Điển hình, tại bản án 04/2019/DS-ST ngày 06/03/2019 về tranh chấp nghĩa vụ dân sự do Tòa án nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận xét xử sơ thẩm vụ việc:
" Vào năm 2012, khi nguyên đơn ông Phan Văn T thi công Công trình đường dây trung thế và trạm biến áp phân phối 50KVA – 12.7/0.23KV Phan Văn T, địa điểm xây dựng: Thôn 01, xã H , huyện H , thì có làm giấy thỏa thuận với ông Hồ Xuân T và một số hộ dân khác để đường dây trung thế trên không đi qua đất của các hộ dân.
Đến tháng 5/2018 thì bị sở điện lực cắt điện không cho ông Phan Văn T sử dụng với lý do đường dây điện trên không đi qua bìa ranh đất nhà ông Hồ Xuân T bị vướng vào các nhánh cây của ba cây bàng trồng trên đất. Ông Phan Văn T có đến xin ông T chặt tỉa các nhánh cây bàng thì ông T không đồng ý vì nếu rong nhánh nhiều lần thì cây bàng sẽ chết và không đồng ý ông Phan Văn T bọc nhựa đường dây điện vì dây diện đó đi trên phần đất của gia đình ông làm ảnh hưởng đến giá trị của phần đất. Vì vậy ông Phan Văn T có đơn khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông Hồ Xuân T thực hiện theo thỏa thuận trước đây để cho ông được chặt rong các nhánh cây bàng và bọc nhựa đường dây điện".
Tòa án đã đưa ra quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Phan Văn T Buộc ông Hồ Xuân T , bà Nguyễn Thị G phải để cho ông Phan Văn T thực hiện việc chặt rong các nhánh cành 03(ba) cây bàng có khoảng cách từ điểm cao nhất của cây theo chiều thẳng đứng đến độ cao của dây dẫn điện trần trung thế trên không là hai mét và được bọc nhựa hai đường dây điện trung thế đoạn đi qua bìa ranh đất của ông Hồ Xuân T.
Quyết định của Tòa án là phù hợp với quy định của pháp luật, bởi:
Thứ nhất, việc ông Phan Văn T kéo đường dây tải điện qua đất của ông Hồ Xuân T là phù hợp với thỏa thuận của các bên và Điều 255 Bộ luật Dân sự 2015.
Điều 255. Mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản khác
Chủ sở hữu bất động sản có quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản của các chủ sở hữu khác một cách hợp lý, nhưng phải bảo đảm an toàn và thuận tiện cho các chủ sở hữu đó; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Thứ hai, căn cứ vào Điểm c, Khoản 1 Điều 12 Nghị định 14/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành điện lực về an toàn điện thì: Đối với đường dây ngoài thành phố, thị xã, thị trấn thì khoảng cách từ điểm cao nhất của cây theo chiều thẳng đứng đến độ cao của dây dẫn thấp nhất khi đang ở trạng thái võng cực đại không nhỏ hơn khoảng cách quy định đối với cấp điện áp đến 35KV cho dây dẫn trần là hai mét. Do đó, việc Sở điện lực Bình Thuận cắt điện không cho ông Phan Văn T tiếp tục sử dụng với lí do đường dây điện bị vướng các nhánh bàng là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
Thứ ba, việc ông Phan Văn T yêu cầu được chặt rong các nhánh cây bàng để thi công bọc nhựa đường dây điện trên không đảm bảo khoảng cách an toàn đúng quy định là phù hợp với thỏa thuận của các bên và quy định của pháp luật:
Căn cứ Điều 274, Điều 275, Điều 276, Điều 281 Bộ luật dân sự 2015 thì ông Hồ Xuân T có nghĩa vụ để cho ông Phan Văn T được chặt các nhánh cây bàng để đảm bảo khoảng cách an toàn của ngành điện lực, nghĩa vụ này phát sinh từ thỏa thuận đã được ký kết giữa các bên (Khoản 1 Điều 275).
Chính vì vậy, Ông Hồ Xuân T có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của mình, việc ông T cho rằng nếu chặt rong các nhánh cây bàng nhiều lần thì cây bàng sẽ chết và dây diện đi trên phần đất của gia đình ông làm ảnh hưởng đến giá trị của phần đất là hoàn toàn không có căn cứ.
Như vậy, khi đồng ý cho người khác kéo đường dây tải điện qua đất của mình thì nên thực hiện nghĩa vụ để cho họ chặt các nhánh cây khi cần thiết để đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, đặc biệt là trong mùa mưa bão để tránh gây ra những thiệt hại về người và tài sản ảnh hưởng đến lợi ích của mình và người khác.