Bản án về yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán số 25/2022/DS-ST (bị đơn là thôn, làng, xã)

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ THANH HÓA, TỈNH THANH HÓA

BẢN ÁN 25/2022/DS-ST NGÀY 06/09/2022 VỀ YÊU CẦU THỰC HIỆN NGHĨA VỤ THANH TOÁN

Ngày 29 tháng 8 năm 2022 và ngày 06 tháng 9 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Thanh Hóa, xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 11/2021/TLST- DSST ngày 29 tháng 10 năm 2021 về việc: “Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 168/2022/QĐXXST- DS ngày 15 tháng 8 năm 2022 giữa:

Nguyên đơn: Ông Lê Bá H - sinh năm 1959 ;

Địa chỉ : Phố NH, phường ĐL, thành phố Thanh Hóa,

Người đại diện theo ủy quyền: Chị Ngọ Thị N– sinh năm 1995 ;

Địa chỉ : Thôn Dư Khánh, xã Hoằng Đạo, huyện H H, tỉnh Thanh Hóa

Bị đơn :

-Thôn TT ( Nay là Phố TT), phường ĐL, TP. Thanh Hóa, Người đại diện : Ông Lê Bá T – Trưởng thôn

-Thôn NH (Nay là Phố N H), phường ĐL,TP. Thanh Hóa, Người đại diện : Ông Trần Ngọc H – Trưởng thôn

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan :

1.UBND phường ĐL, thành phố Thanh Hóa

Người đại diện theo pháp luật: Ông Hoàng Huy C – Chủ tịch Địa chỉ : Phố Phú, phường ĐL, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Ngưi đại diện theo ủy quyền : Bà Cao Thị T – CB Tư pháp phường.

2. Ban quản lý di tích làng Bản Nguyên

Người đại diện : Ông Trần Ngọc T – Trưởng ban Địa chỉ : Phố NH, phường ĐL,TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa

3.Ông Nguyễn Kim T – SN 1953

4.Ông Lê Thế T – SN 1931

5. Ông Lê Lương T – SN 1945

6. Ông Lê Văn C – SN 1939

7. Ông Nguyễn Văn T – SN 1945

Cùng địa chỉ : Phố NH, phường ĐL,TP. Thanh Hóa ;

Tại phiên tòa có mặt người đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn, Đại diện UBND phường ĐL và ông Nguyễn Kim Thoàn.

Vắng mặt người đại diện của bị đơn; Đại diện Ban lý di tích Làng bản Nguyên và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (ông Thống; ông T; ông C; ông T).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện cùng bản tự khai và quá trình giải quyết vụ án phía nguyên đơn trình bày:

Năm 2002, nhân dân trong Làng Bản Nguyên thuộc xã ĐL, huyện Đông Sơn (nay là phố TT và phố NH, phường ĐL, thành phố Thanh Hóa), có thực hiện dự án xây dựng lại Đền thờ Chiêu Phúc Đại Vương. Ông H là người nhận thầu xây dựng thông qua hình thức dự thầu với Ban tái thiết ( các thành viên trong Ban tái thiết là do nhân dân trong Làng bầu ra để thực hiện việc xây dựng đền thờ). Sau khi xây dựng xong công trình hai bên đã tiến hành nghiệm thu và chốt công nợ.

Theo Biên bản nghiệm thu ngày 20/8/2002 giữa các thành viên đại diện làng Bản Nguyên và ông H thì xác định số tiền Làng còn nợ ông H là 25.000.000đ (Hai mươi lăm triệu đồng). Số tiền trên sẽ thanh toán đến cuối tháng 12/2002, trường hợp nếu không thanh toán thì kể từ ngày 01/01/2003 được tính lãi theo mức lãi suất vay tín dụng hoặc nếu Làng được cấp trên giải quyết 1000m2 đất cho Làng thì Làng sẽ trả nợ ông H bằng 01 suất đất ở với diện tích từ 150m2 - 180m2.

Tuy nhiên, từ đó đến nay đã hơn 20 năm, ông H đã nhiều lần yêu cầu phía Làng Bản Nguyên thanh toán tiền nợ, nhưng Làng vẫn không thanh toán cho ông H. Mặc dù hàng năm vẫn thu tiền công ích của các hộ dân và các mạnh thường quân đóng góp, nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán nợ cho ông H. Sự việc xảy ra ông H đã nhiều lần gửi đơn thư đến các cấp chính quyền để yêu cầu can thiệp, chỉ đạo các cá nhân, tổ chức liên quan vào cuộc giải quyết dứt điểm vụ việc cho ông H, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, quyền và lợi ích hợp pháp của ông H vẫn bị xâm phạm.

Ngày 04 tháng 10 năm 2021 ông H nộp đơn khởi kiện yêu cầu phải thanh toán toàn bộ số tiền gốc là 25.000.000đ (Hai mươi lăm triệu đồng); Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo Hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả tạm tính như sau: 25.000.000đ x 18,5 năm x 20%/năm x 150% = 138.750.000 (Một trăm ba mươi tám triệu bảy trăm năm mươi nghìn đồng);

- Số tiền ông H yêu cầu bồi thường do việc chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán là: 200.000.000đ (Hai trăm triệu đồng).

Tổng cả gốc; lãi và tiền yêu cầu bồi thường là 25.000.000đ + 138.750.000đ + 200.000.000đ = 363.750.000 (Ba trăm sáu mươi ba triệu bảy trăm năm mươi nghìn đồng).

Tại các bản tự khai và H giải đại diện phía bị đơn ông Lê Bá T và ông Trần Trọng H trình bày:

Đền thờ Chiêu Phúc Đại Vương được nhân dân trong Làng Bản Nguyên ( nay là Phố TT và Phố NH), tự nguyện đóng góp xây dựng lại theo ý nguyện tâm linh của nhân dân trong Làng.

Tại thời điểm xây dựng Đền Thờ các ông không làm trưởng Phố, nên không được bàn giao việc thu chi, quyết toán và khoản nợ, nên không biết cụ thể như thế nào, nhưng các ông biết có khoản nợ tiền xây dựng Đền Thờ của ông H như ông H yêu cầu.

Đến năm 2004 Đền thờ Chiêu Phúc Đại Vương được xếp hạng là Di tích lịch sử của Tỉnh và giao cho UBND phường ĐL quản lý, do đó nhân dân trong Làng không được quản lý, chỉ được đến để thắp hương theo nguyện vọng tâm linh. Do đó nhân dân trong Làng không có trách nhiệm phải thanh toán khoản nợ theo yêu cầu khởi kiện của ông H ,mà trách nhiệm này thuộc về cơ quan quản lý di tích là UBND phường ĐL và Ban Tái Thiết.

Tại các bản tự khai và H giải phía người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan( các thành viên trong Ban tái thiết) trình bày:

Năm 2002 theo tâm nguyện của nhân dân trong làng Bản Nguyên việc xây dựng khôi phục lại Đền thờ Chiêu Phúc Đại Vương vì Đền thờ này là di tích lịch sử đã bị nhà nước phá bỏ từ trước theo quy định của nhà nước. Đến năm 2002 theo NQ 05 của Bộ chính trị về việc cho phép tôn tạo, xây dựng lại các Đền thờ, Miếu mạo đã bị phá bỏ trước đây. Do đó nhân dân trong Làng có nguyện vọng được xây dựng lại Đền Thờ Thành Hoàng Làng nay là Đền Thờ Chiêu Phúc Đại Vương ( đã bị phá trước đây) để lấy nơi thờ cúng theo tín ngưỡng về tâm linh của nhân dân.

Thời kỳ đó ông Nguyễn Kim Thoàn là trưởng Làng có làm đơn đề nghị UBND xã ĐL ( nay là phường ĐL) và UBND xã có báo cáo lên UBND huyện Đông Sơn. Sau đó UBND huyện Đông Sơn chấp nhận đề nghị và cử cán bộ về đo đất để giao cho làng xây dựng Đền thờ và giao cho Làng 1000m2 ngay sát được thống nhất hiện nay, nhưng theo các cụ trong Làng thì diện tích đất UBND huyện Đông Sơn giao để xây Đền Thờ không phù hợp, nên đã đề nghị cho Làng được xây dựng Đền Thờ trên vị trí đất khác như vị trí hiện nay mới phù hợp.

Sau khi được cấp trên chấp thuận cho xây dựng thì nhân dân trong làng tổ chức họp dân và bầu ra ban Tái thiết gồm những người cao tuổi và có uy tín trong Làng thực hiện những công việc liên quan đến xây dựng Đền thờ, các thành viên này không được hưởng thù lao hay bất kỳ quyền lợi gì khi tham gia trong ban tái thiết.

Sau khi kêu gọi nhân dân trong Làng đóng góp và bàn giao tiền cho Ban Tái thiết thì Ban tái thiết đã tổ chức đấu thầu xây dựng Đền thờ và ông H đã trúng thầu và khi xây dựng xong Ban tái thiết đã tổ chức nghiệm thu công trình, thanh quyết toán với ông H và còn nợ lại ông H 25.000.000đ. Ban Tái Thiết cùng với trưởng Làng đã tổ chứa họp nhân dân trong làng để công bố công khai với nhân dân trong Làng về việc thu chi, xây dựng Đền thờ xong và khoản nợ của ông H.

Do tại thời điểm đó chính quyền địa phương có nhã ý sau này sẽ vận dụng để giao cho ông H 01 lô đất trong diện tích đất 1000m2 mà UBND huyện Đông Sơn giao để xây dựng Đền thờ trước đó, nên ông H đồng ý cho Làng nợ lại khoản tiền 25.000.000đ để chờ nhận đất.

Từ đó đến nay ông H đã nhiều lần đề nghị cấp chính quyền xem xét cấp cho ông 01 lô đất để trừ vào khoản nợ của Làng, nhưng từ đó đến nay đã qua nhiều đời lãnh đạo và các đời lãnh đạo chỉ hứa để xem xét và đến nay vẫn chưa xem xét giải quyết cho ông H.

Các thành viên trong Ban tái thiết khẳng định việc còn nợ ông H khoản tiền 25.000.000đ khi xây dựng Đền thờ Chiêu Phúc Đại Vương là có thật và nhân dân trong làng đều biết. Khi quyết toán giữa Ban tái thiết với ông H đã thỏa thuận nếu đến tháng 12 năm 2002 không trả được thì từ ngày 01/01/2003 phải trả lãi cho ông H bằng lãi suất tiền vay tín dụng, nhưng các ông cho rằng mục đích của ông H là chờ để lấy đất, nên việc thỏa thuận lãi này là cho có chứ bản thân các ông không biết cụ thể mức lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng nào và là bao nhiêu phần trăm. Sau khi xây dựng xong Đền thờ thì Ban tái thiết tự giải tán và do thời gian đã quá lâu, nên các giấy tờ liên quan đến việc đóng góp và xây dựng Đền thờ không còn lưu giữ để xuất trình cho Tòa án.

Nay ông H khởi kiện thì các ông đề nghị cấp chính quyền phải có trách nhiệm thanh toán khoản nợ xây dựng Đền thờ cho ông H vì: Đền thờ Chiêu Phúc Đại Vương là nơi tâm linh, do nhân dân trong Làng Bản Nguyên xây dựng vì lợi ích chung và Đền Thờ hiện nay đã được xếp hạng là di tích lịch sử của tỉnh và giao cho UBND phường quản lý. Mặt khác toàn bộ diện tích đất 1000m2 mà UBND huyện Đông Sơn giao cho làng Bản Nguyên để xây dựng Đền thờ, nhưng không xây dựng trên đất đó là do UBND phường quản lý chứ Làng không được quản lý, sử dụng, nên Làng không có đất để giao cho ông H.

Tại các bản tự khai và H giải phía người đại diện của Ban quản lý di tích Chiêu Phúc Đại Vương trình bày:

Ban quản lý di tích chỉ có trách nhiệm trông coi và tổ chức các hoạt động tâm linh tại Đền thờ vào các ngày lễ và ngày tế lễ Thành Hoàng Làng hàng năm, chứ không được nhận bất kỳ một chế độ nào. Việc nợ ông H khoản tiền xây dựng là có thật, nên đề nghị cấp chính quyền có biện pháp để thanh toán khoản nợ cho ông H.

Tại các bản tự khai và H giải phía người đại diện UBND phường ĐL trình bày:

Tại thời điểm nhận bàn giao, chủ tịch UBND phường ĐL đương nhiệm không được nhận bàn giao các tài liệu hồ sơ, sổ sách hay công nợ có liên quan đến xây dựng Đền thờ Thành Hoàng Làng tại làng Bản Nguyên, nay là Đền thờ Chiêu Phúc Đại Vương. Vì vậy UBND phường không có tài liệu để cung cấp cho Tòa án. Khoản tiền mà ông H yêu cầu là khoản nợ giữa cá nhân ông H với Làng Bản Nguyên . UBND phường đã tổ chức các buổi làm việc và giao cho Ban văn hóa làng tổ chức kêu gọi đóng góp, nhưng quá trình thực hiện các bên không thống nhất được.

Nay ông H khởi kiện, UBND phường đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Quá trình giải quyết vụ án Tòa án đã tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ tại các tổ chức liên quan, nhưng không thu thập được thêm các tài liệu chứng cứ gì liên quan đến việc xây dựng cũng như chuyển giao quản lý đối với Đền thờ Chiêu Phúc Đại Vương.

Tại phiên tòa ngày 29/8/2022 đại diện VKS xét thấy:

Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án và tham gia phiên tòa. Đại diện Viện Kiểm sát nhận thấy còn có một số nội dung chưa được làm rõ, cụ thể:

1. Thu thập tài liệu chứng cứ thể hiện việc họp làng Bản Nguyên, xã ĐL về việc thống nhất đóng góp xây dựng công trình đền thờ Chiêu Phúc Đại Vương, việc bầu ra Ban Tái Thiết được toàn quyền quyết định việc thu chi và mọi vấn đề của việc xây dựng công trình, trách nhiệm trả nợ còn lại 25.000.000đ của ông H.

2. Thu thập tài liệu chứng cứ về việc: Giao đất, cấp phép xây dựng, trách nhiệm quản lý công trình, có hay không việc đầu tư của ngân sách nhà nước và cấp xã (nếu có thì cụ thể như thế nào). Việc chuyển giao trách nhiệm quản lý qua các thời kỳ.

3. Công trình xây dựng trên địa phận hành chính cấp xã, nay là phường ĐL, đương nhiên phải được sự cho phép và trách nhiệm quản lý của UBND phường ĐL. Do đó cần làm rõ trách nhiệm của UBND phường ĐL.

4. Cần phải tiến hành lấy lời khai một số người dân có tuổi ( Ngoài ban tái thiết) sinh sống ổn định, biết và tham gia vào việc đóng góp xây dựng công trình Đền thờ Chiêu Phúc Đại Vương năm 2002 để làm rõ thêm việc đóng góp xây dựng, việc bầu nên Ban Tái Thiết và Trách nhiệm trả số tiền còn nợ lại của ông H.

Sau khi thảo luận Hội đồng xét xử xét thấy:

Đối với yêu cầu thu thập tài liệu chứng cứ của Đại diện Viện Kiểm Sát nhân dân thành phố Thanh Hóa từ mục 1 đến mục 3. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa đã tiến hành thu thập các tài liệu chứng cứ trên theo quy định của pháp luật được thể hiện tại các BL: từ 125 đến 138; 140;142;106;147;104; 148;152 trong hồ sơ vụ án.

Mặt khác tại phiên tòa người đại diện UBND phường ĐL và ông Nguyễn Kim Thoàn (Nguyên trưởng Làng Bản Nguyên) đã khẳng định, hiện nay không còn lưu bất cứ tài liệu, chứng cứ gì có liên quan đến Đền Thờ Chiêu Phúc Đại Vương để nộp cho Tòa án.

Do đó HĐXX không chấp nhận đề nghị của Đại diện VKS về việc thu thập bổ sung các tài liệu chứng cứ từ mục 1 đến mục 3. Chỉ chấp nhận thu thập thập bổ sung các tài liệu chứng cứ tại mục 4.

Vì vậy đề nghị của Đại diện VKS tại mục 4, thuộc quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 259 của bộ luật tố tụng dân sự. Nên HĐXX thống nhất ngừng phiên tòa để thu thập bổ sung tài liệu chứng cứ nêu trên.

Kết quả thu thập tài liệu chứng cứ bổ sung tại mục 4 trong quá trình tạm ngừng phiên tòa như sau:

Việc xây dựng lại Đền Thờ là do nguyện vọng của nhân dân trong Làng Bản Nguyên được tự nguyện đóng tiền để xây dựng và đã được các cấp có thẩm quyền đồng ý. Sau đó tổ chức họp Làng để bầu ra Ban Tái thiết và thống nhất mức tiền đóng. Các Xóm đã bầu ra một ban để thu tiền và nộp cho Ban Tái Thiết. Sau khi xây dựng xong Ban Tái Thiết cùng trưởng Làng đã tổ chức họp nhân dân trong làng để công khai các khoản thu chi xây dựng Đền Thờ trong đó có khoản UBND phường hỗ trợ 40 triệu để xây dựng Đền Thờ và khoản còn nợ ông H 25 triệu đồng.

Tại phiên tòa:

Nguyên đơn yêu cầu phải thanh toán nợ gồm 25.000.000đ tiền gốc; Tiền lãi tính theo mức lãi xuất quy đinh tại Khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự là 10%/năm, kể từ ngày 01/01/2003 đến ngày xét xử là 49.201.388đ tiền lãi; Tiền bồi thường do chậm thanh toán là 200.000.000đ.

Phía UBND phường đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ý kiến của đại diện VKS tại phiên tòa ngày 06/ 9/ 2022:

Quan điểm về tố tụng: Tòa án đã thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật. Quan điểm về nội dung: Tại phiên tòa ngày 29/8/2022, Đại diện VKS nhân dân thành phố Thanh Hóa đã đề nghị Hội đồng xét xử thu thập bổ sung các tài liệu chứng cứ liên quan đến 4 vấn đề, nhưng Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận bổ sung tài liệu chứng cứ liên quan đến một vấn đề tại mục 4 và đã thu thập bổ sung. Do đó việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ theo đề nghị của Đại diện VKS, nên Đại diện VKS không phát biểu quan điểm về nội dung giải quyết vụ án mà chỉ phát biểu quan điểm về mặt tố tụng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ vào kết quả xét hỏi tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về Tố tụng:

Đây là tranh chấp về dân sự, trong thời hiệu khởi kiện và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa theo quy định tại Khoản 3 Điều 26; Điểm a Khoản 1 Điều 35 và Điểm a Khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Đối với các đương sự vắng mặt tại phiên tòa:

Tòa án đã tống đạt hợp lệ Quyết định đưa vụ án ra xét xử và giấy triệu tập tham gia phiên tòa , nhưng những người này đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt. Nên HĐXX căn cứ Khoản 1 Điều 227 và Khoản 1 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự xét xử vắng mặt họ.

Tại phiên tòa đại diện nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện (không yêu cầu Tòa án giải quyết đối với khoản tiền lãi quá hạn). Xét việc rút một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là hoàn toàn tự nguyện, do đó HĐXX áp dụng Khoản 2 Điều 244 của Bộ luật tố tụng dân sự đình chỉ xét xử đối với với những yêu cầu mà nguyên đơn đã rút.

[2] Xét yêu cầu của nguyên đơn:

Vào năm 2002 nhân dân trong Làng Bản nguyên có nguyện nộp tiền để xây dựng Đền thờ Thành Hoàng Làng ( Nay là Đền thờ Chiêu Phúc Đại Vương), mục đích để Làng quản lý, lấy nơi tổ chức thờ cúng theo tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân trong Làng.

Sau khi thống nhất và được sự đồng ý của chính quyền thì nhân dân trong Làng bầu ra Ban Tái Thiết gồm những người cao tuổi và có uy tín trong Làng để đại diện cho nhân dân trong Làng đứng ra tổ chức xây dựng Đền thờ. Sau khi xây dựng Đền thờ xong thì Ban này tự giải thể, các thành viên trong Ban Tái Thiết không được hưởng thù lao hay bất kỳ lợi ích gì. Hiện nay chỉ một số thành viên còn sống, số còn lại thì đã chết.

Nhưng đến năm 2004, Đền thờ Chiêu Phúc Đại Vương được công nhận là di tích lịch sử của tỉnh và giao cho UBND phường ĐL quản lý. UBND phường đã có quyết định thành lập Tiểu ban quản lý di tích Chiêu phúc Đại Vương và giao cho Tiểu ban quản lý di tích có nhiệm vụ : « Chịu trách nhiệm trước Ban quản lý di tích xã, chủ tịch UBND xã về quản lý, chỉ đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tiểu Ban quản lý di tích danh thắng ; báo cáo kịp thời những vấn đề phát sinh, vướng mắc, quản lý, bảo vệ, phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa theo quy định. Giao trực tiếp cho Tiểu Ban quản lý di tích Chiêu Phúc Đại Vương trông coi, bảo quản di tích và các hiện vật tại di tích ». Mặt khác vào năm 2006 UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với diện tích đất có di tích cho UBND phường ĐL được quyền sử dụng. Như vậy mặc dù nhân dân trong làng Bản Nguyên đã đóng góp xây dựng Đền thờ, nhưng kể từ khi Đền thờ được công nhận là di tích lịch sử của tỉnh thì đã giao cho UBND phường ĐL có quyền quản lý, sử dụng và cũng kể từ đó Tiểu ban quản lý di tích do UBND phường thành lập có quyền trông coi, tổ chức các hoạt động tâm linh tại Đền thờ vào các ngày lễ và ngày tế lễ Thành Hoàng Làng hàng năm và thu tiền cung tiến của nhân dân, chứ nhân dân trong làng bản Nguyên không được hiện các quyền này. Do đó cần áp dụng Điều 280 của Bộ luật dân sự buộc UBND phường ĐL, phải có trách nhiệm trả khoản tiền nợ do xây dựng Đền thờ cho ông H là phù hợp và mới đảm bảo được quyền lợi của ông H.

Xét về yêu cầu Khoản tiền lãi:

Tại văn bản ngày 20/8/2002 giữa ông H với Ban Tái thiết và Trưởng Làng đã thỏa thuận: Nếu đến tháng 12 năm 2002 không trả được nợ thì kể từ ngày 01/01/ 2003 phải chịu lãi theo mức lãi suất cho vay tín dụng, nhưng các bên không thỏa thuận rõ loại lãi suất của Tổ chức Tín dụng nào và mức lãi suất bao nhiêu phần trăm. Mặt khác quá trình giải quyết vụ án các bên đều thống nhất, việc thỏa thuận lãi tại thời điểm đó là cho có và chung chung, chứ không cụ thể mức lãi như thế nào, vì lúc đó mục đích của ông H là muốn lấy đất để trừ vào khoản nợ chứ không muốn lấy tiền.

Do các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất. Nên áp dụng mức lãi suất được quy định tại Điều 468 của Bộ luật dân sự là 10%/ năm , kể từ thời điểm ngày 01/01/2003 đến ngày 06/9/2022 ( Ngày xét xử vụ án) là 25.000.000đ x 10%/năm x 19 năm 08 tháng 05 ngày = 49.201.388đ.

Do đó tổng số tiền UBND phường ĐL, thành phố Thanh Hóa phải trả cho ông Lê Bá H là: 25.000.000đ tiền gốc + 49.201.388đ tiền lãi = 74.201.388đ ( Bảy mươi tư triệu hai trăm linh một nghìn ba trăm tám tám đồng).

Xét về yêu cầu bồi thường do việc chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán:

Đây là quan hệ dân sự, giữa ông H và các bên thỏa thuận đồng ý cho nợ lại tiền và không thỏa thuận thời gian bắt buộc phải trả nợ, nên không phát sinh trách nhiệm phải bồi thường. Do đó không có cơ sở chấp nhận về yêu cầu bồi thường do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán của nguyên đơn.

[3]Về án phí: UBND phường ĐL, thành phố Thanh Hóa phải chịu tiền án phí trên số tiền phải thi hành là: 74.201.388đ x 5% = 3.710.069 đ.

Lẽ ra Nguyên đơn phải chịu án phí DSST đối với số tiền không được chấp nhận theo quy định tại Khoản 4 Điều 26 NQ 326/2016/ UBTVQH 14, nhưng ông H là người cao tuổi, nên thuộc trường hợp được miễn tiền án phí DSST theo quy dịnh tại Điểm đ Khoản 1 Điều 12 NQ 326/2016/ UBTVQH 14, nên ông H không phải nộp tiền án phí.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng:

Khoản 3 Điều 26; Điểm a Khoản 1 Điều 35 và Điểm a Khoản 1 Điều 39;

Khoản 1 Điều 227 và Khoản 1 Điều 228; Điều 271; 273; Khoản 1 Điều 244 của Bộ luật tố tụng dân sự;

Khoản 1 Điều 280; Điều 468 của Bộ luật dân sự.

Khoản 4 Điều 26 ; Điểm đ, Khoản 1, Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.

Xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện khởi kiện của ông Lê Bá H.

Buộc UBND phường ĐL, thành phố Thanh Hóa phải có trách nhiệm trả cho ông Lê Bá H khoản tiền nợ xây dựng Đền thờ Chiêu Phúc Đại Vương là 74.201.388 đ (Trong đó 25.000.000đ tiền nợ gốc và 49.201.388đ tiền lãi).

Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Lê Bá H đối với yêu cầu về số tiền bồi thường là 200.000.000đ.

2. Đình chỉ đối với yêu cầu khởi kiện về khoản tiền lãi quá hạn mà Nguyên đơn đã rút.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thì phải chịu lãi suất quá hạn theo quy định Điều 357; Khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự, tương ứng với số tiền và thời gian chậm thanh toán.

3. Về án phí:

UBND phường ĐL, thành phố Thanh Hóa phải chịu tiền án phí 3.710.069 đ.

Ông Lê Bá H được miễn tiền án phí DSST đối với khoản tiền không được Tòa án chấp nhận.

Người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7, 7a và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự;

4.Về quyền kháng cáo:

Nguyên đơn; UBND phường ĐL và ông Nguyễn Kim T có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Bị đơn; Ban quản lý di tích làng Bản Nguyên và Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ( ông T; ông T; ông C; ông T) có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

212
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán số 25/2022/DS-ST (bị đơn là thôn, làng, xã)

Số hiệu:25/2022/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Thanh Hóa - Thanh Hoá
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 06/09/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về