Hiệp định TPP 07/10/2015 18:22 PM

TPP và những lợi ích thương mại cho Việt Nam

07/10/2015 18:22 PM

Các hiệp định thương mại mở ra thị trường mới như Hiệp định TPP có thể nâng cao ích lợi chung cho thương mại bằng việc xóa bỏ rào cản thuế quan nhằm vươn đến một hệ thống mậu dịch quốc tế mở rộng và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên. Vì vậy chẳng gì đáng ngạc nhiên khi một sự mô phỏng chi tiết về thương mại tự do theo TPP cho thấy rằng mỗi nước trong mười hai nước TPP sẽ thấy sự gia tăng tổng mức thu nhập và xuất khẩu. Nói tóm lại,hiệp định TPP có thể là một hiệp định mà mười hai quốc gia đều có lợi. Ngoài những lợi ích chung không thể phủ nhận đó, không phải nước nào cũng hưởng lợi từ thương mại – những hiệp định tăng cường thương mại và mở ra những thị trường mới đôi khi cần những điều chỉnh khó khăn. Chẳng hạn với Mỹ, TPP có thể tạo ra nhiều việc làm thu nhập tốt cho công nhân, vốn là những người sản xuất và bán hàng hóa dịch vụ cho các nước thuộc vành đai Thái Bình Dương khác mà những quốc gia này thậm chí sẽ tăng trưởng còn mạnh hơn khi có TPP. Tuy nhiên, song song với vấn đề trên, thương mại phát triển có thể dẫn đến mất việc làm và lương giảm đối với một số lao động Mỹ và vì vậy Mỹ cần thay đổi và tập trung vào các giải pháp toàn diện kể cả việc hỗ trợ và đào tạo tốt hơn cho những lao động kỹ năng thấp. Các quốc gia khác cũng cần phải điều chỉnh. Chẳng hạn, Nhật Bản cần cải tổ lại ngành chăn nuôi và Canada cần nâng cấp luật sở hữu trí tuệ để tương thích với tiêu chuẩn quốc tế.

Những lợi ích và một số điều chỉnh đối với Việt Nam

Trong khi tất cả các nước thành viên khác đều có lợi từ TPP, Việt Nam hẳn là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất. Theo kết quả nghiên cứu năm 2012, Viện Peterson ước tính rằng nếu so với thời điểm chưa có TPP, thu nhập của Việt Nam trong năm 2025 khi ký kết TPP sẽ cao hơn 13% và xuất khẩu sẽ tăng hơn 37%. Phần lớn những nguồn thu này trước mắt đến từ việc sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng quần áo và giày dép, vốn là những mặt hàng đang tăng trưởng của Việt Nam, do việc xóa bỏ mức thuế cao của các nước TPP, đặc biệt là Mỹ. Nhưng một TPP tiêu chuẩn cao cùng với hiệp định thương mại mới của Việt Nam với EU sẽ đòi hỏi Việt Nam tiến hành cải tổ cơ chế bao gồm những bước đi quan quan trọng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu lực pháp luật, thực hiện những chuẩn mực lao động và môi trường mới, thúc đẩy thương mại số, điều chỉnh bản thông tin cạnh tranh cho các công ty nhà nước, và những thay đổi quan trọng khác.

Trong hơn hai thập kỷ qua, các đối tác thương mại với Mỹ và chính Mỹ cũng đã tiến hành những cải cách triệt để theo các hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao (FTAs). Việc thực hiện những thay đổi này là một thách thức. Nhưng các nước thành viên cũng nhận ra lợi ích của việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do toàn diện là rất lớn và vượt xa những ích lợi hiển nhiên của việc xóa bỏ thuế quan đối với các mặt hàng chủ lực của nước mình. Những điều chỉnh theo yêu cầu của FTAs tiêu chuẩn cao cũng có thể thúc đẩy đầu tư nước ngoài, cải tiến và đổi mới công nghệ, mở rộng tham gia vào thương mại và những lĩnh vực phát triển chủ lực khác mà cùng với những cải cách bổ sung khác có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế mạnh hơn và rộng rãi hơn. Khi Việt Nam chuyển dịch sang một hệ thống các hiệp định thương mại mới với tiêu chuẩn cao hơn, Việt Nam đã có những lợi ích rõ rang từ đó. Chúng tôi nhấn mạnh dưới đây năm đóng góp quan trọng mà các hiệp định FTA tiêu chuẩn cao có thể mang lại cho sự thúc đẩy phát triển kinh tế của một quốc gia : thu hút đầu tư, thăng bậc giá trị, thúc đẩy thương mại của các công ty vừa và nhỏ, thỏa thuận thêm các FTA khác, giúp mở rộng hơn về lợi ích kinh tế.

Thu hút đầu tư

Các hiệp định FTAs có thể đóng một vai trò sống còn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Để chọn đúng nơi đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm những quốc gia có môi trường đầu tư ổn định và những qui định chặt chẽ để đảm bảo tính minh bạch, thương mại tự do hơn, và những thị trường tài chính mở - Việt Nam sẽ chứng kiến mức gia tăng về FDI khi gia nhập TPP. Lịch sử cho thấy một hiệp định mới cùng với sự cam kết một môi trường đầu tư thuận lợi có thể đảm bảo tăng trưởng của đầu tư liên tục.

Thăng bậc giá trị

FTAs có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các nước “thăng bậc giá trị" và có thể cạnh tranh trong những lĩnh vực kinh tế tiên tiến hơn và hỗ trợ việc làm chất lượng cao hơn. Việt Nam đã là một đối thủ đáng kể trong các ngành kinh tế tiên tiến như điện tử. Để gia tăng sự tinh xảo trong sản xuất ở Việt Nam dĩ nhiên phải cần đầu tư thêm, phát triển những kỹ năng, và hàng loạt các cam kết khác.

Thúc đẩy thương mại của các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những động lực chính cho sự tăng trưởng và việc làm tốt tại các quốc gia trên khắp thế giới. Nhưng ở nhiều nước – kể cả Mỹ - chỉ có một tỉ lệ nhỏ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện xuất khẩu. Nguyên nhân chính là các rào cản thương mại như thuế cao, những qui định phức tạp và tình trạng quan liêu thường tạo ra những thách thức lớn cho các doanh nghiệp nhỏ với kinh nghiệm và nguồn lực còn hạn chế. Là một quốc gia với một môi trường kinh doanh năng động và số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Việt Nam và nhiều các doanh nghiệp nhỏ có thể hưởng lợi đáng kể từ TPP. Và bởi vì thương mại điện tử là một công cụ hiệu quả cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các điều khoản TPP về thúc đẩy thương mại số có thể hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu tham vọng của Việt Nam trong việc thúc đẩy xuất khẩu trực tiếp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt một phần tư tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam.

Thương thảo thêm nhiều hiệp định thương mại tự do khác

Việt Nam với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP và hiệp định mới ký kết với EU có thể nâng cao vị thế vốn đã mạnh của Việt Nam với vai trò là một trung tâm đầu mối có khả năng cạnh tranh toàn cầu về thương mại, sản xuất và đầu tư.  

Giúp mở rộng nền kinh tế

Cuối cùng, các hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao có thể mang lại những ích lợi kinh tế rộng lớn ngoài những lợi ích về thương mại hay đầu tư FDI.

Những nghiên cứu về Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA cho thấy hiệp định này đã giúp Mexico tiến đến gần hơn với mức tăng trưởng kinh tế của Canada và Mỹ, giúp nâng sản lượng của các nhà máy sản xuất của Mexico, hỗ trợ các nhà máy của Mexico tiếp nhận đổi mới công nghệ của Mỹ nhanh hơn, và tạo tác động tích cực đến số lượng và chất lượng công ăn việc làm ở Mexico.

Hướng đến tương lai

Với nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế, Việt Nam đã tập trung đáng kể vào việc mở rộng thương mại quốc tế. Thương mại phát triển có thể là một công cụ hiệu quả cho sự phát triển kinh tế như các nước láng giềng của Việt Nam, kể cả Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc, đã từng minh chứng trong bảy thập kỷ qua.

Việt nam đã thực hiện một bước đi quan trọng qua việc tham gia đàm phán thương mại với một số nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới và đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực hoàn tất Hiệp định TPP tiêu chuẩn cao. Một TPP toàn diện sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên TPP và tạo cho Việt Nam một hướng tiếp cận mới đáng kể vào những thị trường lớn như Nhật và Mỹ đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như hàng may mặc. Tuy nhiên, quan trọng hơn nữa, Việt Nam cần phải tiếp tục giữ vững cam kết của mình với việc điều chỉnh cơ cấu chính theo TPP để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng đầu tư cũng như cải tiến công nghệ, mở rộng sự tham gia vào thương mại, và thực hiện những thay đổi khác vốn có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế mạnh hơn, sâu hơn và lâu dài hơn.

Với nỗ lực hướng đến sự phát triển kinh tế ở mức cao hơn, Việt Nam có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm của các nước thành viên dưới những hiệp định thương mại tự do trước đây. Và, khi đã phát triển và thắt chặt hơn những cam kết của mình với TPP, Việt Nam cũng có thể mang lại những bài học giá trị cho các đối tác của mình khi chia sẽ về thành công.

Minh Quang (lược dịch)

Theo Progressive Policy Institute

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 28,209

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]