Hiệp định TPP 14/11/2015 14:57 PM

Bản tiếng Việt Hiệp định TPP - Chương 4: Dệt may

14/11/2015 14:57 PM

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT DỊCH:

Chương 4: Dệt may

>> Xem bản Tiếng Anh
>> Tải File Word Hiệp định TPP (tiếng Anh và tiếng Việt) tại đây

 

CHƯƠNG 4

HÀNG DỆT MAY

Điều 4.1: Giải thích từ ngữ

Trong phạm vi Chương này:

mặt hàng dệt may là một mặt hàng được liệt kê trong Phụ lục A (Sản phẩm dệt may - Quy tắc xuất xứ cụ thể).

vi phạm pháp luật về hải quan  một hành vi được thực hiện với mục đích né tránh pháp luật hoặc các quy định của một Bên liên quan đến các điều khoản của Hiệp định về việc xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng dệt may giữa các Bên, đặc biệt là những hành vi vi phạm pháp luật về hải quan hoặc quy định về hạn chế hoặc cấm nhập khẩu hoặc xuất khẩu, trốn thuế, gian lận chứng từ liên quan đến việc nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng hóa, gian lận hoặc buôn lậu; và

giai đoạn chuyển tiếp là giai đoạn bắt đầu vào ngày Hiệp định này có hiệu lực giữa các Bên liên quan cho đến 05 năm sau ngày Bên nhập khẩu xóa bỏ thuế quan trên một mặt hàng cho Bên xuất khẩu theo Hiệp định này.

Điều 4.2: Quy tắc xuất xứ và vấn đề liên quan

Áp dụng Chương 3

1. Trừ trường Chương này có quy định khác, bao gồm các Phụ lục kèm theo, Chương 3 (Quy tắc xuất xứ và thủ tục xuất xứ) áp dụng đối với hàng dệt may.

Hàm lượng không đáng kể

2. Nếu một mặt hàng dệt may được phân loại bên ngoài các Chương từ 61 đến 63 của hệ thống hài hòa  và có chứa nguyên liệu không xuất xứ không đáp ứng các thay đổi về phân loại thuế quan nêu tại Phụ lục A (Sản phẩm dệt may – Quy tắc xuất xứ cụ thể) thì mặt hàng dệt may đó vẫn được coi là có xuất xứ nếu tổng khối lượng của tất cả các nguyên liệu đó không vượt quá 10% của tổng khối lượng hàng hóa và hàng hóa đáp ứng tất cả các yêu cầu của Chương này vày Chương 3 (Quy tắc xuất xứ và thủ tục về xuất xứ).

3. Nếu một mặt hàng dệt may thuộc các Chương từ 61 đến 63 của Hệ thống hài hòa có chứa các loại sợi không xuất xứ trong loại sợi được sử dụng để sản xuất các thành phần của hàng hóa làm cơ sở cho việc phân loại thuế quan của hàng hóa không không đáp ứng thay đổi về phân loại thuế quan tại Phụ lục 4-A (Sản phẩm dệt may – Quy tắc xuất xứ cụ thể) thì mặt hàng dệt may đó vẫn được xem là có xuất xứ nếu tổng khối lượng của tất cả các loại sợi nêu trên không vượt quá 10% của tổng khối lượng thành phần và hàng hóa đáp ứng tất cả các yêu cầu khác của Chương này vày Chương 3 (Quy tắc xuất xứ và thủ tục về xuất xứ).

4. Bất kể quy định tại khoản 2 và 3, nếu một mặt hàng nêu tại khoản 2 có chứa sợi đàn hồi hoặc một mặt hàng nêu tại khoản 3 có chứa sợi đàn hồi trong thành phần làm cơ sở cho việc định phân loại thuế quan của mặt hàng đó thì mặt hàng đó được coi là có xuất xứ nếu loại sợi đó được sản xuất hoàn toàn trong lãnh thổ của một hoặc một số Bên.1 2

Quy định về bộ sản phẩm

5. Bất kể quy tắc xuất xứ cụ thể theo sản phẩm của hàng dệt may tại Phụ lục 4-A (Sản phẩm dệt may – Quy tắc xuất xứ cụ thể), hàng dệt may dùng cho bán lẻ theo bộ được phân theo loại Quy tắc 3 của Các quy tắc chung về giải thích Hệ thống hài hòa sẽ không được xem là có xuất xứ, trừ trường hợp mỗi mặt hàng trong bộ sản phẩm đều là hàng hóa có xuất xứ hoặc tổng giá trị của hàng hóa không có xuất xứ trong bộ sản phẩm không vượt quá 10% giá trị của bộ sản phẩm.

6. Trong phạm vi của khoản 5:

a) giá trị của hàng hóa không có xuất xứ trong một bộ sản phẩm được tính tương tự như giá trị của nguyên liệu không có xuất xứ trong Chương 3 (Quy tắc xuất xứ và thủ tục xuất xứ) và

b) giá trị của bộ sản phẩm được tính tương tự như giá trị hàng hóa trong chương 3 (Quy tắc xuất xứ và thủ tục xuất xứ).

Quy định về Danh sách nguồn cung thiếu hụt

7. Mỗi Bên quy định rằng, khi xác định một mặt hàng dệt may có xuất xứ hay không theo Điều 3.2(c) (Hàng hóa có xuất xứ), một loại nguyên liệu được liệt kê trong Danh sách nguồn cung thiếu hụt đính kèm Phụ lục 4-A (Sản phẩm dệt may – Quy tắc xuất xứ cụ thể) được xem là có xuất xứ nếu nguyên liệu thỏa mãn các yêu cầu, kể cả các yêu cầu về người dùng cuối, quy định trong Danh sách nguồn cung thiếu hụt đính kèm Phụ lục 4-A (Sản phẩm dệt may – Quy tắc xuất xứ cụ thể).

8. Khi một mặt hàng dệt may được tuyên bố là có xuất xứ dựa trên việc sử dụng một nguyên liệu quy định tại Danh sách nguồn cung thiếu hụt đính kèm Phụ lục 4-A (Sản phẩm dệt may – Quy tắc xuất xứ cụ thể), Bên nhập khẩu có quyền yêu cầu cung cấp mã số hoặc mô tả về nguyên liệu trong hồ sơ nhập khẩu (như giấy chứng nhận xuất xứ) theo quy định tại Danh sách nguồn cung thiếu hụt đính kèm Phụ lục A (Sản phẩm dệt may – Quy tắc xuất xứ cụ thể).

9. Các nguyên liệu không có xuất xứ được đánh dấu là “tạm thời” trong Danh sách nguồn cung thiếu hụt đính kèm Phụ lục A (Sản phẩm dệt may – Quy tắc xuất xứ cụ thể) có thể được xem là có xuất xứ theo khoản 7 trong vòng 5 năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực.

Quy định về một số mặt hàng thủ công hoặc truyền thống

10. Một Bên nhập khẩu có quyền xác định hàng dệt may của một Bên xuất khẩu là đủ điều kiện miễn thuế hoặc hưởng ưu đãi thuế quan theo thỏa thuận song phương của hai Bên trong các trường hợp sau:

(a) các loại vải dệt tay thuộc một ngành tiểu thủ công nghiệp;

(b) Các loại vải in bằng tay có hoa văn được tạo ra bằng kỹ thuật wax-resistance;

(c) các loại hàng hóa tiểu thủ công nghiệp làm từ các loại vải dệt tay hoặc in bằng tay; hoặc

(d) các mặt hàng thủ công truyền thống với điều kiện mọi yêu cầu do Bên nhập khẩu và Bên xuất khẩu thỏa thuận về các mặt hàng này đều được thỏa mãn.

Điều 4.3: Hành động khẩn cấp

1. Theo quy định tại Điều này, nếu kết quả của việc giảm hoặc xóa bỏ thuế quan theo Hiệp định này làm tăng số lượng nhập khẩu một mặt hàng dệt may hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này vào lãnh thổ của một Bên, với các thị trường trong nước của mặt hàng đó, gây thiệt hại nghiêm trọng hay có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với một ngành công nghiệp trong nước đang sản xuất mặt hàng tương tự hoặc mặt hàng cạnh tranh trực tiếp, Bên nhập khẩu có quyền, trong phạm vi và thời gian cần thiết để ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại và tạo điều kiện sửa đổi, thực hiện hành động khẩn cấp theo quy định tại khoản 6, bao gồm tăng thuế suất đối với mặt hàng của (các) Bên xuất khẩu đến một mức không vượt quá giá trị nào trong hai giá trị sau:

(a) thuế suất tối huệ quốc có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành động; và

(b) thuế suất tối huệ quốc có hiệu lực vào ngày liền trước ngày Hiệp định này có hiệu lực đối với Bên nhập khẩu.

2. Điều này không giới hạn quyền và nghĩa vụ của một Bên theo Điều XIX của GATT 1994 và Hiệp định WTO về biện pháp tự vệ, hoặc Chương 6 (Biện pháp khắc phục thương mại).

3. Khi xác định thiệt hại nghiêm trọng hoặc nguy cơ gây thiệt hại nghiệm trọng, Bên nhập khẩu:

(a) phải xem xét ảnh hưởng của việc tăng số lượng nhập khẩu từ (các) Bên xuất khẩu mặt hàng dệt may đang hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan theo Hiệp định đối với một ngành cụ thể, được phản ánh qua các thay đổi trong các biến kinh tế liên quan như sản lượng, năng suất, tận dụng công suất, hàng tồn kho, thị phần, xuất khẩu, tiền lương, việc làm, giá cả trong nước, lợi nhuận và đầu tư, trong đó không có yếu tố nào, dù đứng một mình hay đi kèm với các yếu tố khác, nhất thiết phải có tính quyết định;

(b) không được xem các thay đổi về công nghệ hoặc xu hướng tiêu dùng trong Bên nhập khẩu như những yếu tố hỗ trợ cho việc xác định thiệt hại nghiêm trọng hoặc nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng.

4. Bên nhập khẩu chỉ được thực hiện hành động khẩn cấp theo Điều này sau khi công bố thủ tục trong đó nêu rõ các tiêu chí xác định thiệt hại nghiêm trọng hoặc nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọngviệc điều tra do cơ quan có thâm quyền của mình tiến hành. Một cuộc điều tra phải sử dụng dữ liệu dựa trên các yếu tố miêu tả trong khoản 3(a) chứng minh thiệt hại nghiêm trọng hoặc nguy cơ gây thiệt hại do tăng số lượng nhập khẩu của sản phẩm liên quan từ việc thực hiện Hiệp định này.

5. Bên nhập khẩu phải nộp ngay cho (các) Bên xuất khẩu thông báo bằng văn bản về việc tiến hành điều tra quy định tại khoản 4, cũng như về ý định của mình về thực hiện hành động khẩn cấp và tham vấn với (các) Bên xuất khẩu về vấn đề này theo yêu cầu. Bên nhập khẩu phải cung cấp cho (các) Bên xuất khẩu chi tiết hành động khẩn cấp dự định thực hiện. Các Bên liên quan sẽ bắt đầu tham vấn ngay và, trừ trường hợp có quyết định khác, phải hoàn thành các cuộc tham vấn trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Sau khi các cuộc tham vấn hoàn thành, Bên nhập khẩu phải thông báo cho (các) Bên xuất khẩu về các quyết định. Nếu Bên nhập khẩu quyết định  thực hiện một hành động khẩn cấp, thông báo phải bao gồm các chi tiết và thời điểm thực hiện hành động khẩn cấp đó.

6. Các điều kiện và giới hạn sau đây được áp dụng đối với các hành động khẩn cấp được thực hiện theo Điều này:

(a) hành động khẩn cấp không được kéo dài quá hai năm và có thể gia hạn thêm tối đa là hai năm;

(b) hành động khẩn cấp không được thực hiện ngoài giai đoạn chuyển tiếp hoặc duy trì vượt quá giai đoạn chuyển tiếp;

(c) Bên nhập khẩu không được thực hiện hành động khẩn cấp đối với một mặt hàng cụ thể của một hoặc nhiều Bên nhiều hơn một lần; và

(d) khi chấm dứt hành động khẩn cấp, Bên nhập khẩu phải cho mặt hàng bị áp dụng hành động khẩn cấp hưởng ưu đãi thuế quan mà mặt hàng đó lẽ ra được hưởng trong thời gian thực hiện hành động khẩn cấp.

7. Bên thực hiện một hành động khẩn cấp theo Điều này phải cung cấp cho (các) Bên xuất khẩu có hàng hoá bị áp dụng hành động khẩn cấp  một hình thức bồi thường tự do hóa thương mại do hai Bên thoả thuận dưới dạng thuế suất ưu đãi có các tác động thương mại tương đương với giá trị của các loại thuế bổ sung được cho là kết quả của hành động khẩn cấp. Thuế suất ưu đãi phải được giới hạn trong phạm vi hàng dệt may, trừ trường hợp các Bên có thỏa thuận khác.  Nếu các Bên liên quan không đạt được thoả thuận về bồi thường trong vòng 60 ngày hoặc một thời hạn dài hơn do các Bên liên quan thỏa thuận, (các) Bên có hàng hóa bị áp dụng hành động khẩn cấp có quyền thực hiện một biện pháp thuế quan có các tác động thương mại tương đương với tác động thương mại của hành động khẩn cấp được thực hiện theo Điều này.   Biện pháp thuế quan đó có thể được thực hiện đối với hàng hoá bất kỳ của Bên thực hiện hành động khẩn cấp. Bên thực hiện biện pháp thuế quan chỉ được áp dụng biện pháp thuế quan trong một khoảng thời gian tối thiểu cần thiết để đạt được các tác động thương mại cơ bản tương đương. Nghĩa vụ của đền bù thương mại của Bên nhập khẩu và quyền thực hiện biện pháp thuế quan của Bên xuất khẩu chấm dứt khi hành động khẩn cấp chấm dứt.

8. Không bên nào được thực hiện hoặc duy trì một hành động khẩn cấp theo Điều này đối với một mặt hàng dệt may là đối tượng hoặc trở thành đối tượng của một biện pháp tự vệ chuyển tiếp theo Chương 6 (Biện pháp khắc phục thương mại), hoặc một biện pháp tự vệ do một Bên thực hiện theo Điều XIX của GATT 1994, hoặc Hiệp định về các biện pháp tự vệ.

9. Các cuộc điều tra quy định tại Điều này được thực hiện theo thủ tục do mỗi Bên ban hành. Vào ngày Hiệp định này có hiệu lực hoặc trước khi tiến hành một cuộc điều tra, mỗi Bên phải thông báo cho các Bên khác về các thủ tục này.

10. Mỗi Bên phải cung cấp báo cáo về các hành động đối với các Bên khác vào năm thực hiện hoặc duy trì hành động khẩn cấp.

Điều 4.4: Hợp tác

1. Mỗi Bên, theo luật pháp và quy định của mình, phải phối hợp với các Bên khác trong việc thực thi hoặc hỗ trợ trong việc thực thi các biện pháp tương ứng liên quan đến vi phạm pháp luật về hải quan đối với thương mại hàng dệt may của giữa các bên, bao gồm đảm bảo tính chính xác của các yêu cầu hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này.

2. Mỗi Bên phải có biện pháp thích hợp, có thể bao gồm biện pháp lập pháp, hành chính, tư pháp, hoặc hành động khác phục vụ cho:

(a) việc thi hành pháp luật, quy định và thủ tục liên quan đến vi phạm pháp luật về hải quan, và

(b) hợp tác với Bên nhập khẩu trong việc thi hành quy định pháp luật và thủ tục của mình liên quan đến công tác phòng chống vi phạm pháp luật về hải quan.

3. Trong phạm vi khoản 2, "các biện pháp thích hợp" là các biện pháp do một Bên thực hiện theo pháp luật, quy định và thủ tục của mình, chẳng hạn như:

(a) cung cấp thẩm quyền pháp lý cho các công chức chính phủ để đáp ứng các nghĩa vụ theo Chương này;

(b) tạo điều kiện cho các công chức thực thi pháp luật của mình xác định và xử lý vi phạm pháp luật về hải quan;

(c) ban hành hoặc duy trì các biện pháp xử phạt hình sự, dân sự hoặc hành chính nhằm ngăn chặn các vi phạm pháp luật về hải quan;

(d) thực hiện các hành động thực thi thích hợp, theo yêu cầu của một Bên khác bao gồm các dữ kiện liên quan, khi nghi ngờ có vi phạm pháp luật về hải quan trong lãnh thổ của Bên được yêu cầu đối với hàng dệt may, kể cả trong các khu thương mại tự do của Bên được yêu cầu; và

(e) hợp tác với một Bên khác, theo yêu cầu, nhằm thiết lập các dữ kiện liên quan đến vi phạm pháp luật về hải quan trong lãnh thổ của Bên được yêu cầu của đối với hàng dệt may, kể cả trong các khu thương mại tự do của Bên được yêu cầu.

4. Một Bên có quyền yêu cầu thông tin từ một Bên nơi có dữ kiện liên quan cho thấy một hành vi vi phạm pháp luật về hải quan đã hoặc đang xảy ra, hoặc có thể xảy ra, ví dụ bằng chứng về một vụ việc trước đây.

5. Một yêu cầu bất kỳ theo khoản 4 phải được lập bằng văn bản, bằng các phương tiện điện tử hoặc phương pháp khác, và phải bao gồm một tuyên bố ngắn gọn về vấn đề cần giải quyết, yêu cầu hợp tác, các thông tin liên quan về vi phạm pháp luật về hải quan, và đầy đủ thông tin để Bên được yêu cầu phản hồi theo đúng luật pháp và quy định của mình.

6.  Nhằm tăng cường nỗ lực hợp tác theo Điều này giữa các Bên để ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về hải quan, Bên nhận được yêu cầu theo khoản 4, theo luật pháp, quy định và thủ tục của mình, kể cả những người liên quan đến bảo mật được nêu trong Điều 4.9.4 (Bảo mật), phải cung cấp cho Bên yêu cầu thông tin về sự tồn tại của một nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu, hoặc nhà sản xuất, hàng hóa của một nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu, hoặc nhà sản xuất, hoặc các vấn đề khác liên quan đến Chương này sau khi nhận được yêu cầu theo quy định tại khoản 5. Thông tin có thể bao gồm thư từ có sẵn, báo cáo, vận đơn, hóa đơn, hợp đồng đặt hàng, hoặc các thông tin khác liên quan đến việc thi hành pháp luật hoặc quy định liên quan đến yêu cầu.

7. Một Bên có thể cung cấp thông tin được yêu cầu trong Điều này bằng văn bản hoặc dưới dạng điện tử.

8.  Mỗi Bên phải chỉ định một đầu mối liên lạc phục vụ hợp tác theo Chương này theo quy định tại Điều 27.5 (Đầu mối liên lạc) và  kịp thời thông báo cho các bên còn lại nếu có thay đổi. 

Điều 4.5: Giám sát

1.  Mỗi Bên phải thiết lập hoặc duy trì các chương trình hay các hoạt động để xác định và xử lý vi phạm pháp luật về hải quan liên quan đến hàng dệt may, có thể bao gồm các hoạt động để đảm bảo tính chính xác của các yêu cầu hưởng ưu đãi thuế quan đối với hàng dệt và may mặc theo Hiệp định này.

2. Thông qua các chương trình hoặc hoạt động này, các Bên có thể thu thập hoặc chia sẻ thông tin liên quan đến hàng dệt may phục vụ quản lý rủi ro.

3.  Ngoài các khoản 1 và 2, một số Bên có thể có thêm thỏa thuận song phương.

Điều 4.6: Xác minh

1. Bên nhập khẩu có thể tiến hành xác minh đối với một mặt hàng dệt may theo Điều 3.27.1(a), 3.27.1(b), hoặc 3.27.1(e) (Xác minh) và các thủ tục liên quan của mình để xác minh một mặt hàng có thỏa điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan hay không, hoặc yêu cầu kiểm tra thực tế theo quy định tại Điều này3.

2. Bên nhập khẩu có quyền gửi yêu cầu kiểm tra thực tế cho một nhà xuất khẩu hay nhà sản xuất hàng dệt may theo Điều này nhằm xác minh:

(a) một mặt hàng dệt may có thỏa điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này hay không; hoặc

(b) có vi phạm pháp luật về hải quan đã hoặc đang xảy ra hay không.

3. Trong một cuộc kiểm tra thực tế theo Điều này, Bên nhập khẩu có quyền yêu cầu cung cấp:

(a) hồ sơ và cơ sở liên quan đến yêu cầu hưởng ưu đãi thuế quan; hoặc

(b) hồ sơ và cơ sở liên quan đến các vi phạm pháp luật về hải quan cần xác minh.

4. Trong trường hợp cần kiểm tra thực tế theo khoản 2, Bên nhập khẩu phải thông báo các thông tin sau cho Bên chủ nhà không muộn hơn 20 ngày trước ngày kiểm tra:

(a) ngày kiểm tra dự kiến;

(b) số lượng các nhà xuất khẩu và nhà sản xuất bị kiểm tra thực tế một cách chi tiết nhằm tạo điều kiện cho việc hỗ trợ, nhưng không cần nêu rõ tên của các nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất bị kiểm tra thực tế;

(c) Bên chủ nhà có cần phải hỗ trợ hay không và hình thức hỗ trợ (nếu có);

(d) các hành vi vi phạm pháp luật về hải quan được xác minh theo khoản 2(b), nếu thích hợp, bao gồm thông tin thực tế liên quan có sẵn tại thời điểm thông báo về các vi phạm cụ thể, trong đó có thể bao gồm thông tin trước đây; và

(e) nhà nhập khẩu có yêu cầu hưởng ưu đãi thuế quan hay không.

5. Trong trường hợp nhận được yêu cầu kiểm tra thực tế theo khoản 2, Bên chủ nhà có thể yêu cầu thông tin từ Bên nhập khẩu để lên kế hoạch cho cuộc kiểm tra như công tác hậu cần hoặc hỗ trợ.

6. Trong trường hợp cần thực hiện kiểm tra thực tế theo khoản 2, Bên nhập khẩu phải cung cấp cho Bên chủ nhà một danh sách gồm tên và địa chỉ của các nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất dự kiến kiểm tra thực tế càng sớm càng tốt và trước ngày kiểm tra đầu tiên tại trụ sở của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất theo Điều này.

7. Khi Bên nhập khẩu cần thực hiện kiểm tra thực tế theo khoản 2:

(a) Công chức của Bên chủ nhà có thể đi cùng công chức của Bên nhập khẩu trong cuộc kiểm tra.

(b) Công chức của Bên chủ nhà có thể, theo luật pháp và quy định của mình, theo yêu cầu của Bên nhập khẩu hoặc chủ động hỗ trợ công chức của Bên nhập khẩu trong cuộc kiểm tra thực tế và cung cấp các thông tin liên quan để tiến hành cuộc kiểm tra thực tế trong phạm vi có thể.

(c) Bên nhập khẩu và Bên chủ nhà phải hạn chế liên lạc về cuộc kiểm tra thực tế trong phạm vi công chức nhà nước có liên quan, và không được báo cho nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất bên ngoài chính phủ của Bên chủ nhà trước cuộc kiểm tra hoặc cung cấp bất kỳ thông tin xác minh hoặc thực thi chưa được công bố khác vì nếu công bố sẽ làm giảm hiệu quả của cuộc kiểm tra.

(d) Bên nhập khẩu phải đề nghị nhà xuất khẩu, hoặc nhà sản xuất 4cho phép tiếp cận các hồ sơ hoặc cơ sở liên quan không muộn hơn thời gian của cuộc kiểm tra. Trừ trường hợp có thông báo trước sẽ làm giảm hiệu quả của việc kiểm tra, Bên nhập khẩu phải gửi thông báo trước để xin phép.

(e) Trường hợp nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất hàng dệt may không cho phép thì không tiến hành kiểm tra thực tế. Bên nhập khẩu phải xem xét một ngày khác và điều kiện của nhân viên hoặc cơ sở của nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu.

8. Khi hoàn thành kiểm tra thực tế theo khoản 2, Bên nhập khẩu phải:

(a) thông báo những kết luận ban đầu cho Bên chủ nhà theo yêu cầu.

(b) cung cấp cho Bên chủ nhà báo cáo bằng văn bản về kết quả kiểm tra thực tế trong vòng 90 ngày sau ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản của Bên chủ nhà, bao gồm những kết luận. Nếu báo cáo không phải là tiếng Anh, Bên nhập khẩu phải cung cấp một bản dịch tiếng Anh theo yêu cầu của Bên chủ nhà.

(c) cung cấp cho nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất một báo cáo bằng văn bản về kết quả của cuộc kiểm tra và các kết luận trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản. Đây có thể là một báo cáo được chuẩn bị theo điểm (b) với những thay đổi thích hợp. Bên nhập khẩu có trách nhiệm thông báo cho nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất quyền yêu cầu báo cáo này. Nếu báo cáo không phải là tiếng Anh, Bên nhập khẩu phải cung cấp một bản dịch tiếng Anh theo yêu cầu của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất đó.

9. Trường hợp Bên nhập khẩu tiến hành kiểm tra thực tế theo khoản 2 và vì vậy có ý định từ chối ưu đãi thuế quan cho một mặt hàng dệt may thì trước khi từ chối ưu đãi thuế quan, Bên nhập khẩu phải cho nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất đã cung cấp thông tin trực tiếp cho Bên nhập khẩu một thời hạn 30 ngày để cung cấp thêm thông tin chứng minh yêu cầu hưởng ưu đãi thuế quan. Trong không thông báo trước theo khoản 7(d), nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu, hoặc sản xuất đó có quyền yêu cầu gia hạn thêm 30 ngày.

10. Bên nhập khẩu không được từ chối một yêu cầu hưởng ưu đãi thuế quan chỉ vì Bên chủ nhà không hỗ trợ hoặc cung cấp thông tin theo yêu cầu như quy định tại Điều này.

11. Trong khi việc xác minh đang được tiến hành theo Điều này, Bên nhập khẩu có quyền thực hiện biện pháp thích hợp theo các thủ tục quy định trong luật pháp và quy định của mình, bao gồm đình chỉ hoặc từ chối áp dụng các ưu đãi thuế quan đối với hàng dệt may của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất đang bị xác minh.

12. Nếu việc xác minh các mặt hàng dệt may giống hệt do Bên nhập khẩu tiến hành cho thấy các tuyên bố của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất một mặt hàng dệt may nhập khẩu vào lãnh thổ của Bên đó thỏa mãn các điều kiện ưu đãi thuế quan có xu hướng sai sự thật hoặc không có cơ sở, Bên đó có quyền không áp dụng ưu đãi thuế quan đối với hàng dệt may do đối tượng đó nhập khẩu, xuất khẩu, hoặc sản xuất cho đến khi đối tượng đó chứng minh được cho Bên nhập khẩu rằng mặt hàng dệt may giống hệt thỏa các điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan. Trong phạm vi khoản này, mặt hàng dệt may giống hệt là những mặt hàng dệt may giống nhau về mọi mặt theo một quy tắc xuất xứ cụ thể nhằm xác định hàng hoá thỏa điều kiện có xuất xứ. 

Điều 4.7: Ra quyết định

Bên nhập khẩu có quyền từ chối một yêu cầu hưởng ưu đãi thuế quan cho một mặt hàng dệt may:

(a) vì lý do nêu tại Điều 3.28.2 (Quyết định về yêu cầu hưởng ưu đãi thuế quan);

(b) nếu, theo kết quả xác minh quy định tại Chương này, Bên đó không nhận được đầy đủ thông tin để xác định mặt hàng dệt may có đủ điều kiện có xuất xứ hay không; hoặc

(c) nếu, theo kết quả xác minh quy định tại Chương này, việc truy cập hoặc cho phép truy cập bị từ chối, Bên nhập khẩu không thể hoàn thành cuộc kiểm tra thực tế vào ngày đề xuất và nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất không thống nhất được với Bên nhập khẩu về một ngày kiểm tra khác, hoặc nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất không cho phép truy cập hồ sơ hoặc cơ sở liên quan trong quá trình kiểm tra thực tế.

Điều 4.8: Ủy ban về Hàng dệt may

1. Các Bên nhất trí thành lập một Ủy ban về Hàng dệt may (sau đây gọi là Ủy ban) gồm đại diện của chính phủ từng Bên.

2. Ủy ban sẽ họp ít nhất một lần trong năm có hiệu lực của Hiệp định này và các lần họp sau do các Bên quyết định theo yêu cầu của Ủy ban TPP. Ủy ban sẽ họp tại các địa điểm và thời điểm do các Bên quyết định.

3. Ủy ban có quyền xem xét mọi vấn đề phát sinh theo chương này, và các chức năng của Ủy ban bao gồm rà soát việc thực hiện Chương này, tham khảo ý kiến ​​về những khó khăn về kỹ thuật hoặc ý nghĩa thể phát sinh theo Chương này, và thảo luận biện pháp cải thiện hiệu quả hợp tác theo Chương này.

4. Ngoài các cuộc thảo luận của Ủy ban, một Bên có thể yêu cầu bằng văn bản về việc tổ chức thảo luận với một hoặc nhiều Bên khác về các vấn đề thuộc Chương này liên quan đến các Bên nhằm giải quyết các vấn đề mà Bên đó tin rằng phát sinh từ việc thực hiện Chương này.

5. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, các Bên yêu cầu thảo luận phải tổ chức các cuộc thảo luận theo khoản 4 trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản của một Bên và nỗ lực để kết thúc trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản.

6. Các cuộc thảo luận theo Điều này phải được giữ bí mật và không làm phương hại đến các quyền của bất kỳ bên nào trong vụ kiện tụng trong tương lai.

7. Trước thời điểm một thay đổi trong Hệ thống hài hòa có hiệu lực, Ủy ban phải tham vấn và chuẩn bị cho các cập nhật cần thiết cho Chương này để phù hợp với các thay đổi trong Hệ thống hài hòa. 

Điều 4.9: Bảo mật

1. Mỗi Bên phải duy trì tính bảo mật của các thông tin thu thập được theo quy định tại Chương này và phải bảo vệ thông tin đó không bị tiết lộ vì việc tiết lộ thông tin có thể phương hại đến vị thế cạnh tranh của những người cung cấp thông tin.

2. Trường hợp một Bên cung cấp thông tin thuộc diện bảo mật cho một Bên khác theo quy định tại Chương, Bên nhận thông tin có trách nhiệm giữ bí mật thông tin.

3. Bên cung cấp các thông tin có quyền yêu cầu Bên nhận thông tin lập một đảm bảo bằng văn bản về việc giữ bí mật các thông tin này và chỉ được sử dụng cho các mục đích quy định trong yêu cầu của Bên nhận thông tin, và sẽ không được tiết lộ mà không có sự cho phép Bên cung cấp thông tin hoặc người đã cung cấp thông tin cho Bên đó.

4. Một Bên có quyền từ chối cung cấp thông tin theo yêu cầu của một Bên khác nếu Bên đó không tuân thủ khoản 1 hoặc khoản 2.

5. Mỗi Bên phải áp dụng hoặc duy trì các thủ tục để ngăn chặn việc tiết lộ trái phép thông tin bí mật được cung cấp theo pháp luật về hải quan và quy định pháp luật khác của mình, hoặc được thu thập theo quy định tại Chương này, bao gồm cả thông tin mà việc tiết lộ có thể gây phương hại vị thế cạnh tranh của người cung cấp thông tin.

___________________________________________

1 Để giải thích rõ hơn, khoản 4 không đòi hỏi một nguyên liệu thuộc Danh sách nguồn cung thiếu hụt phải được sản xuất từ sợi đàn hồi có xuất xứ thuần túy trong lãnh thổ của một hoặc nhiều Bên.

2 Trong phạm vi khoản 4, xuất xứ thuần túy nghĩa là tất cả các quá trình sản xuất và hoàn thiện, từ đùn sợi, dải, phim, hoặc tấm, và bao gồm bản vẽ để định hướng hoàn toàn sợi, hoặc rạch phim hoặc tấm thành dải, hoặc quá trình quay sợi, cho đến khi ra sợi hoàn thiện hoặc sợi đã bện.

3 Trong phạm vi Điều này, các thông tin thu thập được theo Điều này phải được sử dụng cho mục đích đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương này. Một Bên không được áp dụng các thủ tục này để thu thập thông tin cho các mục đích khác.

4 Bên nhập khẩu cần có sự cho phép của người có thẩm quyền chấp thuận việc kiểm tra thực tế tại cơ sở.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 32,024

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]