Quyết định GĐT về tranh chấp hợp đồng tín dụng số 14/2023/KDTM-GĐT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM 14/2023/KDTM-GĐT NGÀY 23/09/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Ngày 23-9-2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”, giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đ; trụ sở: số 199 Nguyễn L, phường T, thành phố H, tỉnh Hải Dương.

Người đại diện theo pháp luật: ông Đỗ Thanh S - Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng thành viên.

* Bị đơn: Công ty TNHH X; địa chỉ: số 47 L, phường Đ, thành phố H, tỉnh Quảng Bình.

Người đại diện theo pháp luật: ông Lê Văn H - Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ngân hàng Phát triển V; địa chỉ: số 25A C, quận Đ, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: ông Đào Quang T - Tổng Giám đốc.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Nguyên đơn, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đ trình bày:

Công ty Trách nhiệm hữu hạn X (viết tắt là Công ty X) vay vốn tại Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đ (viết tắt là Ngân hàng O) theo Hợp đồng tín dụng trung, dài hạn số 0073/2009/EDDTD1-O06 ngày 22-05-2009 và các Phụ lục kèm theo (sau đây viết tắt là Hợp đồng tín dụng). Theo các Giấy nhận nợ (hoặc Khế ước nhận nợ) từ số 01 đến 15 thuộc Hợp đồng tín dụng, Ngân hàng O đã giải ngân cho Công ty X tổng cộng số tiền là 8.452.653.000 đồng. Tài sản bảo đảm cho khoản vay nêu trên là Hợp đồng bảo lãnh vay vốn số 02/2009/NHPT.QBI-BLDA ngày 26-5-2009, Chứng thư bảo lãnh số 03/NHPT.QBI- CTBL ngày 26-5-2009 và các chứng thư sửa đổi kèm theo của Ngân hàng Phát triển V (viết tắt là Ngân hàng V).

Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty X đã trả cho Ngân hàng O số tiền 6.525.411.966 đồng (trong đó, nợ gốc 2.586.083.048 đồng và nợ lãi phạt đã trả 3.939.328.918 đồng), sau đó công ty đã để phát sinh nợ quá hạn từ ngày 14-01- 2013. Mặc dù, Ngân hàng O đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở và tạo điều kiện để Công ty X khắc phục khó khăn, thu xếp thanh toán khoản nợ cho Ngân hàng O, nhưng Công ty X không hợp tác, không đưa ra được phương án trả nợ khả thi cho Ngân hàng O.

Vì vậy, Ngân hàng O khởi kiện, yêu cầu Tòa án buộc Công ty X phải thanh toán cho Ngân hàng O số tiền tạm tính đến ngày 24-01-2022 là 6.884.196.713 đồng (trong đó, nợ gốc là 910.000.000 đồng, nợ lãi trong hạn là 944.973.607 đồng, lãi trên gốc quá hạn là 3.062.205.205 đồng, phạt lãi quá hạn là 1.967.017.901 đồng) và lãi phát sinh theo Hợp đồng tín dụng cho đến ngày Công ty X thanh toán xong nợ.

Buộc Công ty X phải ký quỹ số tiền hỗ trợ lãi suất 572.808.289 đồng tại Ngân hàng O. Sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết toán xong tiền hỗ trợ lãi suất, thì Ngân hàng O sẽ quyết toán lại cho Công ty X và hoàn trả số tiền chênh lệch (nếu có).

Trong trường hợp Công ty X không trả nợ, đề nghị Tòa án buộc Ngân hàng V phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả nợ thay cho Công ty X số tiền là 3.050.491.396 đồng (trong đó, nợ gốc là 910.000.000 đồng, nợ lãi trong hạn là 323.941.668 đồng, lãi trên gốc quá hạn là 1.816.549.728 đồng) tính đến ngày 24- 01-2022.

Đối với bị đơn là Công ty X: Qua xác minh tại Công an thành phố Đ xác định Công ty X không có trụ sở tại số 47 L, tổ dân phố Đ, phường Đ, thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình; ông Lê Văn H Giám đốc Công ty X hiện không sinh sống tại địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú, nhưng chưa cắt chuyển hộ khẩu. Theo Công văn số 132/QLXNC-P5 ngày 31-12-2020 của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và Công văn số 2610/2020/CV-DS ngày 23-12-2020 của Tòa án nhân dân thành phố Đ, thì ông Lê Văn H đã xuất nhập cảnh 09 lần và lần nhập cảnh cuối cùng là ngày 02-9-2005. Theo Công văn phúc đáp số 03/KHĐT-ĐK ngày 21-01-2021 của Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình, thì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo Quyết định số: 13084/17 ngày 08-12- 2017 đã bị thu hồi. Sau đó, Công ty X không đến làm thủ tục giải thể; về địa chỉ: Công ty X chỉ đăng ký 1 địa chỉ trụ sở từ khi thành lập đến nay. Tòa án đã tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng cho bị đơn tại địa chỉ đăng ký trong Giấy phép kinh doanh, nhưng bị đơn không có mặt.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Ngân hàng V trình bày:

Đối với yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng O về việc buộc Công ty X phải trả nợ vay theo Hợp đồng tín dụng, Ngân hàng V không có ý kiến gì. Đối với yêu cầu của Ngân hàng O về việc buộc Ngân hàng V thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay Công ty X trong trường hợp không thu hồi được nợ từ Công ty X, Ngân hàng V có ý kiến như sau:

Hiện nay, dư nợ của Dự án Nhà máy Cơ khí tổng hợp tại Ngân hàng O gồm 02 phần: (1) Phần thứ nhất là dư nợ gốc 910.000.000 đồng tương đương với hạng mục ô tô tải cẩu và toàn bộ lãi phát sinh liên quan đến hạng mục này và (2) là số tiền lãi còn lại trên khoản nợ gốc 2.540.000.000 đồng.

Đối với khoản nợ gốc 910.000.000 đồng, tương đương hạng mục xe ô tô tải cẩu và phần lãi phát sinh, Ngân hàng V từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, cụ thể:

- Tại Điều 7 Hợp đồng bảo lãnh vay vốn số 02/2009/NHPT.QBI-BLDA ngày 26-5-2009 quy định: Bên được bảo lãnh là Công ty Địa Cầu Xanh không được sử dụng tài sản bảo đảm cho bảo lãnh làm tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ khác hoặc dùng tài sản góp vốn kinh doanh, đầu tư vào doanh nghiệp khác.

- Tại điểm 2 của Chứng thư bảo lãnh số 03/NHPT.QBI-CTBL quy định: Khi dự án hoàn thành, bên được bảo lãnh là Công ty X có trách nhiệm chuyển giao toàn bộ giấy tờ (bản gốc) liên quan đến tài sản hình thành từ vốn vay được bão lãnh cho bên bảo lãnh là Ngân hàng V. Tuy nhiên, sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, Công ty X không thực hiện việc bàn giao Giấy chứng nhận đăng ký ô tô đối với xe ô tô tải cẩu cho Ngân hàng V mà sử dụng vào mục đích khác. Như vậy, Công ty X đã vi phạm các cam kết tại Hợp đồng bảo lãnh và Chứng thư bảo lãnh.

Căn cứ khoản k điểm 1 Điều 14 tại Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg ngày 21-01-2009 về việc ban hành Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của Ngân hàng Thương mại: Ngân hàng Phát triển có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi bên được bảo lãnh vi phạm Hợp đồng bảo lãnh vay vốn hoặc Chứng thư bảo lãnh. Ngân hàng V từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với phần dư nợ gốc 910.000.000 đồng và lãi phát sinh liên quan đến hạng mục xe ôtô tải cẩu.

Tại các Công văn số 302/NHPT.QBI-TD ngày 24-8-2018; Công văn số 251/NHPT.QBI-TD ngày 21-8-2019 và Công văn số 78/NHPT.QBI-TD ngày 09- 3-2020, Ngân hàng V đã đề nghị Ngân hàng O trực tiếp thu hồi khoản nợ trên từ Công ty X. Do đó, Ngân hàng V không có trách nhiệm trả nợ thay cho Công ty X trong trường hợp Ngân hàng O không thu hồi được nợ từ Công ty X.

Đối với các khoản lãi phát sinh trên các hạng mục tài sản khác, Ngân hàng V có ý kiến như sau:

- Tại Điều 14 Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg ngày 21-01-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của Ngân hàng Thương mại quy định: Bên bảo lãnh được quyền phối hợp với bên nhận bảo lãnh kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn và hoàn trả nợ của bên được bảo lãnh; bên bảo lãnh được yêu cầu bên được bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh cung cấp thông tin và báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình hoạt động của bên được bảo lãnh liên quan đến việc bảo lãnh vay vốn.

- Trong 02 lần trả nợ thay đối với Dự án Nhà máy Cơ khí tổng hợp, Ngân hàng V đã tạm chấp thuận các số liệu về dư nợ gốc, lãi do Ngân hàng O cung cấp. Vì vậy, tại các Công văn số 256/NHPT.QBI-TD ngày 03-7y2018; Công văn số 302/NHDPT.QBI-TD ngày 24-8-2018; Công văn số 251/NHPT.QBI-TD ngày 21-8-2019 và Công văn số 78/NHPT.QBI-TD ngày 09-3-2020, Ngân hàng V đã đề nghị Ngân hàng O cung cấp thông tin và phối hợp với Ngân hàng V thực hiện rà soát số liệu chi tiết về giải ngân, thu nợ, phạm vi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh để xác định chính xác nghĩa vụ bảo lãnh đối với dự án theo đúng quy định. Hồ sơ đề nghị Ngân hàng O cung cấp bao gồm: (1) Thông tin về từng lần giải ngân (số tiền, thời gian giải ngân, lãi suất vay vốn áp dụng trong từng thời kỳ), (2) Thông tin về trả nợ của Công ty X và trả nợ thay của Chi nhánh Ngân hàng V (số tiền trả nợ, thời gian trả nợ, nội dung trả nợ, trả nợ gốc, trả nợ lãi, lãi phạt quá hạn, lãi phạt trong hạn). Tuy nhiên, Ngân hàng O không có công văn phản hồi, không phối hợp cung cấp thông tin, rà soát hồ sơ theo đề nghị, nên Ngân hàng V chưa có đủ thông tin để xác định nghĩa vụ thực hiện bảo lãnh. Mặt khác, việc Ngân hàng O không phối hợp cung cấp thông tin, rà soát hồ sơ theo đề nghị của Ngân hàng V là chưa thực hiện đúng theo quy định của Quyết định số 14/2009/QĐ- TTg ngày 21-01-2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Về thời hiệu đề nghị áp dụng: Tại Biên bản làm việc ngày 30-5-2017, giữa Ngân hàng V với Ngân hàng O và Công văn số 164/NHPT.QBI-TD ngày 14-4- 2017 về thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh Dự án Nhà máy Cơ khí tổng hợp, Ngân hàng V đã từ chối nghĩa vụ bảo lãnh đối với phần gốc và lãi liên quan đến hạng mục xe ô tô tải cẩu do Công ty X không thực hiện bàn giao Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô tải cẩu và sử dụng tài sản này không đúng mục đích. Tiếp theo đó, Ngân hàng V có các công văn từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nói trên tại Công văn số 256/NHPT.QBI-TD ngày 03-7-2018, Công văn số 251/NHPT.QBI- TD ngày 21-8-2019 và Công văn số 78/NHPT.QBI-TD ngày 09-3-2020. Theo quy định tại Điều 429 của Bộ luật Dân sự thì “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phảỉ biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.

Vì vậy, Ngân hàng V đề nghị Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là 3 năm, kể cả phần lãi suất phát sinh trên phần gốc 2.540.000.000 đồng mà Ngân hàng V đã thực hiện trả nợ thay cho bị đơn lần hai.

- Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2022/KDTM-ST ngày 24-01-2022, Tòa án nhân dân thành phố Đ quyết định:

Căn cứ Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, điểm g khoản 1 Điều 40, Điều 147, điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 429 và Điều 688 của Bộ luật Dân sự năm 2015; các Điều 318, 342, 343, 344, 348, 349, 350, 352, 353, 355, 361, 362, 363, 367, 369, 471, 474 và 476 của Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 91 và 95 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 ; Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11-01-2019 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn về áp dụng lãi, lãi suất, phạt vi phạm; Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12- 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đ (O).

1.1. Buộc Công ty TNHH X phải trả cho Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đ (O) số tiền tính đến ngày 24-01-2022 là: 4.917.178.812 đồng (trong đó: nợ gốc là 910.000.000 đồng, nợ lãi trong hạn là 944.973.607 đồng, lãi trên gốc quá hạn là 3.062.205.205 đồng).

1.2. Kể từ ngày 25-01-2022 cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi trên số nợ gốc còn phải thi hành án theo mức lãi suất do các bên thỏa thuận tại Hợp đồng tín dụng trung, dài hạn số 0073/2009/HDTD1-O06 ngày 22-05-2009 và các Phụ lục kèm theo được ký giữa Ngân hàng O - Chi nhánh Đà Nẵng với Công ty X là phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết.

2. Bác một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về yêu cầu tính lãi chậm trả số tiền 1.967.017.901 đồng.

2.1. Buộc Công ty TNHH X phải ký quỹ số tiền hỗ trợ lãi suất là 572.808.289 đồng tại O. Sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết toán xong tiền hỗ trợ lãi suất cho O, O sẽ quyết toán lại cho Công ty TNHH X và hoàn trả tiền chênh lệch (nếu có).

2.2. Bác yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, do đã hết thời hiệu 03 năm và Ngân hàng V có yêu cầu áp dụng thời hiệu.

Ngày 26-01-2022, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đ kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 05/2022/KDTM-PT ngày 07-7-2022, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình quyết định:

Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự; không chấp nhận kháng cáo của Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đ; giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2022/KDTM-ST ngày 24-01-2022 của Tòa án nhân dân thành phố Đ.

Ngày 26-01-2022, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đ (O) có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm nêu trên.

Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 07/2023/KN-KDTM ngày 07/9/2023, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm nêu trên về phần thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh; chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

- Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 07/2023/KN-KDTM ngày 07/9/2023 của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 [1] Về số tiền nợ gốc và lãi:

Công ty X vay Ngân hàng O 8.452.653.000 đồng. Quá trình thực hiện hợp đồng vay, Công ty X đã trả cho Ngân hàng O 6.525.411.966 đồng, sau đó đã phát sinh nợ quá hạn từ ngày 14-01-2013. Ngân hàng O khởi kiện yêu cầu Công ty X phải trả nợ cho Ngân hàng O số tiền tạm tính đến ngày 24-01-2022 là 6.884.196.713 đồng (trong đó, nợ gốc là 910.000.000 đồng, nợ lãi trong hạn là 944.973.607 đồng, lãi trên gốc quá hạn là 3.062.205.205 đồng, phạt lãi quá hạn là 1.967.017.901 đồng). Tòa án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng O, buộc Công ty X phải trả cho Ngân hàng O số tiền nợ tính đến ngày 24-01-2022, tổng cộng là 4.917.178.812 đồng (trong đó nợ gốc là 910.000.000 đồng, nợ lãi trong hạn là 944.973.607 đồng, lãi trên gốc quá hạn là 3.062.205.205 đồng) và không chấp nhận đối với yêu cầu số tiền phạt lãi quá hạn là 1.967.017.901 đồng là có căn cứ, đúng pháp luật.

[2] Về yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh:

Ngân hàng O khởi kiện yêu cầu Ngân hàng V phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trả nợ thay trong trường hợp Công ty X không trả được nợ với số tiền tính đến ngày 24-01-2022 là 3.050.491.396 đồng (trong đó, nợ gốc là 910.000.000 đồng, nợ lãi trong hạn là 323.941.668 đồng, lãi trên gốc quá hạn là 1.816.549.728 đồng).

Khoản vay của Công ty X được bảo đảm theo Hợp đồng bảo lãnh vay vốn số 02/2009/NHPT.QBI-BLDA ngày 26-5-2009 và Chứng thư bảo lãnh số 03/NHPT.QBI-CTBL ngày 26-5-2009 của Ngân hàng V.

Do đó, việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của Ngân hàng V được xác định theo các thoả thuận tại Hợp đồng bảo lãnh vay vốn số 02/2009/NHPT.QBI- BLDA ngày 26-5-2009 và theo Chứng thư bảo lãnh số 03/NHPT.QBI-CTBL ngày 26-5-2009 trong trường hợp Công ty X không thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

[3] Về thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu buộc Ngân hàng V thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với khoản vay của Công ty X:

Tại Biên bản làm việc ngày 26-6-2017, Ngân hàng V trình bày: “1... Chi nhánh Ngân hàng Phát triển V đề nghị Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đ xóa số tiền phạt gốc quá hạn tính đến ngày 31-5-2017 là 1.247.957.420 đồng... Chi nhánh Ngân hàng Phát triển V sẽ lập hồ sơ đề nghị Ngân hàng Phát triển V thực hiện trả nợ thay cho Dự án nhà máy Cơ khí tổng hợp số tiền 1.500.608.504 đồng, cụ thể: nợ gốc 910.000.000 đồng, lãi quá hạn 590.608.504 đồng.

Tại Công văn số 273/NHPT.QBI-TD ngày 29-6-2017, Ngân hàng V nêu: “... Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Quảng Bình đề nghị Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đ xóa số tiền phạt gốc quá hạn tính đến ngày 30-6-2017. Trường hợp, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đ chấp thuận, Chi nhánh sẽ lập hồ sơ đề nghị Ngân hàng Pthực hiện trả nợ thay tính đến ngày 30-6-2017 với số nợ gốc là 910.000.000 đồng và lãi quá hạn 590.608.504 đồng”.

Tại Công văn số 356/NHPT.QBI-TD ngày 08-9-2017, Ngân hàng V đã nêu rõ những khó khăn trong quá trình thu hồi nợ từ Công ty X và đề nghị Ngân hàng O hỗ trợ: “Trình cấp có thẩm quyền xem xét miễn giảm số tiền phạt gốc quá hạn đối với Dự án Nhà máy Cơ khí tổng hợp ”.

Tại Công văn số 52/NHPT.QBI-TD ngày 26-01-2018 (Phúc số 20/2018/CV-OJBDN ngày 20-01-2018 của Ngân hàng O về thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh), Ngân hàng V đề nghị Ngân hàng O trả lời về việc giảm số tiền phạt gốc quá hạn để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo về việc bảo lãnh theo quy định của Ngân hàng V.

Căn cứ vào biên bản làm việc và các công văn nêu trên thì Ngân hàng V vẫn có quan điểm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với khoản vay của Công ty X. Tuy nhiên, ngày 03-7-2018, Ngân hàng V có Công văn số 256/NHPT.QBI-TD từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với dư nợ gốc là 910.000.000 đồng và lãi phát sinh liên quan đến hạng mục xe tải cẩu và nội dung này được Ngân hàng V - Chi nhánh Quảng Bình tiếp tục trình bày tại Công văn số 302/NHPT.QBI-TD ngày 24-8-2018.

Tại Điều 157 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây: Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện...”. Căn cứ quy định này, thì thời hiệu khởi kiện (3 năm) được bắt đầu lại tính từ ngày 04- 7-2018 (sau ngày Ngân hàng V ban hành Công văn số 256/NHPT.QBI-TD từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh) đến ngày 04-7-2021. Do đó, ngày 23-9-2020, Ngân hàng O khởi kiện yêu cầu Ngân hàng V thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là trong thời hiệu khởi kiện.

Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm xác định thời hiệu khởi kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của Ngân hàng V đối với số tiền dư nợ gốc 910.000.000 đồng, cùng toàn bộ lãi phát sinh liên quan đến hạng mục này đã hết và không xem xét yêu cầu của Ngân hàng O về việc buộc Ngân hàng V thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng O.

[4]. Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm quyết định chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 07/2023/KN-KDTM ngày 07/9/2023 của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, huỷ Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 05/2022/KDTM-PT ngày 07-7-2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình về phần thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, để xét xử phúc thẩm lại theo hướng xem xét yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của Ngân hàng V theo Hợp đồng bảo lãnh vay vốn số 02/2009/NHPT.QBI-BLDA ngày 26-5- 2009, Chứng thư bảo lãnh số 03/NHPT.QBI-CTBL ngày 26-5-2009 và qui định của pháp luật trong trường hợp Công ty X không thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

[5]. Các quyết định khác của bản án phúc thẩm không bị kháng nghị có hiệu lực thi hành như bản án phúc thẩm đã tuyên.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 337; khoản 5 Điều 343 và Điều 347 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

1. Chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 07/2023/KN- KDTM ngày 07/9/2023 của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng;

2. Huỷ Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 05/2022/KDTM-PT ngày 07-7-2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình về vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”, giữa nguyên đơn Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đ (O) với bị đơn Công ty TNHH X về phần thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

3. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình để xét xử phúc thẩm lại theo đúng qui định pháp luật.

4. Quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

311
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Quyết định GĐT về tranh chấp hợp đồng tín dụng số 14/2023/KDTM-GĐT

Số hiệu:14/2023/KDTM-GĐT
Cấp xét xử:Giám đốc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:23/09/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về