Để xác định bất kì sự kiện, trường hợp nào đó có phải sự kiện bất khả kháng hay không thì không dễ dàng. Đó luôn là một trong những câu hỏi thường gặp cả trong học tập cũng như trong thực tế.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự năm 2015, một sự kiện sẽ được coi là bất khả kháng nếu:
- Xảy ra một cách khách quan,
- Không thể lường trước được
- Không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 351 BLDS 2015 quy định về hệ quả pháp lý trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng thì hệ quả về việc bên bị ảnh hưởng không thực hiện được đúng nghĩa vụ quy định trong hợp đồng cũng cần được xét đến trong việc xác định một sự kiện có được coi là bất khả kháng đối với từng trường hợp cụ thể hay không.
Để cùng hiểu rõ hơn về việc áp dụng sự kiện bất khả kháng trong các bản án thực tế của toà, sau đây là tổng hợp các vụ án liên quan đến nội dung này, mời các bạn tham khảo:
1. Bản án 17/2018/DS-ST ngày 21/11/2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại tài sản
+ Cấp xét xử: Sơ thẩm.
+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.
+ Kết quả giải quyết: Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
+ Trích dẫn nội dung: “việc tường gạch chuồng bò của bà S bị ngã làm vỡ đường ống dẫn phân từ chuồng heo xuống hầm Biôga của bà N là do mưa bão, không phải do hành vi trái pháp luật và có lỗi của bà S gây ra. Thiệt hại xảy ra là do sự kiện bất khả kháng nên bà S không phải chịu trách nhiệm bồi thường.”
2. Bản án 11/2017/DS-ST ngày 26/09/2017 về tranh chấp hợp đồng tín dụng
+ Cấp xét xử: Sơ thẩm.
+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình.
+ Kết quả giải quyết: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
+ Trích dẫn nội dung: “ông Lại Huy V có đơn trình bày hoàn cảnh gia đình trong cơn bảo số 10 vừa qua bị cuốn trôi tài sản nên hoàn cảnh rất khó khăn, đơn có xác nhận của chính quyền địa phương, Hội đồng xét xử thấy đây là sự kiện bất khả kháng do cơn bảo số 10 vừa qua đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, cần xem xét giảm 50% mức án phí cho anh V.”
3. Bản án 01/2019/LĐ-PT ngày 31/10/2019 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.
+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông.
+ Kết quả giải quyết: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
+ Trích dẫn nội dung: “Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Đ, huyện T ban hành quyết định số 02/QĐ-THCS về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị Nguyễn Thị Thu P là căn cứ vào văn bản số 1304/UBND-NV của UBND huyện T, trên cơ sở văn bản chỉ đạo số 989/UBND-NC ngày 03/3/2017 của UBND tỉnh Đắk Nông. Đây là văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của cấp tỉnh, thuộc trường hợp lý do bất khả kháng.”
4. Bản án 37/2019/DS-PT ngày 02/10/2019 về tranh chấp yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu
+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.
+ Cơ quan xét xử: Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.
+ Kết quả giải quyết: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
+ Trích dẫn nội dung: “chị A nêu lý do phải chăm sóc anh T nên không đến tham gia phiên tòa, tuy nhiên đây không phải là sự kiện bất khả kháng theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 28 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012.”
5. Bản án 110/2006/DSPT ngày 05/05/2006 về yêu cầu bồi thường thiệt hại
+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.
+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh.
+ Kết quả giải quyết: Bác đơn yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.
+ Trích dẫn nội dung: “Tàu TV-2047- H của anh Khen bị tai nạn làm thiệt hại hàng hóa chở thuê không phải do lỗi cố ý hoặc vô ý của anh Khen gây ra. Tai nạn xảy ra là do thiên tai gió lốc nhấn chìm tàu, đây là trường hợp bất khả kháng.”
6. Bản án 10/2018/DS-ST ngày 19/01/2018 về tranh chấp hợp đồng đặt cọc
+ Cấp xét xử: Sơ thẩm.
+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
+ Kết quả giải quyết: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
+ Trích dẫn nội dung: “Trong khoảng thời gian từ 01/6/2017 đến hết tháng 8/2017 bà C nằm viện dưỡng thai nên không liên lạc được với bà T để hai bên tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói trên nên được xem là trường hợp bất khả kháng không phải mất cọc.”
7. Bản án 32/2019/HS-PT ngày 21/02/2019 về tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ
+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.
+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.
+ Kết quả giải quyết: Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm.
+ Trích dẫn nội dung: “Đối với lời trình bày của người đại diện hợp pháp của bị hại về việc bà L2 vượt xe buýt khi đang rẽ trái chuyển hướng, vượt xe tại vị trí góc khuất của gương chiếu hậu (điểm mù) của xe buýt nên bị cáo K không thể nhìn thấy nên đây là trường hợp bất khả kháng là không có cơ sở bởi lẽ:”
8. Bản án 14/2019/DS-PT ngày 27/03/2019 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.
+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ.
+ Kết quả giải quyết: Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
+ Trích dẫn nội dung: “Các anh không có lỗi trong việc gây tai nạn, việc xe anh S chèn lên người anh Phương Nam là sự kiện bất ngờ, là trường hợp bất khả kháng, không thể xử lý được trong tình huống này, do đó anh S không có lỗi.”