06/08/2019 08:10

Vi bằng và một số điều cần chú ý

Vi bằng và một số điều cần chú ý

Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.Việc lập vi bằng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về hình thức và nội dung. Tuy nhiên, không phải trường hợp lập vi bằng nào cũng đáp ứng đủ điều kiện của pháp luật.

Điển hình, tại bản án 67/2018/DS-PT ngày 13/04/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xét xử về yêu cầu hủy vi bằng của Văn phòng Thừa phát lại giữa nguyên đơn bà Nguyễn Thị H, ông Trần Xuân H1 với bị đơn Văn phòng thừa phát lại B. Cụ thể:

" Bà Nguyễn Thị H, ông Trần Xuân H1 và ông Hoàng Ngọc T có một thỏa thuận liên quan đến quyền sử dụng đất nên vợ chồng ông bà và ông T đã đến Văn phòng Thừa phát lại B để lập vi bằng. 

Ngày 30/11/2015 tại Văn phòng thừa phát lại B có lập Vi bằng số 719/VB-TPLBH ghi nhận sự kiện hành vi sau: “Chứng kiến ghi nhận về ông Hoàng Ngọc T với ông Trần Xuân H1, bà Nguyễn Thị H xác nhận về việc cùng nhau chuyển nhượng các thửa đất 84, 87, 89, 168, tờ bản đồ số 5; diện tích 1858,3m2 tọa lạc tại phường Q, thành phố B, tỉnh Đồng Nai...”

Vợ chồng ông bà H, H1 nhận thấy Vi bằng do Văn phòng thừa phát lại B lập không đứng sự thật, trong vi bằng lại ghi vợ chồng ông bà và ông T có hùn tiền mua chung thửa đất 84, nên ông bà yêu cầu Tòa án hủy Vi bằng số 719/VB-TPLBH lập ngày 30/11/2015 tại Văn phòng thừa phát lại B ".

Hội đồng xét xử căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 26 Nghị định 61/2009/NĐ-CP cùng những lời khai cũng như những chứng cứ do các bên cung cấp, tuyên bố hủy Vi bằng số 719/VB-TPLBH của Văn phòng Thừa phát lại B.

Đối chiếu Khoản 2 Điều 26 Nghị định 61/2009/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 26. Thủ tục lập vi bằng

“Vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, việc ghi nhận phải khách quan, trung thực”

Trong trường hợp này Thừa phát lại chỉ ghi nhận trình bày của đương sự chứ không trực tiếp chứng kiến việc hai bên cùng nhau hùn tiền để mua đất là chưa phù hợp quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định 61/2009/NĐ-CP. Như vậy, việc hủy Vi bằng này là hợp lý.

Nhiều trường hợp đã lập vi bằng việc mua, bán nhà đất thông qua hình thức lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền. Nhầm tưởng giữa việc lập vi bằng với việc công chứng, chứng thực hợp đồng về nhà đất, dẫn đến hậu quả bị lừa đảo, bị mất tiền.

Vì vậy, theo Tờ gấp tìm hiểu chức năng lập vi bằng của Thừa phát lại do Sở tư pháp TP.HCM phát hành tháng 01/2019, đã quy định các trường hợp Thừa phát lại không được lập vi bằng, cụ thể:

Theo pháp luật hiện hành và hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Thừa phát lại có quyền lập ghi nhận sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự. Tuy nhiên, cần lưu ý các trường hợp sau:

1. Không lập vi bằng các trường hợp liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người thân thích của Thừa phát lại.

2. Không lập vi bằng các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng.

3. Không lập vi bằng các trường hợp vi phạm bí mật đời tư, trái đạo đức xã hội.

4. Không lập vi bằng các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng, thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp. Không lập vi bằng để chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng giao dịch; không xác nhận chữ ký, bản sao từ bản chính.

5. Không lập vi bằng các sự kiện, hành vi nhằm thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng, trừ trường hợp sự kiện, hành vi chỉ thông qua lời kể của người khác.

6. Không lập vi bằng các sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức đang thi hành công vụ, trừ trường hợp sự kiện, hành vi đó rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích của người yêu cầu lập vi bằng.

7. Không được cố tình lập vi bằng việc mua bán nhà đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận tiền để che dấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật.

8. Không lập vi bằng các trường hợp bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra ta cần chú ý rằng, vi bằng không phải là văn bản công chứng, chứng thực. Vi bằng chỉ là văn bản được lập nhằm ghi nhận khách quan một sự kiện, hành vi có thực xảy ra. Vi bằng không chứng nhận, không xác nhận tính hợp pháp của các hợp đồng, không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên. Đặc biệt là các hợp đồng, giao dịch về nhà đất, không là cơ sở để thực hiện việc đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất.

Thu Linh
3621

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn