10/05/2024 18:40

Người bán rượu gây ngộ độc Methanol, có thể bị truy cứu hình sự không?

Người bán rượu gây ngộ độc Methanol, có thể bị truy cứu hình sự không?

Cho hổi hỏi nếu người rượu mà rượu đó gây ngộ độc Methanol thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Ban biên tập xin trả lời như sau:

1. Cẩn thận ngộ độc rượu có chứa methanol?

Methanol bản chất là một chất cồn, có công thức hóa học là CH3OH. Trong đời sống, methanol thường được sử dụng trong công nghiệp để làm chất chống đông lạnh, làm dung môi trong chất tẩy rửa sơn, nước rửa kính xe, mực in máy photo và làm nhiên liệu cho các loại bếp lò nhỏ,...

Không giống rượu ethanol (loại rượu uống thông thường), methanol nguyên chất có độc tính cao, không thích hợp để uống.

Tuy nhiên, một số người vì lợi nhuận, sử dụng methanol tạo ra các loại rượu rẻ tiền gây nguy hiểm cho người dùng.

Những triệu chứng ngộ độc rượu Methanol:

+ Triệu chứng về tiêu hóa: chán ăn, đau bụng, buồn nôn, nôn ói.

+ Triệu chứng về thần kinh: nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, trạng thái say rượu, lú lẫn, hôn mê.

+ Triệu chứng về mắt: nhìn không rõ, nhìn mờ, không phân biệt màu sắc,sợ ánh sáng, mù lòa, giãn đồng tử, khám đáy mắt phát hiện sung huyết, phù gai thị...

+ Triệu chứng về hô hấp - tuần hoàn: thở nhanh, nông, khó thở, tím tái, suy hô hấp, mạch nhanh, tụt huyết áp (các dấu hiệu này có thể xuất hiện muộn sau 18-24 giờ). 

Lưu ý: trường hợp ngộ độc methanol nặng, bệnh nhân sẽ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

2. Xử phạt hành chính hành vi gây ngộ độc Methanol

Căn cứ khoản 6 Điều 22 Nghị định 115/2018/NĐ-CP, phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 01 người đến 04 người mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự

+ Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá dưới 10.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 5.000.000 đồng;

+ Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá dưới 50.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 20.000.000 đồng.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc thu hồi thực phẩm.

+ Buộc tiêu hủy thực phẩm.

+ Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm.

+ Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm.

Lưu ý: Căn cứ khoản khoản 2 Điều 3 Nghị định 115/2018/NĐ-CP mức phạt trên áp dụng cho cá nhân, tổ chức vi phạm bị phạt gấp 02 lần.

3. Người bán rượu gây ngộ độc rượu Methanol, có thể bị truy cứu hình sự không?

Theo Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) của Việt Nam quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm thì người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm

Như vậy, trong trường hợp người bán buôn bán rượu giả thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đối mặt với mức phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Ngoài ra, trong một số trường hợp thì mức phạt sẽ tăng lên, cụ thể:

(1) Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Tái phạm nguy hiểm;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

- Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

- Buôn bán qua biên giới;

- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

- Thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng

(2) Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500 triệu đồng trở lên;

- Thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ 500 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ 500 triệu đồng;

- Làm chết người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

(3) Phạt tù từ 15 năm đến 25 năm hoặc tù chung thân khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Thu lợi bất chính 1 tỷ 500 triệu đồng trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ 500 triệu đồng trở lên;

- Làm chết 02 người trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

Như vậy, tùy vào từng hành vi phạm tội cũng như mức ảnh hưởng đến người sử dụng thì người bán phải chịu mức phạt từ 02 năm đến tù chung thân.

Trân trọng!

Phạm Thị Thu Hà
71

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn