Căn cứ theo Khoản 8 và Khoản 14 Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2024 quy định dự án đầu tư công là dự án sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư công.
Chủ trương đầu tư là quyết định của cấp có thẩm quyền về những nội dung chủ yếu của chương trình, dự án đầu tư, làm căn cứ để lập, trình và phê duyệt quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư, quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư công.
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 6 Luật Đầu tư công năm 2024 quy định căn cứ vào mức độ quan trọng và quy mô, dự án đầu tư công được phân loại như sau:
+ Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C theo tiêu chí quy định tại các Điều 8, 9, 10 và 11 Luật Đầu tư công năm 2024;
+ Cấp có thẩm quyền khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C có quyền quyết định việc tách hoặc không tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập.
Thời gian thực hiện dự án thành phần độc lập bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng được tính trong tổng thời gian bố trí vốn thực hiện dự án quy định tại Điều 57 Luật Đầu tư công năm 2024;
+ Dự án đầu tư công liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau thì việc phân nhóm theo ngành, lĩnh vực dự án căn cứ vào tỷ trọng vốn đầu tư theo ngành, lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng mức đầu tư dự án;
+ Dự án không thuộc các tiêu chí quy định tại các Điều 8, 9, 10 và 11 Luật Đầu tư công năm 2024 được áp dụng tiêu chí phân loại theo tổng mức đầu tư quy định tại khoản 5 Điều 9, khoản 4 Điều 10 và khoản 4 Điều 11 Luật Đầu tư công năm 2024;
+ Chính phủ quy định chi tiết việc phân loại dự án đầu tư công quy định tại các Điều 9, 10 và 11 Luật Đầu tư công năm 2024.
Bên cạnh đó, căn cứ theo theo Nghị định 85/2025/NĐ-CP dự án đầu tư công nhóm A, B, C được hướng dẫn phân loại cụ thể theo Phụ lục I kèm theo Nghị định 85/2025/NĐ-CP.
Dừng chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công trong các trường hợp nào? (Hình từ internet)
Căn cứ theo Điều 15 Nghị định 85/2025/NĐ-CP quy định các trường hợp dừng chủ trương đầu tư chương trình, dự án và trình tự, thủ tục thực hiện được quy định như sau:
- Trường hợp chương trình, dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa được quyết định đầu tư, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án quyết định việc dừng chủ trương đầu tư chương trình, dự án đó và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
- Trường hợp chương trình, dự án đã được quyết định đầu tư, việc dừng chủ trương đầu tư chương trình, dự án được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
+ Việc tiếp tục thực hiện chương trình, dự án đó gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, môi trường;
+ Việc dừng chủ trương đầu tư chương trình, dự án đó mang lại hiệu quả cao hơn về tài chính, kinh tế - xã hội;
+ Do nguyên nhân khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được dẫn đến không thể tiếp tục thực hiện chương trình, dự án mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
- Trình tự, thủ tục dừng chủ trương đầu tư chương trình, dự án quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 85/2025/NĐ-CP thực hiện như sau:
+ Cấp quyết định đầu tư chương trình, dự án tổ chức kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện chương trình, dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công và quy định của pháp luật có liên quan;
+ Cấp quyết định đầu tư chương trình, dự án báo cáo cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án về việc dừng chủ trương đầu tư chương trình, dự án, trong đó xác định nguyên nhân dừng chủ trương đầu tư theo các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 85/2025/NĐ-CP;
+ Cấp quyết định chủ trương đầu tư xem xét, quyết định việc dừng chủ trương đầu tư chương trình, dự án, trong đó quyết định phương án xử lý đối với khối lượng đã thực hiện của chương trình, dự án theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định của pháp luật có liên quan.