TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
QUYẾT ĐỊNH GĐT 08/2023/DS-GĐT NGÀY 10/02/2023 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 10/02/2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất”, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: bà A, sinh năm 1945; địa chỉ: buôn H2, xã M2, huyện M1, tỉnh Đắk Lắk (ủy quyền cho con gái là chị D, sinh năm 1989; địa chỉ: buôn H2, xã M2, huyện M1, tỉnh Đắk Lắk theo Giấy ủy quyền ngày 18/8/2020).
2. Bị đơn: chị B, sinh năm 1979 và anh C, sinh năm 1982; địa chỉ: buôn H2, xã M2, huyện M1, tỉnh Đắk Lắk.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1. Chị D, sinh năm 1989; địa chỉ: buôn H2, xã M2, huyện M1, tỉnh Đắk Lắk .
3.2. Chị E, sinh năm 1974; địa chỉ: thôn Ea, xã S, huyện S1, tỉnh Phú Yên.
3.3. Bà G, sinh năm 1967; địa chỉ: buôn H2, xã M2, huyện M1, tỉnh Đắk Lắk.
3.4. Anh H, sinh năm 1978; địa chỉ: buôn Kít, xã S, huyện S1, tỉnh Phú Yên.
3.5. Anh Y, sinh năm 1981; địa chỉ: buôn Um, xã Krông Jing, huyện M1, tỉnh Đắk Lắk.
3.6. Chị K sinh năm 1990; địa chỉ: buôn Kít, xã S, huyện S1, tỉnh Phú Yên.
3.7. Bà H3 sinh năm 1958; địa chỉ: buôn M Rông A, thị trấn Ea K, tỉnh Đắk Lắk.
3.8. Bà H4 sinh năm 1961; địa chỉ: tổ dân phố 1, thị trấn M1, huyện M1, tỉnh Đắk Lăk.
3.9. Ông N sinh năm 1965; địa chỉ: buôn Mrơng A, xã Ea T, thành phố B1, tỉnh Đắk Lắk.
3.10. Ông O sinh năm 1974; địa chỉ: buôn GLăn, xã M2, huyện M1, tỉnh Đắk Lắk.
3.11. Ông P, sinh năm 1963; địa chỉ: buôn Đức, xã M2, huyện M1, tỉnh Đắk Lắk.
3.12. Ủy ban nhân dân huyện M1, tỉnh Đắk Lăk; địa chỉ: tổ dân phố 06, thị trấn M'Đrắk, huyện M1, tỉnh Đắk Lắk.
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Nguyên đơn là bà A trình bày:
Thửa đất số 78, tờ bản đồ 02, diện tích 1.170m2 tại buôn H2, xã M2, huyện M1, tỉnh Đắk Lắk có nguồn gốc là của vợ chồng Bà và ông Y2 khai hoang từ trước năm 1970. Năm 1994, Bà và ông Y2 đăng ký, kê khai và được Ủy ban nhân dân huyện M1 cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số D 0374409 ngày 08/7/1994 đứng tên bà A. Quá trình sinh sống do đất ít và con đông, vợ chồng Bà đi qua xã EaMĐoal khai hoang đất để trồng thêm rẫy nên cho cụ Y1, cụ H14 mượn nhà để ở nhưng không lập thành văn bản mà chỉ nói miệng; gia đình Bà vẫn thường xuyên về thửa đất nêu trên để sản xuất. Đến khoảng năm 2004-2006, Bà về lại buôn H2 để sinh sống nên yêu cầu gia đình cụ Y1 trả lại nhà và đất nhưng cụ Y1 không trả. Do đó, Bà đã làm đơn yêu cầu Ban tự quản buôn và Ủy ban nhân dân xã M2 giải quyết nhưng không thành. Nay Bà yêu cầu Tòa án giải quyết buộc chị B, anh C phải trả lại diện tích đất thực tế 1.063m2 cho gia đình Bà.
- Bị đơn là chị B, anh C trình bày:
Nguồn gốc thửa đất số 78, tờ bản đồ 02 là của cụ Y1, cụ H14 (ông, bà ngoại của bị đơn) khai hoang làm nhà ở từ năm 1962. Đến khoảng năm 1983- 1984, để thuận tiện cho việc trồng lúa nước và làm rẫy; gia đình cụ Y1 chuyển đến khu vực gần bờ đập buôn H2, xã M2 làm nhà ở nên cho bà A mượn đất làm nhà sàn sinh sống nhưng cụ Y1, cụ H14 vẫn thường xuyên về lại diện tích đất nêu trên để sản xuất.
Khoảng năm 1993-1994, gia đình bà A chuyển khẩu vào xã Ea M’Đoal, huyện M1 làm rẫy không sử dụng nhà nữa nên đã bán ngôi nhà sàn cho cụ Y1 với giá 05 chỉ vàng và trả lại đất cho cụ Y1; gia đình cụ Y1 sinh sống và sản xuất từ đó cho đến khi chết. Theo phong tục của người Ê đê, tài sản của cha mẹ sau khi chết sẽ được để lại cho con gái, bà H3 và bà H4 là con gái nên được thừa kế toàn bộ thửa đất nêu trên; bà H3 sinh sống tại huyện Ea Kar nên thửa đất và tài sản gắn liền với đất nêu trên để lại cho bà H4 quản lý, sử dụng. Năm 2008, bà H4 dỡ ngôi nhà sàn (nhà mua của bà A) và cho ông H5 mượn đất trồng ngô, sắn. Đến năm 2010, ông Y3, bà H4, ông H6, ông H7 và ông H8 lập giấy ủy quyền sử dụng đất cho chị B; năm 2014 Anh, Chị làm nhà kiên cố sinh sống ổn định từ đó cho đến nay.
Năm 2017, chị B liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới biết diện tích đất nêu trên đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà A nên chị B đến nhà bà A thương lượng sang tên thửa đất nêu trên thì bà A mới biết gia đình Bà được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến năm 2019, bà A mới đòi lại diện tích đất trên; quá trình hoà giải tại chính quyền địa phương, bà A thừa nhận có bán ngôi nhà sàn cho cụ Y1, cụ H14 nhưng không bán đất vì đất là của cụ Y1, cụ H14 nên bên thỏa thuận Chị hỗ trợ mua cho gia đình bà A diện tích đất để sinh sống (vì gia đình bà A có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời Chị muốn giải quyết vụ việc nhanh chóng). Việc sử dụng đất của gia đình Anh, Chị công khai liên tục, bà A sống gần đó đều biết nhưng không có ý kiến gì. Nay bà A khởi kiện yêu cầu trả lại đất, Anh, Chị không đồng ý.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
+ Chị D, chị E, Anh H, Anh Y, bà G và chị K trình bày: thống nhất với lời trình bày của nguyên đơn bà A.
+ Bà L, bà M, ông N, ông H7, ông P, bà H9: thống nhất với nội dung trình bày của chị B.
- Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 07/2022/DS-ST ngày 22/4/2022, Tòa án nhân dân huyện M1, tỉnh Đắk Lắk quyết định:
Căn cứ Điều 12, khoản 2 Điều 106, Điều 170 Điều 202 và Điều 203 Luật đất đai năm 2013;
Căn cứ Điều 26, 39, Điều 147, 157, 158 Điều 220, Điều 266, Điều 271, Điều 244 và Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự;
1. Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà A về việc buộc bị đơn vợ chồng chị B, anh C phải trả diện tích đất 1.063,4m2 tại thửa đất số 78, tờ bản đồ 02 tọa lạc Buôn H2, xã M2, huyện M1 theo GCNQSDĐ số D 0374409 do UBND huyện M1 cấp cho bà A ngày 08/7/1994. Vị trí như sau: Phía Đông giáp đất của ông H5 dài 45,08m.
Phía Tây giáp đất vợ chồng ông H10, bà H11dài 47,96m.
Phía Nam giáp đường bê tông liên thôn dài 23,35m.
Phía Bắc giáp đất ông H12 (thửa 63, hiện nay bà H9 đang sử dụng) dài 12,19m, giáp đất bà H11 (thửa 64) dài 10,24m.
2. Kiến nghị UBND huyện thu hồi GCNQSDĐ đất số D 0374409 UBND huyện cấp ngày 8/7/1994 cho hộ bà A được quyền sử dụng diện tích 1.063,4m2 thửa đất số 78, tờ bản đồ 02 tọa lạc ở buôn H2, xã M2, huyện M1.
Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, chi phí tố tụng và thông báo quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 05/5/2022, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị D có đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm.
- Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 166/2022/DS-PT ngày 07/9/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk quyết định:
[1] Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự;
Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị D. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 07/2022/DS-ST ngày 22/4/2022 của Tòa án nhân dân huyện M1, tỉnh Đắk Lắk.
[2] Căn cứ Khoản 1 Điều 73 Luật đất đai năm 2013.
Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà A. Buộc bị đơn vợ chồng chị B, anh C phải trả diện tích đất 1.063,4m2 tại thửa đất số 78, tờ bản đồ 02 tọa lạc Buôn H2, xã M2, huyện M1, tỉnh Đắk Lắk, theo GCNQSDĐ số D-0374409 do UBND huyện M1, tỉnh Đắk Lắk cấp cho bà A ngày 08/7/1994. Có vị trí như sau: Phía Đông giáp đất của ông H5 dài 45,08m. Phía Tây giáp đất vợ chồng ông H10, bà H11dài 47,96m. Phía Nam giáp đường bê tông liên thôn dài 23,35m. Phía Bắc giáp đất ông H12(thửa 63, hiện nay bà H9 đang sử dụng) dài 12,19m, giáp đất bà H4 (thửa 64) dài 10,24m.
- Buộc bà A có trách nhiệm thanh toán số tiền 216.469.000đ ( hai trăm mười sáu triệu, bốn trăm sáu mươi chín nghìn đồng) giá trị tài sản trên đất cho vợ chồng chị B và anh C (theo Biên bản định giá tài sản ngày 25/10/2021).
- Buộc vợ chồng chị B, anh C phải bàn giao toàn bộ tài sản trên đất, theo biên bản thẩm định ngày 05 tháng 3 năm 2021 gồm: 01 căn nhà xây cấp 4, diện tích 67,5m2; 01 nhà sàn, diện tích 46,4m2; 01 giếng đào và các cây trồng trên đất gồm: 04 cây mít, 01 cây nhãn, 01 cây sao, 03 cây bơ, 02 cây hoa giấy, 01 cây sanh, 02 cậy lộc vừng, 03 cây xoài và 21 cây núc nắc có trên đất cho bà H’ Cũ Byă.
Ngoài ra, Toà án phúc thẩm còn quyết định về án phí, chi phí tố tụng khác.
Ngày 24/10/2022, chị B và anh C có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên với lý do: nguồn gốc diện tích đất đang tranh chấp của cụ H14, cụ Y1 khai hoang, do quen biết nên hai Cụ đã cho gia đình bà A làm nhà ở nhờ. Đến năm 1995, bà A trả lại đất đồng thời bán ngôi nhà cho cụ H14, cụ Y1. Việc Tòa án cấp phúc chấp nhận một phần đơn khởi kiện của bà A là không có cơ sở, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chị B và anh C.
- Tại Quyết định kháng nghị số 02/2023/KN-DS ngày 09/01/2023, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 166/2022/DS-PT ngày 07/9/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk; đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 166/2022/DS-PT ngày 07/9/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk; giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 07/2022/DS-ST ngày 22/4/2022 của Tòa án nhân dân huyện M1, tỉnh Đắk Lắk.
- Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1]. Về nguồn gốc thửa đất tranh chấp và quá trình sử dụng đất: Căn cứ vào kết quả xác minh tại Ban tự quản buôn H2, hộ có đất giáp ranh, những người sống lâu năm tại buôn H2 và tại UBND xã M2, thể hiện:
- Tại Biên bản về việc xác minh nguồn gốc, hiện trạng sử dụng đất ngày 26/5/2020 của Ủy ban nhân dân xã M2, ông H5 (là người làm chứng và sống lâu năm tại buôn H2) trình bày: “…Năm 1963 hộ gia đình ông Y1, bà H14 làm nhà và sử dụng ổn định trên lô đất đang tranh chấp…. Đến năm 1984 gia đình bà A đến ở lô đất nêu trên…. Đến năm 2002-2003 ông O em ruột của ông P mua nhà của bà A, không mua đất vì đất gia đình bà A đang ở là đất của bố mẹ H7nên chỉ mua nhà với giá 5 chỉ vàng, mua bán không viết giấy mà chỉ nói miệng. Từ đó cho đến nay ông O ở cùng ông, bà tại lô đất này ổn định không có ai tranh chấp hay ý kiến gì…. Vì bà B là cháu ngoại theo mẫu hệ nên được hưởng thừa kế theo quy định…”. Cũng tại biên bản này, ông H13 là người làm chứng và sống lâu năm tại buôn H2) trình bày: “Việc bà A đòi lại đất nêu trên là không đúng và đất đó không phải đất của gia đình bà A mà nguồn gốc đất nêu trên là đất của ông, bà B sử dụng từ năm 1963…” - Tại Biên bản lấy lời khai ngày 12/3/2021, bà H11 trình bày (bút lục 135): “…nguồn gốc đất từ đâu tôi không biết, chỉ thấy ban đầu gia đình ông Y1 sử dụng làm nhà ở và làm vườn. Sau một thời gian sinh sống khá dài, khi các con ông Y1 lập gia đình thì gia đình ông Y1 dựng thêm một ngôi nhà khác gần suối…. Gia đình ông Y1 vẫn luân phiên sử dụng đất giáp với gia đình tôi. Sau đó tôi thấy gia đình bà A đến ở được 6,7 năm thì dọn đến Nông trường thuộc xã Ea M’Doal, huyện M1 ở và để lại căn nhà sàn. Khi gia đình ông Y1 quay lại ở cho đến lúc chết thì con gái là chị H4 tiếp tục quản lý, sử dụng và sau đó giao lại cho vợ chồng chị B sử dụng cho đến nay….
- Tại Biên bản lấy lời khai ngày 16/12/2020 (bút lục 132), ông H13 trình bày: “…Tôi làm Tập đoàn trưởng tập đoàn sản xuất xã M2 từ năm 1975 đến năm 1979, làm Chủ nhiệm hợp tác xã Cư Du xã M2 từ năm 1979 đến năm 1997, làm Phó chủ tịch xã M2 từ năm 1985 đến 1990, làm Phó chủ tịch huyện M1 từ năm 1990 đến năm 1995. ….Tôi và gia đình sống từ nhỏ tại buôn H2 đến nay không chuyển đi đâu nên tôi biết rõ nguồn gốc đất hiện nay đang tranh chấp…. Nguồn gốc diện tích đất tranh chấp do ông Y1, bà H14 bắt đầu sử dụng từ khoảng năm 1961-1962…. Sau khi khai hoang, gia đình Y1 sử dụng đất làm nhà để ở và trồng cây, chăn nuôi. Đến khoảng trước năm 1990,… gia đình Y1 dựng một ngôi nhà gần suối buôn H2 để trồng lúa và làm rẫy, nhà cũ thì để đó thỉnh thoảng có quay về canh tác…. Sau đó Y1 bán ngôi nhà trên đất cho anh của bà A, … bà A dỡ ngôi nhà này đi nơi khác rồi dựng ngôi nhà sàn bằng gỗ trên đất còn cây trồng trên đất của Y1 vẫn còn. Khoảng năm 1995, gia đình Y1 quay lại nhà cũ ở. Gia đình bà A không sử dụng nhà nữa nên đã bán lại ngôi nhà cho Y1 với giá 5 chỉ vàng….Vì bà H3 sinh sống tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk nên toàn bộ diện tích đất, tài sản trên đất để lại cho bà H4.... Đến năm 2014, bà H4 cho vợ chồng B xây nhà, canh tác trồng hoa màu sử dụng ổn định cho đến nay …. Đến năm 2019, bà A mới yêu cầu Ban tự quản buôn và UBND xã M2 giải quyết đòi lại đất. Khi giải quyết, bà A đều công nhận là mua ngôi nhà trên đất của ông Y1, bà H14 sau đó bán lại cho ông Y1, bà H14 giá 5chỉ vàng. Gia đình B đã chấp nhận hỗ trợ cho gia đình A 01 lô đất khác để làm nhà ở, lúc đó A đã chấp nhận….
Đối với các hộ giáp ranh bà H15 và bà H16 là họ hàng với nguyên đơn không cung cấp được thông tin rõ ràng về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất mà chỉ biết đến năm 2020 mới nghe các bên đương sự cãi nhau về tranh chấp đất.
Do đó, có cơ sở xác định nguồn gốc thửa đất tranh chấp này là của gia đình cụ Y1, cụ H14 và chị B là người được thừa kế; vợ chồng chị B và anh C đã làm nhà ở ổn định, không có tranh chấp đến năm 2019. Từ năm 2003 gia đình bà A đã về buôn H2 sinh sống nhưng vẫn không có ý kiến, tranh chấp gì về việc sử dụng đất của bị đơn.
[2]. Về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà A.
Ngày 08/7/1994, hộ bà A được Uỷ ban nhân dân huyện M1 cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số D 0374409 đối với thửa đất số 78, tờ bản đồ số 02 tọa lạc buôn H2, xã M2, huyện M1 (là thửa đất đang tranh chấp).
Theo Biên bản lấy lời khai ngày 16/12/2020 (bút lục 132), ông H13 trình bày “…Tôi làm Tập đoàn trưởng tập đoàn sản xuất xã M2 từ năm 1975 đến năm 1979, làm Chủ nhiệm hợp tác xã Cư Du xã M2 từ năm 1979 đến năm 1997, làm Phó chủ tịch xã M2 từ năm 1985 đến 1990, làm Phó chủ tịch huyện M1 từ năm 1990 đến năm 1995 ….Thời gian đó việc cấp GCN là đồng loạt, theo chỉ tiêu. Buôn trưởng và địa chính xã đến các hộ đang sử dụng đất kiểm tra đo đạc sơ đồ, các hộ không làm đơn kê khai, UBND xã không xác minh về nguồn gốc đất cũng như xác nhận của các hộ có đất giáp ranh. Các hộ có GCN lên xã để nhận, không biết vị trí diện tích đất mình được cấp cụ thể như thế nào”. Lời khai này của ông H13 phù hợp với lời khai của nhiều người làm chứng khác như bà H11(bút lục 135); ông H5(Ma Nê) “…Trong quá trình sinh sống đến năm 1993 - 1994 có chủ trương nhà nước đo đạc cấp giấy chứng nhận QSD đất thì Buôn trưởng không biết đất đó là của ai mà chỉ thấy hộ nào có nhà trên đất là đăng ký. Khi hộ bà A làm thủ tục bìa đỏ, ông Y1 không biết….”. Phù hợp với nội dung Biên bản về việc xác minh nguồn gốc, hiện trạng sử dụng đất ngày 26/5/2020 của Ủy ban nhân dân xã M2 là việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà A là cấp cho ai đang sử dụng. Bản thân bà A không biết mình được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà A không biết diện tích, vị trí thửa đất được cấp, không có các hộ xung quanh ký giáp ranh và không xác minh nguồn gốc đất, dẫn đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có sự sai sót, không đúng nguồn gốc sử dụng, không đúng đối tượng. Gia đình bà H14 cũng không biết đất của gia đình mình bị cấp quyền sử dụng cho hộ bà A. Năm 2017 bị đơn làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới biết và đã thương lượng với nguyên đơn để làm thủ tục sang tên, lúc này nguyên đơn vẫn chưa tranh chấp mà đến năm 2019 các bên mới phát sinh tranh chấp.
Quá trình hoà giải tại buôn H2 và Uỷ ban nhân dân xã M2, gia đình nguyên đơn thừa nhận đã bán ngôi nhà sàn trên đất cho cụ Y1, do không có chổ ở nên đề nghị gia đình bị đơn sắp xếp cho một lô đất khác để ở, gia đình bị đơn làm thủ tục sang tên lại cho gia đình bị đơn, hai bên đã thống nhất phương án hoà giải nhưng sau đó phía nguyên đơn thay đổi, không đồng ý.
Do đó, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà A là không đúng với trình tự, thủ tục, nội dung theo quy định của pháp luật.
[3]. Như vậy, có đủ cơ sở xác định thửa đất số 78, tờ bản đồ số 02 diện tích 1.063,4m2 tọa lạc buôn H2, xã M2, huyện M1, tỉnh Đắk Lắk có nguồn gốc là của cụ Y1, cụ H14 (ông, bà ngoại của bị đơn) khai hoang và làm nhà ở từ khoảng năm 1961. Quá trình sinh sống, cụ Y1, cụ H14 cho gia đình bà A mượn đất để ở. Đến khoảng năm 1995, cụ Y1 và cụ H14 về lại thửa đất nêu trên để sinh sống và mua lại ngôi nhà của bà A (do gia đình bà A xây dựng trong thời gian mượn đất). Thửa đất này hiện nay do chị B, anh C quản lý, sử dụng hợp pháp (theo phong tục của người Ê đê và uỷ quyền của của các người thừa kế). Bà A khởi kiện yêu cầu chị B, anh C phải trả lại thửa đất này cho Bà là không có căn cứ. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận đơn khởi kiện của bà A là đúng pháp luật; Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận đơn khởi kiện của bà A là không có cơ sở.
[4]. Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm xét thấy cần chấp nhận Quyết định kháng nghị số 02/2023/KN-DS ngày 09/01/2023 của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 166/2022/DS-PT ngày 07/9/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk; giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 07/2022/DS-ST ngày 22/4/2022 của Tòa án nhân dân huyện M1, tỉnh Đắk Lắk.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 337 và Điều 343 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
1. Chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 02/2023/KN-DS ngày 09/01/2023 của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.
2. Hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 166/2022/DS-PT ngày 07/9/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk; giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 07/2022/DS-ST ngày 22/4/2022 của Tòa án nhân dân huyện M1, tỉnh Đắk Lắk;
3. Về án phí phúc thẩm: áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 6, khoản 7 Điều 18 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án:
Miễn toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm cho chị D.
Buộc bà A phải chịu tiền chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản 2.000.000 đồng.
Trường hợp bà A đã nhận lại số tiền 2.000.000 đồng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản theo quyết định của Bản án dân sự phúc thẩm, thì bà A phải nộp lại số tiền chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản nêu trên.
4. Quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định.
Quyết định GĐT về tranh chấp quyền sử dụng đất (cho người khác mượn đất để ở) số 08/2023/DS-GĐT
Số hiệu: | 08/2023/DS-GĐT |
Cấp xét xử: | Giám đốc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 10/02/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về