Án lệ phải được tuyên bố là án lệ.
Điều 1 Nghị quyết 04 quy định "án lệ phải được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ". Nếu nhìn ra thế giới, chúng ta thấy rằng các nước như : Mỹ, Anh, Úc, Canada, Pháp, Hà lan, Nhật Bản, Hàn Quốc …thì không có nước nào Toà án tối cao phải tuyên bố một quyết định cụ thể nào đó của toà án là án lệ nó mới trở thành án lệ . Ông Michael Moore, nguyên thẩm phán Toà án liên bang Úc nói "Chắc chắn ở Úc và ở nhiều quốc gia khác trên thế giới , không phải tuyên bố một quyết định cụ thể của Toà án cấp cao nhất là án lệ. Cũng không có một quy trình lựa chọn bản án trở thành án lệ. Ở Úc, một bản án trở thành án lệ ,chỉ đơn giản nó là bản án của Toà án cấp cao nhất trong hệ thống thứ bậc tư pháp tại Úc". Còn ông Marc Loth, nguyên thẩm phán Toà án tối cao Hà lan nói " Án lệ không phải do người ta tuyên bố nó là án lệ , mà là do nó được toà án cấp cao nhất đưa ra và là do nó có được áp dụng trong tương lai hay không"
Như vậy, việc án lệ phải được Chánh án TANDTC công bố là án lệ ,rõ ràng là không đi theo cách hiểu về án lệ trên thế giới.
Toà án nào cũng có thể đưa ra án lệ.
Điều 2 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP quy định: Các Toà án có trách nhiệm tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án mình gửi cho TANDTC để xem xét, phát triển thành án lệ. Theo quy định này thì bản án, quyết định của Toà án cấp huyện cũng có thể trở thành án lệ. Chúng ta đều biết rằng, toà án tối cao (hoặc toà phá án) của các quốc gia trên thế giới đều có chức năng căn bản là bảo đảm pháp luật được áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Để thực hiện chức năng này, toà án tối cao thực hiện hai nhiệm vụ: (i) sửa ( hoặc huỷ) bản án của toà án cấp dưới bị kháng nghị (ii) và từ đó tạo ra án lệ . Như vậy thì chỉ bản án, quyết định của toà án tối cao mới có thể trở thành án lệ. Tuy nhiên, bản án, quyết định của toà phúc thẩm cũng có thể trở thành án lệ nếu giải quyết một vấn đề mới mà loại việc này chưa được toà án tối cao giải quyết trước đó.
Có lẽ, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới mà bản án, quyết định của tất cả các cấp toà án đều có thể trở thành án lệ.
Về việc áp dụng án lệ.
Điều 8 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP quy định: Khi xét xử, nếu có án lệ về vụ án đang xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải áp dụng án lệ. Nếu không áp dụng thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định.
Theo quy định này thì việc áp dụng án lệ là bắt buộc đối với Thẩm phán, Hội thẩm. Cũng có nghĩa là, quy định này đã khẳng định ở nước ta án lệ cũng là một nguồn luật. Tuy nhiên, theo Điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì án lệ không được quy định là văn bản quy phạm pháp luật. Vậy, có thể hiểu bắt buộc áp dụng án lệ là theo quy định tại Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP được không (Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC được quy định là văn bản quy phạm pháp luật ). Như chúng ta đều biết, chỉ ở những nước theo hệ thống thông luật (như Mỹ, Úc…) thì án lệ mới được coi là nguồn luật ,do đó, việc áp dụng án lệ là bắt buộc . Còn những nước theo hệ thống dân luật, thì án lệ không được coi là nguồn luật, nên không bắt buộc phải áp dụng (mặc dù trên thực tế các thẩm phán đều tuân theo án lệ). Chúng ta theo hệ thống pháp luật nào để quy định áp dụng án lệ là bắt buộc ?.
Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP đã sao chép mô hình của Trung quốc.
Như chúng ta đều biết, Trung Quốc chưa áp dụng án lệ, mà đang trong xu hướng sẽ áp dụng án lệ. Do đó, ngày 26-11-2010, TANDTC Trung Quốc đã ban hành Quy định của Toà án nhân dân tối cao về các vụ án có giá trị hướng dẫn xét xử, bao gồm 10 điều, (sau đây gọi tắt là QĐ của Trung Quốc). Dưới đây xin được so sánh một số điểm chính của Trung Quốc với Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP.
Điều 1 QĐ của Trung Quốc thì cơ quan có thẩm quyền công bố các vụ án có giá trị hướng dẫn xét xử là TANDTC. Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP của ta thì tại điều 1, quy định là Chánh án TANDTC công bố án lệ.
Điều 2 QĐ của Trung Quốc quy định các điều kiện lựa chọn các vụ án có giá trị hướng dẫn xét xử. Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP, tại điều 2, quy định tiêu chí lựa chọn án lệ.
Từ điều 3 đến điều 6 QĐ của Trung Quốc quy định nguồn của các vụ án có giá trị hướng dẫn xét xử ,quy trình lựa chọn vụ án, cơ quan chịu trách nhiệm phê duyệt các vụ án có giá trị hướng dẫn xét xử. Theo đó, các vụ án của các cấp toà án đều có thể được lựa chọn; các đại biểu quốc hội,hội đồng nhân dân , các tầng lớp nhân dân và các chuyên gia pháp luật, các luật sư đều có thể gửi đề xuất bất kỳ vụ án nào đủ điều kiện là vụ án có giá trị hướng dẫn xét xử đến toà án; uỷ ban xét xử của Toà án nhân dân tối cao (tương tự như Hội đồng Thẩm phán TANDTC ở Việt Nam) sẽ thảo luận và quyết định lựa chọn vụ án có giá trị hướng dẫn xét xử. Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP từ điều 3 đến điều 7 cũng quy định: bản án, quyết định của tất cả các cấp toà án đều có thể được lựa chọn là án lệ; các cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có thể gửi đề xuất bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để TANDTC lựa chọn là án lệ; Hội đồng Thẩm phán TANDTC sẽ thảo luận, quyết định thông qua bản án, quyết định là án lệ.
Điều 7 QĐ của Trung Quốc quy định: Toà án nhân dân các cấp cần tham khảo và viện dẫn các vụ án có giá trị hướng dẫn xét xử do Toà án nhân dân tối cao công bố trong quá trình xét xử các vụ việc tương tự. Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP, tại điều 8 quy định: án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử .
Các vụ án có giá trị hướng dẫn xét xử được công bố có các mục chính như: Tên vụ án, từ khoá, các nội dung chính của quá trình xét xử, các quy định pháp luật có liên quan, các dữ kiện chính của vụ án. Án lệ ở Việt Nam được công bố cũng có các mục: nguồn án lệ (tên vụ án), khái quát nội dung án lệ bao gồm tình huống pháp lý và giải pháp pháp lý (tương tự như các nội dung chính và các dữ kiện chính của vụ án ở Trung Quốc), quy định của pháp luật liên quan đến án lệ, từ khoá của án lệ.
Năm 2011, TANDTC Trung Quốc đã lựa chọn được bốn vụ án có giá trị hướng dẫn xét xử: hai vụ án hình sự và hai vụ án dân sự. Năm 2012 cũng lựa chọn được bốn vụ án: hai vụ án hành chính và hai vụ án dân sự .
Sự so sánh trên đây cho thấy, Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP đã sao chép mô hình những vụ án có giá trị hướng dẫn của Trung Quốc. Nhưng mô hình này không phải là một mô hình về án lệ.
Cần làm gì để áp dụng án lệ ở Việt Nam ?
Qua trình bày trên đây cho thấy chưa có án lệ ở Việt Nam. Vì vậy, để việc áp dụng án lệ ở Việt Nam trở thành hiện thực, xin được đề xuất như sau
1.Trước hết cần lựa chọn mô hình án lệ phù hợp với nền tảng pháp lý ở nước ta, đó là mô hình án lệ ở những nước theo truyền thống luật dân sự như Pháp, Nhật Bản…
2. Thống nhất nhận thức về án lệ: hiểu cho rõ thế nào là án lệ, cấu trúc của án lệ, cơ chế áp dụng án lệ, từ đó thay đổi về cách viết bản án để tất cả các thẩm phán đều có thể viết được bản án có án lệ.
Nguồn: Theo Tạp chí Kiểm sát