Ngày 01/6/2009, anh vợ của Ngụy Ngọc Vệ là ông Nguyễn Văn Hoan đưa cho Vệ số tiền 57.000.000đ nhờ gửi tiết kiệm hộ tại Quỹ tín dụng nhân dân xã V.N. Vệ đã làm thủ tục gửi tiết kiệm hộ cho ông Hoan và được cấp sổ số AB2907495 kỳ hạn 06 tháng, lãi suất 0,7%/tháng. Khi làm thủ tục gửi tiền, Vệ không ghi số CMND của ông Hoan vào thẻ lưu sổ tiết kiệm có kỳ hạn và sổ tiết kiệm có kỳ hạn. Sau đó, Vệ tự ý ký tên “Hoan” vào mục người gửi tiền ở thẻ lưu của sổ tiết kiệm và Vệ ký chữ của mình vào mục kế toán của thẻ lưu tiết kiệm và sổ tiết kiệm có kỳ hạn AB290795 cùng các chữ ký của thủ quỹ và Phó giám đốc quỹ tín dụng. Ngày 31/8/2009, Vệ tự ý rút số tiền gốc 10.000.000đ và 49.200đ tiền lãi trong sổ của ông Hoan. Ngày 19/10/2009, Vệ lại tiếp tục tự rút số tiền 12.600.000đ và tự ký tên Hoan vào phần người rút tiền để chiếm đoạt của Quỹ tín dụng xã V.N là 22.649.200đ nhưng Vệ lại không ghi vào sổ theo dõi. Đến ngày 01/12/2009, khi tất toán, Vệ vẫn rút tổng số tiền 59.394.000đ của Quỹ tín dụng để thanh toán cho ông Hoan.
Quá trình giải quyết vụ án: Quá trình điều tra, truy tố, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát huyện đã Kết luận điều tra và Cáo trạng truy tố Ngụy Ngọc Vệ về tội “Tham ô tài sản” và tại Bản án hình sự sơ thẩm số 41/2012/HSST ngày 20/6/2012 của TAND huyện đã quyết định: Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 278; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 33 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Ngụy Ngọc Vệ 05 năm tù về tội “Tham ô tài sản”.
Sau khi xét xử sơ thẩm, Ngụy Ngọc Vệ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát cũng như Hội đồng xét xử đều cho rằng bị cáo Vệ phạm tội “Tham ô tài sản” và Bản án hình sự phúc thẩm số 152/2012/HSPT ngày 27/8/2012 của TAND tỉnh đã quyết định: Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã bị kháng nghị giám đốc thẩm, hủy để xét xử lại cho đúng tội danh.
Theo VKSNDCC tại Hà Nội, Quỹ tín dụng nhân dân V.N là tổ chức kinh tế thuộc sở hữu của các thành viên được tổ chức dưới hình thức hợp tác xã. Vốn điều lệ của Quỹ là tài sản có nguồn gốc do các cá nhân góp vốn và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh, tự quyết định về phân phối thu nhập. Do đó, quỹ tín dụng không phải là cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế của Nhà nước. Tòa án 2 cấp nhận định Ngụy Ngọc Vệ với vai trò kế toán trưởng Quỹ tín dụng nhân dân xã V.N đã lợi dụng sự tin tưởng của Giám đốc, Thủ quỹ, Kiểm soát,… làm các thủ tục rút tiền nhằm chiếm đoạt số tiền 22.649.200đ của Quỹ tín dụng nhân dân V.N nên đã kết án bị cáo Ngụy Ngọc Vệ về tội “Tham ô tài sản” là chưa đúng về tội danh.
Hành vi giả mạo danh nghĩa ông Nguyễn Văn Hoan và lợi dụng vai trò làm kế toán trưởng của Quỹ để làm thủ tục rút tiền tiết kiệm 02 lần chiếm đoạt số tiền 22.649.200đ của Quỹ tín dụng nhân dân V.N nhưng không hạch toán kế toán, không ghi số tiền rút từng lần vào thẻ lưu sổ tiết kiệm. Sau đó, ông Hoan tất toán sổ tiết kiệm rút toàn bộ gốc và lãi của Quỹ tín dụng nhân dân V.N. Vì vậy, hành vi của bị cáo Ngụy Ngọc Vệ có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999, nay là Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Từ ngày 01/4/2014 đến ngày 21/4/2016, Hoàng Thị Lan lợi dụng là quyền Trưởng phòng kế toán, ngân quỹ của Agribank chi nhánh B.L, đã dùng thủ đoạn lập khống chứng từ, sửa chữa chứng từ, lấy tiền mặt từ quỹ không lập chứng từ kế toán, chiếm dụng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng, với tổng số tiền chiếm đoạt được là 3.470.000.000đ của Agribank chi nhánh B.L và làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, lập hồ sơ giả để vay 1.700.000.000đ. Nguyễn Hữu Tùng là giao dịch viên, biết việc hạch toán khống là sai quy định, nhưng thực hiện chỉ đạo của Hoàng Thị Lan, Tùng đã hạch toán 62 chứng từ nộp, rút tiền của khách hàng, qua đó, để Lan chiếm đoạt được 617.605.120đ. Tô Thị Ánh là thủ quỹ, biết việc xuất nhập quỹ tiền mặt không có chứng từ kế toán là sai quy định, nhưng Ánh đã nhiều lần xuất, nhập quỹ không có chứng từ kế toán (trong đó 06 lần xuất tiền chi Hoàng Thị Lan), qua đó, để Lan chiếm đoạt được 230.000.000đ. Nông Thị Nhung là Giám đốc đã không kiểm tra các giao dịch, không thực hiện đúng các quy trình nghiệp vụ thu, chi, kiểm quỹ để cho nhân viên dưới quyền báo cáo không đúng sự thật dẫn đến để Hoàng Thị Lan lợi dụng chiếm đoạt 3.470.000.000đ.
Quá trình giải quyết vụ án: Quá trình điều tra, truy tố, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát tỉnh đã kết luận điều tra và ra Cáo trạng truy tố Nông Thị Nhung về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 04/2018/HSST ngày 25/1/2018 của tỉnh lại quyết định: Áp dụng khoản 2 Điều 285; điểm p, q khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Nông Thị Nhung 4 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngày 05/2/2018, VKSND tỉnh C đã ban hành Quyết định kháng nghị phần áp dụng pháp luật đối với bị cáo Nông Thị Nhung vì hành vi của Nông Thị Nhung phạm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”
Ngày 13/8/2018, TANDCC tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm và căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự, chấp nhận Kháng nghị của Viện trưởng VKSND tỉnh C, áp dụng khoản 3 Điều 165; điểm p, q khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt bị cáo Nông Thị Nhung 04 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”
Theo VKSNDCC tại Hà Nội, bị cáo Nông Thị Nhung với cương vị là Giám đốc Agribank B.L đã phê duyệt 04 bút toàn trên hệ thống IPCAS đã vi phạm Quyết định số 1000/QĐ-HĐQT-TCKT ngày 05/7/2011 của Agribank ban hành chế độ chứng từ kế toán áp dụng trong hệ thống Agribank và Quyết định số 311/QĐ-NHNo-TCKT ngày 27/3/2014 của Agribank ban hành Quy định luân chuyển, xử lý chứng từ hạch toán kế toán trong hệ thống Agribank nên không thể xác định hành vi đấy là “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” như Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định mà đây là hành vi “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” như Cơ quan điều tra kết luận và VKSND đã truy tố là đúng quy định pháp luật.