực của Hiệp định này dựa trên các đề cử theo quy định tại khoản 4 và trình độ chuyên môn quy định tại Điều 28.10.
3. Danh sách ứng viên bao gồm 15 ứng viên, trừ trường hợp các Bên có thỏa thuận khác.
4. Mỗi Bên có thể đề cử tối đa hai ứng viên cho danh sách này, tối đa là một công dân của bất kỳ Bên nào.
5. Các Bên phải chỉ định ứng viên theo nguyên tắc đồng thuận. Danh sách ứng viên có thể bao gồm tối đa một công dân của mỗi Bên.
6. Sau được lập theo khoản 3 hoặc được lập lại sau khi các Bên xem xét, một danh sách sẽ tiếp tục có hiệu lực tối thiểu trong ba năm, và vẫn có hiệu lực sau đó cho đến khi các bên lập một danh sách ứng viên mới. Các thành viên của danh sách ứng viên có thể được tái bổ nhiệm.
7. Các bên có thể bổ nhiệm hội thẩm viên thay thế bất cứ lúc nào nếu một hội thẩm viên không thể hoặc không muốn tham gia nữa.
8. Theo Khoản 4 và 5, một Bên gia nhập có thể đề cử tối đa hai ứng viên. Một trong hai hoặc cả hai ứng viên này có thể được đưa vào danh sách theo sự đồng thuận của các Bên.
Danh sách chỉ định cụ thể
9. Bất cứ lúc nào, kể từ ngày có hiệu lực của Hiệp định này, mỗi Bên có thể lập danh sách những ứng viên mong muốn và có khả năng trở thành hội thẩm viên.
10. Danh sách nêu tại Khoản 9 có thể bao gồm các ứng viên là công dân hoặc không phải là công dân của Bên đó. Mỗi Bên có thể tự do đăng ký số lượng, bổ sung hoặc thay thế ứng viên trong danh sách ứng viên bất cứ lúc nào.
11. Một Bên đã lập một danh sách phù hợp với khoản 9 Điều này phải kịp thời công bố cho các Bên khác.
Điều 28.12: Chức năng của ban hội thẩm
1. Chức năng của ban hội thẩm là đánh giá khách quan vấn đề trước đó, bao gồm cả việc xem xét các tình tiết và việc áp dụng phù hợp với Hiệp định này, và nhằm mục đích đưa ra những kết quả, phán quyết và khuyến nghị theo quy định trong các điều khoản tham chiếu và cần thiết cho việc giải quyết tranh chấp.
2. Trừ khi các Bên tranh chấp có thoả thuận khác, ban hội thẩm phải thực hiện chức năng của mình và tiến hành các thủ tục tố tụng của mình một cách phù hợp với các quy định của Chương này và các Quy tắc tố tụng.
3. Ban hội thẩm xem xét Hiệp định này cho phù hợp với các quy định của diễn giải theo luật quốc tế theo Điều 31 và 32 của Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế (1969). Đối với các nghĩa vụ của Hiệp định WTO đã được đưa vào Hiệp định này, Ban hội thẩm sẽ xem xét những giải thích liên quan trong báo cáo của ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm WTO thông qua Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO. Những kết quả, phán quyết và kiến nghị của ban hội thẩm không được thêm hay bớt các quyền và nghĩa vụ của các bên theo Hiệp định này.
4. Ban hội thẩm sẽ đưa ra quyết định của mình bằng sự đồng thuận; trong trường hợp ban hội thẩm không thể đạt được sự đồng thuận thì có thể đưa ra quyết định của mình theo nguyên tắc đa số .
Điều 28.13: Quy tắc tố tụng của ban hội thẩm
1. Quy tắc tố tụng quy định tại Điều 27.2.1 (f) theo Hiệp định này phải đảm bảo:
(a) mỗi Bên tranh chấp có quyền trình bày quan điểm trực tiếp trong ít nhất một buổi điều trần trước ban hội thẩm;
(b) bất kỳ buổi điều trần trước hội thẩm sẽ được công khai cho công chúng theo điểm (f), trừ khi các Bên tranh chấp có thỏa thuận khác;
(c) mỗi Bên tranh chấp được quyền gửi bài biện hộ ban đầu và bác bỏ;
(d) mỗi Bên tranh chấp đều có những nỗ lực hết sức để công bố cho công chúng bất kỳ văn bản biện hộ nào theo khoản (f), văn bản của bài biện hộ bằng lời nói, và văn bản trả lời yêu cầu hoặc câu hỏi từ ban hội thẩm, càng sớm càng tốt sau khi được chúng được nộp và, nếu chưa được công bố thì tất cả văn bản sẽ được công bố vào thời điểm ban hành báo cáo cuối cùng;
(d) theo điểm (f), mỗi Bên tranh chấp phải:
(i) nỗ lực để công bố văn bản biện hộ và văn bản trả lời yêu cầu hoặc câu hỏi từ ban hội thẩm, nếu có, càng sớm càng tốt sau khi nộp; và
(ii) nếu chưa được công bố thì tất cả văn bản sẽ được công bố vào thời điểm ban hành báo cáo cuối cùng;
(e) ban hội thẩm phải xem xét yêu cầu từ các tổ chức phi chính phủ nằm trong lãnh thổ của bất kỳ Bên tranh chấp đưa ra quan điểm bằng văn bản liên quan đến việc tranh chấp có thể hỗ trợ ban hội thẩm trong việc xem xét các bài biện hộ và lập luận của các Bên tranh chấp;
(f) bảo vệ các thông tin bí mật;
(g) văn bản biện hộ và tranh luận được thực hiện bằng tiếng Anh, trừ khi các Bên tranh chấp có thỏa thuận khác; và
(h) trừ khi các Bên tranh chấp có thỏa thuận khác, các phiên điều trần sẽ được tổ chức tại thủ đô của Bên bị đơn.
Điều 28.14: Sự tham gia của Bên thứ ba
Một Bên không phải là Bên tranh chấp đã gửi thông báo đến các Bên tranh chấp vì xét thấy mình có liên quan đến vấn đề tranh chấp có quyền tham dự tất cả các buổi điều trần, gửi văn bản biện hộ, trình bày quan điểm trực tiếp trước ban hội thẩm và nhận các văn bản biện hộ của các Bên tranh chấp. Thông báo phải được gửi trong vòng 10 ngày kể từ ngày yêu cầu thành lập ban hội thẩm được lưu chuyển theo Điều 28.7.2 (Thành lập ban hội thẩm).
Điều 28.15: Vai trò của các chuyên gia
Ban hội thẩm có thể chủ động, hoặc theo yêu cầu của một trong các Bên tranh chấp, yêu cầu cung cấp thông tin và tư vấn kỹ thuật từ bất kỳ người nào hoặc cơ quan nào nếu thấy phù hợp, với điều kiện là các Bên tranh chấp đồng ý và tuân theo các điều khoản và điều kiện do các Bên tranh chấp thỏa thuận. Các Bên tranh chấp có quyền nhận xét về các thông tin hoặc tư vấn được cung cấp theo Điều này.
Điều 28.16: Đình chỉ hoặc huỷ bỏ tố tụng
1. Ban hội thẩm có thể đình chỉ công việc của mình tại bất kỳ thời gian theo yêu cầu của Bên nguyên đơn, hoặc có hai Bên nguyên đơn trở lên, theo yêu cầu chung của các Bên nguyên đơn trong thời hạn không quá 12 tháng liên tiếp. Ban hội thẩm phải tạm ngưng công việc của mình bất cứ lúc nào theo yêu cầu của các Bên tranh chấp. Nếu ban hội thẩm đình chỉ công việc, tất cả các khoảng thời gian trong chương này và các Quy tắc tố tụng được gia hạn thêm một khoảng thời gian tương ứng công việc đã bị đình chỉ. Nếu công việc của các ban hội thẩm bị đình chỉ hơn 12 tháng liên tục, thẩm quyền thành lập ban hội thẩm sẽ mất hiệu lực trừ khi các Bên tranh chấp có thỏa thuận khác.
2. Ban hội thẩm phải chấm dứt thủ tục tố tụng tranh chấp khi các Bên cùng đề nghị.
1. Báo cáo của ban hội thẩm phải được soạn thảo mà không có sự hiện diện của bất kỳ Bên nào.
2. Ban hội thẩm phải căn cứ báo cáo của mình về các quy định liên quan của Hiệp định này, các bài biện hộ và lập luận của các Bên tranh chấp và bất kỳ Bên thứ ba, và bất kỳ thông tin hoặc tham vấn trước đó theo Điều 28.15 (Vai trò của các chuyên gia).Theo yêu cầu chung của các Bên tranh chấp, ban hội thẩm có thể thực hiện các khuyến nghị cho việc giải quyết tranh chấp.
3. Ban hội thẩm phải gửi báo cáo ban đầu cho các Bên tranh chấp trong vòng 150 ngày sau ngày hội thẩm viên cuối cùng được bổ nhiệm.Trong trường hợp khẩn cấp, bao gồm cả những người liên quan đến hàng hóa dễ hư hỏng, ban hội thẩm sẽ nỗ lực gửi báo cáo ban đầu trong vòng 120 ngày sau ngày hội thẩm viên cuối cùng được bổ nhiệm.
4. Nội dung báo cáo ban đầu phải bao gồm:
(a) kết quả thực tế;
(b) xác định của ban hội thẩm về:
(i) các biện pháp cho vấn đề tranh chấp không phù hợp với các nghĩa vụ theo Hiệp định này;
(ii) một Bên không thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hiệp định này; hoặc
(iii) một biện pháp cho vấn đề tranh chấp làm triệt tiêu hoặc làm phương hại lợi ích theo Điều 28.3.1 (c) (Phạm vi);
(c) bất kỳ quyết định khác theo yêu cầu trong điều khoản tham chiếu;
(d) những khuyến nghị giải quyết tranh chấp do các Bên tranh chấp cùng yêu cầu; và
(e) giải thích kết quả và phán quyết.
5. Trong trường hợp đặc biệt, nếu ban hội thẩm xét thấy không thể phát hành báo cáo ban đầu trong thời hạn quy định tại khoản 3, Ban hội thẩm phải thông báo cho các Bên tranh chấp bằng văn bản về lý do của sự chậm trễ cùng với thời hạn báo cáo dự kiến. Nhưng không được quá 30 ngày, trừ khi các Bên tranh chấp thỏa thuận khác.
6. Hội thẩm viên có thể đưa ý kiến riêng đối với những vấn đề chưa thống nhất.
7. Một Bên tranh chấp có thể gửi văn bản nhận xét về báo cáo ban đầu của ban hội thẩm trong vòng 15 ngày sau ngày báo cáo được trình bày hoặc trong thời hạn khác do các Bên tranh chấp thỏa thuận.
8. Sau khi xem xét bất kỳ ý kiến bằng văn bản của các Bên tranh chấp đối với báo cáo ban đầu, ban hội thẩm có thể sửa đổi báo cáo này và thực hiện bất kỳ kiểm tra thêm nếu xét thấy thích hợp.
1. Ban hội thẩm sẽ trình bày một báo cáo cuối cùng để các Bên tranh chấp, trình bày thêm bất kỳ ý kiến riêng về vấn đề chưa thống nhất, trong vòng 30 ngày sau ngày trình bày của báo cáo ban đầu, trừ khi các Bên tranh chấp có thỏa thuận khác. Sau khi thực hiện các bước để bảo vệ bí mật thông tin, Các Bên tranh chấp có trách nhiệm công bố báo cáo cuối cùng cho công chúng trong vòng 15 ngày sau đó.
2. Ban hội thẩm không được phép tiết lộ việc hội thẩm viên nào đồng ý theo ý kiến đa số hay ý kiến thiểu số trong báo cáo ban đầu hoặc báo cáo cuối cùng của mình.
Điều 28.19: Thực hiện báo cáo cuối cùng
1. Các Bên thừa nhận tầm quan trọng của việc tuân thủ nhanh chóng với các phán quyết của ban hội thẩm theo Điều 28.18 (Báo cáo cuối cùng) để đạt mục tiêu của thủ tục giải quyết tranh chấp của chương này nhằm đảm bảo một giải pháp tích cực cho các tranh chấp.
2. Nếu báo cáo cuối cùng của ban hội thẩm xác định rằng:
(i) một biện pháp cho vấn đề tranh chấp không phù hợp với các nghĩa vụ của một Bên trong Hiệp định này;
(ii) một Bên không thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hiệp định này; hoặc
(iii) một biện pháp cho vấn đề tranh chấp làm triệt tiêu hoặc gây phương hại lợi ích theo Điều 28.3.1 (c) (Phạm vi);
Bên bị đơn phải loại bỏ sự không phù hợp/không tuân thủ, sự triệt tiêu hoặc làm phương hại lợi ích bất cứ khi nào có thể.
3. Trừ trường hợp các Bên tranh chấp có thỏa thuận khác, Bên bị đơn sẽ có một thời gian hợp lý nhằm loại bỏ yếu tố không phù hợp, làm triệt tiêu hoặc làm phương hại lợi ích trong trường hợp không thể thực hiện ngay lập tức.
4. Các Bên tranh chấp sẽ nỗ lực để thoả thuận về thời hạn hợp lý. Trường hợp các Bên tranh chấp không thoả thuận được về thời gian hợp lý trong thời hạn 45 ngày sau khi trình bày báo cáo của ban hội thẩm theo Điều 28.18.1 (Báo cáo cuối cùng), mỗi Bên tranh chấp có thể, trong vòng 60 ngày sau khi trình bày báo cáo của ban hội thẩm theo Điều 28.18.1 (Báo cáo cuối cùng), đưa vấn đề này cho chủ tịch ban hội thẩm xác định thời gian hợp lý thông qua thủ tục trọng tài.
5. Chủ tịch ban hội thẩm sẽ xem xét với nguyên tắc khoảng thời gian hợp lý không được vượt quá 15 tháng kể từ khi trình bày báo cáo cuối cùng theo Điều 28.18.1 (Báo cáo cuối cùng). Tuy nhiên, thời gian đó có thể ngắn hay dài hơn, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
6. Chủ tịch ban hội thẩm phải xác định thời gian hợp lý trong vòng 90 ngày sau ngày nhận được yêu cầu theo điểm 4.
7. Các Bên tranh chấp có thể đồng ý để thay đổi các thủ tục quy định tại các khoản từ 4 đến 6 của Điều này để xác định thời gian hợp lý.
Điều 28.20: Không thực hiện - Bồi thường và Đình chỉ ưu đãi
1. Nếu có yêu cầu của (các) Bên nguyên đơn, Bên bị đơn phải tiến hành đàm phán với Bên nguyên đơn và các Bên khác trong vòng 15 ngày sau ngày nhận được yêu cầu, nhằm cùng nhau đạt được thỏa thuận bồi thường, trong những trường hợp sau:
(a) Bên bị đơn đã thông báo cho (các) Bên nguyên đơn rằng nó không có ý định loại bỏ sự không phù hợp/không tuân thủ, sự triệt tiêu hoặc làm phương hại lợi ích; hoặc là
(b) sau khi hết hạn của thời hạn hợp lý theo Điều 28.19 (Thực hiện Báo cáo cuối cùng), có bất đồng giữa các Bên tranh chấp đưa ra cho dù Bên bị đơn đã loại bỏ sự không phù hợp/không tuân thủ, sự triệt tiêu hoặc làm phương hại lợi ích.
2. Bên nguyên đơn có thể đình chỉ ưu đãi phù hợp với khoản 3 nếu Bên nguyên đơn và Bên bị đơn:
(a) không thể đạt thỏa thuận bồi thường trong vòng 30 ngày kể từ khi thời hạn bồi thường bắt đầu; hoặc
(b) đã đạt được thỏa thuận bồi thường nhưng Bên nguyên đơn liên quan cho rằng Bên bị đơn không thực hiện thỏa thuận đó.
3. Tại bất kỳ thời gian nào sau khi Bên nguyên đơn đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2, Bên nguyên đơn có quyền thông báo bằng văn bản cho Bên bị đơn mà nó dự định đình chỉ ưu đãi tương ứng. Thông báo phải quy định cụ thể mức độ lợi ích mà Bên nguyên đơn đề xuất tạm hoãn.2 Bên nguyên đơn có thể bắt đầu đình chỉ ưu đãi sau 30 ngày kể từ ngày thông báo theo khoản này hoặc ban hội thẩm ban hành phán quyết theo khoản 5, tùy theo từng trường hợp.
4. Khi xem xét những ưu đãi nào bị đình chỉ theo quy định tại khoản 2, Bên nguyên đơn phải áp dụng các nguyên tắc và thủ tục sau:
(a) trước tiên tìm cách đình chỉ ưu đãi trong cùng một vấn đề đã được ban hội thẩm xác định là tồn tại sự không tuân thủ/không tuân thủ, sự triệt tiêu hoặc làm phương hại lợi ích;
(b) nếu Bên đó xét thấy việc đình chỉ ưu đãi là không thực tế hoặc không hiệu quả đối với cùng một vấn đề và những tình huống đủ nghiêm trọng, thì Bên đó có thể đình chỉ ưu đãi đối với một vấn đề khác. Trong văn bản thông báo nêu tại khoản 3, Bên nguyên đơn phải chỉ ra những nguyên nhân cho quyết định đình chỉ ưu đãi trên một khía cạnh khác; và
(c) khi áp dụng các nguyên tắc quy định tại điểm (a) và (b), Bên nguyên đơn phải xét đến:
(i) thương mại hàng hóa, dịch vụ hoặc đối tượng khác mà ban hội thẩm phát hiện lợi sự không phù hợp/không tuân thủ, sự triệt tiêu hoặc làm phương hại lợi ích, và tầm quan trọng của thương mại đối với Bên đó;
(ii) hàng hoá và tất cả các dịch vụ tài chính bảo hiểm theo Chương 11 (Dịch vụ tài chính), các dịch vụ khác ngoài dịch vụ tài chính và mỗi mục trong Chương 18 (Sở hữu trí tuệ), là mỗi đối tượng khác nhau; và
(iii) các nhân tố kinh tế lớn hơn liên quan đến việc triệt tiêu hoặc gây phương hại lợi ích và những hậu quả kinh tế lớn hơn của việc tạm hoãn các quyền lợi.
5. Nếu Bên bị đơn cho rằng:
(a) mức độ lợi ích được đề nghị tạm hoãn rõ ràng là quá mức hay Bên nguyên đơn không tuân thủ các nguyên tắc và thủ tục quy định tại khoản 4; hoặc là
(b) nó đã loại bỏ sự không phù hợp/không tuân thủ, sự triệt tiêu hoặc làm phương hại lợi ích do ban hội thẩm xác định;
thì 30 ngày sau khi Bên nguyên đơn thông báo theo khoản 3, Bên bị đơn có thể yêu cầu ban hội thẩm được triệu tập lại để xem xét vấn đề này. Bên bị đơn phải gửi yêu cầu bằng văn bản cho Bên nguyên đơn. Ban hội thẩm phải triệu tập lại càng sớm càng tốt sau khi nhận được yêu cầu và đưa ra phán quyết của mình cho với các Bên tranh chấp trong vòng 90 ngày sau khi nhóm họp lại để xem xét một yêu cầu theo điểm (a) hoặc (b), hoặc trong vòng 120 ngày sau khi nhóm họp lại để xem xét một yêu cầu theo cả hai điểm (a) và (b). Nếu ban hội thẩm xác định rằng mức ưu đãi mà Bên nguyên đơn đề nghị đình chỉ rõ ràng là vượt mức, ban hội thẩm sẽ xác định mức ưu đãi tương ứng với vi phạm.
6. Trừ khi ban hội thẩm xác định rằng Bên bị đơn đã loại bỏ sự vi phạm, triệt tiêu hoặc làm phương hại lợi ích, Bên nguyên đơn có thể đình chỉ ưu đãi đến mức mà ban hội thẩm đã được xác định theo khoản 5 hoặc, nếu ban hội thẩm chưa xác định được , thì dựa vào mức Bên nguyên đơn đã đề nghị theo khoản 3. Nếu ban hội thẩm xác định rằng Bên nguyên đơn không tuân thủ các nguyên tắc và thủ tục quy định tại khoản 4, ban hội thẩm xác định mức mà Bên nguyên đơn có thể đình chỉ ưu đãi để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc và thủ tục quy định tại khoản 4. Bên nguyên đơn chỉ có thể đình chỉ ưu đãi theo cách thức phù hợp với các quyết định của hội thẩm viên.
7. Bên nguyên đơn không được đình chỉ ưu đãi nếu ban hội thẩm không được triệu tập lại trong vòng 30 ngày sau khi nó thông báo về ý định đình chỉ ưu đãi, hoặc trong vòng 20 ngày sau khi ban hội thẩm đưa ra phán quyết, Bên bị đơn thông báo cho Bên nguyên đơn rằng nó sẽ phải trả một khoản tiền ấn định.
Chậm nhất là 10 ngày sau khi Bên bị đơn gửi thông báo về ý định trả khoản tiền ấn định, các Bên tranh chấp có trách nhiệm tham vấn với mục tiêu đạt được thỏa thuận về khoản tiền ấn định. Nếu các Bên tranh chấp không thể đạt được thỏa thuận trong vòng 30 ngày sau khi tham vấn bắt đầu và không được tham gia vào các cuộc tham vấn liên quan đến việc sử dụng quỹ theo khoản 8, khoản tiền ấn định được thiết lập ở mức bằng 50 phần trăm của mức ưu đãi mà ban hội thẩm đã xác định theo đoạn 5 bằng đô la Mỹ tương đương với vi phạm, hoặc bằng 50 phần trăm mức mà Bên nguyên đơn đã đề nghị tạm dừng theo khoản 3 nếu ban hội thẩm chưa xác định mức ưu đãi.
8. Bên nguyên đơn sẽ được trả khoản tiền ấn định bằng tiền Đô la Mỹ, hoặc một khoản tiền tương đương bằng đơn vị tiền tệ của Bên bị đơn hoặc bằng đồng tiền khác theo thỏa thuận của các Bên tranh chấp, được trả hàng quý bắt đầu từ 60 ngày sau khi Bên bị đơn ra thông báo rằng nó có ý định trả một khoản tiền ấn định. Trong trường hợp các trường hợp đảm bảo, các Bên tranh chấp có thể quyết định rằng khoản tiền ấn định được Bên bị đơn nộp vào một quỹ do các Bên tranh chấp chỉ định để thúc đẩy thương mại giữa các bên, bao gồm cả việc tiếp tục giảm các rào cản thương mại bất hợp lý hoặc hỗ trợ Bên bị đơn thực hiện các nghĩa vụ của mình theo Hiệp định này.
9. Đồng thời với việc thanh toán trả góp hàng quý đầu tiên của mình, Bên bị đơn phải gửi cho Bên nguyên đơn kế hoạch các bước nó có ý định thực hiện để loại bỏ sự không phù hợp hoặc triệt tiêu hoặc làm phương hại lợi ích.
10. Bên bị đơn thanh toán khoản tiền ấn định thay cho việc Bên nguyên đơn đình chỉ ưu đãi trong vòng tối đa là 12 tháng kể từ ngày mà Bên bị đơn nhận được thông báo bằng văn bản theo khoản 7 trừ khi Bên nguyên đơn đồng ý gia hạn.
11. Bên bị đơn, nếu cần gia hạn thanh toán, phải nộp đơn xin gia hạn chậm nhất là 30 ngày trước khi hết thời hạn 12 tháng. Các Bên tranh chấp có trách nhiệm xác định độ dài và các điều khoản của gia hạn, bao gồm khoản tiền ấn định.
12. Bên nguyên đơn có thể đình chỉ ưu đãi đối với Bên bị đơn phù hợp với khoản 3,4,6 nếu:
(a) Bên bị đơn không thanh toán theo khoản 8 hoặc không thực hiện việc thanh toán theo khoản 13 sau khi đã lựa chọn;
(b) Bên bị đơn không gửi kế hoạch theo yêu cầu nêu tại khoản 9; hoặc là
(c) đã hết thời hạn nộp khoản tiền ấn định, bao gồm cả thời gian gia hạn, mà Bên bị đơn chưa loại bỏ sự không phù hợp/không tuân thủ, sự triệt tiêu hoặc làm phương hại lợi ích.
13. Nếu Bên bị đơn đã gửi thông báo cho Bên nguyên đơn theo khoản 7 để thảo luận việc sử dụng quỹ và các Bên tranh chấp không đạt được thoả thuận về việc sử dụng các quỹ trong vòng 3 tháng kể từ ngày có thông báo của Bên bị đơn, và khoảng thời gian này đã không được gia hạn theo thỏa thuận của các bên tranh chấp, của Bên bị đơn có thể chọn cách thanh toán khoản tiền ấn định bằng 50 phần trăm của số tiền được xác định theo khoản 5 hoặc một số tiền do Bên nguyên đơn đề xuất theo khoản 3 nếu chưa có một mức xác định theo khoản 5. Trong trường hợp này thì phải thanh toán trong vòng chín tháng kể từ ngày Bên bị đơn thông báo theo khoản 7 bằng Đô la Mỹ, hoặc trong một khoản tiền tương đương bằng đơn vị tiền tệ của Bên bị đơn hoặc bằng đồng tiền khác đồng ý của các Bên tranh chấp. Nếu có quyết định khác, Bên nguyên đơn có quyền đình chỉ ưu đãi theo số tiền đã xác định theo khoản 5, hoặc một số tiền do Bên nguyên đơn đề xuất theo khoản 3 nếu chưa có một mức xác định theo khoản 5, vào cuối giai đoạn lựa chọn.
14. Bên nguyên đơn cần xem xét thông cảm với các thông báo của Bên bị đơn đến việc khả năng sử dụng các quỹ nêu tại khoản 8 và 13.
15. Bồi thường, đình chỉ ưu đãi và thanh toán khoản tiền ấn định là những biện pháp tạm thời. Không biện pháp nào được ưu tiên thực hiện đầy đủ thông qua việc loại bỏ các yếu tố không phù hợp/không tuân thủ, làm triệt tiêu hoặc làm phương hại lợi ích. Bồi thường, đình chỉ ưu đãi và thanh toán khoản tiền ấn định chỉ được áp dụng cho đến khi Bên bị đơn đã loại bỏ yếu tố không phù hợp/không tuân thủ, làm triệt tiêu hoặc làm phương hại lợi ích, hoặc đạt được một giải pháp thoả đáng.
Điều 28.21: Đánh giá tính tuân thủ
1. Không ảnh hưởng đến quy định tại Điều 28.20 (Không thực hiện - Bồi thường và Đình chỉ ưu đãi), nếu Bên bị đơn cho rằng nó đã loại bỏ sự không phù hợp/không tuân thủ, sự triệt tiêu hoặc làm phương hại lợi ích như ban hội thẩm đã xác định, nó có thể đưa vấn đề lên ban hội thẩm bằng cách thông báo bằng văn bản cho (các) Bên nguyên đơn. Ban hội thẩm sẽ đưa ra báo cáo về vấn đề này trong vòng 90 ngày sau khi Bên bị đơn gửi thông báo.
2. Nếu ban hội thẩm xác định rằng Bên bị đơn đã loại bỏ sự không phù hợp/không tuân thủ, sự triệt tiêu hoặc làm phương hại lợi ích, (các) Bên nguyên đơn phải kịp thời khôi phục lại bất kỳ lợi ích bị tạm hoãn theo Điều 28.20. (Không thực hiện - Bồi thường và Đình chỉ ưu đãi).
Mục B: Thủ tục tố tụng trong nước và Giải quyết tranh chấp thương mại tư nhân
Không Bên nào được phép thực thi pháp luật của mình chống lại một Bên khác với lý do là Bên đó thực hiện không phù hợp các nghĩa vụ của mình theo Hiệp định này, hoặc rằng Bên đó không thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hiệp định này.
Điều 28.23: Biện pháp giải quyết tranh chấp thay thế
1. Mỗi Bên phải cố gắng hết sức khuyến khích và tạo thuận lợi để thực hiện thủ tục trọng tài và các phương tiện giải quyết tranh chấp thay thế cho việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế giữa các bên tư nhân trong lĩnh vực thương mại tự do.
2. Để đạt được điều đó, mỗi Bên quy định các thủ tục thích hợp để bảo đảm tuân thủ các hiệp định để phân xử và công nhận và cho thi hành quyết định trọng tài trong vụ việc tranh chấp đó.
3. Một Bên sẽ được coi là tuân thủ khoản 2 nếu Bên đó tuân thủ Công ước năm 1958 của Liên Hợp Quốc về Công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài.
1 Đối với biện pháp dự kiến, các bên phải nỗ lực thực hiện yêu cầu theo quy định này trong vòng 60 ngày kể từ khi công bố biện pháp dự kiến, mà không ảnh hưởng đến quyền đưa ra yêu cầu như vậy.
2 Nhằm giải thích rõ hơn, cụm từ "mức ưu đãi đề nghị đình chỉ" đề cập đến mức ưu đãi theo Hiệp định này do một Bên nguyên đơn đình chỉ tương ứng với hậu quả của vi phạm không phù hợp/không tuân thủ, triệt tiêu hoặc làm phương hại lợi ích theo Điều 28.3 (c) (Phạm vi), được ban hội thẩm xác định trong báo cáo cuối cùng theo Điều 28.17.1 (Báo cáo cuối cùng).