24/01/2025 16:06

Nhập khẩu sữa bột thì nộp hồ sơ kiểm tra nhà nước tại đâu? Trình tự kiểm tra an toàn thực phẩm với sữa bột nhập khẩu thế nào?

Nhập khẩu sữa bột thì nộp hồ sơ kiểm tra nhà nước tại đâu? Trình tự kiểm tra an toàn thực phẩm với sữa bột nhập khẩu thế nào?

Trường hợp nhập khẩu sữa bột thì cơ quan hải quan yêu cầu giấy phép nhà nước về kiểm tra an toàn thực phẩm, vậy phải nộp hồ sơ kiểm tra nhà nước qua đâu và trình tự kiểm tra nhà nước đối với sữa bột nhập khẩu như thế nào?

Nơi nộp hồ sơ kiểm tra nhà nước khi nhập khẩu sữa bột?

Theo Điều 15 Nghị định 15/2018/NĐ-CP về cơ quan kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu: Cơ quan kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu là cơ quan được Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Bộ Công Thương giao hoặc chỉ định.

Trường hợp một lô hàng nhập khẩu có nhiều loại thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều bộ thì cơ quan kiểm tra nhà nước là cơ quan được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao hoặc chỉ định.

Theo Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, sữa chế biến nói chung (bao gồm "Sữa dạng bột") (Không bao gồm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng do Bộ Y tế quản lý) thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương.

Trường hợp nhập khẩu sữa bột phải kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu, người nhập khẩu cần xác định sữa bột Nhật Bản nhập khẩu về do Bộ Công thương hay Bộ Y tế quản lý, sau đó lập hồ sơ kiểm tra nhà nước gửi cơ quan kiểm tra nhà nước được Bộ Y tế hoặc Bộ Công Thương giao hoặc chỉ định để làm thủ tục hoặc nộp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia phân hệ Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương (nếu đã áp dụng).

Trình tự kiểm tra an toàn thực phẩm với sữa bột nhập khẩu thế nào?

Theo Điều 16 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, việc kiểm tra về an toàn thực phẩm nhập khẩu được thực hiện theo một trong các phương thức sau:

- Phương thức kiểm tra giảm, theo đó kiểm tra hồ sơ tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 01 năm do cơ quan hải quan lựa chọn ngẫu nhiên.

- Phương thức kiểm tra thông thường, theo đó chỉ kiểm tra hồ sơ của lô hàng nhập khẩu.

- Phương thức kiểm tra chặt, theo đó kiểm tra hồ sơ kết hợp lấy mẫu kiểm nghiệm.

Tùy lô hàng nhập khẩu được phân định sẽ kiểm tra theo phương thức kiểm tra nào mà có trình tự kiểm tra khác nhau.

Đồng thời, tại Điều 19 Nghị định 15/2018/NĐ-CP có quy định:

- Trình tự kiểm tra đối với trường hợp kiểm tra giảm:

+ Khi làm thủ tục hải quan, chủ hàng có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định 15/2018/NĐ-CP;

+ Cơ quan hải có trách nhiệm chọn ngẫu nhiên tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu thuộc diện kiểm tra giảm trong vòng 01 (một) năm để kiểm tra hồ sơ theo quy định.

Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và thông quan hàng hóa. Trường hợp yêu cầu bổ sung hồ sơ thì phải nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý của việc yêu cầu.

- Trình tự kiểm tra đối với trường hợp kiểm tra thông thường:

+ Trước hoặc khi hàng về đến cửa khẩu, chủ hàng nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 15/2018/NĐ-CP đến cơ quan kiểm tra nhà nước hoặc Cổng thông tin một cửa quốc gia phân hệ Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương (nếu đã áp dụng);

+ Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan kiểm tra nhà nước có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và ra thông báo thực phẩm đạt hoặc không đạt yêu cầu nhập khẩu theo Mẫu số 05 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp yêu cầu bổ sung hồ sơ thì phải nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý của việc yêu cầu;

+ Chủ hàng có trách nhiệm nộp Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu cho cơ quan hải quan để thông quan hàng hóa.

- Trình tự, thủ tục kiểm tra đối với trường hợp kiểm tra chặt:

+ Thực hiện quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

+ Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan kiểm tra nhà nước có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, tiến hành lấy mẫu, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo yêu cầu và ra thông báo thực phẩm đạt hoặc không đạt yêu cầu nhập khẩu theo Mẫu số 05 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Trường hợp yêu cầu bổ sung hồ sơ thì phải nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý của việc yêu cầu;

+ Chủ hàng có trách nhiệm nộp Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu cho cơ quan hải quan để thông quan hàng hóa.

- Trường hợp ra Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm không đạt yêu cầu nhập khẩu theo quy định tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 19 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, cơ quan kiểm tra nhà nước quyết định các biện pháp xử lý theo các hình thức quy định tại khoản 3 Điều 55 Luật an toàn thực phẩm 2010 và báo cáo kết quả xử lý thực phẩm không đạt yêu cầu nhập khẩu với Bộ quản lý chuyên ngành.

Nguyễn Mai Xuân Hà
2

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]